Nhà tâm linh tìm mộ, làm giả hiện vật và hài cốt để lừa đảo, có đồng phạm hay không?
Vợ chồng NT và MD tự xưng là nhà tâm linh, có khả năng “thấu thị” nhìn xuyên thấu mọi sự vật và có thể nói chuyện với người âm để tìm mộ.
Nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy bằng ngoại cảm thực chất chỉ là… xương động vật (Ảnh chụp từ clip của VTV)
Để gây thanh thế và tạo lòng tin với những người có nguyện vọng đi tìm mộ liệt sĩ, vợ chồng này đã phối hợp với một ngân hàng chính sách để thực hiện rất nhiều vụ tìm mộ.
Nội dung vụ án
Sau mỗi vụ tìm mộ, nhà tâm linh NT được ngân hàng trả 75 triệu đồng (Số tiền được ngân hàng này phát động các đoàn viên công đoàn quyên góp mỗi người một ngày lương. Ngân hàng quyên góp được hơn 10 tỷ đồng cộng với số tiền các nhà hảo tâm đóng góp, tổng số lên tới 70 tỷ đồng). Hành vi của nhà tâm linh được làm rõ là: Tự mua tiểu sành, mua xương lợn nái cho vào tiểu sành, và tạo ra hiện vật bằng cách khắc tên liệt sĩ đang cần tìm lên một số đồ vật như bi đông, ca sắt… rồi cho người chôn xuống một vị trí nhất định.
Sau khi nhận lời và nhận tiền của các gia đình có thân nhân là liệt sĩ (mỗi người 15 triệu đồng) có nguyện vọng tìm mộ, biết rõ tên tuổi, nơi hy sinh của liệt sĩ, nhà tâm linh hứa tiếp tục quá trình tìm kiếm. Sau vài tháng, nhà tâm linh gọi và đưa gia đình đến một nơi hoang vắng và bắt đầu khấn vái để nhập vong nói chuyện với người âm. Sau đó nhờ vong đưa đến nơi đặt mộ chính là vị trí mà nhà tâm linh đã chôn hài cốt giả và hiện vật giả.
Nhìn thấy hiện vật có tên tuổi người thân của mình, nhiều gia đình đã tin tưởng và đưa thêm 100 triệu đồng/trường hợp theo đề nghị của nhà tâm linh. Vợ của nhà tâm linh (cũng là người đã có tiền án) tuy không trực tiếp tìm mộ, nhưng biết rõ hành vi làm hiện vật giả của chồng và cũng tham gia vào các hoạt động của nhà tâm linh NT. Sau khi đã tổ chức nhiều đợt quy tập, tìm kiếm hàng trăm mộ liệt sĩ, nhà tâm linh đã nhận của ngân hàng chính sách kia tổng số tiền là 7,9 tỷ đồng và hàng trăm triệu đồng của các gia đình đi tìm mộ. Đặc biệt có đêm, nhà tâm linh này thông báo đã khai quật 42 hài cốt và đút túi 3 tỷ đồng. Qua kết quả kiểm tra 105 ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ của 3 tỉnh Đak Lak, Băc Ninh và Bình Phước do nhà tâm linh này tìm kiếm cơ quan chức năng đã xác định đều chứa xương động vật. Nhà tâm linh bị bắt và khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo bạn đọc trong trường hợp này, vợ của nhà tâm linh là MD có phải là đồng phạm hay không? Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia vào các vụ tìm mộ và trả tiền cho nhà tâm linh, vậy những cán bộ ngân hàng có liên quan có phải là đồng phạm không?
Bình luận của luật sư Phạm Hồng Hải
Video đang HOT
Hành vi của NT đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật Hình sự. Hành vi này cũng cấu thành tội Hành nghề mê tín dị đoan theo điều 247 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên theo nguyên tắc không truy cứu 2 tội cho cùng một hành vi nên việc NT lợi dụng mê tín dị đoan để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tình tiết tăng nặng.
Xem xét vụ việc có thể thấy thủ đoạn lừa đảo của NT rất tinh vi và không thể thực hiện được một mình. Qua xem xét các tình tiết vụ án, qua hành vi của MD chúng ta có thể khẳng định MD biết rõ và giúp sức một cách tích cực cho NT lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của MD phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo các quy định pháp luật không truy tố hình sự tổ chức, tập thể nên không quy kết ngân hàng chính sách tham gia tìm mộ liệt sĩ là đồng phạm với NT trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng nếu cơ quan điều tra phát hiện được cá nhân nào trong ngân hàng biết rõ NT lừa đảo mà vẫn giúp sức cho NT lừa các gia đình liệt sĩ, cá nhân đó se bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với NT. Mặt khác, nếu NT gây ra hậu quả nghiêm trọng vì có sự giúp sức của ngân hàng chính sách, có thể lãnh đạo ngân hàng sẽ bị khởi tố theo tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ luật Hình sự
Ngân hàng chính sách là một tổ chức của Nhà nước, trong vụ việc này dẫu là bị lợi dụng hay giúp sức cho NT. lừa đảo, lãnh đạo ngân hàng và các cán bộ tham gia cũng sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức.
Có thể ngân hàng chính sách chỉ nạn nhân của nhà tâm linh NT, song đây cũng là bài học cho những cán bộ công chức lạc hậu, mê tín dị đoan.
Theo Xahoi
Vợ chồng "cậu Thủy" lừa tìm kho vàng thế nào?
Sau khi "học nghề", Nguyễn Thanh Thúy lấy nghệ danh "cậu Thủy" để thành cặp đôi với vợ đi lừa tiền thiên hạ thông qua các trò trừ ma, diệt quỷ, tìm vàng, tìm mộ phần bị mất tích...
Sau khi Nguyễn Thanh Thúy (tức "cậu Thủy") bị bắt giam vì làm giả hài cốt liệt sỹ, Tiền Phong tiếp cận một số tài liệu ghi lại những phi vụ lừa đảo trong quá khứ của vợ chồng "nhà tâm linh" này.
Bà Duyên (áo xanh) chứng kiến buổi khám xét của cơ quan công an
Theo tài liệu Tiền Phong có được, Nguyễn Thanh Thúy từng có thời gian phục vụ trong ngành công an, nhưng sau đó bị loại ngũ, rồi kết hôn với Mẫn Thị Duyên (51 tuổi, một đối tượng chuyên lừa đảo) vào năm 1996. Sau khi "học nghề", Thúy lấy nghệ danh "cậu Thủy" để thành cặp đôi với vợ đi lừa tiền thiên hạ thông qua các trò trừ ma, diệt quỷ, tìm vàng, tìm mộ phần bị mất tích...
Siêu lừa đảo
Lật lại hồ sơ vụ án, năm 1994, chị Đoàn Thị T, ở thị xã Bắc Ninh đi lễ ở Tây Thiên, Vĩnh Phúc, tình cờ gặp Mẫn Thị Duyên. Sau khi nghe nhiều người giới thiệu Duyên là một thầy bói cao tay, chị T liền tìm đến nhà Duyên nhờ xem một quẻ.
Bấy giờ Duyên phán: "Đất nhà chị ở có gia phả của người Tàu để lại có 4 tráp vàng. Nhưng đời chị chỉ lấy được 2 tráp, nếu chị muốn lấy thì em lấy giúp". Tin tưởng, chị T đồng ý chuẩn bị lễ để Duyên lấy vàng lên. Sau một hồi lầm bầm khấn vái, Duyên khoanh đất trong khu vườn, bảo chị T đào một hố sâu để lấy vàng.
Trước khi lấy vàng lên, Duyên yêu cầu chị T phải ra khỏi nhà để nữ thày bói này yểm bùa gài quân "âm binh". Khoảng 10 phút sau, chị T quay lại, nhảy xuống hố quả thực thấy có một chiếc tráp, trên nắp có 2 chữ nho màu vàng. Duyên mở tráp ra cho gia chủ xem "thỏi vàng nặng 1,25kg", rồi tiếp tục một số công đoạn... yểm bùa.
Sau khi hoàn tất các thủ tục thần bí, Duyên yêu cầu chị T mang "vàng" đặt lên bàn thờ để thờ đúng 100 ngày và dọa: "Trong thời gian này không được xê dịch tráp, không được động vào tráp, nếu không vàng sẽ biến thành đất".
Thấy chị T cả tin, Duyên bắt đầu "bòn tiền". Đầu tiên, Duyên bắt chị T phải bỏ ra 24,5 chỉ vàng để "đãi lỗ" (số vàng này Duyên nói để trả cho âm binh quản vàng), nhưng do chị T mới đưa 20 chỉ vàng, nên Duyên bắt chị T phải thờ tráp đủ 5 tháng mới được lấy xuống dùng.
Một thời gian sau, chị T phát hiện tráp vàng bị xê dịch, liền vội vàng báo với Duyên. Nữ thầy bói này liền nói vàng trong tráp đã bị hóa, giờ phải đem đốt bỏ, đổ xuống hố cũ thì vàng sẽ về lại. Chị T lại răm rắp làm theo mà không biết đây chính là trò lừa đảo của Duyên. Tổng cộng, chị T đã "đầu tư 21 triệu đồng gồm tiền "đãi lỗ", tiền mua lễ vật, song chỉ thu lại được chiếc tráp không.
Róc xương, róc tuỷ nạn nhân
Sau phi vụ trên, năm 1996, Duyên lấy "cậu Thuỷ", và người chồng mới rất hợp cạ trong công việc "làm ăn". Thấy chị T vẫn còn khả năng xoay tiền, vợ chồng Duyên nhận chị T làm chị kết nghĩa để tìm cơ hội lừa tiếp.
Ngôi nhà khang trang của vợ chồng Thuý - Duyên
Lần này, vợ chồng Duyên gạ chị T bán một căn nhà để trả nợ lần tìm vàng trước (30 triệu đồng) và tiếp tục lấy "tráp vàng" lên. Khi chị T đồng ý, Duyên đưa ra danh sách lễ vật, gồm toàn những thứ khó kiếm. Do không thể kiếm những lễ vật theo yêu cầu của Duyên, chị T đã đưa tiền nhờ Duyên mua giúp.
Đương nhiên, số tiền này bị Duyên nuốt trọn, vì lễ "đãi âm binh" chị T không được phép xuất hiện. Duyên nói như đinh đóng cột, lần này em giúp chị lấy 1,8 kg vàng và sẽ đuổi được thần giữ của ra khỏi nhà chứ không như lần trước. Kết quả, chị T lại mất trắng 23 triệu đồng với vợ chồng Duyên - Thúy. Không buông tha nạn nhân, vợ chồng Duyên còn dọa nếu không lo lễ cho "quan âm binh" thì đứa con lớn của chị T sẽ bị xe kẹp chết. Một thời gian ngắn sau, Duyên lại gạ chị T lo tiền để đào vàng lần 3...
Quái chiêu lừa đảo chữa bệnh
Ngoài chị T, vợ chồng "cậu Thủy" còn nhận 2 người khác làm em trai, chị gái để lừa họ "xì tiền" đào vàng, chiếm đoạt của họ 35 triệu đồng và 19,5 chỉ vàng. Tuy nhiên sau đó, vợ chồng siêu lừa này đã bị một người em kết nghĩa bóc bài lừa đảo. Sau đó, Duyên - Thúy phải bồi thường 1 xe Dream, 1,5 chỉ vàng và ghi giấy nợ 3,5 triệu đồng.
Bà Tạ Thị Đ (ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) một nạn nhân khác của vợ chồng "cậu Thủy" cho biết, vợ chồng này có rất nhiều quái chiêu lừa đảo. Một lần, con trai lớn của bà Đ ngồi trước cửa, Thúy đi qua vẩy một loại dung dịch gì đó vào mặt khiến da mặt cậu bé đỏ ửng. Đang định đưa con đi viện thì Thúy gàn: "Không phải đưa đi đâu hết, tôi sẽ làm lễ, đúng 5 giờ chiều nay sẽ khỏi".
Quả thật, đến chiều thì những vết đỏ trên mặt cậu bé nhạt dần. Sau này bà Đ mới vỡ lẽ, loại hóa chất mà Thúy sử dụng chỉ có tác dụng trong vài tiếng.
Chưa hết, khi cúng "lấy vàng" tại nhà nạn nhân, Duyên còn có bài ngã ngửa người ra đất, miệng ứ máu. Gia chủ chưa kịp hỏi, Duyên liền nói "thần giữ của nhà chị ác quá, không đồng ý cho lấy vàng nên đánh em"...
Vào rạng sáng một ngày cuối năm 1997, Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã ập vào nhà bắt, khám xét vợ chồng Thúy, Duyên để điều tra về hành vi lừa đảo. "Vụ án gây xôn xao dư luận vào những năm 90 với số nạn nhân và số tiền bị chiếm đoạt khoảng 160 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn ở thời điểm đó" - một thượng tá Công an huyện Yên Phong (người trực tiếp ập vào nhà bắt Thúy năm 1997) nhớ lại.
Sau nhiều năm đi tù, vợ chồng Thúy - Duyên vẫn không thay đổi bản chất lừa đảo, táng tận lương tâm của mình và lại bị bắt giữ.
Theo Dương Lê
Vợ chồng 'cậu Thủy' lừa tìm kho vàng 'Đất nhà chị ở có gia phả của người Tàu để lại 4 tráp vàng, nhưng đời nhà chị chỉ lấy được 2 tráp, nếu chị muốn, em sẽ lấy giúp'... đây là những 'mánh' lừa của vợ chồng 'nhà tâm linh' Thúy Duyên để móc túi những người dân giàu có, nhẹ dạ. Nguyễn Thanh Thúy từng có thời gian phục vụ...