Nhà tài trợ thanh minh chuyện giục chặt 6700 cây xanh HN
Chặt 6700 cây xanh Hà Nội
Bị dư luận kết tội nôn nóng giục chặt 6700 cây xanh Hà Nội, đại diện các nhà tài trợ trong đề án xã hội hóa trồng cây lên tiếng.
Trả lời PV về lý do tại sao ngân hàng VPBank tham gia dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội khiến dư luận bức xúc trong những ngày qua, ông Trần Tuấn Việt – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank, cho hay: Phía ngân hàng nhận thấy chủ trương trồng thêm cây tại Hà Nội là điều tốt.
Hàng trăm cây xanh đã bị đốn hạ.
Trong các dịp đầu xuân hàng năm, người Việt Nam vẫn có truyền thống Tết trồng cây theo tinh thần của Bác Hồ, vì vậy phía ngân hàng đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Thành phố Hà Nội.
“Số tiền mà VPBank huy động từ cán bộ công nhân viên (30.000 đồng/người từ lương) là để tài trợ cho việc trồng cây chứ không tài trợ cho việc chặt cây”, đại diện VPBank khẳng định.
Ông Tuấn Việt cũng cho hay, phía ngân hàng không có ý kiến trong việc yêu cầu thành phố trồng loại cây gì vì đó là “việc của các cơ quan chuyên môn của thành phố. Nhà tài trợ dĩ nhiên là không đủ chuyên môn và cũng không có thẩm quyền để quyết định việc này”.
Với tiết lộ của lãnh đạo thành phố Hà Nội trong buổi họp báo chiều 20/3, việc đốn hạ các cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội gây bức xúc dư luận do khi thực hiện chủ trương đúng quy trình, đúng pháp luật nhưng thiếu thông tin và do “sự nôn nóng của các đơn vị tài trợ”, nhiều nghi ngờ đặt ra, liệu sự “nôn nóng” mà ông Phó Chủ tịch UBND Hà Nội nhắc đến có xuất phát bởi tiêu cực tham nhũng và lợi ích nhóm không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định: “Thay mặt thành phố, tôi xin khẳng định hoàn toàn không có tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm trong việc thay thế cây trên địa bàn Thành phố”.
Người dân thủ đô mong muốn giữ lại hàng cây cổ thụ.
Cũng câu hỏi này, đại diện VPBank cho hay, phía ngân hàng đóng góp tiền trồng cây mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Việc tài trợ chỉ đơn thuần là một hoạt động thiện nguyện vì môi trường.
Ông Tuấn Việt cũng phản bác ý kiến cho rằng, nhà tài trợ nôn nóng thúc giục tiến độ đốn hạ cây xanh khiến dư luận hiểu lầm chủ trương đúng đắn của thành phố.
“Tôi hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm do nhà lãnh đạo kia nói không rõ ý. Việc các cán bộ nhân viên VPBank cùng nhau đóng góp để trồng cây rồi bị dư luận đối xử như lâm tặc thực sự quá sức tưởng tượng của chúng tôi”, ông Tuấn Việt nói.
Video đang HOT
Ngoài VPBank, ngày hôm nay, thêm một nhà tài trợ là Tập đoàn Vingroup cũng đã lên tiếng trước vụ lùm xùm gây bức xúc dư luận này.
Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tập đoàn tham gia tài trợ cho đề án xã hội hóa trồng cây xanh tại Hà Nội ở 2 tuyến phố là Hàng Bài và Phố Huế với tổng kinh phí 841 triệu đồng.
Theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí, chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án.
Theo thông tin mà phía tập đoàn biết thì kinh phí tài trợ cho đề án là để tiến hành thay thế những cây trồng tự phát, không phù hợp, đặc biệt là những cây to bị sâu bệnh hoặc mục ruỗng, có nguy cơ gẫy, đổ, bật rễ… gây nguy hiểm cho người dân.
“Hưởng ứng sự kêu gọi của thành phố, với mong muốn góp phần đem lại sự an toàn cho cộng đồng nên các doanh nghiệp, trong đó có Vingroup, đã hưởng ứng chủ trương của thành phố.
Chúng tôi cũng cho rằng các doanh nghiệp khác khi tham gia việc cải tạo, nâng cấp cây xanh của Hà Nội đều hướng đến lợi ích cộng đồng”, ông Hiệp khẳng định.
Trước những lùm xùm thời gian qua, khi được hỏi liệu VPBank có tiếp tục tài trợ chương trình trồng cây tại Hà Nội nữa hay không, ông Tuấn Việt cho hay: Thành ý của VPBank mang màu xanh đến Hà Nội không thay đổi, nhưng chúng tôi đang rất đau đớn khi nhìn những hàng cây xanh bị chặt hạ ngổn ngang. Tuần tới chúng tôi sẽ làm việc lại với Thành phố Hà Nội để đảm bảo tiền tài trợ được sử dụng đúng mục đích.
Còn phía Vingroup thì cho hay, trong trường hợp thành phố dừng đề án này thì khoản kinh phí đã tài trợ, tập đoàn sẽ chuyển sang cho các dự án vì cộng đồng khác của thành phố.
Trước đó, thông tin Hà Nội thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nhiều người dân thủ đô cho rằng, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh không thăm dò ý kiến người dân là một việc khó có thể chấp nhận.
Trong số 6.700 cây xanh sẽ bị “đốn hạ”, có những cây đến hàng trăm năm tuổi, gắn bó với người dân thủ đô như máu thịt. Chính vì vậy, “cuộc chiến” bảo vệ cây đã được người dân thủ đô đẩy lên mạnh mẽ.
Tại nhiều hàng cây thuộc diện bị thay thế, người dân đã gắn những dòng chữ đầy tâm huyết: “Tôi đang khỏe mạnh, xin đừng giết tôi!”. Dòng chữ nhỏ in trên trang giấy nhưng đó là cả mong muốn của triệu người dân thủ đô khi muốn giữ lại những hàng cây xanh.
Cùng với đó, nhiều Fanpage trên mạng xã hội Facebook được thành lập, kêu gọi ủng hộ việc Hà Nội dừng chặt hàng nghìn cây xanh trên các tuyến phố. Các Fanpage này nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi, đóng góp ý kiến đề xuất trước đề án được đánh giá là “táo bạo” này của Hà Nội.
Ngay sau khi dư luận lên tiếng phản đối, tại phiên họp sáng 20/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu dừng việc chặt cây xanh trên một số tuyến phố.
Vũ Mạnh Quân – Nhân viên thiết kế
Như quan điểm chung của cộng đồng trong thời gian vừa qua, chúng tôi – những nhân viên VPBank đều rất bức xúc và lên án việc chặt cây xanh. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự cảm thấy shock khi bỗng nhiên bị đổ hết cả “tội lỗi” lên đầu vì câu nói của lãnh đạo thành phố.
Nhân viên chúng tôi không quyên góp 30.000 đồng mỗi người để thành phố chặt cây. Việc ủng hộ đóng góp nếu có của Ngân hàng là nghe theo lời kêu gọi trồng cây với mục đích đóng góp cho cộng đồng. Còn việc các cơ quan chức năng sử dụng số tiền đó ra sao, có đúng mục đích và hợp lòng dân không thì chúng tôi làm sao tác động được.
Khánh Ly – Trưởng Phòng Giao dịch – Hội sở VPBank
Qua truyền thông, tôi biết việc chặt cây xanh vừa qua là theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Còn VPBank chỉ tham gia trong quá trình trồng cây xanh, để mang đến màu xanh cho thành phố.
Vì vậy, là nhân viên VPBank, chúng tôi rất ủng hộ việc này vì việc trồng cây sẽ mang lại màu xanh cho thành phố, tốt cho môi trường và sức khỏe người dân. Vậy nên tôi thật sự ngỡ ngàng khi bị cho là những người góp phần làm cây xanh Hà Nội bị đốn hạ.
Theo Bảo Bình/VTC News
Theo_Kiến Thức
Cảm xúc từ họp báo cây xanh: Hy vọng bất ngờ và thất vọng
Cuộc họp báo chiều qua tại trụ sở UBND TP Hà Nội khiến người ta trải qua nhiều cảm xúc từ hào hứng hy vọng rồi bất ngờ và sau đó là thất vọng.
Đến với cuộc họp, các nhà báo - phóng viên mang bao niềm hy vọng, hào hứng... bởi cách đó vài tiếng đồng hồ Chủ Tịch UBND TP Hà Nội đã có thông báo về việc dừng chặt cây.
Là những người tiếp xúc với người dân vì vậy hiểu rất rõ mong muốn và thắc mắc của người dân, nhiều phóng viên được người dân gửi gắm câu hỏi đến lãnh đạo TP nhân buổi họp. Thay dư luận, thay người dân (những người không có cơ hội đến dự họp) gửi đến lãnh đạo TP Hà Nội những thắc mắc chính đáng.
Người dân Thủ đô cho rằng không nên đi vào chi tiết quá
"nên tính chuyện trồng cây gì và nuôi con gì".
Khi lãnh đạo Hà Nội lần lượt phát biểu xong. Đến lượt phóng viên, cả trăm cánh tay dơ lên...đến câu thứ 21 dường như không muốn cuộc họp chỉ có hỏi mà không có trả lời các phóng viên, nhà báo đặt tay xuống. Dù biết chắc trong số đó vẫn còn rất nhiều câu hỏi nữa đang dự định cất lời.
Thế nhưng hụt hẫng, bởi sau 21 câu hỏi, ông Phó Chủ tịch diễn giải một mạch với những phát biểu (hùng hồn): "Việc thực hiện thu hồi gỗ, củi mục, cây đánh chuyển, thanh lý, tất cả các cơ quan chức năng của TP đều phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Các nhà báo sẽ xuống trực tiếp các cơ quan của TP và tôi đề nghị ngày hôm nay các đơn vị chức năng của TP phải công khai minh bạch những nội dung của các cơ quan báo đài đã nêu hôm nay và mời các cơ quan báo đài đến trực tiếp những vị trí để cây, nơi đánh vườn ươm, nơi có củi mục để có cơ sở để báo chí đưa thông tin tới nhân dân, TP Hà Nội không bao giờ có một cái gì khuất tất, mờ ám trong việc này và thực hiện đúng quy định."
"Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP trả lời đầy đủ, cung cấp đầy đủ những nội dung mà các cơ quan báo chí đã hỏi. Chúng tôi sẽ giao cho các cơ quan chức năng thông tin trả lời một cách đầy đủ, chính xác. Nếu các đơn vị nào không đầy đủ phải chịu trách nhiệm trước TP, trước Chủ tịch TP."
Những tưởng sau những phát biểu đó, những người đến họp sẽ được nghe những trả lời thỏa đáng thì cuộc họp lại kết thúc trong sự ngỡ ngàng. Phải chăng 21 câu hỏi đó quá khó có lời đáp như công trình toán học?
Hoặc như nhà báo Nguyễn Việt Chiến chia sẻ sau cuộc họp của rằng, với hơn 20 câu hỏi nhận được từ phóng viên trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch Thành phố có lẽ phải cần sự tham mưu của các ban ngành bên dưới mới có câu trả lời chính xác. Nhưng nếu nói về tính thời sự, có thể thấy "các câu hỏi đã không được trả lời".
Bất ngờ nhất trong cuộc họp là việc ông Hùng cho biết việc chặt cây là từ sự nôn nóng của nhà tài trợ cũng khiến dư luận không khỏi tò mò. Phải chăng nhà tài trợ có quyền quyết định, hay một tâm thư xúc động nên phải quyết định vội vàng?
Theo ông Hùng kinh phí chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng đã huy động 30.000 đồng từ mỗi nhân viên, Công an TP.Hà Nội vận động mỗi cán bộ đóng 15.000 - 20.000 đồng. Song, ông Hùng không tiết lộ tổng kinh phí xã hội hóa là bao nhiêu.
"Trong sự việc này, chúng tôi khẳng định không có bất cứ lợi ích nhóm nào hay tiêu cực gì ở đây. Sự đóng góp của các tổ chức xã hội là tấm lòng hảo tâm rất quý", ông Hùng nói. Câu trả lời chưa có nhưng chắc chắn sau câu nói này của vị Phó Chủ tịch TP Hà Nội sẽ có nhiều câu hỏi khác mà dư luận đặt ra?
Một bất ngờ nữa là khi các phóng viên đặt câu hỏi, một người cho hay là người dân thủ đô có trình độ về môi trường, xây dựng xuất hiện tại hội trường. Những tưởng người dân ấy sẽ thay mặt cho bao nhiêu người dân thủ đô khác gửi những câu hỏi đến lãnh đạo thành phố thì phát biểu của người dân thủ đô này xung quanh ý nói các phóng viên không nên đi vào chi tiết quá "nên tính chuyện trồng cây gì và nuôi con gì".
Việc chặt hà hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố tại Thủ đô khiến dư luận phản đối, theo lãnh đạo Hà Nội việc chặt cây xanh đã được người dân ủng hộ - "Hầu hết nhân dân khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ" công văn của Hà nội phát đi ngày 18/3, được nhiều báo đài đăng tải. Thế nhưng những ngày qua có thể hiểu rõ những người dân có ủng hộ việc xóa bóng mát, thậm chí là chặt lá phổi xanh của họ hay không. Việc chặt cây được ủng hộ như thế nào hẳn lãnh đạo Hà Nội cũng rõ.
Cũng theo UBND Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát, với khoảng 70 loài được trồng trên gần 3.000 km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc đã xuất hiện hiện tượng sâu mục, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão. Trên một số tuyến đường tồn tại cây lâm nghiệp không phải cây đô thị (như cây keo)... Đây là cơ sở để Sở Xây dựng đề xuất chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh. Nhưng thực tế trên một số tuyến phố gần như cả hàng cây bị xóa sổ "nếu không được dừng" chẳng lẽ toàn bộ số đó đều cong nghiêng, sâu mọt.....?
Cuộc họp báo kết thúc khiến các nhà báo, phóng viên bất ngờ.
Vài giờ sau đó Uỷ ban Nhân dân Thành phố (UBND) Hà Nội ban hành công văn, giao Sở Xây dựng trả lời các câu hỏi của các phóng viên.
Công văn nên rõ, tại cuộc họp ngày 20/3 của UBND Thành phố với cơ quan thông tin, tuyên truyền, đã có 21 nhà báo nêu câu hỏi chi tiết về việc tổ chức thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua.
Để giải đáp, làm rõ những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND Thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25/3/2015.
Hy vọng, câu trả lời tới đây của những người có trách nhiệm trong vụ việc sẽ làm thỏa đáng lòng dân.
PV Báo Người Đưa Tin
Theo_Người Đưa Tin
Nhà tài trợ Vingroup lên tiếng việc chặt cây xanh ở Hà Nội Theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí, chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án. Trong một thông báo ngày 18/3, phía Hà Nội cho hay Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh,...