Nhà ống Sài Gòn ‘kiểu dọc’ trên mảnh đất 18 m2
Nhằm khắc phục nhược điểm đất hẹp và chiều cao bị giới hạn, các kiến trúc sư đã thiết kế các phòng chức năng chạy dọc theo 3 tầng nhà.
Ngôi nhà xây trên mảnh đất hình chữ nhật có diện tích 18 m2, trong một con hẻm cụt tại TP HCM. Đây là nơi sinh sống của một gia đình trẻ gồm cặp vợ chồng và đứa con nhỏ.
Nhằm khắc phục nhược điểm diện tích hẹp và chiều cao bị giới hạn, các kiến trúc sư Phan Khắc Tùng, Huỳnh Anh Tuấn và các đồng nghiệp tại Khuôn Studio đã thiết kế một ngôi nhà ống “kiểu dọc” với các phòng chức năng bố trí dọc theo các tầng nhà.
Ba mặt xung quanh nhà bị các căn nhà khác vây kín. Để tránh cảm giác bí bách, kiến trúc sư đã quyết định làm bức tường thông gió ở mặt tiền. Bên trong những khe sáng là một hệ thống cửa kính đóng mở linh hoạt để chắn bụi.
Trần của tầng một được đẩy cao hơn so với các ngôi nhà bình thường, vừa giúp phòng khách thông thoáng hơn, vừa giúp chủ nhà có thể làm thêm một gác xép nếu sau này muốn tăng diện tích sử dụng.
Cùng ở tầng một, bếp và khu vực ăn uống kiêm tiếp khách được nâng sàn cao hơn, để phân tách với khu vực để xe vào buổi tối.
Cầu thang được đặt sát vào nhà, tận dụng không gian bên dưới làm tủ để đồ, nhà vệ sinh và phòng tắm.
Cầu thang của ngôi nhà được tối giản hóa để tiết kiệm diện tích và duy trì bầu không khí thoáng đãng. Tuy nhiên, khi con bắt đầu tập đi, lưới chắn sẽ được lắp thêm ở lan can và các khoảng không giữa các bậc cầu thang.
Video đang HOT
Tầng hai là phòng ngủ của gia đình. Để tránh nắng hướng đông cho phòng ngủ từ 9 đến 11 giờ sáng, bức tường bên ngoài phòng ngủ được làm dày hơn.
Phòng ngủ cũng như toàn bộ ngôi nhà sử dụng tông màu sáng, tạo cảm giác rộng rãi.
Trên tầng ba là một phòng ngủ nhỏ dành cho khách. Khi con lớn, đây sẽ là phòng ngủ dành cho bé.
Trong giới hạn chiều cao của ngôi nhà, để tăng thêm diện tích sử dụng nhiều hơn ba tầng, một gác xép nhỏ được đặt ở trên tầng ba, đây chính là không gian làm việc, đọc sách của chủ nhà.
Dù không gian chật hẹp, ngôi nhà vẫn có chỗ dành cho cây xanh. Ở cả phòng ngủ và gác xép đọc sách đều có những bồn cây nhỏ trang trí.
Tầng thượng được tận dụng làm một khu vườn rau nhỏ.
Ngôi nhà đã được nhiều trang web về kiến trúc hàng đầu thế giới như Archdaily, Dezeen giới thiệu.
Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt.
Bài: Thái Bình
Ảnh: Hiroyuki Oki & Thiết Vũ
Theo VNE
Tạo không gian riêng cho trẻ em
Với trẻ em thì phòng riêng cũng có công năng chính là nơi ngủ nghỉ nhưng đa số được kết hợp thêm làm chỗ chơi đùa, góc học tập và nhiều khi còn là nơi để đồ riêng.
Phòng trẻ em là một không gian tương đối đặc biệt bởi "chủ nhân" là đối tượng... đặc biệt. Đây là một thế giới riêng, có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ trong quá trình sống, sinh hoạt, học tập. Để "thế giới riêng" này tối ưu vai trò công năng của một phòng chức năng, đồng thời có cá tính, thì chúng ta cần phải biết phòng trẻ cần gì?
Cần đặt an toàn trên hết trong phòng của trẻ.
Những chức năng cần thiết
Do vậy, trong phòng của trẻ, vị trí đặt giường - đệm để ngủ cho trẻ phải được cân nhắc và ưu tiên hàng đầu.Tùy theo số trẻ ở chung trong phòng, độ tuổi, giới tính mà có thể đưa ra các thiết kế phù hợp về kiểu dáng, kích thước, màu sắc của hệ thống giường, đệm, trên cơ sở ưu tiên tạo lập một chỗ ngủ - nghỉ thuận lợi, an toàn.
Với không gian chơi đùa, cần dành cho trẻ một mặt bằng rộng nhất có thể vì chỗ chơi trong phòng luôn cần thiết. Nên có một khoảng sàn đủ để bé chơi đùa, hoặc chơi với những loại đồ chơi cần mặt phẳng như đồ chơi chuyển động, lắp ghép - ghép hình... Do vậy, không nhất thiết phải đặt giường ở giữa phòng với lối đi hai bên (như kiểu phòng người lớn) mà nên đẩy sát về một phía để có khoảng không gian chơi cho trẻ.
- Góc học tập: Nếu có điều kiện thì đưa góc học tập của bé ra một không gian riêng, nhưng với trẻ từ cấp hai và cấp ba thì có thể bố trí góc học tập của các bé chung với phòng ngủ. Đi cùng với bàn học nhất thiết phải có giá kệ cho bé để sách vở và các học cụ. Cần chú ý là bên cạnh việc học (viết, đọc), bé còn có nhu cầu chơi, làm thủ công trên bàn nên mặt bàn phải rộng nhất có thể.
- Tủ, kệ để đồ: Ngoài những tủ, kệ để quần áo và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác (như ba lô, túi, nón...) thì phải có hệ thống tủ - kệ để đồ chơi. Cho dù lứa tuổi có thay đổi, thì khoảng thời gian chơi này của trẻ cũng khá dài (từ khoảng 4 đến 12 tuổi) với nhiều loại đồ chơi khác nhau. Cần phải có các ô, hộc tủ cho trẻ cất đồ cũng như các giá, kệ cho trẻ trưng bày. Lưu ý rằng thiết kế cần đưa ra các kích thước khác nhau, phong phú để có thể chứa nhiều loại đồ.
An toàn trên hết
Dù là phòng riêng, nhưng trẻ em thường không thể tự kiểm soát hay chủ động xử lý các tình huống bất ngờ nếu xảy ra. Vì vậy, sự tiện dụng và an toàn trong phòng trẻ là một vấn đề rất quan trọng. Mặt bằng bố trí phòng luôn phải đảm bảo logic, khoa học, mạch lạc, giao thông thuận tiện; tránh việc có các cấu trúc, yếu tố bất thường như các góc nhọn đâm ra, chênh cốt...
Hệ thống kỹ thuật điện phải tuyệt đối an toàn và có đầy đủ các thiết bị an toàn để tự động ngắt khi có sự cố. Các hệ thống điện, nước, điện tử vận hành phức tạp không nên đặt trong phòng trẻ; hoặc nếu có thì không trao quyền điều khiển, vận hành cho trẻ. Các hệ thống cửa, hoa sắt, lan can liên quan đến cầu thang, giếng trời, ban công, logia phải được thiết kế đúng tiêu chuẩn an toàn. Việc vận hành liên quan đến hệ thống cửa sổ, cửa ra ban công, logia phải được người lớn kiểm soát chặt chẽ; vì trẻ em rất hiếu động.
Cần lưu ý cả vấn đề an toàn thoát hiểm. Khi có sự cố, trẻ thường không xử lý được mà chỉ phản ứng theo bản năng là kêu cứu hoặc chạy trốn. Hệ thống cửa, khóa phòng trẻ không nên quá phức tạp, hiệu quả theo kiểu "bền - chắc" mà cần dễ sử dụng - cho trẻ vận hành ở hướng thoát ra ngoài cũng như hướng tiếp cận (của người lớn) từ ngoài nếu có sự cố. Với trẻ em ở tuổi nhỏ (dưới 10 tuổi), mức độ riêng tư không cao, nên cửa phòng có thể làm cửa có ô kính trong để dễ quan sát từ bên ngoài và nếu có sự cố có thể phá vỡ kính để mở chốt khóa bên trong.
Một ví dụ về phòng về bé gái.
Phù hợp với giới tính và cá tính
Đừng suy nghĩ đơn giản là phòng trẻ em cần có nhiều màu sắc với những hình ảnh ngộ nghĩnh của các nhân vật cổ tích hay hoạt hình hoặc trang trí thật nhiều là được .
Thường thì trẻ không giống nhau ở giới tính và cá tính, và chúng lại còn thay đổi theo độ tuổi.
Cũng có những nét chung là các bé trai thường thích các đồ chơi như bóng, ô tô, thích các vật dụng đơn giản, thích màu xanh; còn bé gái thích búp bê, thích những thứ diêm dúa, thích màu hồng... Thế nhưng, khi lớn lên nữa, bé lại thay đổi, có thể do tính cách, cũng có thể ảnh hưởng do người lớn, do môi trường gia đình hay nhà trường. Trẻ dưới 6 tuổi thì hoạt động chính là ăn, ngủ và chơi; trẻ từ 6 tuổi trở đi có thêm hoạt động học tập. Từ 10 tuổi trở đi trẻ đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, có chút người lớn trong sinh hoạt và có những nhu cầu riêng tư và bí mật của mình... Và tất cả những sự thay đổi đó cần được hiểu, theo dõi để đáp ứng và thay đổi giúp cho trẻ có một không gian sống phù hợp theo thời gian.
Nội thất phòng trẻ em, ngoài những "phần cứng" do thiết kế xây dựng tạo nên như tường, trần, sàn, chiếu sáng, hệ thống đồ nội thất... thì luôn phải tạo những nơi cho bé vui chơi và sáng tạo, tự trang trí cho căn phòng của mình. Đó là những nơi treo tranh, ảnh; dán những hình mà bé yêu thích; nơi bé sắp xếp đồ chơi, trưng bày những món quà, những sản phẩm thủ công tự làm... Phần này của bé luôn thay đổi... Mỗi bé có giới tính riêng; có sở thích, cá tính khác nhau sẽ có cách làm khác nhau để tự thỏa mãn và thể hiện mình. Người thiết kế cần tránh tối đa việc cố định, ấn định một không gian nội thất bất biến theo thời gian trong phòng trẻ em!
Sự linh hoạt cần thiết
Trong thực tế việc thiết kế và sử dụng không gian cho trẻ em cũng có rất nhiều vấn đề cần phải lưu ý và... rút kinh nghiệm.
Trong quá trình tư vấn thiết kế, cả kiến trúc sư và cha mẹ của trẻ thường không quan tâm, để ý kỹ đến nhu cầu của trẻ mà hay áp đặt ý kiến cá nhân vào, thành ra sản phẩm hoàn thiện chưa chắc là thứ trẻ mong muốn. Hoặc trường hợp khác phụ huynh lại hết lòng chìu ý trẻ, từ việc chọn mẫu, màu sắc, vật liệu... mà không lường trước những bất hợp lý khi trẻ hoàn toàn không có kiến thức về chuyên môn, chỉ là ý thích cảm tính nhất thời. Có trường hợp bé thích màu hồng, cả người thiết kế và bố mẹ đã đưa... các mẫu vải màu hồng cho trẻ chọn để làm rèm. Kết quả là ô cửa sổ hướng tây có rèm màu hồng tươi không đủ dày để chắn sáng trở thành một ô cửa hồng rực, tán sắc vào làm căn phòng bị ám màu, vô cùng nóng và bức bối. Tất nhiên sau đó việc này phải xử lý.
Căn phòng trẻ được thiết kế và thi công trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng thời gian sử dụng lại kéo dài từ khi trẻ còn bé đến khi đã lớn. Vì vậy, nhiều trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn không còn phù hợp, có thể do độ tuổi lớn lên, tâm tính và sở thích trẻ thay đổi, có thể do những biến đổi nhu cầu trong cuộc sống... Không ít khách hàng khi đặt yêu cầu với kiến trúc sư, mong muốn một phòng trẻ thế này thế kia, nhưng sau đó lại muốn... trở lại bình thường và thấy những thiết kế (theo yêu cầu) đó như một sự bất hợp lý.
Như việc sử dụng giường tầng, mới đầu thì thích, sau lại thấy bất tiện và nguy hiểm; hoặc đến khi trẻ lớn hơn, không cảm thấy sợ khi phải trèo lên cao nữa thì trẻ cũng hết thích cái giường "trẻ con" này. Hoặc nhiều phòng trẻ được thiết kế những giá kệ để đồ chơi rất đáng yêu; nhưng hết tuổi đồ chơi thì những giá kệ đó không hợp dùng cho những việc khác. Có gia đình làm phòng chung cho trẻ, nhưng đến tuổi nhất định (nhất là với trẻ khác giới), chúng sẽ không muốn (và không nên) chung phòng nữa...
Xét về tổng thể, phòng trẻ chỉ chiếm một thời gian nhất định không dài so với tuổi thọ của công trình và đời sống của một gia đình. Vì vậy khi thiết kế phòng trẻ cần phải bảo đảm sự linh hoạt để có thể dễ dàng điều chỉnh hay thay đổi tính chất chức năng không gian, phù hợp cho nhu cầu thực tế.
- Phương án bố trí nội thất không nên quá đặt biệt, không quá lạm dụng các hình thù nội thất khác thường trên mặt bằng (vốn gây ấn tượng và ngộ nghĩnh) để có thể dễ dàng điều chỉnh.
- Hệ thống kỹ thuật phải tính toán phù hợp trong mọi trường hợp sử dụng khi trẻ lớn hoặc chuyển đổi phòng cho đối tượng khác. Ví dụ trẻ nhỏ không có nhu cầu về tivi hay đường truyền internet, nhưng sẽ có nhu cầu khi lớn hơn.
- Tránh trang trí quá nhiều và cố định, nhất là ở trần, tường, các màu sơn rực rỡ. Hãy nên linh hoạt (dễ thay đổi) bằng tranh ảnh, rèm, đồ chơi. Việc lạm dụng màu sắc và hình trang trí nhìn thoáng qua có thể thích mắt nhưng sống trong đó một thời gian dài sẽ không tốt cho tâm lý, dễ bị kích thích và mỏi mệt.
- Các thứ đồ nội thất nên thiết kế đón đầu tuổi để tránh lạc hậu, tính toán tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ví dụ như các giá kệ đồ chơi có thể chuyển thành giá sách hoặc tủ đựng đồ cá nhân/quần áo khi trẻ lớn và dành nhiều thời gian cho học tập nhiều hơn là vui chơi.
- Tính trước tới khả năng chuyển đổi cơ cấu sinh hoạt hoặc thay đổi chức năng phòng. Ví dụ trẻ ở chung đến một độ tuổi nhất định cần tách phòng, hoặc thay đổi "phòng trẻ em" thành "phòng người lớn" tại chính không gian cũ.
Theo thegioitiepthi
Vợ chồng Việt xây nhà "siêu nhỏ" 18m2 đẹp xuất sắc khiến báo Mỹ trầm trồ Với diện tích siêu nhỏ của mảnh đất, đôi vợ chồng vẫn xây được một căn nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi. Căn nhà nhỏ này nằm trong một con hẻm rất hẹp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Gia chủ là một cặp vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ. Mảnh đất xây dựng có diện tích vỏn vẹn 18m2, xung...