Nhà nước bồi thường 111 tỷ, cán bộ làm sai chỉ hoàn trả… 677 triệu (!)
6 năm qua, Nhà nước đã phải giải quyết bồi thường 204 vụ việc với trên 111 tỷ đồng nhưng mới chỉ xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ trong 22 vụ việc, với tổng số tiền 676,742 triệu đồng (!)
Năm 2015, riêng vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), nhà nước đã phải chi ngân sách bồi thường trên 7,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Bộ Tư pháp thực hiện, đến ngày 31/12/2015 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Còn lại 54 vụ việc vẫn đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, TAND các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước. Đây là các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đến nay đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền trên 32,5 tỷ đồng; còn 12 vụ việc đang giải quyết.
Cụ thể, theo phân loại về lĩnh vực, 6 năm qua các cơ quan quản lý hành chính đã thụ lý 57 vụ việc yêu cầu bồi thường (chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thuế, đất đai, xử lý vi phạm hành chính), trong đó đã giải quyết bồi thường 45 vụ việc với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trên 12,74 tỷ đồng. Còn 12 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Trong lĩnh vực tố tụng, các cơ quan đã thụ lý 163 vụ việc và đã giải quyết xong 133 vụ việc, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường gần 56,8 tỷ đồng; còn 30 vụ việc đang giải quyết. Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc và đã giải quyết xong 32 vụ việc với số tiền phải bồi thường là 37,77 tỷ đồng. Trong đó có trên 7,272 tỷ đồng bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), 22,977 tỷ đồng của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình). VKSND các cấp đã thụ lý giải quyết đối với 113 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết xong 93 trường hợp với tổng số tiền phải bồi thường 16,4 tỷ đồng và còn 20 trường hợp đang giải quyết.
Ông Lương Ngọc Phi đang giữ “kỷ lục” về số tiền được bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: Dân Việt)
Video đang HOT
Ngành công an đã thụ lý giải quyết 11 vụ việc và đã giải quyết xong 7 vụ việc với số tiền phải bồi thường trên 2,2 tỷ đồng, còn 4 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Cơ quan tiến hành tố tụng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đã thụ lý giải quyết 1 vụ việc với số tiền bồi thường 350 triệu đồng.
Ngoài ra, theo báo cáo của các Bộ, ngành quản lý công tác thi hành án thì yêu cầu bồi thường mới chỉ phát sinh trong lĩnh vực thi hành án dân sự và các trường hợp này hầu hết thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Đến nay, tổng số vụ việc yêu cầu bồi thường đã được thụ lý trong lĩnh vực thi hành án dân sự là 38 vụ việc, trong đó số vụ việc đã giải quyết là 26 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 9,1 tỷ đồng. Còn 12 vụ việc đang trong quá trình giải quyết.
Thậm chí, số liệu này chưa bao gồm vụ việc của Chi Cục thi hành án dân sự huyện An Dương (Hải Phòng) giải quyết bồi thường cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Hà Nội (BIDV) với số tiền 12,580 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.
Đặc biệt, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, 6 năm qua chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng.
Từ kết quả hoạt động giải quyết bồi thường trong 6 năm qua, Bộ Tư pháp đánh giá Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu, tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại.
Thông qua việc thực hiện công tác bồi thường, công chức nhà nước tiếp tục có sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, vai trò của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Qua đó nâng cao trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo tinh thần để tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước thì không có hành vi trái pháp luật trong thi hành công vụ.
Tuy vậy 6 năm qua, cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với cán bộ thực thi công vụ chưa được thực hiện kịp thời. Số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả 3 lĩnh vực (chủ yếu là trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự) là rất ít, chỉ có 22/204 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền 676,742 triệu đồng, trong khi tổng số tiền mà Nhà nước đã phải bồi thường lên tới 111,149 tỷ đồng.
“Như vậy có thể thấy rằng, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa đúng theo quy định của pháp luật”- Bộ Tư pháp nhận định.
Mặc dù Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi (cố ý hoặc vô ý) nhưng một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ lại không xem xét yếu tố lỗi của người thi hành công vụ (?!).
Theo dự báo, số tiền mà ngân sách nhà nước sẽ phải trích ra để bồi thường oan sai trong thời gian tới còn tăng mạnh khi các vụ việc tồn đọng, đang trong quá trình “thương lượng” được giải quyết dứt điểm.
Thế Kha
Theo Dantri
"Kỷ lục" 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Chấn sắp bị phá vỡ?
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy năm 2015, ngân sách Nhà nước đã phải chi ra số tiền trên 42,5 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai. Số tiền này sẽ còn nhảy vọt trong thời gian tới
Kỷ lục bồi thường oan sai trên 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) sẽ bị phá vỡ khi vụ việc của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, trong năm 2015 số tiền nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là trên 16,437 tỷ đồng.
Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý 21 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước. "Đây là các vụ việc người dân bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đến nay mới giải quyết xong 14 vụ việc với số tiền 26,098 tỷ đồng; còn 7 vụ việc đang giải quyết"- ông Dũng nói.
Như vậy đến thời điểm này, ngân sách nhà nước đã chi ra trên 42,5 tỷ đồng để bồi thường oan sai. Vụ bồi thường "khủng" gần nhất vừa diễn ra cách đây hơn 1 tuần, khi Tòa cấp cao TAND Tối cao tại Hà Nội đã chuyển khoản toàn bộ số tiền trên 7,2 tỷ đồng để bồi thường cho 10 năm ngồi tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang).
Tuy nhiên số tiền bồi thường kỷ lục cho ông Chấn sẽ nhanh chóng bị phá vỡ nếu tới đây vụ việc của ông Lương Ngọc Phi (67 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Thái Bình, trụ sở tại số 463 Lý Thái Tổ, TP Thái Bình) được giải quyết dứt điểm. Mặc dù TAND TP Thái Bình tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi gần 23 tỷ đồng nhưng mới đây ông Phi đã làm đơn kháng án.
Ông Lương Ngọc Phi cho biết sẽ có đơn kiến nghị TAND Tối cao chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. Ông Phi lo ngại tới đây TAND tỉnh Thái Bình thụ lý, xét xử vụ việc sẽ không được khách quan vì phiên tòa phúc thẩm vụ kiện của ông Phi kiện TAND tỉnh Thái Bình sẽ do chính TAND tỉnh Thái Bình thụ lý.
Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Ảnh: Thế Kha).
Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn cho biết, số vụ việc giải quyết được của năm 2015 thấp hơn năm 2014 dù số đầu việc ngang nhau. Tuy nhiên năm 2015 có đặc thù hơn khi xuất hiện một số vụ việc yêu cầu bồi thường oan sai số tiền rất lớn. Chính vì thế việc thỏa thuận, xác minh yêu cầu đòi bồi thường mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan liên quan.
Ông Bốn cho rằng một trong những bất cập, khập khiễng hiện nay trong Luật Bồi thường Nhà nước là việc để cho cơ quan nhà nước làm sai được thỏa thuận với người bị oan sai về số tiền bồi thường. Chính vì thế quá trình đàm phán nhiều vụ việc diễn ra rất dài và chưa đem lại sự hài lòng cho người bị oan sai.
Sắp tới khi tổng kết Luật Bồi thường của Nhà nước, những vấn đề này sẽ được đem ra mổ xẻ kỹ lưỡng để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Thế Kha
Theo Dantri
3 năm 71 vụ oan sai: Phần nổi tảng băng? Ngày 5/6, thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát án oan, các đại biểu Quốc hội băn khoăn, liệu con số 71 vụ oan sai có phải là tất cả, hay chỉ là phần nổi của tảng băng? Nhiều đại biểu cũng bày tỏ bức xúc trước việc đùn đẩy, dây dưa, kéo dài trong bồi thường cho những người bị...