Nhà máy thép gây ô nhiễm: Dân yêu cầu di dời sớm
Chiều ngày 25/7, chính quyền thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã tổ chức họp dân để thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc di dời nhà máy thép Việt Pháp tại cụm công nghiệp Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn. Tại đây, người dân không đồng tình với kế hoạch di dời nhà máy vào năm 2019 mà đặt ra yêu cầu sớm di chuyển…
Kết luận do ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký trong cùng ngày 25/7.
Hàng chục người dân sống gần nhà máy thép Việt Pháp thuộc thôn 7A đã được mời đến để nghe thông báo và đối thoại với chính quyền thị xã Điện Bàn.
Hơn 40 người dân nghe thông báo của tỉnh Quảng Nam, đối thoại với lãnh đạo thị xã Điện Bàn
Theo kết luận của tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua, mặc dù tỉnh, các Sở ngành và thị xã Điện Bàn đã nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm ổn định tình hình sản xuất của nhà máy thép Việt Pháp, trong đó, tỉnh đã đề ra 2 phương án nhằm ổn định đời sống của nhân dân gắn với việc thực hiện quy hoạch công viên nghĩa trang và quy hoạch cụm công nghiệp.
Phương án 1 được tỉnh đưa ra là triển khai trồng cây xanh hoặc xây tường chắn ở vệt cách ly 15m giữa cụm công nghiệp Thương Tín 1 và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng về môi trường của cụm công nghiệp đối với đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Người dân đối thoại với chính quyền địa phương
Phương án 2 là điều chỉnh quy hoạch, tiến hành xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi phía Bắc tuyến đường ĐT607B, sau đó xây hàng rào bảo vệ cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, với 2 phương án trên, đến nay vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong khu vực, đặc biệt, đa số nhân dân đề nghị di dời nhà máy thép Việt Pháp khỏi địa bàn để ổn định đời sống và sinh hoạt.
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ, HĐND và UBND tỉnh về đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; thể theo nguyện vọng của nhà máy thép Việt Pháp, sau khi xem xét tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là trước áp lực về môi trường, nhu cầu phát triển đô thị của thị xã Điện Bàn, nguyện vọng của nhân dân cần được quan tâm giải quyết, UBND tỉnh thống nhất chủ trương di dời nhà máy thép Việt Pháp ra khỏi cụm công nghiệp Thương Tín 1; tuy nhiên việc di dời phải có thời gian, lộ trình, bảo đảm di dời trước ngày 31/12/2019. Trong thời gian chờ di dời phải tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định”, văn bản thông báo của ông Huỳnh Khánh Toàn ký nêu rõ.
Video đang HOT
Sau khi bản thông báo được đọc, nhiều người dân không đồng tình với việc kéo dài thời gian di dời nhà máy thép Việt Pháp đến năm 2019.
Gần 1 tháng nay, người dân dựng lều không cho xe tải chở thép ra vào nhà máy
Ông Lê Tự Hát (trú thôn 7A) nói: “Trước đây, lãnh đạo tỉnh cam kết di dời nhà máy trong năm 2017, nhưng đến nay, nhà máy thép này vẫn hoạt động bình thường. Nay lại gia hạn thời gian đến năm 2019 thì dân chúng tôi chịu sao nổi”.
Cũng vì bức xúc ô nhiễm của nhà máy thép này mà gần 1 tháng nay, người dân dựng lều trước cổng nhà máy không cho xe tải chở thép phế liệu vào. Trong vài ngày qua, dù trời mưa to nhưng người dân vẫn kiên quyết không dỡ lều cho xe tải ra vào nhà máy.
Người dân cũng rất bức xúc với tình trạng nhà máy thép xả thải lúc nửa đêm khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn… Một người dân bức xúc: “Chúng tôi đã chịu đựng mấy năm nay rồi, giờ bắt chúng tôi lại phải chịu đựng thêm hơn 2 năm rưỡi nữa thì chịu sao nổi”.
Người dân phản ánh những bức xúc
Hầu hết những người dân có mặt tại buổi đối thoại cũng không đồng ý kéo dài thời gian di dời đến năm 2019, không cho chở thêm phế liệu vào và nếu không di dời sớm thì đóng cửa nhà máy.
Đại diện lãnh đạo nhà máy thép Việt Pháp tại buổi đối thoại cam kết đảm bảo môi trường và “xin” người dân cho nhà máy chở vật liệu vào để tiếp tục sản xuất, trả lãi ngân hàng, lương công nhân… chờ đến ngày di dời. Lãnh đạo nhà máy thép cũng cho hay, sẽ công khai lộ trình di dời để người dân được biết.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho biết, người dân sẽ giám sát vấn đề ô nhiễm của nhà máy, người dân có thể dùng điện thoại chụp ảnh, quay clip vào bất cứ lúc nào khi nhà máy xả khói gây ô nhiễm và báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý.
Ông Trần Úc – Chủ tịch thị xã Điện Bàn – cũng công khai số điện thoại di động của mình để người dân có thể phản ảnh tình trạng ô nhiễm của nhà máy bất cứ lúc nào, kể cả lúc 1-2 giờ sáng. “Nguời ta đầu tư vào đây vài trăm tỉ đồng, chắc chắn trong vòng 4-5 năm thì không thể thu hồi vốn được. Trong chừng mực nào đó, mong bà con thông cảm”, Chủ tịch thị xã Điện Bàn phát biểu.
Tuy nhiên, cuối buổi đối thoại, người dân kiên quyết không dỡ lều trước cổng nhà máy và tiếp tục ngăn cản xe tải chở thép ra vào nhà máy thép Việt Pháp.
Công Bính
Theo Dantri
Dân lại chặn nhà máy thép gây ô nhiễm
Khoảng một tuần nay, nhiều người dân lại dựng lều trại trước cổng nhà máy thép Việt Pháp (cụm công nghiệp Thương Tín, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để phản đối vì nhà máy gây ô nhiễm.
Theo người dân ở đây cho biết, thời gian gần đây nhà máy thép Việt Pháp tăng công suất hoạt động từ 22h đêm đến 4h sáng hôm sau.
Đây là thời điểm người dân bị tra tấn bởi bầu không khí ô nhiễm và tiếng ồn do hoạt động tinh luyện sắt thép của nhà máy này.
Xe tải vận chuyển sắt, thép vào nhà máy thép Việt Pháp bị người dân chặn
Theo ý kiến của người dân, nhà máy thép Việt Pháp gây 3 loại ô nhiễm: nguồn nước, khói và tiếng ồn. Người dân mong các cấp chính quyền làm rõ, giải quyết vấn đề để người dân ổn định cuộc sống.
Để gây áp lực, người dân còn chặn xe tải chở phế liệu ra vào khu sản xuất của nhà máy nhằm phản đối và yêu cầu nhà máy phải di dời xa khu dân cư.
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép Việt Pháp để phản đối ô nhiễm
Người dân sống quanh nhà máy cho biết, nhà máy thép Việt Pháp hoạt động từ năm 2009, kể từ đó người dân ở đây sống trong ô nhiễm và tiếng ồn. Năm nào người dân cũng dựng lều trước cổng nhà máy thép để phản đối nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Bà Thắng - một người dân ở đây - bức xúc: "Sau một thời gian tạm lắng, mấy ngày gần đây, nhà máy thép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy nổ chát chúa, khói đen bốc mùi hôi thối lan tỏa cả một vùng khiến người dân chịu đời không thấu".
Hiện nhà máy thép vẫn đang hoạt động bình thường
Còn bà Nguyễn Thị Hà, một trong những người đang canh giữ lều trước cổng nhà máy cho hay, lãnh đạo tỉnh và nhà máy thép đã nói đến tháng 6/2017 sẽ di dời nhà máy đến nơi khác, nhưng nay đã tháng 7 mà nhà máy vẫn còn hoạt động.
Trong sáng ngày 11/7, ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn đã đến cổng nhà máy thép Việt Pháp - nơi người dân đang dựng lều phản đối để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đạt cho biết: "Tôi chỉ động viên bà con, còn chỉ đạo một cách căn cơ thì chờ chỉ đạo ý kiến của tỉnh".
Người dân bức xúc vì nhà máy thép gây ô nhiễm
Ông Nguyễn Đức Tài - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp thị xã Điện Bàn - cho biết, do tỉnh Quảng Nam chưa bố trí được địa điểm thích hợp để di dời nhà máy nên trước mắt, chính quyền địa phương đứng ra vận động người dân không có những hành động gây thiệt hại cho nhà máy, làm mất an ninh trật tự.
Nhà máy thép Việt Pháp đầu tư vào cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) diện tích thuê đất gần 2ha, thời hạn thuê là 15 năm. Sau nhiều lần bị người dân địa phương phản đối vì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con, chính quyền đã đưa ra phương án di dời nhà máy.
Địa điểm được chọn gần đây nhất là tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường với dự án này; tuy nhiên, địa điểm này vẫn chưa nhận được thống nhất vì nhiều lý do khác nhau.
Theo lãnh đạo thị xã Điện Bàn, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh với mong muốn di dời nhà máy thép. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ 130 tỷ đồng để chuyển đến nơi khác. Trước mắt, địa phương sẽ yêu cầu nhà máy thép Việt Pháp giảm công suất hoạt động và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sản xuất.
Công Bính
Theo Dantri
Sẽ có thêm 4 thủy điện lân cận thủy điện sông Tranh Sáng 19/7, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã họp phiên bế mạc. Một loạt các nghị quyết đã được các đại biểu thông qua, trong đó đáng chú ý là việc UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh với 4 dự án trên lưu vực sông...