Nhà nông Việt trồng rau kiểu Mỹ
Sản xuất rau hữu cơ “khổ hơn chăm con mọn”, khó khăn hơn rất nhiều so với trồng rau bình thường.
Một số trang trại trồng rau tại Việt Nam vừa được chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là hai tiêu chuẩn quốc tế được đánh giá là uy tín hiện nay.
Để có chứng nhận này, các trang trại Việt phải đạt được hàng trăm tiêu chí, tiêu chuẩn ngặt nghèo.
“Khổ hơn chăm con mọn”
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần TM DV Mùa, cho hay để có được chứng nhận trồng rau hữu cơ thì khu đất trồng phải là đất sạch, tức là có ít nhất ba năm không được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ hóa học.
Không chỉ vậy, đơn vị phân tích còn kiểm tra môi trường đất, môi trường nước, không khí, các khu vực canh tác xung quanh xem có thể bị ô nhiễm chéo sang vườn hay không. Nếu dùng phân hữu cơ đã chế biến thì đó phải là phân hữu cơ được USDA hoặc EU chứng nhận được phép sử dụng…
“Khi đủ điều kiện, họ còn mời một chuyên gia độc lập từ một quốc gia khác đến đánh giá một lần nữa, lấy mẫu và phân tích trên 200 chỉ tiêu. Nếu đạt thì họ mới cấp chứng nhận và chỉ có giá trị trong một năm. Toàn bộ quy trình chăm sóc phải được ghi chép và truy suất nguồn gốc” – bà Thảo chia sẻ.
Cũng là một trang trại rau được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Organik Đà Lạt, cho hay để đạt chứng nhận này trang trại của ông phải mất 7-8 năm.
Trồng rau quả hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU tại trang trại rau nhiệt đới Organica. Ảnh: quang huy
“Sản xuất hữu cơ khổ hơn chăm con mọn, cực hơn rất nhiều so với sản xuất rau bình thường. Bởi trồng rau hữu cơ không xài thuốc, phân hóa học, chất tăng trưởng…” – ông Hùng nói.
Một kỹ sư đang làm việc tại trang trại vừa được chứng nhận hữu cơ nói: Nhiều khi phải “ăn ngủ”, theo dõi cả ngày lẫn đêm để phát hiện những đặc tính của con sâu, con bọ và thử nghiệm các phương pháp phòng trừ mới tìm ra được giải pháp tối ưu để bảo vệ rau. Chẳng hạn như thuốc diệt sâu gồm tỏi, ớt pha trộn với một số thảo dược và muốn hiệu quả thì phải thức dậy lúc 2-3 giờ sáng phun.
“Vì thời gian đó con sâu mới bò ra ăn rau. sáng ra mình phun thì nó đã chui sâu trong đất. Nhiều khi phải sử dụng chim chóc, những sinh vật có lợi để diệt sâu bọ” – kỹ sư này tiết lộ.
Video đang HOT
Ngày càng nhiều người mua
Ông Hồ Văn Đông, đại diện công ty chuyên tư vấn chứng nhận hữu cơ Control Union Việt Nam, cho hay hiện nay chỉ có khoảng 5-6 trang trại tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của các tổ chức quốc tế. phần lớn các trang trại còn lại là tự xưng.
“Trồng hữu cơ đạt chứng nhận cần đáp ứng nhiều yếu tố nghiêm ngặt. Ví dụ, giống cây trồng phải là giống trồng hữu cơ, tuyệt đối không cho phép giống biến đổi gen” – ông Đông nhấn mạnh.
Đại diện các trang trại, cửa hàng rau hữu cơ cho biết thêm hiện người tiêu dùng (NTD) thường mua rau quả hữu cơ tại các cửa hàng rau hữu cơ, hoặc đặt hàng qua mạng. Lượng người mua rau hữu cơ ngày càng tăng. Ngoài mua rau hữu cơ về dùng hằng ngày, nhiều khách hàng còn mua để phục vụ cho người đang bị bệnh.
Thậm chí có những nhóm khách hàng lập thành hội tiêu dùng thực phẩm hữu cơ để bảo vệ sức khỏe, trở thành khách hàng thân thiết của cửa hàng, trang trại.
Khảo sát thực tế cho thấy rau quả hữu cơ thường có giá cao hơn các loại rau quả bán ngoài thị trường 2-3 lần, một số loại rau như rau thơm giá có thể cao hơn trồng bình thường 4-5 lần. Lý do là chi phí đầu tư cho trồng rau hữu cơ cao hơn so với trồng rau thường, trong khi năng suất không cao.
“Năng suất trồng rau quả hữu cơ thấp hơn 50% so với sản xuất thường” – ông Nguyễn Bá Hùng cho hay.
Tuy nhiên, rau hữu cơ được các trang trại sơ chế nhặt sạch, có loại chỉ cần đem rửa sạch và chế biến. Trong khi đó với rau thường, lượng lá, cành hư hỏng phải bỏ có khi mất 50% trọng lượng. Như vậy tính ra giá rau hữu cơ cao hơn không nhiều so với rau thường.
Chọn mua sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế
Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đa số chứng nhận sản phẩm hữu cơ là của các tổ chức nước ngoài có thẩm quyền như USDA, EU, IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), Công ty Control Union… Hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ.
“Cục Trồng trọt đang soạn thảo quy định các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ trình Bộ NN&PTNT nhưng rất khó vì nhiều tiêu chuẩn nước ta không đủ năng lực xét nghiệm. Vì vậy, NTD nên chọn những sản phẩm có chứng nhận hữu cơ quốc tế, dán nhãn trên sản phẩm” – ông Dự khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ đang triển khai chương trình truy suất nguồn gốc để đảm bảo tất cả sản phẩm từ trang trại phải truy suất được nguồn gốc, có những dấu hiệu và tem nhãn để không bị phối trộn, làm giả nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD.
“Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là mở rộng mạng lưới trang trại liên kết canh tác hữu cơ ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Từ đó sản xuất được nhiều rau hữu cơ cung cấp cho NTD” – bà Thảo cho hay.
Mỗi hecta rau hữu cơ tốn 3.000-4.000 USD Theo bà Phạm Phương Thảo, chi phí để được tư vấn, chứng nhận trang trại hữu cơ của USDA và EU tốn kém, lên gần 8.000 USD/năm cho diện tích 2 ha. “Tốn kém nhưng đó chính là chứng nhận uy tín đối với NTD trong nước và tham vọng hướng ra thị trường thế giới” – bà Thảo nói. Nhà nước nên luật hóa bằng quy định về tiêu chuẩn trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ như tiêu chuẩn VietGAP để không xảy ra tình trạng ai cũng tự xưng hữu cơ nhằm đánh lừa NTD. Đại diện Công ty Organik Đà Lạt
QUANG HUY
Theo_PLO
Dân trồng rau dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Hàng nghìn mét đất dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ở phố Yên Lãng, Hoàng Cầu Mới (Hà Nội) được người dân tận dụng trồng rau.
Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông đang trong quá trình lắp dầm và xây dựng các nhà ga. Tại một số tuyến phố như Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) việc lắp dầm phần lớn được hoàn tất. Phía dưới, đơn vị thi công đã tháo rào chắn để hoàn trả lại mặt đường phục vụ việc đi lại của người dân.
Trong lúc đơn vị chức năng chưa trồng cỏ và hoa trang trí ở dưới hệ thống đường sắt trên cao, nhiều hộ dân ven đường đã tận dụng để trồng rau.
Nhiều loại rau củ quả được trồng ở đây, nhiều nhất vẫn là các loại rau thơm, hành tươi...
Phía dưới đoạn đường sắt trên cao đi qua phố Yên Lãng, nhiều luống rau được chăm sóc thường xuyên nên rất xanh tốt. Theo bà Nguyễn Thị Hòa ở phố Yên Lãng, về hưu rảnh rỗi, buồn bực chân tay, thấy có khoảng đất rộng bỏ không nhiều tháng chưa trồng hoa nên bà tranh thủ cuốc lên trồng một số loại rau. "Vừa là để cho vui và cũng có chút ít rau sạch phục vụ gia đình", bà nói.
Theo bà Hòa, công việc trồng và chăm sóc rau chủ yếu vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều muộn nên không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị thi công, vì họ lắp dầm chủ yếu vào ban đêm. "Cứ trồng cho vui, đến khi nào họ trồng hoa, trồng cỏ thì mình trả lại", bà Hòa vui vẻ nói.
Tương tự, trên đường Hoàng Cầu Mới, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới hoàn thiện phần cột trụ, việc lắp dầm chưa được triển khai nên phần lớn diện tích đất ở dải phân cách giữa được người dân tận dụng trồng các loại rau.
Đoạn đầu hồ Hoàng Cầu, người dân quây rào khoảng vài trăm m2 diện tích đất ở dải phân cách giữa để gieo rau cải.
Một luống rau lang mới được trồng. Theo quy định về hành lang an toàn của tuyến đường sắt đô thị, phần dải phân cách giữa ở dưới gầm tuyến đường sắt đi qua phải đảm bảo an toàn, không được phép trông giữ xe hoặc sử dụng vào bất cứ mục đích gì.
Theo ban quản lý dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tại những đoạn đã hoàn thiện, đơn vi thi công tháo rào, hoàn trả lại mặt đường, thì ở dải phân cách giữa sẽ được trồng cỏ và hoa, cây cảnh trang trí, đảm bảo mỹ quan và an toàn.
Hiện khoảng 4 km đoạn Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung (Hà Đông) đã được trồng cây cảnh.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km, qua 12 nhà ga với tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 520 triệu USD, sau đó bổ sung 350 triệu USD. Dự án do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc.
Hiện nay, dự án chậm tiến độ ở hàng loạt hạng mục, bao gồm 12 nhà ga, lao lắp dầm đường sắt chậm, chậm thanh quyết toán cho nhà thầu phụ nên nợ đọng dự án ngày càng tăng. Việc thi công bị trì hoãn khiến cho người dân Hà Nội "khốn khổ" mỗi khi đi học, đi làm qua tuyến đường này. Dự kiến tuyến đường sắt đô thị này khánh thành vào năm 2016.
Phương Sơn
Theo VNE
Vườn "thượng uyển" bí mật lưng trời của đại gia Hà Nội Lắp đặt hệ thống tưới nước tự động của Israel, nhập hàng chục gốc hồng Pháp, thuê người bắt sâu bằng tay, chỉ trồng các loại cây nhập khẩu cao cấp,... đó là những khu vườn đắt đỏ của các các đại gia ngay giữa Hà Nội. Thuê người bảo vệ, bắt sâu cho rau Nằm trên con đường Trần Quốc Toản (quận...