Nhà phát hành Việt chẳng mua game giá khủng !
Thông tin lan truyền mới đây, công ty VTC Online đã bỏ 14 tỷ đồng mua trò chơi casual mobile Luyến Vũ Online, đang khiến cộng đồng ngờ vực. Bởi xét thực lực ngành game và xu hướng sắp tới, có thể nói những lời đồn đoán này không có đủ cơ sở. Sẽ chẳng có nhà phát hành game Việt nào đầu tư nhiều tiền vào game giá khủng, giữa lúc này !
Một nhà phát hành phía nam, khi được điện hỏi có tin vào đồn đãi này không, đã lập tức lắc đầu.
Các thông tin “giá khủng” chỉ có thể do môi giới đưa ra.
Theo ông, có thể, 1 số nhà môi giới bán game sẽ đưa ra những thông tin này, nhằm nâng giá sản phẩm mời chào. Một vài trang tổng hợp có thể dựa vào đó để đưa phỏng đoán, gây xôn xao dư luận. Song căn bản, việc đầu tư vào 1 game có giá khủng giữa lúc này, thật sự quá sức phiêu lưu và chẳng có nhà đầu tư nào chấp nhận chuyện may rủi cả.
Đồn đoán chỉ… để nghe !
Để thẩm định tính xác thực về game Luyến Vũ, Nega đã liên lạc thêm 1 lãnh đạo cũ của VTC Online. Nhưng vẫn y như nhà phát hành kia, người này không tin tưởng gì vào tin đồn. Bởi lẽ 1 cách chắc chắn hơn, tựa game MMPRPG 3D đang nổi, là Tiếu Ngạo Giang hồ, cũng vừa có 1 công ty game Việt “lãnh” về, hoàn toàn không kèm giá trao đổi “khủng”. Khác với “tin vỉa hè”, phía nhà sản xuất Tiếu Ngạo Giang hồ đã “nhượng” việc phát hành game này theo kiểu bạn hữu hơn là đối tác kinh doanh.
Video đang HOT
Luyến Vũ, game mobile được đồn thổi có giá hơn 14 tỷ.
“ Những lời đồn đoán lúc này, thôi chỉ để nghe“. Nhận xét này của nhà phát hành ở phía nam đã xác lập 1 điều, bối cảnh ngành games Việt đang có nhiều khó khăn, và mỗi nhà phát hành đang tự tạo cơ hội thị trường của mình bằng cách thương thảo tốt nhất cùng các đối tác, chứ không phải chỉ dựa vào các hợp đồng cứng nhắc.
Tất nhiên theo các nhà phát hành, việc đảm nhận 1 game về phát hành đương nhiên không có chuyện miễn phí. Bản thân các nhà sản xuất luôn đặt ra 1 giá gốc cho sản phẩm tốn bao tâm huyết và tiền tài làm ra. Song, bằng những thương thảo hợp lý và sự cân nhắc thiệt hơn, giữa các nhà phát hành luôn có được tiếng nói chung để chia sẻ cơ hội với thị trường.
Điều này gợi nhắc đến 1 chuyện cũ, khi FIFA Online 3 được chính thức công bố sẽ về Việt Nam, đã có thông tin giá mua đến hàng trăm tỷ. Song những kiểm chứng về sau cho thấy, không hoàn toàn có chuyện giá ở mức cao như vậy. Con số đưa ra chỉ có tính ước định, bao hàm kèm nhiều quyền lợi, nội dung thương thảo khác xung quanh sản phẩm, nhắm vào thị phần, 1 số quyền lợi khác chỉ ở trong ngành mới rõ.
Không phải “game khủng” nào cũng được lấy với giá bản quyền…Nhà phát hành game Việt, có thể nói không hề “dại dột” quẳng tiền ra !
Ba nguyên cớ “chớ tin”
Nhìn vào bối cảnh làng game Việt lúc này, có thể thấy rõ có 3 nguyên cớ để cộng đồng “chớ tin” vội vàng vào các tin đồn thổi về các giá game “khủng”.
Thứ nhất, thị trường game Trung Quốc đang bị “khủng hoảng thừa”. Đây là 1 thực trạng đã kéo dài nhiều năm, và sau thời điểm Nghị định 72 ra đời, thị trường game Việt đã thành 1 điểm đến mới với họ. Những người môi giới hiểu, để có cơ hội tiếp cận làng game Việt, họ nên có các “món ngon miễn phí”, đánh vào tâm lý “chuộng rẻ và free”. Thay vì “hét” giá khủng về bản quyền, họ có thể cùng nhà phát hành Việt đàm phán những giá “đặt cược”, thử nghiệm game xong mới bàn tiếp.
Ở đây còn có một lợi thế, là can thiệp từ hiệp hội game. Một người chuyên môi giới game Trung Quốc cho biết, việc “bán ra” 1 game luôn cần chứng nhận của hiệp hội, qua đó các nhà kinh doanh hiểu, bán 1 game đúng giá không bằng chia sẻ game đó cho nhiều người mua với giá rẻ. Số đông mang lại lợi nhuận ít nhưng đều và “tránh trứng 1 giỏ”. Bởi thế, các game Trung Quốc sẽ luôn có những cách thức “hợp tác phát hành”, “bản quyền chia sẻ”… để đa dạng cơ hội cho người mua game.
Game Trung Quốc có thể được đàm phán qua nhiều cách thương thảo…
Trong bối cảnh này, những nhà phát hành game Việt có thể qua nhiều kênh môi giới để tiếp cận nhiều game khác nhau, đa số là webgame, để có thể lấy về chỉ với 1 giá tượng trưng, về sau mới nói đến bản quyền và cách phân chia lợi nhuận. Cho nên, họ không cần bỏ nhiều tiền vẫn có thể sở hữu các game giá trị !
Thứ hai, cơ hội dễ kiếm tiền tại làng game Việt không cao. Điều này đã được chứng minh nhiều năm qua, nhất là qua 3 năm “chờ giấy phép” của làng game Việt, và nỗi mong ngóng có văn bản chỉ đạo quản lý hiện nay. Thói quen, tâm lý người chơi và đủ định kiến xã hội bất lợi về ngành game, sẽ là những tác nhân khiến 1 trò chơi du nhập vào Việt Nam luôn đồng hành nhiều cam go. Không ít game giá trị, đã thành công rực rỡ ở trường quốc tế, về Việt Nam lại dễ dàng “ra đi không kèn trống”.
Rất nhiều game thành công ở các nước đã “thất bại thảm hại” tại Việt Nam.
Vì thế, nhà phát hành Việt sẽ không dễ nghe theo môi giới mà chọn “game khủng” giá cao. “Hãy mang về và chạy thử đi” là giải pháp nhà phát hành ưu tiên trước. Các nhà sản xuất game Trung Quốc, với khối lượng sản phẩm lớn, và nhìn nhận cơ hội ở Việt Nam cũng không quá mỹ miều, sẽ ủng hộ điều đó. Hơn nữa, họ còn có nhiều lý do về thương hiệu, cơ hội thị phần, các lợi ích khác xuất khẩu phần mềm qua chính sách hỗ trợ của nhà quản lý… Cho nên, nhà sản xuất Trung Quốc sẽ chấp nhận để nhà phát hành game Việt đặt cọc lấy game, thực hiện lộ trình tìm lợi nhuận với nhau thì tốt hơn là bán đứt bản quyền sản phẩm !
Thứ ba, nội lực các doanh nghiệp làm game Việt không đủ lớn. Điều này đã có một số đơn vị phát hành nội địa “tự thể hiện” qua phát ngôn báo chí sau khi “mua” game nào đó bất thành. Nhiều người quan sát nhìn nhận, thói quen ở đa số người Việt, là kêu ca thiếu vốn đầu tư trong những phi vụ thương mại hỏng. Do đó, không có gì lạ khi tin đồn Luyến Vũ mobile giá 14 tỷ cũng gắn với bình luận “cùng hỏi mua có các doanh nghiệp như SGame, Me Corp, VNG, song VTC Online “chịu chơi” hơn”.
Nhà phát hành game Việt cần tính toán rất nhiều về giá mua game.
Thực chất theo các nhà phát hành, nguồn lợi nhuận từ game đang không nhiều như trước, và áp lực tài chính khó khăn đang ảnh hưởng lớn vào ngành game. Không ít nhà đầu tư phía sau làng game gắn với các mảng bất động sản, làm hàng xuất nhập khẩu… và đều đang khó khăn về chính. Bởi thế, việc “bơm” 1 khoản tiền lớn vào 1 sản phẩm “bị kỳ thị” và nhà đầu tư có khi còn “mù tịt” chắc chắn không khả thi.
“Chúng tôi thật sự không có các tài khoản to như mọi người suy nghĩ, và quan trọng là hiện tại, game nhiều nhưng lợi nhuận có đủ hấp dẫn không, chắc chắn chẳng ai dám”. Một cá nhân quản lý từ nhà phát hành FPT Online tâm sự như vậy. Ví dụ đi kèm của người này, là tựa game MU “đình đám” cũng chỉ đang mang lại doanh thu về trên dưới 1 tỷ đồng/tháng mà thôi !
Theo VNE