Nhà máy Trung Quốc bị đốt phá, 38 người biểu tình Myanmar thiệt mạng
Các nhà máy có vốn của Trung Quốc tại khu công nghiệp ở Yangon bị đốt phá, khiến lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình, làm nhiều người chết.
Truyền thông địa phương cho biết khi khói bốc lên từ khu công nghiệp Hlaingthaya, ngoại ô Yangon hôm 14/3, lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng vào người biểu tình, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Vùng ngoại ô này là nơi sinh sống của người di cư từ khắp đất nước.
Theo đài truyền hình Myawaddy do quân đội điều hành, lực lượng an ninh nổ súng sau khi 4 nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bốc cháy. Khoảng 2.000 người đã ngăn xe chữa cháy tiếp cận các nhà máy.
“Thật kinh khủng. Mọi người bị bắn ngay trước mắt tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đó”, một phóng viên ảnh tại hiện trường cho biết.
Thêm 16 người thiệt mạng ở nhiều khu vực khác, gồm Mandalay và Bago, theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), khiến hôm qua trở thành ngày đẫm máu nhất từ sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước. Tại Bago, đài truyền hình nhà nước MRTV cho biết một cảnh sát chết vì vết thương ở ngực sau cuộc đối đầu với người biểu tình.
Thiết quân luật đã được áp dụng ở Hlaingthaya và một quận khác của Yangon. Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ đốt các nhà máy.
Quân đội Myanmar từ chối bình luận về sự việc, trong khi bác sĩ Sasa, đại diện cho các nghị sĩ được bầu trong quốc hội bị lật đổ, thể hiện sự đoàn kết với người dân Hlaingthaya. “Những thủ phạm, kẻ tấn công, kẻ thù của người dân Myanmar, SAC (Hội đồng Hành chính Nhà nước) sẽ phải chịu trách nhiệm cho từng giọt máu đã đổ”, ông cho hay.
Biểu tình phản đối đảo chính tại Yangon, Myanmar hôm 14/3. Video: AFP .
Đại sứ quán Trung Quốc mô tả tình hình “rất nghiêm trọng”, nhiều nhân viên Trung Quốc bị thương và mắc kẹt, đồng thời kêu gọi Myanmar bảo vệ tài sản và công dân Trung Quốc.
“Trung Quốc kêu gọi Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar”, tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc cho hay.
AAPP cho biết những trường hợp tử vong mới nhất nâng số người chết trong biểu tình chống đảo chính lên 126. Hơn 2.150 người bị bắt giam tính đến 13/3, trong đó hơn 300 người đã được thả.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener lên án điều bà mô tả là “sự tàn bạo đang diễn ra”. Theo bà, hành động của lực lượng an ninh làm suy yếu triển vọng hòa bình và ổn định, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ người dân Myanmar cũng như nguyện vọng dân chủ của họ.
Lực lượng an ninh Myanmar được triển khai trong cuộc biểu tình chống đảo chính ở khu công nghiệp Hlaingthaya, ngoại ô Yangon hôm 14/3. Ảnh: AFP .
Anh cho biết nước này “kinh hoàng” khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực chết người với người vô tội ở Hlaingthaya và những nơi khác. “Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực và yêu cầu chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực cho những người được người dân Myanmar bầu chọn một cách dân chủ”, Đại sứ Anh Dan Chugg nói.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội lấy lý do xảy ra gian lận bầu cử để đảo chính, bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bà Suu Kyi hiện đối mặt 4 cáo buộc và sẽ hầu tòa lần hai trong hôm nay.
Bạo lực diễn ra một ngày sau khi Mahn Win Khaing Than, “quyền phó tổng thống” được đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bổ nhiệm, cho biết chính phủ dân sự sẽ tìm cách trao cho người dân quyền tự vệ hợp pháp.
Lực lượng an ninh Myanmar đột kích xuyên đêm tại Yangon
Lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng khi thực hiện các cuộc đột kích xuyên đêm 6 rạng sáng 7/3 tại thành phố Yangon sau khi giải tán các cuộc biểu tình mới nhất bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng.
Người biểu tình lập một đội hình lá chắn tạm thời để chuẩn bị cho các cuộc đụng độ ở Yangon, Myanmar ngày 6/3/2021. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Anh Reuters, sau khi giải tán các cuộc biểu tình mới nhất bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng trong ngày 6/3, các lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục tiến hành các cuộc đột kích trong đêm tại thành phố lớn Yangon.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội tiến hành cuộc chính biến ngày 1/2 vừa qua và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong vòng một năm. Quân đội cũng tiến hành bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Myanmar, sau khi cáo buộc đảng của bà Suu Kyi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày đã làm tắc nghẽn kinh doanh và tê liệt hành chính.
Trong ngày 6/3, đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình lẻ tẻ trên khắp Myanmar. Truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một cuộc biểu tình ở quận Sanchaung của Yangon, thành phố lớn nhất đất nước. Không có báo cáo về thương vong trong vụ việc.
Theo Reuters, vào đêm muộn 6/3, người dân cho biết binh lính và cảnh sát đã di chuyển vào một số quận của Yangon, nổ súng. Họ đã bắt giữ ít nhất ba người ở thị trấn Kyauktada.
Các binh sĩ cũng truy tìm một luật sư làm việc cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, nhưng không tìm thấy ông này.
Trước đó, các cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình làm 38 người thiệt mạng hôm 3/3 vừa qua đã đánh dấu một nấc leo thang căng thẳng mới trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước liên tiếp bày tỏ lo ngại, đồng thời gia tăng sức ép với các bên liên quan.
Xem video người biểu tình Myanmar đụng độ với lực lượng an ninh ngày 3/3 (Nguồn: Reuters)
Ngày 5/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần thứ hai họp về tình hình khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Christine Schraner Burgener.
Đại diện của các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang bạo lực, gây thương vong cho dân thường và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Đại diện các nước đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN và các nước thành viên, đồng thời bày tỏ mong muốn hiệp hội tiếp tục đóng góp tích cực hơn để sớm tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề Myanmar.
Tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế tối đa, chấm dứt bạo lực, bảo đảm an toàn cho dân thường, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam theo dõi sát sao và rất lo ngại về những diễn biến hiện nay tại Myanmar, đặc biệt là tình hình bạo lực và căng thẳng leo thang, gây ra thương vong ngày càng lớn cho dân thường, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và phát triển của Myanmar cũng như toàn khu vực.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, tiếp tục các nỗ lực cứu trợ nhân đạo; thu hẹp bất đồng giữa các bên liên quan ở Myanmar, thông qua các nỗ lực phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Đại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar và khuyến khích sự phối hợp hơn nữa giữa Đặc phái viên với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh, đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với trọng tâm là người dân là điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay. Việt Nam ủng tất cả các nỗ lực hướng tới mục tiêu này vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình và ổn định của khu vực.
Cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ xin tị nạn Ba cảnh sát Myanmar vượt qua biên giới bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ xin tị nạn để không phải thực thi mệnh lệnh của chính quyền quân sự. Ba người này đã đi qua biên giới gần thị trấn Bắc Vanlaiphai vào chiều 3/3 và đang được chính quyền địa phương khám sức khỏe, xử lý yêu cầu tị nạn, Stephen Lalrinawma,...