Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lòng dân là thước đo tầm vóc
Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với Tiền phong về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là nhà nghiên cứu lịch sử ông đánh giá ra sao về tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam và thế giới?
Đánh giá về tầm vóc của Đại tướng thì đúng như Đại tướng từng nói, phải gắn với thời đại của chính ông, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người hỏi tại sao cuộc đời Đại tướng lại gắn với con đường binh nghiệp, dù không có quá trình chuẩn bị thông thường nào về quân sự, Đại tướng trả lời rằng điều ấy nên hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bằng con mắt tinh đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ông – một trí thức trẻ, nhưng có thể nói quá khứ không hề gắn với quân sự. Lúc đó còn có Phùng Chí Kiên, những người khác được đào tạo chính quy, nhưng tại sao Bác lại giao cho Võ Nguyên Giáp trọng trách đó, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được.
Cũng như khi Bác giao cho Đại tướng đứng đầu quân đội, Người đã đặt một cái tên – biệt danh cho Đại tướng là Văn, như một lời nhắc nhở quân sự thực chất nền tảng của nó cũng là văn hóa, gắn liền với sự nghiệp cứu nước. Chiến công nổi bật của Đại tướng là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nếu Bác không giao toàn quyền quyết định cho Đại tướng ở mặt trận, nếu có một bộ máy quan liêu nâng lên đặt xuống, chắc không bao giờ có được thắng lợi có tính chất lịch sử quyết định. Nhưng Đại tướng lại nói về mình với tất cả sự khiêm nhường đó là phải hoàn thành mọi nhiệm vụ Bác giao cho, vì đó cũng là nhiệm vụ của lịch sử.
Video đang HOT
Ở riêng góc độ quân sự, chúng tôi ghi nhận trong rất nhiều công trình mang tính chất tổng kết lịch sử thế giới trong thế kỉ 20 mà tôi đọc được, không có công trình nào mà không ghi danh Đại tướng. Dù với mọi tiêu chí khác nhau, ở mọi thời đại từ lịch sử chiến tranh thế giới trước công nguyên đến nay, hoặc chỉ riêng thế kỷ 20, thì đều có Đại tướng. Và một điều đặc biệt hơn, vào thời điểm xuất bản những cuối sách đó, Đại tướng là người duy nhất còn sống. Không phải danh tướng nào trên thế giới cũng được ghi danh như thế. Tầm vóc của Đại tướng chỉ có thể so sánh với chính ông mà thôi.
Đại tướng được những người tiến bộ trên thế giới tôn vinh, có lẽ không chỉ là tài thao lược trên chiến trường, mà hẳn còn vì có gì rất tiêu biểu của nghệ thuật quân sự Việt Nam?
Tôi nghĩ Đại tướng đã phát huy được truyền thống của dân tộc. Tôi nói điều này không hoàn toàn ở góc độ nghề nghiệp mà với tất cả những gì Đại tướng nói và viết ra chúng ta đọc được và tôi được chứng kiến. Ví dụ cuộc nói chuyện của ông hai lần với tướng McNamara tiếp xúc với các đồng minh cũ, hay chuyện Đại tướng tiếp xúc với con trai Tổng thống Kennedy, ông luôn nhắc đến truyền thống của dân tộc. Truyền thống quan trọng nhất mà Đại tướng nhắc đến và muốn chứng minh là truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta.
Và cuối cùng, tôi thấy ông là người rất tin tưởng vào tương lai. Khi gặp con trai cố Tổng thống Mỹ Kennedy, ông nói rằng thế hệ trẻ của nước Mỹ đã chứng kiến một cuộc chiến tranh rất khốc liệt, nhưng các bạn hãy đọc lại lịch sử để thấy có một thời nước Mỹ từng là đồng minh của Việt Nam, chống phát xít Nhật. Vì vậy, thế hệ trẻ Mỹ cũng như thế hệ trẻ Việt Nam phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử hữu nghị, hòa bình, trên những bài học từ chiến tranh.
Dòng người chảy không dứt về 30 Hoàng Diệu, nhà tang lễ suốt gần 10 ngày qua, gợi cho ông điều gì?
Chúng ta đang được chứng kiến một thời điểm mà lòng người, lòng dân hướng về vị Đại tướng của dân tộc trong thời điểm ông ra đi. Nó gợi lại cho một thế hệ đã chứng kiến lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là thước đo quan trọng nhất để đánh giá một con người. Chúng ta có thể có những cách tiếp cận khác nhau, có quan điểm khác nhau đánh giá về một nhân vật lịch sử, nhưng không có gì bằng thời gian và bằng lòng người.
Luôn nhìn với con mắt của người có trách nhiệm
Là một nhà sử học, ông có nhận xét gì về con người đời thường của Đại tướng?
Cái lớn nhất của một con người đã sống trọn một thế kỷ, trải nghiệm qua tất cả những biến cố quan trọng của thế kỷ ấy, ở vị trí của những người đóng vai trò quyết định của lịch sử thể hiện ngay ở điều Đại tướng nói: Đó là ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Bác Hồ giao cho và cũng là nhiệm vụ lịch sử giao cho, với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Luôn vì việc công, để việc công lên trên.
Con người ông, dù cương vị nào cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, thậm chí trên cả bản thân mình. Tôi rất nhớ lần tôi đến phỏng vấn ông, khi tôi nhắc đến câu chuyện ông làm công tác kế hoạch hóa gia đình, ông nói rất thản nhiên rằng “đấy cũng là một nhiệm vụ được giao” và ông đã hoàn thành nhiệm vụ đó.
Tôi nghĩ một con người thản nhiên trước bất kỳ một thử thách nào, đấy là con người tri túc (biết đủ điều cần biết). Tôi cho rằng một trong những cái để tạo nên phẩm chất ấy, có lẽ bởi ông cũng là một nhà sử học, ông nhìn thấy cái tất yếu trong cuộc sống.
Trong những lần gặp gỡ với Đại tướng, điều gì để lại ấn tượng thực sự sâu sắc trong ông?
Tôi may mắn được gặp Đại tướng khi ông không còn giữ cương vị gì trong Đảng và Nhà nước. Tôi thấy ông là người hết sức nghiêm túc. Là Chủ tịch Hội danh dự của chúng tôi, nhưng ông không làm hình thức mà theo rất sát từng việc, tôn trọng mọi người.
Bản thân tôi có lần được chuẩn bị tư liệu để Đại tướng phát biểu tại Ấn Độ – sự kiện đó như dấu mốc cho sự khởi đầu nghiên cứu, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi chuẩn bị rất công phu, được Đại tướng khen ngợi và đọc rất kỹ. Nhưng khi phát biểu chính thức tôi chẳng thấy dấu ấn gì của mình. Sau này tôi có hỏi Đại tướng “sao lúc đó anh rất khen em mà lại không thấy dùng gì”? Đại tướng bảo “Không. Điều quan trọng là phải làm hết sức của mình. Cậu giúp việc tôi nhưng tôi có quyền dùng hay không dùng. Nhưng tôi rất muốn cậu đã làm việc gì, phải làm đến nơi đến chốn”. Đó là thái độ cần học hỏi rất đáng quý đối với người trẻ.
Cảm ơn ông !
Tiền Phong
Ra đi và để lại
Một trái tim ngừng đập, triệu triệu trái tim rung động, đau nhói, từ những cựu chiến binh, người cao tuổi đến lớp lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Một người ra đi để lại nỗi tiếc thương mênh mang, sâu thẳm không gì bù đắp được trong cõi lòng 90 triệu đồng bào. Giữa dòng người dài bất tận, lặng lẽ ngày và đêm vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng; trong dòng người tiễn biệt ở buổi Lễ Quốc tang và trong tâm tưởng muôn triệu người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhân cách, đức độ, khí tiết của vị tướng vì dân, vì nước với nụ cười hiền hậu, sẽ còn sống mãi.
Danh tiếng Đại tướng không chỉ gắn liền với Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân 1975, Điện Biên Phủ trên không, chiến tranh biên giới, ông còn là vị tướng thời bình, đau đáu, trăn trở tới những vấn đề cụ thể trong sự nghiệp giáo dục, khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế chấn hưng đất nước. Ở bất kể trọng trách nào được giao phó, ông cũng hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Không chỉ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, người dân mới hiểu hết, hiểu sâu những gì mà ông để lại cho mai sau. Cả nước tiếc thương, tiễn biệt ông, những giọt nước mắt nghẹn ngào trào dâng là sự đồng cảm sâu nặng, sự kính trọng thiêng liêng vị tướng của lòng dân. Hình ảnh của Đại tướng hằn sâu trong trái tim người dân, ông đã kế thừa những chiến công hiển hách của các danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Ông để lại cả một di sản vô giá cho đời sau: "Vì nhân dân quên mình" cho đến giây phút cuối cùng trở về với đất mẹ. Quên đi tất cả, quên cả gánh nặng thời gian, tuổi tác, như ông nói: "Tôi sống ngày nào cũng là vì dân, vì nước ngày đó".
Vì nhân dân ông quên mình, nên nhân dân không bao giờ quên ông. Chính trong niềm tiếc thương vô hạn, trong đau xót mất mát, hai tiếng "đồng bào" âm thầm, lặng lẽ lan tỏa trong tâm khảm hàng triệu người dân. Hai tiếng đồng bào vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thiêng liêng và cao đẹp trong hàng vạn người kiên nhẫn xếp hàng, trong khu vườn nhà Đại tướng và còn âm vang trong muôn triệu con tim người dân Việt. Những giọt nước mắt cùng chung một niềm tiếc thương, chung một nỗi mất mát một vị tướng bình dị của dân, vì dân dường như lọc trong, tẩy sạch những vẩn đục, bụi bặm trong lòng người và trong xã hội. Nỗi buồn đau là hiện thân của cái đẹp, nâng cao tâm hồn con người. Hơn thế, đây còn là điểm tựa giúp con người vượt qua những cám dỗ, bon chen, tiêu cực để sống cho đúng nghĩa một con người nhân hậu, trong sạch, để đức lại cho con cháu.
Nhân dân cả nước cúi đầu tiễn biệt vị tướng của mình như muốn giữ ông ở lại với cuộc đời. Dành trọn cuộc đời hơn một thế kỷ cho dân, cho nước, sự ra đi của Đại tướng thực ra là trở về sống trong lòng dân mãi mãi. Di sản mà ông để lại trong trái tim, tâm hồn nhân dân có giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, nhân cách, nhân phẩm vô cùng cao quý và cần thiết cho mỗi con người, cho cả xã hội, cho hôm nay và cả mai sau. Từ nhân dân mà ra, dành trọn đời cho dân, nay ông trở về trong lòng dân - ngôi đền thiêng liêng nhất trường tồn vĩnh hằng. Mãi mãi ông thuộc về nhân dân, thân thương, gần gũi trong hai từ "Bác Giáp".
Đan Thanh
Theo ANTD
7 điều các bạn trẻ có thể học được từ cuộc đời Đại tướng "Và tôi thiết nghĩ, cách tốt nhất để một con người để nói lời thương tiếc với một nhân cách lớn là viết ra những gì mình học được từ nhân cách đó. Đừng đơn thuần chỉ là nói thương tiếc". Một bạn trẻ với biệt danh Raguel Trung đã suy nghĩ như vậy trước sự kiện ra đi của Đại tướng Võ...