Nhà nhỏ chật chội và thiếu ánh sáng, thêm 1 ô cửa sổ ở vị trí này mà hiệu quả đầy ngỡ ngàng
Chỉ với một khung cửa sổ thiết kế thêm nhưng hiệu quả mà nó mang lại cho căn nhà nhỏ sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Đặc điểm của các căn hộ có diện tích nhỏ là không gian chật chội, bí bách và thường bị thiếu ánh sáng. Có một giải pháp rất dễ thực hiện, “đánh tan” giúp bạn những khuyết điểm ấy, đó là thiết kế thêm một chiếc cửa sổ trong nhà.
Chiếc cửa sổ này sẽ được thiết kế mở từ phòng bếp hướng ra phòng ăn, lối đi hoặc phòng khách. Căn hộ của bạn giảm được cảm giác nặng nề, khiến không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng và giàu ánh sáng hơn rất nhiều.
Nhìn hình ảnh phía trên, rõ ràng nếu không có cửa sổ mở ra từ phòng bếp thì bếp sẽ rất thiếu ánh sáng. Chiếc cửa sổ này mang lại hiệu quả rất cao, khiến bếp thoáng đãng và thoát khỏi tình trạng u ám vì diện tích nhỏ. Ngoài ra người nội trợ cũng có thể phục vụ món ăn trực tiếp qua cửa sổ, tiện lợi và tiết kiệm công sức!
Với căn nhà này, bổ sung thêm một cửa sổ mở ra lối đi, căn phòng được tràn ngập ánh sáng ngay lập tức.
Cửa sổ mở từ phòng bếp ra phòng khách có tác dụng kết nối hai không gian, tạo cảm giác như một căn bếp mở, giúp tổng thể nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Khung cửa sổ bằng gỗ nối thông nhà bếp với phòng ăn mang đến một cái nhìn đầy nghệ thuật, cửa sổ với vài cành hoa đã trở thành món đồ trang trí làm đẹp thêm cho căn nhà.
Bệ cửa sổ cũng có thể được tận dụng làm quầy bar. Căn bếp bán mở với quầy bar là giải pháp hoàn hảo để tiết kiệm diện tích, chủ nhà vẫn có thể “chill” thoải mái ngay trong nhà mình.
Đây không phải là thiết kế bếp mở thông thường, bếp vẫn là một gian riêng với các bức tường và cửa nhưng được thiết kế thêm ô cửa sổ với diện tích tùy ý. Cửa sổ này có thể do chủ nhà lên kế hoạch ngay từ đầu hoặc sau đó trong quá trình sử dụng mới thiết kế thêm để căn bếp được thông thoáng và sáng hơn.
Với ô cửa sổ hẹp dài như hình ảnh phía dưới, người thiết kế dùng gạch kính trang trí, vừa đảm bảo sự riêng tư, lại giúp tăng cường ánh sáng mà vẫn có hiệu quả trang trí.
Kể cả những căn bếp với tường kính xuyên thấu không sợ thiếu sáng, một ô cửa sổ mở ra ngoài vẫn khiến không gian bếp thoáng hơn rất nhiều. Bếp tường kính cũng là giải pháp bếp đáng lưu tâm dành cho những căn hộ có diện tích khiêm tốn. Vật liệu kính làm không gian trở nên sang trọng, nhẹ nhàng mà ánh sáng cung cấp cho bếp luôn được đảm bảo.
Video đang HOT
Để thi công một ô cửa sổ như trên, bạn chẳng cần mất nhiều công sức và chi phí nhưng rõ ràng hiệu quả đem lại rất thiết thực.
Bạn hãy thử bắt tay vào thiết kế một ô cửa sổ tương tự cho căn hộ của mình xem sao nhé!
Ông Tây ở TP.HCM nhặt kính vỡ ven đường làm thành tác phẩm nghệ thuật
Nhìn thấy nhiều tấm kính, gương cũ bị vứt trên đường phố ở TP.HCM, Gabriel Meranze Levitt (người Mỹ) đã nhặt về và biến chúng thành những món đồ trang trí đầy nghệ thuật.
Gabriel Meranze Levitt (42 tuổi, quốc tịch Mỹ) đã sống tại Việt Nam 12 năm và hiện điều hành một doanh nghiệp xã hội ở TP.HCM.
Khắp không gian căn hộ tại phường Thảo Điền (quận 2) nơi gia đình anh đang ở, từ 4 bức tường đến trần nhà, khung cửa sổ và cả phòng ngủ đều được trang trí bằng loạt tác phẩm bằng kính do chính tay anh thực hiện. Chúng được làm hoàn toàn bằng những mảnh gương, kính vỡ bị vứt bỏ trên đường phố.
Levitt hẹn gặp Zing vào buổi trưa, bởi đây là khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày nắng chiếu trực tiếp xuống bức tượng "Em bé" bằng kính treo ở tầng một ngôi nhà và tạo nên hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt.
Gabriel Meranze Levitt trang trí căn nhà của mình bằng những tác phẩm nghệ thuật làm từ kính tái chế.
"Tôi bắt đầu làm những món đồ bằng kính cách đây 3 năm sau lần gặp những người bạn cũ ở Mexico. Ban ngày, họ làm công việc chính, tối đến họ hòa mình vào sở thích riêng như hội họa, âm nhạc hay làm đồ thủ công. Tôi giật mình nhận ra sự sáng tạo là thứ mình đang thiếu trong cuộc sống. Về Việt Nam, tôi vô tình nhìn thấy nhiều tấm kính cũ bị người ta vứt ngoài đường nên đã nảy ra ý tưởng làm nên các tác phẩm với chúng", Levitt chia sẻ.
Đam mê những mảnh kính vỡ
"Em bé" là tác phẩm bằng kính được Levitt lấy cảm hứng từ chính cô con gái nhỏ của mình. Đó là bức tượng một cô bé có mái tóc xoăn đang nhảy múa. Tác phẩm nặng khoảng 7 kg, được treo ở góc giếng trời, nơi có ánh nắng chiếu xuống.
"Mỗi khi nhìn con gái nhảy nhót vui đùa, tôi luôn cảm giác kỳ diệu. Con bé trông như một thiên thần, tràn đầy năng lượng và hạnh phúc. Tôi đã quay video, ngắm nghía kỹ hình ảnh con rồi tạo nên tác phẩm thể hiện được đúng tinh thần đó. Dịp Tết vừa rồi, sau khi về thăm quê vợ ở Tiền Giang, tôi lên Sài Gòn trước và tập trung làm xong như một món quà tặng con".
Levitt mất 5 tuần để hoàn thành "Em bé".
Đầu tiên, anh gọt tạo hình lõi cho bức tượng bằng loại xốp xây dựng, bọc bên ngoài là một lớp lưới thủy tinh để đảm bảo độ chắc chắn và hạn chế sự co rút, giãn nở của mô hình khi nhiệt độ thay đổi. Cuối cùng là dán những mảnh gương ở lớp ngoài cùng.
"Em bé" được Levitt lấy cảm hứng từ hình ảnh cô con gái đáng yêu của mình.
Levitt thích thú khi nói về quá trình làm nên những tác phẩm của mình. Sau khi nhặt những tấm kính cũ về nhà, anh bắt đầu lên ý tưởng và mày mò tự học cách cắt, mài kính thành hình dáng mong muốn.
"Tôi xem nhiều video hướng dẫn cách thao tác với kính, nhưng không bao giờ tìm kiếm tác phẩm của người khác. Tôi nghĩ rằng khi xem rồi bắt chước theo sản phẩm của một ai đó chính là đang copy của họ, tôi không thích như vậy. Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết có ai trên thế giới cũng làm ra những tác phẩm tương tự như mình đang làm không".
Sản phẩm nghệ thuật của Levitt có khi đến từ sự ngẫu hứng, có cái xuất phát từ những trăn trở của anh về vấn đề văn hóa, xã hội.
Tác phẩm có tên "Storm of Change" lấy cảm hứng từ cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc nhức nhối tại Mỹ. Sau 3 tháng, anh hoàn thành mô hình và treo nó trên trần, ngay trước cửa nhà.
Tác phẩm nặng 15 kg, gồm đám mây (có kích thước 100x50x40 cm) được đính 3.000 mảnh gương nhỏ hình vuông - tượng trưng cho nước Mỹ là một khối thống nhất - và 130 giọt mưa nhiều màu sắc khác nhau, đại diện cho sự đa dạng chủng tộc, như người da trắng, người da đen và da vàng.
Sản phẩm mới nhất Levitt thực hiện là chiếc đèn bàn đặt trong phòng ngủ. Khi bật đèn, ánh sáng phản chiếu qua những mảnh kính được mài bóng tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng. Đèn có chiều cao 106 cm và nặng 20 kg.
Những tác phẩm nghệ thuật từ kính vỡ của người đàn ông Mỹ.
Những tác phẩm nghệ thuật từ kính vỡ của người đàn ông Mỹ.
Thế giới riêng trên tầng thượng
Trước khi chuyển đến TP.HCM, Levitt có 3 năm sinh sống và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội. Đến năm cuối cùng của dự án, anh gặp vợ và chỉ sau 3 tuần đã quyết định theo cô chuyển vào Nam.
"Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ cùng chuyển vào đây để xem có cơ hội cùng nhau gắn bó lâu dài hay không, cũng là để tôi tìm kiếm công việc gì đó mới mẻ sau khi dự án của mình kết thúc. Tình cảm ngày càng lớn, chúng tôi hiện tại đã có một cô công chúa nhỏ. Chúng tôi cùng điều hành doanh nghiệp xã hội, đồng thời tìm kiếm các chương trình của tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ người khó khăn".
Levitt thường dành thời gian buổi tối để làm các sản phẩm.
Những món đồ tái chế bằng kính đã giúp anh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, được phát huy sự sáng tạo và thực hiện nhiều ý tưởng hay ho.
Tầng thượng của ngôi nhà là "thế giới riêng" của người đàn ông Mỹ. Xung quanh không gian chật hẹp xếp đầy dụng cụ cắt dán và cả trăm mảnh gương, kính vỡ với đủ loại hình dáng và màu sắc mà anh thu nhặt suốt thời gian qua.
"Trên đường đi làm, nhìn thấy có mảnh kính nào bị bỏ, tôi sẽ để ý rồi quay lại mang về nhà sau khi xong việc. Không phải lúc nào cũng kiếm được một tấm kính đúng với cái mình muốn, nên tôi cứ mang về rồi đợi khi cần dùng đến sẽ lấy ra. Tôi thích những hoa văn, đường nét của viền kính sau khi được mài, ánh sáng chiếu vào khiến chúng trông càng đẹp mắt".
Dù chỉ là sở thích cá nhân, Levitt luôn nghiêm túc và dành hết tâm huyết khi sáng tạo những tác phẩm của mình.
Sau khi có ý tưởng cho sản phẩm, mỗi đêm sau khi con gái đã ngủ, Levitt thường dành khoảng 2 tiếng để làm. Ban ngày phải giải quyết công việc, đào tạo nhân sự, đêm là lúc anh có được sự tập trung tuyệt đối để làm tác phẩm của mình.
"Cách đây không lâu, tôi có khoảng một tuần bị bí ý tưởng. Cố gắng rất nhiều nhưng không nghĩ được thứ gì để làm tiếp theo, tôi đã dành thời gian ngồi ở một quán cà phê để suy ngẫm và cuối cùng tìm ra ý tưởng mới. Với tôi, làm đồ bằng kính tái chế chỉ là một sở thích cá nhân nhưng bản thân vẫn cần có sự nghiêm túc khi theo đuổi nó", Levitt bày tỏ.
8 lỗi phổ biến vô tình đẩy nhà bạn thành "nơi trú ẩn" của côn trùng Có lẽ còn rất nhiều người chưa biết rằng, lựa chọn nội thất, tìm các ý tưởng thiết kế có thể mang tính thẩm mỹ cao nhưng lại vô tình gián tiếp trở thành nguyên nhân thu hút côn trùng. Để tìm kiếm thức ăn và chỗ ở, nhiều loài côn trùng chọn định cư trong nhà vì chúng có thể tìm thấy...