“Nhà nước Hồi giáo”-mối họa mang tính toàn cầu
Ngay sau vụ hành quyết nhà báo Mỹ thứ hai, “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã tung một đoạn băng lên YouTube đe dọa lật đổ Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) và Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad). Những hành động ngông cuồng đầy bạo lực của tổ chức này cho thấy IS đã trở thành mối họa mang tính toàn cầu…
Hiện Tổng công tố viên Nga đã ra lệnh điều tra hình sự về thông điệp kích động bạo lực mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đưa ra và xóa bỏ đoạn băng này trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, Anh và Mỹ tiếp tục chứng tỏ vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ngày 3-9, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) tái khẳng định, nước Anh sẽ tiếp tục làm những gì cần phải làm để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như giúp đỡ I-rắc đảm bảo an ninh, ổn định quốc gia này, cũng như khu vực Trung Đông.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo cho đến khi nhóm này không còn là một lực lượng đe dọa Trung Đông và sẽ tìm lại công lý cho những nhà báo Mỹ bị nhóm này hành quyết. Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng cử Ngoại trưởng Giôn Ke-ri (John Kerry), Bộ trưởng Quốc phòng Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel) và Cố vấn Nhà Trắng về chống khủng bố Li-xa Mô-na-cô (Lisa Monaco) đến Trung Đông để phối hợp với các đối tác trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhà báo Mỹ Xti-vân Xót-lóp (áo da cam) trong video hành quyết mà IS đăng tải. Nguồn: KCAL 9
Ngoài ra, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Mỹ tại LHQ, Xa-man-tha Pao-ơ (Samantha Power) cho biết, với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 9 này, Mỹ sẽ tổ chức một phiên thảo luận cấp cao về mối đe dọa của khủng bố đối với hòa bình và an ninh thế giới, do đích thân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trì. Phiên thảo luận trên dự kiến diễn ra ngày 25-9 tới và được tổ chức ở cấp cao, với sự tham dự của người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các nước thành viên Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon). Theo bà Pao-ơ, Mỹ hoan nghênh sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn các tay súng khủng bố nước ngoài trên toàn thế giới.
Những tuyên bố trên được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Nhà Trắng xác nhận đoạn băng của IS ghi cảnh hành quyết nhà báo Mỹ Xti-vân Xót-lóp (Steven Sotloff) là xác thực. Đây là nhà báo Mỹ thứ hai bị IS hành quyết sau khi nhóm Hồi giáo cực đoan này cũng đã có hành động tương tự đối với nhà báo Mỹ Giêm Pho-lây (James Foley) trước đấy hai tuần. IS cho biết hai vụ hành quyết này là để trả đũa các vụ không kích vừa qua của Oa-sinh-tơn nhằm vào lực lượng này.
Video đang HOT
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nổi lên sau khi giành quyền kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ ở phía Bắc và Tây I-rắc. Một báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đưa ra ngày 3-9 cho biết, IS đứng sau vụ hành quyết hàng trăm binh sĩ I-rắc sau khi chiếm một căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại thành phố Ti-cơ-rít, hồi tháng 6. Báo cáo khẳng định IS đã sát hại khoảng 560 đến 770 người trong cuộc tàn sát, phần lớn họ được cho là nhân viên lực lượng an ninh I-rắc phục vụ tại căn cứ cũ của Mỹ. Cố vấn Phrét A-bra-ham (Fred Abrahams) của HRW gọi các vụ hành quyết gây sốc là “tội ác chống lại loài người”. HRW tin rằng số người bị sát hại có thể còn gia tăng khi tổ chức này tiếp tục thu thập các bằng chứng và phân tích ảnh vệ tinh.
Những hành động man rợ của IS, cũng như sự lớn mạnh nhanh chóng của tổ chức này đã gây ra mối lo ngại cho toàn thế giới. Từ khu vực Trung Đông, I-ran một lần nữa lên tiếng kêu gọi một sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Phát biểu trong chuyến thăm Rô-ma, I-ta-li-a, ngày 3-9, Ngoại trưởng I-ran, Gia-va Da-ríp (Javad Zarif) cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan đã vượt khỏi giới hạn của một nước hay một khu vực và trở thành thách thức chung của toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có một giải pháp chung cho vấn đề này.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Nô lệ tình dục bên trong ngục tù tàn bạo của tổ chức khủng bố ISIS
Hàng ngàn người sắc tộc thiểu số Yazidi ở Iraq bị tổ chức ISIS đẩy ra khỏi nhà và mắc kẹt trong vùng núi Sinja thu hút được sự chú ý của toàn thế giới, Mỹ thực hiện các cuộc không kích tấn công ISIS giải cứu và viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, ISIS đã bắt hàng trăm phụ nữ Yazidi, sau đó nhốt giam trong một nhà tù bí mật, nơi địa ngục trần gian đó họ bị cưỡng hiếp rồi bị bán rẻ giống như tài sản không còn mấy trị giá phải đối mặt với số phận bi đát.
Hình ảnh minh họa về phụ nữ Yazidi.
Ác quỷ ISIS và địa ngục trần gian Badush
Những người may mắn sống sót thoát khỏi ISIS ngậm ngùi kể lại rằng có nhiều phụ nữ sắc tộc Yazidi bị nhốt giam trong nhà tù ở Mosul phải chấp nhận 2 số phận. Những người cải đạo sang đạo Hồi được bán cho chiến binh thánh chiến lấy làm "vợ" với giá từ 25-150 USD. Những người "cứng cổ" không chịu cải đạo bị hãm hiếp và chịu sự hành hạ bất nhẫn từng ngày để rồi chết dần trong đắng cay, tủi nhục.
Những người phụ nữ đau khổ đã cố giấu điện thoại di động để kể về hoàn cảnh địa ngục của họ. Bọn khủng bố ép nhiều phụ nữ gọi điện về cho gia đình. Bà mẹ của một người hiện vẫn còn bị giam giữ trong nhà tù ISIS đau đớn kể về cuộc gọi bà nhận được từ con gái. Bà phải cố căng tai nghe con gái kể chi tiết bị hàng chục tên háo sắc cưỡng hiếp hàng giờ. Tuy nhiên, những người phụ nữ khác làm chứng: nhiều nhà tù bị hiếp dâm đến mang thai, buộc phải sinh con, nhưng ngay khi những đứa trẻ chào đời, chúng bị cướp khỏi vòng tay mẹ và không ai biết số phận những sinh linh vô tội ấy ra sao.
Nhà tù Badush ở Mosul, nơi những người phụ nữ bị bắt làm nô lệ đã trở thành một ngôi nhà ma chứa đầy sự tàn bạo kể từ khi ISIS dùng vũ lực nắm quyền kiểm soát khu vực này. Trong thời điểm ISIS mở cuộc tấn công đầu tiên trên đất Mosul vào tháng 6, cửa ngục Badush được mở ra và 670 tù nhân sắc tộc Shia đã bị xử tử. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Navi Pillay, trong cuộc thảm sát đó chỉ có 20 người may mắn sống sót và có 16 nhân chứng chỉ đánh giá được "bề nổi" của những hành vi tàn bạo diễn ra bên trong nhà tù dưới sự kiểm soát của những "hung thần" ISIS.
Theo nhiều báo cáo, kể từ khi ISIS chiếm giữ Mosul vào hồi tháng 6, nơi đây bị biến thành nhà tù nhốt giam nhiều phụ nữ ép làm nô lệ tình dục, trước khi bán họ cho bên thứ 3. Những người phụ nữ Yazidi bị ISIS bắt làm tù nhân khi tổ chức khủng bố này tấn công Sijiar (Iraq), nhưng không phải riêng họ lâm vào hoàn cảnh kinh hoàng đó. Trong khi đó, nhiều nguồn tin ở Iraq khẳng định số lượng phụ nữ Yazidi được ước tính lên đến hàng trăm, thậm chí còn cao hơn bao gồm cả những nhóm sắc tộc thiểu số khác, chẳng hạn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Thiên Chúa Giáo.
Một phụ nữ ở Yazidi trốn thoát khỏi nhà tù ISIS kể với một tờ báo Mỹ rằng ISIS cũng bắt giam nhiều trẻ em gái tuổi chừng 14-15.
Mong manh số phận của những người phụ nữ vẫn còn nằm trong "tay" ISIS
Những người phụ nữ trốn thoát khỏi nhà tù ISIS cùng gia đình của những người bị giam cầm đã đến gặp bà Zangan để cầu xin sự giúp đỡ. Là người đứng đầu Hội đồng Tối cao các vấn đề phụ nữ của chính quyền khu vực người Kurd đang cố gắng giúp đỡ những số phận đau thương, nhưng bà lo nỗ lực của bà đang bị ngưng lại. Vì không có sự trợ giúp từ bên ngoài, bà Zangan đã phải chuyển hướng khẩn thiết kêu gọi nhà hảo tâm tư nhân giúp đỡ để mua lại những người phụ nữ Yazidi từ tổ chức ISIS trước khi họ bị bán làm nô lệ tình dục.
Mong manh số phận của những người phụ nữ vẫn còn nằm trong "tay" ISIS ( ảnh minh họa).
Trong khi tình thế dường như trở nên vô vọng, những nhà hoạt động nữ quyền như bà Zangan đã tiếp cận với nhiều tổ chức vì họ có thể thực hiện nỗ lực giải cứu con tin.
Thời gian không còn nhiều, và chính quyền khu vực người Kurd hiện đang phải sử dụng các phương pháp phi truyền thống để đảm bảo tù nhân được giải thoát. Họ đã phải vét sạch các nguồn quỹ cộng đồng và cố gắng vận động hành động xã hội từ người dân cũng như chủ khối doanh nghiệp bản địa để phòng ngừa mọi âm mưu bắt cóc, mua bán phụ nữ. Chính quyền khu vực người Kurd hứa sẽ hoàn trả cho bất kì ai sẵn lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, chiến dịch này đang phải hoãn lại để dồn sức lực gây quỹ nhiều hơn nữa, có như vậy mới có thể mua lại những người phụ nữ bị ISIS bắt giam ít có cơ hội trở về với gia đình.
Ánh mắt của một phụ nữ Hồi giáo.
Một vài người sống sót được giải thoát hoặc trốn thoát đang có một tương lai mù mịt. Sống trong một nền văn hóa mà những người phụ nữ bị tước đoạt tất cả mọi thứ, thì ắt hẳn có nhiều người không thể trở về với mái ấm gia đình - gia đình không còn ai hoặc chuyển đi nơi khác hoặc họ sẽ bị chính gia đình mình chối bỏ vì những gì đã xảy ra (tư tưởng cổ hủ của một số cộng đồng dân tộc thiểu số Iraq, dù những người phụ nữ không may bị ISIS bắt, cưỡng hiếp, thì họ vẫn bị coi là nỗi nhục, sự xúc phạm đến danh dự gia đình), đối với những người phụ nữ này, ít có lựa chọn khả quan.
Theo Công An Nhân Dân
Đánh bom kép ở Baghdad, gần 60 người thương vong Ít nhất 13 người thiệt mạng và 45 người bị thương trong 2 vụ đánh bom xe ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 1-9. Nguồn tin cảnh sát Baghdad cho biết 2 chiếc xe gài bom đã phát nổ tại khu vực Bayaa (Bay-a) ở phía Đông Nam thủ đô, đồng thời cho biết vụ nổ lớn cũng phá hủy một số...