Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã: Từ bi là một “chiến lược” sống!
Chết không phải là hết. Vấn đề là chết đi về đâu?
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã hào hứng chia sẻ cùng khán giả
Sáng 18/5, tại nhà hàng Le Petit Hà Nội (39 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM), chúng tôi đã tổ chức chương trình giao lưu với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã về chủ đề “Sống cho hôm nay, sống cho ngày mai”. Đây có thể coi là cuộc giao lưu về lĩnh vực tâm linh lần đầu tiên được tổ chức, đã thật sự giải tỏa được những thắc mắc về tâm linh rất gần gũi nhưng xưa nay ít được tiếp cận. Hơn thế, nó thực sự trở thành một diễn đàn để bạn đọc gần xa gửi gắm những tâm sự, nỗi niềm trong cuộc sống thường nhật.
Từ sáng sớm, nhà hàng Le Petit Hà Nội đã có rất đông người đến chờ đợi được giao lưu với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã. Ông có mặt tại khán phòng trong trang phục giản dị với nụ cười rất tươi. Sự xuất hiện của ông lập tức là tâm điểm của sự chú ý. Mặc dù cuộc giao lưu chưa chính thức bắt đầu nhưng những câu hỏi đã dồn dập đến.
Sức hút của tâm linh
Lần đầu tiên, tôi thấy những lời đề nghị tìm mộ gửi đến cho ông ít hơn những băn khoăn, trăn trở về lĩnh vực tâm linh diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã vẫn được người ta biết đến nhiều nhất trong vai trò người tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm rất thành công. Nhưng trong buổi giao lưu, ông mang một vai trò khác, như là một sự dẫn dắt, kết nối mọi người đến với những điều tốt đẹp, cũng là người để đọc giả gửi gắm những tâm sự. Có lẽ vì vậy mà không gian nhà hàng rộng lớn dần chật người, hàng trăm người, nam phụ lão ấu từ khắp nơi tìm đến. Người cao tuổi nhất gần 80 và khán giả “nhí” thì vừa tròn 4 tuổi. Một độc giả ở Tây Nguyên hay tin về cuộc giao lưu, không đến dự cũng đã gửi thư chia sẻ thắc mắc của mình.
Sự xuất hiện của Hoa khôi thể thao Thu Hương cùng một số diễn viên nổi tiếng cho thấy tâm linh là vấn đề ăn sâu vào ngõ nghách của cuộc sống, là sự quan tâm của rất nhiều người. Anh Nguyễn Ngọc Thành, đến từ Gò Vấp, TP.HCM tâm sự: “Biết đến nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã từ lâu và rất mong được gặp ông nên tôi đến từ sớm. Tôi rất tin vào tâm linh, vào nhân quả tốt đẹp của cuộc sống nên chỉ cần nghe ông nói chuyện, với tôi niềm tin ấy càng mãnh liệt hơn”.
Những câu hỏi thắc mắc được gửi đến đều pha lẫn trong những câu chuyện rất đời thường, khiến khán phòng như trở nên ấm cúng hơn. Gia đình khán giả nhí Hoàng Lê Xuân Lâm, 4 tuổi kể: Đêm nào cũng vậy, cứ 12 giờ đêm, đang ngủ thì cậu bật dậy khóc thét dù mắt vẫn nhắm. Nghĩ vấn đề xuất phát từ chỗ ở nên gia đình đưa cậu bé ra Bắc nhưng tình hình không thay đổi. Họ lại vào Nam nhưng tình trạng cậu càng nặng hơn mỗi đêm cậu la hét đến hai lần trong khi ngủ. Gia đình mang theo cậu đến buổi giao lưu mong được nhà ngoại cảm giải đáp để họ có thể hóa giải tâm bệnh dai dẳng.
Một người khác gửi đến nhà ngoại cảm một câu chuyện cảm động: Anh trai anh bị tai nạn ra đi đột ngột nhiều năm trước. Vì điều kiện nên không thể đưa về quê nên phải hỏa táng gửi vào chùa. Nhiều năm ròng anh đi tìm câu trả lời, liệu vong hồn anh trai có theo xác được không? Từ lâu anh chỉ có một nỗi niềm luôn đau đáu là làm cách nào để giúp đỡ vong hồn anh trai mình. Bây giờ điều kiện kinh tế đã khá hơn nhưng anh vẫn chưa tìm ra cách. Được gặp nhà ngoại cảm, anh gần như đã cởi bỏ được gánh nặng trong lòng. Câu chuyện được kể trong sự im lặng chia sẻ của hàng trăm người dự khán. Trong đó rất nhiều người tha hương lập nghiệp như anh, cùng có rất nhiều trăn trở về cuộc sống thường nhật và cả những ý niệm chưa hoàn thành.
Còn rất nhiều câu chuyện, thắc mắc khác, từ cuộc sống, cái chết đến vong hồn. Cả những chuyện đời thường như khấn nguyện, cúng giỗ đều được chia sẻ, hàng trăm gương mặt rạng rỡ như tìm thấy được mình trong đó. Những khúc mắc về tâm linh tưởng chừng đơn giản nhưng là sự trăn trở của hầu hết mọi người lần lượt được tháo gỡ.
Video đang HOT
Thông điệp của tâm linh
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, ngoài việc giải đáp thắc mắc của bạn đọc, còn chia sẻ hành trình tìm mộ của mình mà đích đến quý báu là việc ông nhận diện được con đường ấy dẫn ông đến một chân lý: Chết không phải là hết. Vấn đề là chết đi về đâu? Nhận biết được điều đó, mỗi người đang sống sẽ chuẩn bị được tâm thế cho mình, cũng như giúp đỡ được cho rất nhiều vong hồn đã mất. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa của thông điệp “sống cho hôm nay, sống cho ngày mai”, ông gửi đến bạn đọc. “Mỗi người chúng ta đang sống đều cần chuẩn bị một “chiến lược” để sau khi thần thức bỏ thể phách ra đi, sẽ được kết nối về với thế giới mà ta mong muốn, thế giới không những cao hơn cõi ma, ngạ quỷ mà còn cao hơn loài người”. Nhiều bạn đọc thắc mắc làm thế nào để xây dựng được “chiến lược” đó? Ông trả lời: Chìa khóa rất đơn giản, đó chính là cách sống tốt đời đẹp đạo, ban phát lòng từ bi.
“Nhiều người trong số các bạn có lẽ một đôi lần nghe đến bị vong hồn này vong hồn kia đi theo mình. Xin đừng sợ. Hãy hỏi tại sao không có một ngàn hoặc nhiều hơn thế những hồn ma xung quanh để mình được làm phước, được cầu nguyện cho họ”-ông nói. Nơi chúng ta đang sống đã tồn tại rất nhiều năm, vong hồn người chết, kể cả động vật nhiều lắm, ở đâu cũng có. Vì động vật tiền kiếp hoặc hậu kiếp của chúng cũng có thể là người. Người sống không nên sợ. Hãy cầu nguyện mỗi ngày, mỗi giờ giúp họ siêu thoát. Sống từ bi đức độ lâu ngày thì sẽ có nghiệp lực dẫn vong hồn về với cõi tốt đẹp khi chúng ta rời khỏi thế giới này.
Hoa khôi thể thao Thu Hương kể với nhà ngoại cảm một câu chuyện chị đọc được: Một người trước khi chết thấy hồn mình lơ lững trên nóc nhà không đi được. Người ta quan niệm rằng vì còn nợ nhiều người quá nên không thể siêu thoát, phải ở lại trả nợ. Chị Thúy Khang thì chia sẻ một quan niệm khác: Mỗi con người có một sóng điện. Sau khi chết đi, sóng điện nào yếu thì tan đi, sóng nào mạnh thì vẫn còn tồn tại. Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã phân tích rằng sở dĩ vong hồn không siêu thoát là do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân xuất phát từ người sống. Mỗi con người chúng ta ai cũng mang một hoặc nhiều món nợ, không vật chất thì tinh thần. Có hóa giải được hay không trước khi rời thế giới này đều do ở phúc phần ta tạo ra khi sống. Con người sống chan hòa, nhân ái thì thần thức, cả khi sống hay khi chết đi, đều nhẹ nhõm.
Ông ví von về việc cầu nguyện và ban phát từ bi như là việc đang gửi đi những tần số sóng, kết nối với “tổng đài” tâm linh, là việc tích đức để tạo nghiệp lực về với thế giới tốt đẹp sau này. “Mỗi lời cầu nguyện giúp đỡ được rất nhiều, cho chính mình và cho những người đã khuất. Hãy bắt đầu từ ông bà cha mẹ, họ hàng, rồi đến hàng xóm mình và xa hơn nữa. Tôi nói thật, các bạn có một trăm tỷ đồng nhưng chết đi có mang theo được đâu. Nhưng kho báu tình thương thì theo bạn mãi mãi, nhiều kiếp luân hồi về sau”-ông phân tích. Vì vậy mà ông đi nhiều nơi trên thế giới, có những bậc thiền sư tu tập hàng trăm, hàng ngàn năm, dù có mất đi thể phách thì thần thức của họ vẫn tiếp tục tu tập.
Ông lại nói, khi gửi sóng TB (TỪ BI), hãy thành tâm và bằng sự say mê. Ông đến đền chùa, thấy nhiều người vừa cúi đầu khấn nguyện xong vừa ra ngoài đã quát tháo, cãi vã với người khác. Làm như thế là đã gửi nhầm sóng TSS (THAM-SÂN-SI) rồi, sẽ phản tác dụng. Suốt buổi giao lưu, hàng trăm độc giả chăm chú lắng nghe những phân tích của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã và đều rất tâm đắc. Ông còn đưa ra nhiều ví dụ rất dí dỏm để giải thích sinh động về nhân quả, luân hồi. Những câu chuyện vì thế tiếp nối nhau kéo dài đến giữa trưa. Một số người mạnh dạn lên đứng cùng nhà ngoại cảm chia sẻ những trải nghiệm tâm linh của mình.
“Cảm ơn quý báo và nhà ngoại cảm đã cho chúng tôi một trải nghiệp quá đỗi ý nghĩa”- bà Nguyễn Thị Hồng, 68 tuổi xúc động nói- “Nhờ trải nghiệm đó chúng tôi có thêm sức mạnh để tin rằng chết không phải là hết. Chúng tôi tâm niệm và nhắn với những người sống tham lam, đam mê vật chất hưởng thụ, phí hoài cuộc sống rằng có những điều tốt đẹp hơn đang và sẽ đón đợi mỗi con người chúng ta. Nên phải sống thật tốt, hãy cùng nhau ban phát từ bi, ban phát lòng yêu thương cho người đang sống lẫn những người đã khuất”. Bà lão nói rồi quay đi với một nụ cười rất mãn nguyện. Còn tôi chợt thấy rằng những quy luật tâm linh, từ nhà ngoại cảm dung dị, đi vào lòng người khác một cách rất đỗi tự nhiên. Chợt thấy, lần đầu tiên có một cuộc giao lưu về tâm linh “kỳ lạ”như thế. Tâm linh mà từ đầu đến cuối đều mang hơi thở cuộc sống, rất gần gũi và chan hòa, không siêu hình hay huyền bí như người ta mường tượng.
Theo xahoi
Ly kỳ những cuộc tìm mộ đầu tiên Kỳ 1
Thực chất, không cần đợi đến sau này, khi hoạt động trong lĩnh vực ngoại cảm, tên tuổi của Nguyễn Văn Nhã mới được người ta biết tới.
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn, theo sự hướng dẫn của ông Nhã, tìm được mộ của cha mình tại nước Lào sau 60 năm.
Bạn bè, người cùng thời biết đến ông với hình ảnh một chàng sinh viên trẻ tuổi dọc ngang hiển hách. Mỗi thời, ông cống hiến cho xã hội một kiểu khác nhau. Dù với cương vị là nhà ngoại cảm hay người hoạt động cách mạng, điều đầu tiên mà người ta cảm nhận ở ông, đó là sự chân thành, thẳng thắn và rất khiêm nhường.
Đường đến ngoại cảm
Trước mặt tôi, vẫn là một con người gầy gò dong dỏng cao, giọng nói nhỏ nhẹ. Nhưng tôi cảm nhận được trong cái hình hài ấy là cả một nhân cách lớn. Nói như vậy, tôi biết ông sẽ không đồng ý. Ông rất ngại những từ ngữ đao to búa lớn mà người ta gán ghép cho mình, kiểu như "thiên tài", "thần thánh"... ông chỉ nhận mình là một người rất bình thường. Có câu chuyện tôi mang kể với ông: Một người khi trực tiếp ngồi nói chuyện với ông khẳng định có những đốm sáng lạ phát ra quanh người ông như những vầng hào quang. Người này đã chụp ảnh lưu lại. Ông cười rất tươi nói: "Đừng nên tin vào những cái đó". Chợt nhớ lời ông dặn trước đó, rằng đừng thần thánh hóa ngoại cảm, rằng nhà ngoại cảm, trước hết chỉ là một con người.
Cũng như ông nhiều lần khẳng định khả năng ngoại cảm đến với ông như một cơ duyên, chính ông cũng không ngờ tới. Câu chuyện tìm mộ của liệt sĩ Trần Khai Nguyên chính xác gần như tuyệt đối là lần đầu tiên ông chủ động tìm mộ. Còn nhiều những cuộc tìm mộ khác trước đó như những cuộc tập dợt, sát hạch đưa ông đến với ngoại cảm. Năm 1997, sau khi tìm được mộ bố vợ ông theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên trên núi rừng Trường Sơn. Ông trở về Sài Gòn và có một số gia đình khác nhờ ông cùng đi tìm mộ người thân. Lúc đó ông không hề có khả năng ngoại cảm nhưng kỳ lạ nhất là những cuộc tìm mộ có ông đi cùng thường nhanh hơn và chính xác hơn, không ai giải thích được. Lần tìm mộ ở Tây Ninh, cô Tư- một nhà ngoại cảm đạo Cao Đài- nhìn kĩ vào trán ông rồi vỗ vai ông nói rằng: " Anh Nhã có sứ mạng tìm hài cốt chiến sĩ. Nên vận dụng giúp người tìm mộ". Lúc đó ông chỉ cười xòa cho qua chuyện.
Lúc bấy giờ, nhà ngoại cảm C. ở ngoài Bắc được cho là người đã phát triển cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, trong một lần gặp gỡ đã khuyên ông hoạt động ngoại cảm, phụ trách phía Nam. Vì thời đó, nhà ngoại cảm chủ yếu ở ngoài Bắc, thân nhân muốn tìm mộ hầu hết phải ra đằng ngoài tìm nhà ngoại cảm. Ông Nhã lại từ chối. Cho đến một ngày, như định mệnh. Đó là lúc nguyên Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Trương Văn Đa và mẹ là bà Hồ Thị Bi tổ chức đi tìm hài cốt của chồng và cha là liệt sĩ Trương Văn Ngài. Bà Hồ Thị Bi là đại tá, anh hùng LLVTND, tên tuổi bà gắn với nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến chống pháp. Bà được mệnh danh là "Nữ kiệt miền Đông" bở sự gan lì, táo bạo. Chồng bà, liệt sĩ Trương Văn Ngài cũng là một chiến sĩ cách mạng nổi tiếng. Giặc Pháp treo thưởng nhiều tiền đổi thủ cấp của ông. Năm 1947, ông và em trai bị giặc bắt, chúng chặt đầu ông đem về lĩnh thưởng. Bà chỉ nhận được thân thể chồng an táng. Năm mươi năm đằng đẵng, từ khi còn chiến tranh đến lúc hòa bình, cả gia đình chỉ có một ước nguyện tìm được thủ cấp của ông.
Ông Nhã lúc còn trẻ
Họ ra Bắc tìm gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên và may mắn được vẽ một bản đồ tìm đến một vùng đất ở Hóc Môn. Thế nhưng, sau 50 năm, cảnh vật đổi thay, những dấu hiệu tìm ra mộ gần như bị xóa sạch. Sau nhiều lần đào bới không kết quả, họ gọi lại cho nhà ngoại cảm C. và ông Nguyễn Văn Liên. Chợt bà C. phát ra lời như khẩu lệnh: "Tất cả bây giờ phải nhờ anh Nhã". Rồi bà gọi điện trực tiếp cho ông Nhã. "Tôi nghe chẳng hiểu gì cả. Lúc đó tôi không hề thấy bất cứ điều gì. Thời đó tìm cả bộ hài cốt đã khó. Đằng này chỉ tìm thủ cấp, khó gấp trăm lần. Mà lại nhờ người không biết gì như tôi nên thật vô lý"-ông Nhã kể. Thế nhưng, bà C. lại gọi liên tục giục ông chỉ. " Tôi không thấy gì cả, làm sao mà chỉ được"?-Lời ông như van nài. Bà C. sẵng giọng: "Anh cứ nói đi, lập tức ứng nghiệm". Lúc này ông hoang mang thật sự, bởi với ông lúc đó ngoại cảm cũng là sự thần bí ghê gớm, không thể giản đơn như vậy. Nhưng sau nhiều lần thúc ép, như để khẳng định bà C. đã sai, ông chỉ: Gia đình bước tới 10 bước nữa sẽ thấy một cây ổi hay cây xoài gì đó. Từ vị trí này, cách nửa mét về hướng tây bắc thì đào tìm. Gia đình liệt sĩ làm đúng lời ông, tiến 10 bước thì quả thật gặp ngay một cây ổi. Họ mừng rỡ, bắt đầu xác định vị trí và đào tìm. Ở nhà, ông vừa hồi hộp, vừa lo sợ. Vì lời ông nói đã linh nghiệm một nửa. Không lẽ, có sự kỳ lạ như vậy khi mà ông chỉ nói đại, không hề có hình ảnh nào hiện lên trong đầu? Cuối cùng, gia đình liệt sĩ sau khi đào sâu 1,2m rồi 1,5m vẫn không thấy gì. Ông lại ngổn ngang cảm xúc, chẳng biết nên buồn hay vui.
Đợi một lúc, chuông điện thoại lại réo. Giọng bà C. bên kia thúc giục : "Anh Nhã chỉ tiếp đi, gần rồi đó". Lần này, ông hoảng sợ thực sự, rồi như dồn hết sức bình sinh, ông chỉ: Từ chỗ đã đào, gia đình đào thêm nửa mét nữa về hướng tây bắc. Lại im ắng, sự chờ đợi trong im lặng như bóp nghẹt ông. Điện thoại reo khiến ông giật thót mình. Lần này thì ông gần như đã kiệt sức và tự nhủ không thể chỉ dẫn gì nữa cả. Thế nhưng, ông vừa bật máy đã gặp ngay giọng nói của ông Trương Văn Đa reo lên mừng rỡ: "Tìm thấy mảnh sọ rồi anh Nhã ơi! Đúng hài cốt của ông cụ đây rồi". Gia đình liệt sĩ thì mừng vui khôn xiết, còn ông ngồi trong căn phòng vẫn với một tâm trạng ngổn ngang giằng xé. "Tìm thấy rồi tôi vẫn không tin. Sao có sự kỳ lạ đến vậy"?-ông hồi tưởng và tâm sự rằng đó là lần đầu tiên trong đời, ông sống trong cảm giác không thể đặt tên nhưng không bao giờ ông quên được.
Đó là lần đầu ông góp sức tìm mộ. Phải qua nhiều cuộc tìm kiếm đầy thử thách tương tự như vậy ông mới chính thức tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm. Một trong những thử thách cam go đầu tiên như vậy là trường hợp của ông Lê Văn Tự. Ông Tự là Giáo sư-Tiến sĩ nông học, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM. Thời ấy, ngoại cảm tìm mộ vẫn chưa rộng rãi, vẫn là vấn đề nhạy cảm và giới trí thức ít người tin, nhiều người phản bác. Người học rộng tài cao như ông Tự tìm đến nhờ giúp đã là một thử thách đối với ông, càng cam go hơn khi vị trí tìm mộ cách hàng ngàn cây số. Ông Tự thuật lại: Người em út của ông tên là Lê Văn Tường, SN 1947, là chuẩn úy, hy sinh ngày 15/3/1969 tại Khe Sanh, mặt trận đường số 9, Quảng Trị. Theo sự mách bảo, ông tìm đến ông Nhã. Sau cuộc hỏi han, ông Nhã vẽ cho ông Tự sơ đồ hướng dẫn rõ đường đi từ thị xã Đông Hà đến thị trấn Hướng Hóa và vào nghĩa trang liệt sĩ cùng lời ghi chú: " Liệt sĩ Tường đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện từ năm 1991. Vị trí mộ nằm phía sau đài tưởng niệm, hàng thứ tư kể từ dưới lên, hàng thứ ba kể từ bên trái vào. Trên mộ có một lỗ thủng nhỏ bằng đầu đũa". Tất cả các thông tin được ông truyền đạt ra hoàn toàn tự nhiên.
Vợ chồng ông Tự cầm sơ đồ trên tay tức tốc lên đường, hai ngày sau đã tìm đến đúng nghĩa trang huyện. Chỉ mất 10 phút họ tìm được mộ của liệt sĩ Tường, đúng như lời ông Nhã nói, từ vị trí hàng ngang hàng dọc đến cái lỗ thủng nhỏ trên mộ. Được sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, việc cải táng hài cốt liệt sĩ Tường diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Cuộc "tương phùng" ý nghĩa của hai anh em sau 30 năm hoàn hảo đến không ngờ. " Sự thật không đơn giản như vậy, nếu họ dễ dàng nhận ra nhau thì chính tôi cũng chưa tin là đúng"-ông Nhã kể. Vì những lần đầu tiên đó bao giờ cũng kèm theo sự lo lắng, đợi chờ nghẹt thở. Bởi nếu không chính xác tức là làm khổ người ta, ông sẽ hối hận nhiều lắm. Ở đây có một câu chuyện làm an lòng người tìm kiếm và khiến ông vui mừng không kém. Ông Tự kể rằng: Trước đây, lần hai anh em ông gặp nhau ở Hà Nội, ông có một chiếc thắt lưng to bản bằng nhựa hóa học của Liên Xô. Ông đưa ra thợ cắt thành hai cái giống nhau để hai anh em làm kỷ niệm trước khi trở lại chiến trường. Sau khi khai quật mộ em trai, ông òa khóc trong sung sướng vì tìm thấy chiếc thắt lưng ấy gần như nguyên vẹn sau 30 năm, như một sự sắp đặt của trời đất.
Riêng với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, những trường hợp đầu tiên chính xác như vậy cho ông niềm hạnh phúc thậm chí còn lớn hơn thân nhân những liệt sĩ. Đó cũng là một trong những động lực lớn giúp ông gắn bó với việc tìm mộ bằng ngoại cảm sau này.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã bây giờ
Nhân cách Nguyễn Văn Nhã
Là một trong ít người may mắn được gặp gỡ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, người viết bài này thường nhận được nhiều câu hỏi về ông pha lẫn hiếu kỳ là sự kính phục, ngưỡng vọng. Riêng tôi, tất cả những điều tôi biết hồ như đều hướng về bản ngã của ông: Sự chân thiện. Nguyễn Văn Nhã sinh năm 1949, trong một gia đình buôn bán nhỏ. Thời trẻ ông từng học trường Trung học Petrus Ký nổi tiếng ngày trước (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong) rồi vào Đại học Khoa học Sài Gòn. Ngôi trường này là một trong những cái nôi của phong trào học sinh sinh viên gắn với những người hoạt động cách mạng nổi tiếng như: Nguyễn Minh Triết, Phạm Chánh Trực, Dương Văn Đầy, Lê Công Giàu... Người cùng thời hay nói về ông Nhã với hình ảnh chàng sinh viên ốm yếu, thường tham gia tổ chức những cuộc xuống đường biểu tình chống chế độ những ngày đất nước sục sôi hào khí cách mạng. Ông một mình dán khẩu hiểu, cờ giải phóng, phát truyền đơn trong trường đại học, sau này tham gia thành lập chi đoàn hoạt động cách mạng bí mật.
Đầu năm 1975, ông bị bắt và bị đưa vào nhà giam Nha cảnh sát Đô Thành. Hơn 3 tháng trong ngục tù, ông trải qua những màn tra tấn thừa sống thiếu chết. Giặc đánh vào tay chân, thân thể ông nhiều ngày đến khi sưng vù, chảy nước quyện máu rồi xích lại trên băng ca bỏ giữa hành lang phòng giam cho muỗi cắn. Tất cả chỉ để khai thác danh sách 8 cơ sở cách mạng mà ông phát triển. Những lần tra khảo bằng kim đâm vào các ngón tay rồi dùng thước đóng dần xuống, hay để một chân ghế lên chân cái ông rồi chúng ngồi lên rung lắc.. đau đến tận xương tủy, ngất lên ngất xuống nhưng ông không nói nửa lời. Tất cả những "tra khảo viên" khét tiếng Nha cảnh sát thời đó đều được triệu hồi thay phiên nhau "làm việc" với ông Nhã nhưng đều nhận được câu trả lời: "Không biết"! Sau này, đã nắm được đầy đủ danh sách trong tay từ tư liệu tịch thu được của người khác nhưng vì sự háo thắng, chúng tiếp tục tra tấn để buộc ông khuất phục. Có lúc chúng dùng những điếu thuốc đang cháy thui vào chỗ kín nhưng ông không hé răng nửa lời. Mỗi lần bị đưa vào phòng xét hỏi, ông chỉ một câu: "Đánh đi rồi để tôi về". Cái khí phách hiên ngang của ông làm những tên "đồ tể" phải khiếp sợ và là một biểu tượng kiên trung có sự lan tỏa rộng rãi trong thế hệ người tù ở nha cảnh sát thời bấy giờ.
Hòa bình, ông tham gia hoạt động đoàn rồi nghỉ việc nhà nước. Tuổi trẻ oai hùng và kiêu hãnh nhường chỗ cho cuộc sống bình lặng. Kể cả sau này đã có tên tuổi trong lĩnh vực ngoại cảm, ông cũng ở ẩn, ít khi xuất hiện, ít khi nói về mình, những câu chuyện về ông đa phần được người khác kể lại. Có điều người ta không khỏi thắc mắc, ông đi qua thời cuộc với những đòn thù liên miên của kẻ thù, có lúc ở bờ vực sinh tử. Nhưng khi là nhà ngoại cảm tìm mộ, ông không phân biệt liệt sĩ hay lính cộng hòa, vẫn giúp đỡ như nhau? Tất cả nằm trong câu nói ông nhiều lần nhắc đến: " Bản chất của tìm mộ là siêu thoát. Vong hồn nào cũng khổ đau, cũng cần được siêu thoát như nhau, không nên phân biệt".
Có lẽ cái quan niệm ấy ông cũng áp dụng trong đời thường. Thành ra những người đã gặp đều thấy ở ông một sự chân thành, một nhân cách lớn bên trong hình hài dung dị. Tất cả làm nên một Nguyễn Văn Nhã lôi cuốn đến lạ kỳ.
(Còn tiếp...)
Nguyễn Văn Nhã, một con người kỳ lạ
Sau khi báo Công lý & Xã hội đăng tải bài viết đầu tiên về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, rất nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư đến tòa soạn mong muốn biết thêm về ông. Nhiều người được ông giúp tìm mộ trước đây mong một lần được gặp ông nay biết được thông tin về ông trên báo đã rất vui mừng, xúc động. Để đáp ứng mong mỏi của đông đảo bạn đọc, được sự đồng ý của ông Nguyễn Văn Nhã, báo Công lý & Xã hội thực hiện loạt phóng sự dài kỳ để bạn đọc tiếp cận thêm những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Hiển nhiên, không thể không đề cập đến những cuộc tìm mộ mà người ta gọi là "nhiệm màu", "thần thánh" với mục đích tôn chỉ là hướng bạn đọc vào bản chất ngoại cảm và ý nghĩa thật sự của việc tìm mộ
Theo xahoi
Hoãn tuyên án băng cướp tiệm vàng vì mất điện Chiều 22/5, sự cố mất điện xảy ra ở khắp miền Nam khiến TAND TP HCM phải hoãn tuyên án đối với băng cướp 1.000 lượng vàng. Vì lý do sức khoẻ yếu nên bị cáo Tiếm được phép ngồi trả lời HĐXX trong suốt phiên xử. Theo kế hoạch, 14h ngày 22/5 TAND TP HCM sẽ tuyên án băng nhóm chuyên dùng...