Nhà sáng lập Daewoo và duyên nợ với Việt Nam
Sinh thời, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn Daewoo Kim Woo-choong có nhiều gắn bó với Việt Nam – cả khi sự nghiệp kinh doanh của ông đang ở đỉnh cao lẫn khi ông sống cuộc đời lưu vong. Lần cuối cùng ông Kim Woo-choong tới Việt Nam là năm 2017, ở tuổi 81.
Nhà sáng lập Daewoo trong 1 sự kiện tại Việt Nam năm 2017.
Kim Woo-choong – ‘tứ trụ’ khai sinh ra nền kinh tế Hàn Quốc hiện đại
Ông Kim Woo-choong, nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo là nhân vật có nhiều tranh cãi tại Hàn Quốc. Một mặt, ông được thừa nhận với những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế Hàn Quốc. Ở khía cạnh khác, ông Kim Woo-choong bị coi là kẻ tham nhũng và thất bại.
Nhưng, dù ở góc độ nào, công chúng Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung vẫn thừa nhận cựu Chủ tịch Daewoo là một phần quan trọng trong lịch sử kinh tế Hàn Quốc- một trong “tứ trụ” khai sinh ra nền kinh tế Hàn Quốc hiện đại.
Ngoài Daewoo, Hàn Quốc còn có những tập đoàn (chaebol) lớn khác là Samsung, Hyundai và LG giúp gầy dựng nền kinh tế đất nước này hùng mạnh.
Tập đoàn Hyundai do ông Chung Ju Yung sáng lập, kinh doanh ở các lĩnh vực như xây dựng, chế tạo ôtô, chất bán dẫn, công nghệ đóng tàu…
Tập đoàn Samsung do ông Lee Byung Chul lập ra với thế mạnh là sản xuất các mặt hàng điện tử, đồ điện gia dụng.
Tập đoàn LG được ông Koo In Hoe sáng lập, ban đầu sản xuất kem đánh răng, xà phòng, sau đó bắt đầu sản xuất đồ điện gia dụng và hàng điện tử kỹ thuật cao.
Ba chaebol lớn của Hàn Quốc là Hyundai, Samsung và LG vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong khi Daewoo, tập đoàn kinh tế hùng mạnh thứ tư của Hàn Quốc với trên 300.000 nhân viên, đã sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997, 1998 với khoảng 75 tỷ USD tiền nợ.
Nhà sáng lập Daewoo và duyên nợ với Việt Nam
Tháng 6/2005, ông Kim Woo-choong đáp chuyến bay số 734 của hãng Asiana khởi hành từ Hà Nội tới sân bay Incheon – chuyến bay kết thúc quãng đời lưu vong hơn 6 năm của một huyền thoại kinh tế Hàn Quốc.
Trước đó, vào tháng 3/2001, thông qua Interpol, Seoul đã ban hành lệnh truy nã cựu chủ tịch Daewoo vì tội lừa đảo do ông đã trốn khỏi Hàn Quốc năm 1999 sau khi Daewoo sụp đổ.
Theo một số hãng thông tấn, trong 6 năm lưu vong, ông Kim Woo-choong đã sống ở Pháp, Đức, Mỹ, Sudan và cuối cùng là Việt Nam.
Trước khi về nước, Kim đã nói lời xin lỗi trong một thư viết tay gửi tới hãng tin Yonhap: “Tôi trở về để nhận trách nhiệm và tôi vô cùng xin lỗi vì chuyện Daewoo. Tôi rất hối hận vì những gì xảy ra và xấu hổ vì đã không nhận trách nhiệm sớm hơn dù tôi là người trông coi việc làm ăn của Daewoo”.
“Tôi trở về như một doanh nhân ngã ngựa, như con cáo hấp hối quay đầu về núi để nghiền ngẫm những vấn đề quá khứ của mình”, cựu Chủ tịch Daewoo viết.
Ông Kim Woo-choong xuất thân từ một cậu bé bán báo rong. Khởi đầu sự nghiệp bằng nghề kinh doanh hàng dệt với 5.000 USD vay mượn, ông đã xây dựng “đế chế” Daewoo bằng cách mua lại những công ty thua lỗ nhờ vào những mối quan hệ thân thiết với giới chức chính phủ. Trong ba thập kỷ, ông biến Daewoo thành tập đoàn khổng lồ sản xuất ôtô, tàu biển, quần áo, tivi và xây cao ốc.
Video đang HOT
Năm 1995, khi Daewoo đang ở thời kỳ hoàng kim, ông Kim Woo Choong đã đầu tư xây dựng sân golf Vân Trì ở Đông Anh, Hà Nội.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Daewoo phá sản năm 1999 với khoản nợ trên 75 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng này ập đến giữa lúc chiến lược sản xuất ô tô của ông phải mất một thời gian dài nữa mới thu được lợi nhuận từ những nhà máy mới xây dựng. Ông Kim bị cáo buộc là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của Daewoo vì đã thổi phồng tài sản của công ty lên đến 41 tỷ USD để vay được những khoản vốn đầu tư rất lớn cho kế hoạch bành trướng sản xuất ô tô của mình.
Năm 2006, bị kết án tù 8 năm rưỡi nhưng sau một năm rưỡi, ông được nhà nước ân xá.
Có lẽ chính ước mơ quá lớn đã thúc đẩy ông đi quá nhanh, nhưng sai lầm của ông đã cho các thế hệ đi sau một bài học lớn: Vội vã vì mục đích trước mắt sẽ cản trở mục tiêu đích thực lâu dài. Bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh sẽ thành công trong mọi việc.
Từ năm 2012, cựu Chủ tịch Daewoo và các cộng sự thực hiện dự án Nhà quản lý kinh doanh trẻ toàn cầu tại Việt Nam.
Năm 2017, ở tuổi 81, ông Kim Woo-choong quay lại Việt Nam cùng với con trai của mình, trong một sự kiện do Học viện Sáng tạo và Khởi nghiệp IDJ tổ chức tại Hà Nội.
“Bố của tôi luôn nói với tôi là ông coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, sau Hàn Quốc. Tình yêu mà ông dành cho Việt Nam không kém gì tình yêu của ông dành cho Hàn Quốc, trước đây cũng thế và bây giờ còn lớn hơn”, anh Kim Sun Young – con trai của Kim Woo-Choong chia sẻ.
Ông Kim Woo-choong đã trút hơi thở cuối cùng hôm 9/12, tại Hàn Quốc, ở tuổi 83 – khép lại một cuộc đời nhiều khát vọng và đầy tranh cãi.
Minh An
Theo vietnamfinance.vn
Những pha tung tin bịa đặt của ông Trump trong cuộc phỏng vấn với Fox & Friends
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Fox & Friends mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp đưa ra những thông tin sai lệch, cường điệu, bịa đặt nên bị một số hãng tin vạch trần ngay sau đó.
Tổng thống Trump liên tục né tránh những câu hỏi khó và đưa ra nhiều thông tin sai sự thực (Ảnh: fox News)
Tổng thống Trump đã sử dụng những lời nói cường điệu phi thực tế trong phần lớn thời lượng 53 phút của chương trình phỏng vấn Fox & Friends hôm thứ Sáu vừa qua, không cho những người dẫn chương trình nói xen vào. Khi người dẫn chương trình cố gắng đưa ra quan điểm phê bình, ông Trump gạt phăng.
Khi người dẫn chương trình Steve Doocey hỏi ông Trump về tuyên bố của ông cho rằng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã cho đi một server máy tính quan trọng từng bị Ukraine hack (thực tế là không) vào năm 2016, ông không đưa ra bằng chứng hay nguồn tin nào mà chỉ xác nhận điều đó.
Khi người dẫn chương trình Brian Kilmeade cố gắng sửa tuyên bố của ông Trump rằng các nước châu Âu không cung cấp viện trợ cho Ukraine, ông Trump không có phản ứng khiến người này phải chuyển sang câu hỏi khác. Và khi Kilmeade sửa tuyên bố của ông Trump rằng ông đã "rút khỏi" Syria, ông Trump một lẫn nữa im lặng.
Theo ước tính của CNN, ông Trump đã đưa ra tới 18 thông tin sai trong cuộc phỏng vấn này. Sau đây là một số điểm đáng chú ý trong buổi phỏng vấn đó.
Một nhà máy ở bang Texas
Ông Trump nói rằng: "Tôi vừa trở về từ Austin, Texas gặp gỡ với Tim Cook. Ông ấy sắp xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD để sản xuất bất cứ thứ gì ông ta muốn. Các bạn biết mà, đó là Apple. Và ông ấy sẽ xây dựng nhà máy tuyệt vời đó. Chúng tôi còn đến thăm một nhà máy khác, nơi họ sản xuất Mac Pro. Nó mở cửa vào ngày hôm đó".
Thực tế: Nhà máy mà ông Trump tới thăm không mở cửa vào ngày hôm đó. Nhà máy của Flex Ltd đã là nơi sản xuất máy tính Mac Pro của Apple từ năm 2013. Apple đúng là có khởi công xây dựng một khu phức hợp 1 tỷ USd ở Austin nhưng không có hoạt động sản xuất nào được lên kế hoạch ở đây.
Vụ bê bối liên quan tới Ukraine
Ông Trump nói rằng phe Dân chủ đã gửi một server máy tính từng bị hack vào năm 2016 cho "một công ty được sở hữu bởi một người Ukraine giàu có".
Thực tế: Công ty an ninh mạng điều tra vụ tấn công mạng nói trên, CrowdStrike, là một công ty được niêm yết chính thức của Mỹ có đồng sáng lập là Dmitri Alperovitch, một công dân Mỹ sinh trưởng ở Nga chứ không phải Ukraine. Hơn nữa, những công ty kiểu này thường không tiếp nhận server máy tính để tiến hành phân tích.
Người tố giác ông Trump đưa thông tin có chính xác?
Ông Trump nói rằng lời khai của người tố giác ông, hay "người thổi còi", nói về việc trao đổi lợi ích trong cú điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "không có liên quan gì tới cuộc gọi của tôi".
Thực tế: Lời khai trong đơn tố giác của "người thổi còi" được chứng nhận là chính xác. Trên thực tế, chính đoạn băng thu âm cuộc điện đàm mà ông Trump công bố cũng cho thấy 3 cáo buộc chính mà "người thổi còi" đưa ra là chính xác hoặc gần chính xác.
Danh tính của "người thổi còi"
Ông Trump nói "rất nhiều người nghĩ rằng" Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (đảng Dân chủ) "về cơ bản chính là người thổi còi".
Thực tế: Điều này thực sự vô nghĩa bởi ông Schiff rõ ràng không phải "người thổi còi" dù là xét về căn bản hay là không. Người tố giác ông Trump là một nhân vật làm việc trong cộng đồng tình báo Mỹ và đã từng viện tới sự hướng dẫn từ ủy ban của ông Schiff trước khi đâm đơn tố giác. Không có bằng chứng cho thấy ông Schiff can thiệp vào nội dung đơn tố giác.
Châu Âu có viện trợ cho Ukraine?
Ông Trump nói về khoản viện trợ cho Ukraine: "Tại sao Đức không chi tiền? Tại sao Pháp không chi tiền? Tại sao tất cả các nước châu Âu không chi tiền?".
Thực tế: Các nước châu Âu đã chi hàng trăm triệu USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi chiến sự ở miền Đông nước này bùng phát năm 2014. Bản thân Tổng thống Zelensky cũng từng nói về sự giúp đỡ của phía châu Âu trong cuộc gặp giữa ông với ông Trump bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ tổ chức hồi tháng 9 vừa qua, dù cho rằng nỗ lực của toàn thế giới vẫn chưa đủ: "Tôi xin lỗi, nhưng chúng tôi không cần giúp đỡ, chúng tôi cần hỗ trợ. Sự hỗ trợ thực sự. Và chúng tôi cảm ơn tất cả mọi người, tất cả các nước châu Âu, họ đều hỗ trợ chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng muốn có thêm sự hỗ trợ".
Ông Obama viện trợ gì cho Ukraine?
Ông Trump nói rằng Tổng thống Barack Obama chỉ gửi "gối và chăn" tới viện trợ Ukraine, thêm rằng: "Ông ta không chịu gửi thêm gì khác".
Thực tế: Ông Obama đã từ chối cung cấp hàng viện trợ gây sát thương cho Ukraine, nhưng ông không chỉ gửi "chăn và gối" mà còn có cả các hệ thống radar chống đạn pháo, drone, xe Humvee bọc thép, kính nhìn xuyên đêm cùng nhiều thứ khác.
Sự nghiệp của Hunter Biden
Ông Trump nói rằng con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Hunter Biden, từng cố gắng nắm lấy cơ hội kinh doanh trong lúc cha mình còn tại vị dù cho bản thân "chưa từng kiếm nổi 10 cent trong suốt cuộc đời".
Thực tế: Đây là một lời nói cường điệu. Dù cho ông Trump có quyền được đặt nghi vấn về các vị trí mà Hunter Biden đạt được trong khoảng thời gian ông Joe Biden còn tại vị, nhưng ông Hunter Biden là người có nhiều kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Hunter Biden từng thừa nhận rằng có lẽ ông không thể có một ghế trong ban lãnh đạo công ty năng lượng Burisma của Ukraine nếu như cha ông không phải là Joe Biden. Tuy nhiên, nói rằng ông chưa từng kiếm nổi "10 cent" là không đúng. Hunter Biden, một luật sư, đã từng làm lãnh đạo một ngân hàng, từng làm việc tại Bộ Thương mại Mỹ và từng là một nhà vận động hành lang trước khi cha ông trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Zelensky và Marie Yovanovitch
Ông Trump nói về cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Marie Yovanovitch: "Trong lúc tôi đang nói chuyện với Tổng thống Zelensky, ông ấy nói rằng ông ấy không thích bà ta. Ông ấy còn nêu rõ tên và nói rằng ông ấy không thích bà ta chút nào".
Thực tế: Biên bản ghi lại cú điện đàm Trump-Zelensky hôm 25/7 cho thấy chính ông Trump, chứ không phải ông Zelensky, nhắc tới tên bà Yovanovitch: "Cựu Đại sứ Mỹ, người phụ nữ đó, là một tin xấu và những người mà bà ta làm ăn cùng ở Ukraine cũng là tin xấu, tôi chỉ muốn ông biết điều đó". Ông Zelensky trả lời: "Thật tuyệt khi ông là người đầu tiên nói với tôi rằng bà ta là một vị Đại sứ tồi tệ, bởi tôi nhất trí với ông 100%".
Ông Zelensky sau đó đúng là có chỉ trích bà Yovanovitch: "Thái độ của bà ta đối với tôi không thể sánh bằng sự ngưỡng mộ mà bà ta dành cho Tổng thống trước, và bà ta đứng về phe ông ta. Bà ấy sẽ không chịu chấp nhận tôi là Tổng thống mới". Tuy nhiên, lời bình luận của ông Zelensky được mớm bởi ông Trump, bản thân ông Zelensky không tự chỉ trích bà Yovanovitch.
Sự hiện diện của Mỹ ở Syria
Ông Trump nói: "Tôi đang rút. Tôi vừa rút khỏi Syria, ngoại trừ việc tôi giữ lại dầu mỏ ở đó, nếu điều đó ổn với các bạn".
Thực tế: Ông Trump không hề "rút khỏi" Syria. Dù đã rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực Đông Bắc Syria để tránh chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này, nhưng ông Trump vẫn duy trì hàng trăm binh sĩ ở quốc gia này. Các đây 2 tuần, tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - nói rằng có khả năng họ sẽ duy trì 600 binh sĩ ở Đông Bắc Syria. Đó là chưa kể có hơn 100 binh sĩ cũng đòn trú tại khu vực miền Nam Syria, gần biên giới Jordan.
Nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ từng nói rằng nước này sẽ không thu về chút lợi nhuận nào từ các giếng dầu ở Syria mà họ đang bảo vệ, nhưng ông Trump lại nói rằng Mỹ đang chiếm lấy các giếng dầu cho mình.
Kinh tế Trung Quốc
Ông Trump nói rằng Trung Quốc đang có năm kinh tế tồi tệ nhất trong vòng "57 năm qua".
Thực tế: Đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý thứ 2 năm nay đạt 6,2% và trong quý 3 là 6%, mức thấp nhất kể từ năm 1992, tức trong vòng 27 năm qua. Ông Trump cũng liên tục nói rằng ông biết về con số 27 năm mà một số báo cáo đưa ra, thế nhưng vẫn cố gắng thêm vào nhiều năm nữa mà không đưa ra lý do gì.
Ai phải gánh chịu hậu quả từ đòn áp thuế nhằm vào Trung Quốc?
Ông Trump cáo buộc "giới truyền thông" cố gắng thuyết phục mọi người rằng công dân Mỹ đang gánh chịu hậu quả từ đòn áp thuế nhằm vào Trung Quốc.
Thực tế: Nhiều nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng người dân Mỹ đang gánh chịu hậu quả lớn từ các đòn áp thuế mà ông Trump áp đặt với Trung Quốc. Và chính người Mỹ đang phải mất tiền vì các đòn áp thuế này.
Thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Ông Trump nói rằng Mỹ trong suốt nhiều năm liền bị thâm hụt "500 tỷ USD" trong thương mại với Trung Quốc.
Thực tế: Năm 2018, Mỹ chưa từng thâm hụt tới 500 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc. Con số thâm hụt chính xác trong năm 2018 là 381 tỷ USD xét về hàng hóa và dịch vụ; và 420 tỷ USD nếu chỉ tính riêng hàng hóa.
Theo viettimes.vn/CNN
Nhiều doanh nghiệp Việt thường thổi phồng lợi nhuận trước niêm yết Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ 54 doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM trong thời gian 2008-2017. Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Những vấn đề đương đại trong kế toán, kiểm toán và tài chính" do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Viện Kế toán...