Nhà thầu KĐT lấn biển Đa Phước “phù phép” nguồn cát khống ra sao?
Sau khi nguồn cát ăn cắp ở Hội An bị báo chí phát hiện, buộc khu đô thị (KĐT) Sunrise Bay tại Đa Phước (Hải Châu – Đà Nẵng) phải tạm dừng thi công để giải trình, nhà thầu đã “phù phép” hồ sơ, đánh lừa dư luận về một mỏ cát ở huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam).
“3 triệu khối cát ở Tây Giang, nghe mà chua xót”
Ngay sau khi Dân Việt đăng bài “Nhà thầu dự án KĐT lấn biển Đa Phước lại tìm nguồn cát khống” (24.4), Công ty Trung Nam đã phản bác bài viết bằng cách đưa ra bằng chứng là QĐ số 1193 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (Tây Giang). QĐ này (6.4.2015) ghi rõ trữ lượng khai thác cát 3 triệu khối.
Ông Bhling Mia – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang – khi được PV Dân Việt cung cấp tài liệu này đã thốt lên: “Trong đời chưa bao giờ thấy văn bản này”. Ông Bhling Mia khẳng định, xã A Tiêng nằm ngày trung tâm huyện, mỏ cát 3 triệu khối thi công lúc nào, ở đâu, vị trí nào ông phải biết. “Tây Giang tôi nắm trong lòng bàn tay, sông suối ở đây cát để xây dựng NTM còn chưa có, lấy đâu bán ra Đà Nẵng?”, ông nói.
Vị Chủ tịch huyện này cho rằng, quyết định này không có thật, vì dẫu cho UBND tỉnh cấp thì huyện phải biết vì nằm trên địa bàn, cơ quan tham mưu phải bắt đầu từ cấp huyện.
“Chúng tôi làm đường nông thôn mới còn phải sang Nam Giang, xuống Đại Lộc hoặc sông Túy Loan của Đà Nẵng mua từng xe cát thì bây giờ nói Tây Giang có mỏ 3 triệu khối ai tin? Nói thật, tôi chả biết mặt mũi các nhà thầu, công ty thi công đô thị Đa Phước như thế nào mà dám nói nguồn cát 3 triệu khối ở Tây Giang. Có việc gì cứ đổ hết cho Tây Giang, nghe mà chua xót”, vị Chủ tịch nói.
“Phù phép” hồ sơ
Ông Bhling Mia vừa chỉ cho PV Dân Việt vị trí mà trong QĐ gia hạn mỏ cát ở Tây Giang vừa nói: “Toàn rừng núi, cây cối, lấy đâu ra 3 triệu khối cát?”. Tại điểm này, dòng sông chảy qua xã A Tiêng vẫn hiền hòa, chưa hề có dấu hiệu một nhát cuốc bổ xuống, đừng nói đại công trường đã và đang móc ruột đến 3 triệu khối cát ở đây.
Vị trí mà Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam được khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng (Tây Giang) vẫn yên bình. (Ảnh: Nam Cường)
Lần theo hồ sơ, chúng tôi không thể tin nổi, nhà thầu KĐT lấn biển Đa Phước là Công ty Trung Nam lại có thể phù phép nguồn cát khống, đánh lừa dư luận một cách thô thiển như vậy. Theo tài liệu mà PV Dân Việt có được, QĐ 1193/QĐ/UBND của UBND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch Huỳnh Khánh Toàn ký, cho phép Công ty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn Quảng Nam khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến 5.2019.
Để hợp thức hóa nguồn cát, Công ty Trung Nam ký hợp đồng (số 27 (20.9.2016) với Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam, mua cát san nền số lượng 1 triệu khối với giá 45 tỷ đồng. Vấn đề là tìm đâu ra mỏ cát ở xã A Tiêng để các bên hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ nhằm chứng minh được nguồn cát hợp lệ khi đổ ở KĐT lấn biển Đa Phước?
Điều tra của PV cho thấy, QĐ số 1193 thực chất là QĐ gia hạn giấy phép của một mỏ đá tại Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam). Đối chiếu 2 QĐ cùng có một số, cùng ngày cấp, đều do ông Huỳnh Khánh Toàn ký, có thể thấy QĐ gốc (gia hạn cho mỏ đá ở Nam Giang) đã được chỉnh sửa một cách tinh vi.
Ví dụ: Tại điều 1, QĐ 1193 gia hạn cho mỏ đá Khe Rọm theo QĐ số 1777/QĐ-UBND ngày 29.5.2009 thì QĐ 1193 gia hạn mỏ cát ở A Tiêng được sửa thành “gia hạn theo QĐ số 1777/QĐ-UBND ngày 29.11.2014″; phần tiếp theo tại điều 1 là “Diện tích khu vực đươc phep tiêp tuc khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất là 5,57ha được giới hạn bởi các điểm góc khép kín từ 1 đến 4, hệ toạ độ VN 2000, kinh tuyến trục 107045′ múi chiếu 30 xác định trên Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1/1.000 kèm theo…” được sao chép nguyên xi sang QĐ 1193 cấp cho mỏ cát ở xã A Tiêng.
Video đang HOT
Như vậy, hai địa điểm là Khe Rọm ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) và A Tiêng (Tây Giang) cách nhau gần 100km hóa ra lại cùng… 1 tọa độ? Ngoài ra, việc sao chép còn thô thiển tới mức, để nguyên từ “huyện Nam Giang” tại điều 2, mục 2 thay vì phải thay thế bằng “huyện Tây Giang”.
Quyết định 1193/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam có dấu hiệu sao chép. (Ảnh: Nam Cường)
Đây mới là quyết định thật của QĐ 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015.
Theo Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam, Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam đăng ký hoạt động từ 14.11.2014, nay đã giải thể. Tính đến thời điểm 31.1.2017 đến ngày 22.2.2017 doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền phạt tổng cộng 2.328.940 đồng.
Ông Nguyễn Văn Thọ – Phó GĐ Sở TNMT tỉnh Quảng Nam – cho biết, mỏ cát ở A Tiêng (huyện Tây Giang) Sở TNMT không cấp phép, còn nếu khai thác phục vụ cho công trình giao thông nông thôn thì do huyện cấp phép. Tuy nhiên, chưa bao giờ nghe nói đến mỏ cát ở xã A Tiêng. Các văn bản lưu trữ của Sở TNMT tỉnh cũng không có chuyện mỏ cát ở xã A Tiêng.
Như vậy, sau khi bị buộc phải tạm dừng thi công để chứng minh nguồn vật liệu, KĐT Sunrise Bay (KĐT lấn biển Đa Phước) mới đây đã được Sở Xây dựng cho phép thi công trở lại vì nguồn vật liệu hợp pháp.
Cụ thể, trong hợp đồng này chủ đầu tư dự án Đa Phước yêu cầu: Đá khai thác từ các mỏ thuộc Hoà Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Đại Lộc (Quảng Nam), cát khai thác từ huyện Tây Giang (Quảng Nam). Nhà thầu là Công ty Trung Nam lại tiếp tục “phù phép” nguồn cát khống ở Tây Giang (Quảng Nam).
UBND tỉnh Quảng Nam và ông Phó Chủ tịch Huỳnh Khánh Toàn nghĩ gì khi QĐ và chữ ký của chính ông bị “phù phép” như vậy? Sở Xây dựng và UBND TP.Đà Nẵng nghĩ gì khi bị Công ty Trung Nam “qua mặt”?
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Danviet
Lên bản sương giăng, băng đèo mây phủ
Nằm ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, thôn A Rầng 1 (xã A Xan, H. Tây Giang, Quảng Nam) ngày càng được nhiều bạn trẻ tìm đến khám phá...
Từ trung tâm huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, đi về phía tây khoảng hơn 20km sẽ đến được đỉnh Quế cao 1.369m so với mực nước biển.
Dù không phải là điểm cao nhất trên đường lên xã biên giới A Xan (H. Tây Giang) nơi giáp giới với nước bạn Lào, nhưng có lẽ do địa hình đồi dốc ngoằn ngoèo kiểu lòng chảo nên ở đỉnh Quế dường như quanh năm mây phủ.
Và lên đến đỉnh Quế, du khách có thể dừng lại nghỉ ngơi tại trạm dừng chân, tự phục vụ ăn uống bằng chính lương thực mang theo.
Rời đỉnh Quế, dân mê khám phá sẽ tiếp tục chinh phục khoảng hơn 13km đường núi, với nhiều đồi dốc khúc khuỷu, dựng đứng... xuyên qua xã Tr'Hy để đến với xã biên giới A Xan.
Và dĩ nhiên không thể không ghi vào tầm mắt những không gian trập trùng và thơ mộng.
Đến ngay trung tâm xã A Xan sẽ thấy một con dốc nhỏ dựng đứng, đi theo con dốc lên hơn 1 cây số là đến được thôn văn hóa của người Cơ Tu - thôn A Rầng 1.
Thôn bản như nằm lọt thỏm giữa biển sương mờ, và được bao bọc bởi những chập chùng đồi núi đẹp như tranh...
Thôn A Rầng 1 có 43 hộ dân là người dân tộc Cơ Tu sinh sống, với khoảng gần 1.000 khẩu.
Nằm ở khu vực trung tâm là nhà Gươl, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa bao đời của người Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cũng là điểm sinh hoạt truyền thống của dân làng, là nơi trang trọng nhất để tiếp khách phương xa...
Nhà dân cũ có, mới có, nối nhau thành những vệt dài hệt những cánh tay đan vao nhau như muốn ôm gọn lấy ngôi nhà chung truyền thống.
Hiếm hoi lắm thôn A Rầng 1 mới có khách đến chơi, nên mỗi khi khách phương xa đến, từ người già cho đến người trẻ đều nhiệt tình tiếp đón và mời về nhà nghỉ lại.
Có thể nói, trải qua một ngày, một đêm dừng chân ở A Rầng 1, thì sự hiếu khách và lòng nhiệt tình của người dân khiến khách phương xa lưu luyến không rời.
Và với những người say mê "xê dịch" thì hành trình lần tìm đến những thôn bản sương giăng, được hít thở bầu không khí thanh sạch, yên bình luôn hấp dẫn họ... Dù chỉ xì xụp với những hộp mì bóc vội cũng khiến họ cảm thấy thỏa lòng.
Theo iHay!
Bắt giữ một ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai Sáng ngày 19.4, Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt giữ một chiếc ghe hút cát lậu chứa đầy cát. Ghe hút cát lậu của ông Nguyễn Văn Nghệ - Ảnh: Lê Lâm Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 9 giờ cùng ngày, chiếc ghe có số hiệu TG 5781,...