Nhà phát triển Sputnik V gợi ý kết hợp vaccine Astrazeneca nhằm tăng hiệu quả
Các nhà sáng chế vaccine ngừa COVID-19 của Nga đã gợi ý hãng dược phẩm AstraZeneca nên thử nghiệm kết hợp vaccine của hãng này với Sputnik V để “tăng cường hiệu quả”.
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài Sputnik, vaccine do AstraZeneca phối hợp với đại học Oxford phát triển đã chứng minh hiệu quả 62%, khiêm tốn hơn nhiều so với mức trên 90% trong các thử nghiệm hai loại vaccine của Mỹ và một vaccine của Nga đã được công bố trước đó.
Bày tỏ trong một dòng trạng thái Twitter ngày 27/11, các nhà sáng chế Nga đã đề xuất kết hợp hai loại vaccine khác nhau, bao gồm Sputnik V và vaccine của AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford sản xuất để nhằm tăng tính hiệu quả.
Cả hai loại vaccine này đều dựa vào công nghệ vector adenovirus đưa một phần bộ gen của virus SARS-CoV-2 vào tế bào. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng ở chỗ Sputnik V sử dụng adenovirus của người, trong khi vaccine của AstraZeneca dựa trên adenovirus cơ thể một con tinh tinh.
Trước đó, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) – dẫn đầu nhóm nghiên cứu Sputnik V – đã từng đề cập tính hiệu quả trong việc sử dụng vector adenovirus từ người là đáng kể, trong khi adenovirus từ tinh tinh tương đối mới và chưa được nghiên cứu toàn diện.
Đề xuất của các nhà phát triển vaccine Nga được đưa ra sau khi AstraZeneca thông báo vào ngày 26/11 họ sẽ xem xét thực hiện một thử nghiệm mới cho ứng viên vaccine sau khi thử nghiệm ban đầu chỉ cho hiệu quả 62%.
Ngày 23/11, AstraZeneca cũng tiết lộ vaccine AZD1222 của họ đã cho ra kết quả đạt 90% hiệu quả khi bệnh nhân tiêm nhầm nửa liều trong lần tiêm đầu tiên, sau đó là liều thứ hai thay vì phải tiêm cả hai liều đầy đủ.
“Để xác nhận kết quả trên, chúng tôi cần thực hiện thêm các nghiên cứu bổ sung”, Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Pascal Soriot, kết luận.
Vaccine Sputnik V sản xuất tại Ấn Độ
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ Hetero đã nhất trí mỗi năm sản xuất hơn 100 triệu liều vaccine Sputnik V phòng bệnh COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Thông tin trên được công bố ngày 27/11 tại tài khoản Sputnik V trên Twitter.
Mẫu vaccine Sputnki-V do Nga nghiên cứu, phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố cho biết RDIF và Hetero, vốn hỗ trợ và tiếp thị vaccine Sputnik V trên toàn cầu, có kế hoạch bắt đầu sản xuất chế phẩm này ở Ấn Độ vào đầu năm 2021. Các cuộc thử nghiệm giai đoạn hai và ba đang được tiến hành ở Ấn Độ. Công ty dược phẩm Dr Reddy's Laboratories của Ấn Độ kỳ vọng chương trình thử nghiệm giai đoạn cuối sẽ được hoàn tất sớm nhất vào tháng 3/2021.
Theo kết quả phân tích lần thứ hai những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng, vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga đã cho hiệu quả lên tới 95%. Bộ Y tế Nga, Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya và RDIF cho biết đánh giá này được đưa ra dựa vào những cơ sở dữ liệu sơ bộ có được 42 ngày sau khi liều vaccine Sputnik V đầu tiên được tiến hành thử nghiệm. Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev, cho biết Nga đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 tỷ liều trong và ngoài nước vào năm 2021.
Trước đó, ngày 8/11 vừa qua, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine ngừa COVID-19 do hãng cùng BioNTech phát triển cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Đúng một tuần sau, tập đoàn Moderna thông báo vaccine thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo. Những thông tin tích cực về công tác phát triển và điều chế vaccine phòng COVID-19 đã củng cố thêm hy vọng và quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Điện Kremlin tiết lộ lý do ông Putin vẫn chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhiều tháng sau khi nhà lãnh đạo Nga thông báo Sputnik V là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Ông Putin đến nay chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Điện Kremlin ngày 24.11 thông báo ông Putin vẫn chưa thể tiêm vaccine vì Sputnik V chưa được chứng...