Nhà máy in đồng Nhân dân tệ duy nhất ở Trung Quốc
Nhà máy in tiền ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên có tuổi đời hơn 50 năm, là doanh nghiệp duy nhất được phép in ấn và đúc tiền ở Trung Quốc.
Công ty trách nhiệm hữu hạn in tiền Thành Đô ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, thành lập được 51 năm. Đây là doanh nghiệp duy nhất tại Trung Quốc được phép in tiền, sản xuất giấy in tiền, đúc xu và luyện vàng bạc, theo chỉ thị của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Mỗi thao tác, máy móc đều có thiết bị kiểm tra chất lượng tại chỗ hoặc từ xa, toàn bộ quá trình cũng giám sát kỹ chất lượng sản phẩm. Trong phòng in chìm, công nhân phụ trách phải cầm kính lúp soi kỹ từng tờ tiền một.
Tiền nhân dân tệ được in từ giấy làm từ cây bông hoặc cây đay. Cây được ngâm, lọc thành bột, cán ép thành các cuộn giấy in tiền có hoa văn mờ.
Trước cửa công ty in tiền Thành Đô luôn có nhiều cảnh sát vũ trang đứng gác, quy trình kiểm tra an ninh lúc ra vào nhà máy rất nghiêm ngặt.
Thời gian để sản xuất ra một tờ tiền hoàn chỉnh khoảng một tháng. In offset là công đoạn in đầu tiên. Đây là kỹ thuật in ấn sử dụng các tấm offset cao su được ép hình ảnh dính mực sẵn để in lên giấy.
Công đoạn in chìm và in số seri. In chìm là kỹ thuật chống làm tiền giả, tạo độ lồi lõm trên mặt giấy cho tờ tiền thật, có thể cảm nhận bằng tay.
Một công nhân đang kiểm tra kỹ lỗi in trên sản phẩm.
Video đang HOT
Góc trái bên dưới mỗi tờ nhân dân tệ đều có dãy seri thể hiện mã số của tờ tiền. Mã số này gồm các chữ số Latin, cho biết thứ tự sắp xếp và lượt in tiền. Mỗi tờ tiền chỉ có một seri duy nhất.
Mẫu nhân dân tệ đang lưu hành chủ yếu là mẫu số 5 của phiên bản 2005, mỗi mẫu đều được áp dụng hơn 20 kỹ thuật chống làm giả. Trong đó, hai mẫu được áp dụng nhiều kỹ thuật nhất là mệnh giá 100 tệ và 50 tệ. Riêng mẫu tiền 100 tệ phiên bản 2015 mới đây đã được ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật chống làm giả khác.
Mỗi tờ giấy lớn có thể cắt được 35 tờ tiền kích thước chuẩn.
In tiền là quá trình sản xuất đòi hỏi sự tỉ mỉ. Nhiệt độ trong xưởng in luôn được giữ ở mức cố định, đảm bảo trang giấy không bị biến dạng cũng như vị trí hoạ tiết in không bị xô lệch.
Kiểm tra tiền và niêm phong là công đoạn cuối cùng. Công nhân có trách nhiệm soi đèn kiểm định chất lượng từng tờ một. Những tờ tiền có số seri có in mờ, màu sắc không đều hay mệnh giá chưa được in gọn gàng đều bị tiêu huỷ.
Nhân viên ngành in tiền đều tốt nghiệp đại học trở lên. Họ phải trải qua kỳ thi đầu vào, thẩm tra lý lịch nghiêm ngặt và huấn luyện ý thức bảo mật.
Trong nhà máy bố trí camera ở mọi góc, đảm bảo không ai có thể lấy trộm sản phẩm. Công nhân trong nhà máy nếu lấy trộm sẽ bị xử phạt nặng hơn người bình thường.
Hải Yến
Theo QQ
Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND sẽ phản ánh Brexit thế nào?
Thêm một lần nữa chính sách tỷ giá của Việt Nam chịu thử thách từ bên ngoài...
Tỷ giá trung tâm ngày thứ Hai tới hẳn sẽ bắt đầu phản ánh mức độ ảnh hưởng của Brexit, thể hiện sự rung lắc kiểu lượng hóa theo lý thuyết của cơ chế tính tỷ giá trung tâm, thay vì các phản ứng chủ động phá giá một bước nhảy cóc như cơ chế điều hành trước đây.
Sau những phản ứng đầu tiên về sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, thị trường có hai ngày nghỉ để trấn tĩnh. Tỷ giá USD/VND là một trong những sợi dây kết nối sự kiện.
Thêm một lần nữa chính sách tỷ giá của Việt Nam chịu thử thách từ bên ngoài. Hai lần nổi bật gần đây đã từng cho thấy mức độ lớn.
Trước hết là tâm lý
Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cộng hưởng là sự cố tại Bình Dương đối với doanh nghiệp FDI.
Ở sự kiện đó, thị trường ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức họp báo, có đại diện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đưa ra thông điệp bình ổn tỷ giá. Đó cũng là lần hiếm hoi người ta thấy ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc khi đó, cẩn trọng đến mức dán mắt đọc từng chữ trên văn bản khi đưa ra thông điệp.
Tháng 8/2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá rất mạnh đồng Nhân dân tệ. Tỷ giá USD/VND lập tức chao đảo, như diễn biến của nhiều đồng tiền khác trên toàn cầu. Đây là cú sốc quá lớn khiến Ngân hàng Nhà nước không thể bảo thủ để giữ vững cam kết ổn định tỷ giá trong khoảng biến động 2% cả năm 2015.
Và lần này, sự kiện Brexit vừa diễn ra, với tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Thị trường Việt Nam đã có ngày đầu tiên phản ánh tác động. Trước hết vẫn là tâm lý. Tỷ giá USD/VND nhanh chóng tạm ổn định, thị trường chứng khoán có hồi lên cuối phiên. Dù mới chỉ nhất thời, nhưng bước đầu cho thấy tâm lý thị trường không quá xáo trộn. Nhưng cũng có thể vết cắt chỉ bắt đầu đau sau khi được nhận ra.
Vậy nên, những dự đoán hay bình luận, khẳng định nào đó về diễn biến của tỷ giá USD/VND trong sự kiện Brexit lúc này có thể là quá vội vàng, hoặc do chưa lường hết được các tác động theo diễn tiến phức tạp của nó.
Anh rời EU. Không gói gọn như vậy. Chiếc kéo có thể tiếp tục cắt thêm các nước thành viên khác. Đối với Việt Nam, và trong tác động đối với tỷ giá USD/VND, hiệu ứng donmino vẫn chưa dừng lại, không gói gọn trong quan hệ với Anh, EU. Thị trường còn chờ đợi cả diễn biến tác động ở Nhật, Trung Quốc, Mỹ...
Nói dự báo và khẳng định tác động đối với tỷ giá USD/VND lúc này quá vội vàng là vậy. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang bám sát và đánh giá các tác động để có ứng xử hợp lý cũng là vậy.
Nhưng lúc này vẫn có thể dự tính những ứng xử của Ngân hàng Nhà nước ở chính sách tỷ giá.
Qua đêm, trời lại sáng. Thị trường sẽ trở lại giao dịch vào thứ Hai tới. Như thường lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn công bố tỷ giá trung tâm tham chiếu cho thị trường.
Nhu ứng với cương
Điều khẳng định lúc này là tác động đối với tỷ giá USD/VND hiện nay đã rất khác so với hai sự kiến lớn nói trên: sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và phá giá Đồng Nhân dân tệ.
Vì nay Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Một đặc điểm của cơ chế là tạo bộ đệm giảm chấn đối với tác động từ bên ngoài. Về lý thuyết, tác động từ Brexit chỉ là một trong những cấu phần để tính mức tỷ giá trung tâm, Bảng Anh chỉ là một đồng tiền chiếm tỷ trọng nhỏ trong rổ tham chiếu.
Nhưng, như trên, tác động không chỉ gói gọn ở biến động của đồng Bảng Anh, mà còn cả ở hiệu ứng đối với đồng Euro, đặc biệt là với đồng USD và Nhân dân tệ.
Theo đó, tác động từ Brexit đối với tỷ giá USD/VND còn bám theo phản ứng của các đồng tiền nói trên nữa. Dĩ nhiên, hiệu ứng tâm lý là một đặc điểm của thị trường, có thể tác động tức thời đến cung-cầu.
Trong khi theo dõi và đánh giá những tác động từ bên ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy sự nhanh nhạy và kịp thời trong ngày cuối tuần vừa qua.
Sau khoảng hai tuần tạm ngừng phát hành tín phiếu, nhường thanh khoản cho hệ thống, cùng với hoạt động trở lại mua vào ngoại tệ, thì ngay trong ngày đầu tiên sự kiện Brexit diễn ra, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại phát hành 5.000 tỷ đồng tín phiếu.
Hút bớt tiền đồng về, tác động tới lãi suất và hỗ trợ cân bằng tỷ giá. Mức độ hút vào không quan trọng, điểm cần thiết là nhà điều hành phát đi thông điệp sẵn sàng và nhanh chóng hòa vào cân đối thị trường khi có biến động bất ngờ và lớn.
Ít nhất, nhà điều hành đã xuất hiện ngay khi thị trường cần, các thành viên trên thị trường nhìn thấy ngay thay vì dáo dác chờ đợi mà có thể càng xáo trộn.
Cơ chế tỷ giá trung tâm, với đặc điểm có bộ giảm chấn bởi các cấu phần của nó, cùng sự linh hoạt và kịp thời trong sử dụng công cụ điều tiết vốn như trên của Ngân hàng Nhà nước là nhu ứng với cương.
Bởi vì, khi các hiệu ứng tác động Brexit vẫn chưa thể hiện hết, cơ chế tỷ giá trung tâm vẫn đang hoạt động, nếu phản ứng mạnh và phá giá VND ngay như một số bình luận từ tổ chức đầu tư vừa đưa ra, sẽ dễ vỡ thêm tâm lý, càng kích thích hoạt động trú ẩn ở ngoại tệ.
Dĩ nhiên, tỷ giá trung tâm ngày thứ Hai tới hẳn sẽ bắt đầu phản ánh mức độ ảnh hưởng của Brexit, thể hiện sự rung lắc kiểu lượng hóa theo lý thuyết của cơ chế tính tỷ giá trung tâm, thay vì các phản ứng chủ động phá giá một bước nhảy cóc như cơ chế điều hành trước đây.
Theo VnEconomy
5 câu chuyện "thần thoại" về sức mạnh của Trung Quốc Trung Quốc từ một đất nước đang phát triển bị cô lập trở thành một nền kinh tế khổng lồ và đang lên như một ngôi sao toàn cầu dường như là câu chuyện về thay đổi quyền lực nổi bật nhất đối với nền chính trị quốc tế trong thế kỷ 21, trang mạng NationalInterrest nhận định. Theo NationalInterrest, nền kinh tế...