Nhà sáng lập tiền mã hóa trả 4,5 triệu USD để dùng bữa với tỉ phú Warren Buffett
Justin Sun, nhà sáng lập đồng Tron, vừa thắng đợt đấu giá dùng bữa trưa cùng huyền thoại đầu tư Warren Buffett, người nổi tiếng không tin vào bitcoin và tiền mã hóa.
Ông Warren Buffett – Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, ông Sun trả 4,57 triệu USD để ăn trưa cùng tỉ phú Mỹ. Năm 2017, Sun sáng lập Tronix, hay còn được biết đến với cái tên Tron và TRX. Hiện giá trị đồng này đạt 2,56 tỉ USD, phổ biến thứ 10 trên thế giới, theo Coinmarketcap. Doanh nhân 28 tuổi người Trung Quốc cho hay ông kỳ vọng mình sẽ thay đổi được quan điểm về công nghệ blockchain và tiền mã hóa của huyền thoại đầu tư 88 tuổi.
Sun chia sẻ qua điện thoại: “Thay đổi quan điểm là chuyện rất phổ biến trong giới đầu tư. Cơ hội đầu tư là tốt nhất khi nhiều người đánh giá thấp công nghệ”.
Buffett và đối tác kinh doanh lâu năm của mình, ông Charles Munger, từng chỉ trích tiền mã hóa trong quá khứ. Ông Buffett gọi bitcoin là “thuốc diệt chuột”, trong khi ông Munger so sánh nó như “chất độc”. Huyền thoại đầu tư Mỹ cho rằng bitcoin không có giá trị và tiền mã hóa sẽ có kết thúc tồi tệ. Dù vậy, ông vẫn cho rằng công nghệ blockchain “quan trọng”.
Video đang HOT
“Ngay cả một trong các nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại cũng đôi khi bỏ qua làn sóng sắp đến. Ông Buffett từng thừa nhận mình trả giá quá cao khi đầu tư lớn vào hãng Kraft Heinz, trong khi không nhận ra sớm tiềm năng của Amazon, Alphabet và cả Apple”, Sun nói.
Justin Sun – Ảnh: SludgeFeed
Cuộc đấu giá bữa trưa với Buffett được thực hiện hằng năm để ủng hộ cho tổ chức từ thiện Glide. Những năm qua, hơn 30 triệu USD được ủng hộ theo cách này. Glide dùng số tiền để cung cấp bữa ăn cho người vô gia cư, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và giúp nhiều người tìm nơi ở.
Sếp David Einhorn của hãng Greenlight Capital và Ted Weschler là hai trong số những người từng thắng đấu giá. Ông Weschler đặc biệt thắng hai lần, sau đó được hãng đầu tư Berkshire Hathaway của ông Buffett tuyển dụng.
Justin Sun từng thành lập Peiwo, ứng dụng như Snapchat cho Trung Quốc với hàng triệu người dùng. Sau đó, ông tạo đồng Tron bằng cách dùng mã của Ethereum và “ sao chép” một chút ý tưởng từ nhiều đồng mã hóa khác nhau. Năm ngoái, Sun mua ứng dụng chia sẻ tệp phần mềm BitTorrent với giá 120 triệu USD. Cuối tháng trước, BitTorrent thông báo cho phép người dùng lưu trữ tệp tin trên mạng máy tính phân tán bằng cách dùng đồng BTT.
Dù có đam mê lớn với blockchain và tiền mã hóa, Sun cho biết mình vẫn giao dịch cổ phiếu và đọc báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm của nhiều hãng công nghệ. Ông muốn học hỏi thêm về chiến lược đầu tư giá trị của ông Buffett. Thông thường, bữa trưa cùng tỉ phú giàu thứ tư thế giới diễn ra ở nhà hàng bít tết Smith & Wollensky tại New York (Mỹ). Sun có thể mời đến bảy người cùng tham gia với mình và ông Buffett.
Theo Thanh Niên
Nhân viên Huawei lo lắng về tương lai
Dù nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bác bỏ quan ngại về đòn cấm vận mới của Mỹ, tuy nhiên nhiều nhân viên tập đoàn này vẫn rất lo lắng.
Không phải nhân viên Huawei nào cũng tự tin như nhà sáng lập Nhậm Chính Phi
Ông Nhậm vào tuần trước khẳng định Huawei có tích trữ vi mạch và hoàn toàn đủ khả năng tự sản xuất để chống chọi với hai lệnh cấm mà chính quyền Washington đưa ra.
"Nếu muốn biết chuyện của chúng tôi, các bạn có thể vào "Tiếng lòng" - diễn đàn trao đổi nội bộ sử dụng bởi đội ngũ Huawei (cho phép người ngoài truy cập một phần)", ông Nhậm tự tin tuyên bố.
Tuyên bố trên chẳng thể trấn an tất cả mọi người. Một nhân viên tên Xiao Feng viết trên diễn đàn nội bộ: "Những cá nhân như chúng ta nên làm gì trong lúc khó khăn? Trả bớt nợ và giữ đủ tiền mặt. Lập kế hoạch cho những tài sản tài chính, đừng quá lạc quan về thù lao hay thu nhập".
Còn theo một nhân viên giấu tên: "Một mình Huawei chẳng thể giải quyết vấn đề. Chúng ta cần tìm kiếm hỗ trợ từ chính sách nhà nước". Người này còn đề xuất chặn linh kiện Mỹ vào thị trường Trung Quốc giống như từng làm với Facebook, Google hay Twitter.
Vài nhân viên khác hiến kế tránh lệnh cấm: dùng nền tảng thương mại điện tử Taobao mua linh kiện, lập hàng loạt công ty mới để mua hàng từ nhà cung cấp Mỹ.
Một nhân viên dùng tên thật Xu Jin kêu gọi "cùng tiến cùng lui" với Huawei. Nhưng một người khác lấy tên Youxin lại chia sẻ: "Tôi cũng muốn làm vậy, nhưng sếp tôi vừa bảo hãy xếp đồ và ra đi".
Chính quyền Washington hai tuần trước vừa tung đòn cấm vận: cấm công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi đơn vị gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đồng thời cấm Huawei lẫn 70 chi nhánh mua linh kiện từ nhà cung cấp Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ chính quyền.
Ngay sau đó, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ quay lưng Huawei. Danh sách đơn vị tẩy chay tập đoàn Trung Quốc ngày một nhiều.
Theo Một Thế Giới
Nhà sáng lập Huawei phản đối Trung Quốc trả đũa Apple Nhà sáng lập Huawei cho biết ông sẽ là người đầu tiên phản đối nếu Trung Quốc trả đũa Apple - hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ, bất chấp việc Washington từng 'mạnh tay' với Huawei. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg gần đây, Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, đã nhận...