Nhà máy giấy tỷ USD Trung Quốc: “Đầu độc vùng đầm lầy tự nhiên”?
Không nằm trong quy hoạch về ngành giấy, không có vùng nguyên liệu nhưng nhà máy giấy Lee & Man vẫn được cấp phép. Nếu chế biến, sản xuất giấy ở Hậu Giang sẽ có thể đầu độc sông Hậu và toàn bộ vùng đầm lầy có giá trị tự nhiên lớn.
Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang. Ảnh TL
Tham vấn cộng đồng cấp xã
Dự án nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang có quy mô lớn nhất Việt Nam và là một trong năm nhà máy lớn nhất thế giới, là dự án sử dụng nhiều hoá chất độc hại hại. Nhưng, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy, năm 2008, nhà máy đã tham vấn cộng đồng xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Mặc dù vậy, theo thông tin trên VTV, người dân tại khu vực này khẳng định rằng họ chưa hề được nhà máy hỏi han, tham vấn. Đồng thời, lãnh đạo mới của thị trấn Mái Dầm (trước đây là xã Phú Hữu A) cũng không nắm được việc tham vấn trước đây. Từ khi xây dựng nhà máy này tại đây, các ngành chức năng của thị trấn Mái Dầm không được phép vào nhà máy giấy.
Trong đánh giá mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng nhận định rằng đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị thanh, kiểm tra cần kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn Môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm…
Thứ ba, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
Video đang HOT
Hút kiệt dịnh dưỡng đất, bức tử dòng sông Hậu
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group cho biết, đồng bằng sông Cửu Long không nên có các xí nghiệp công nghiệp, trong quá khứ nơi đây chưa bao giờ có xí nghiệp công nghiệp.
Lý giải về khẳng định nêu trên, theo ông, do sự chênh lệch mực nước của đồng bằng sông Cửu Long đối với thuỷ triều là luôn luôn bấp bênh hàng nghìn năm nay, trước đây chỉ phát triển công nghiệp ở Đông Nam Bộ mà không phát triển công nghiệp ở miền Tây Nam Bộ là có nguyên do.
“Đồng bằng sông Cửu Long có thể chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài nhưng không thể chuyển sang làm giấy. Dinh dưỡng trong đồng bằng sẽ bị hút kiệt nếu chúng ta dùng để trồng nguyên liệu giấy và nếu chế biến giấy ở đây chúng ta sẽ đầu độc sông Hậu và toàn bộ vùng đầm lầy có giá trị tự nhiên lớn là đầm lầy ở đồng bằng sông Cửu Long”, ông Bạt nói.
Thậm chí, ông Bạt so sánh, tác hại, ảnh hưởng môi trường của dự án này sẽ không kém với nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh làm thuỷ sản tại 4 tỉnh ven biển miền Trung chết hàng loạt hồi tháng 4 vừa qua. Và khẳng định đây là dự án “đáng bỏ đi”.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Trần Bạt, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng từng gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ cho biết, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016, xả thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm xuống sông Hậu.
Vì dự án được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một lượng xút lớn, cụ thể, để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50 kg xút làm chất tẩy. Theo đó, với lượng lớn xút nêu trên đổ ra sông Hậu và biển sẽ huỷ hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng về dự án nhà máy giấy xả xút công suất khủng đang “bức tử” dòng sông Hậu. Đây quả thực là một vấn đề đáng lo ngại cho vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước – Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước”, đại diện VASEP chia sẻ.
Được biết, trước khi vào Hậu Giang, Công ty TNHH Giấy Lee & Man thuộc Tập đoàn Lee & Man Hong Kong – Trung Quốc đã muốn đặt nhà máy ở Cần Thơ nhưng bị các chuyên gia môi trường ở Trường Đại học Cần Thơ mà lãnh đạo tỉnh này mời tham gia tiếp xúc phản đối, vì lo ngại sẽ xảy ra những tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.
Theo Bizlive
Vùng cây ăn trái "run rẩy"
Theo các nhà khoa học vùng ĐBSCL, dự án nhà máy giấy tỷ đô của nhà đầu tư Trung Quốc sắp đi vào hoạt động có thể sẽ gây ra hậu quả khó lường. Và việc người dân lo ngại là chính đáng, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Kiểm soát không chặt, hậu quả khó lường
Sau khi có thông tin phản ánh về nguy cơ gây bức tử sông Hậu từ dự án Nhà máy Giấy Lee&Man, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL đã gấp rút tìm hiểu nhiều thông tin về dự án cũng như đưa ra những phân tích về sự ảnh hưởng của nó.
Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man sắp đi vào hoạt động có nguy cơ đe dọa môi trường sông Hậu. Ảnh: CHÚC LY
Theo thạc sĩ Thiện, chế độ thủy triều sông Hậu lên xuống mỗi ngày, trong trường hợp nước thải của nhà máy giấy không đạt chuẩn, công nghệ xử lý lạc hậu, khi thủy triều xuống thì "hậu quả sẽ khó lường" đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu.
"Ảnh hưởng của nó rất to lớn, hơn nhiều so với vụ cá chết ở miền Trung, vì nguồn lợi thuỷ sản ở ĐBSCL gấp 8 lần so với đồng bằng sông Hồng và chiếm 50% sản lượng thuỷ sản cả nước" - thạc sĩ Thiện nói
Cũng theo thạc sĩ Thiện, khi nước thủy triều đưa lên sẽ đẩy về hướng TP.Cần Thơ, theo đó nguồn nước cấp do toàn bộ dân số TP.Cần Thơ và dân chúng ven sông sẽ bị ảnh hưởng. "Do dòng chảy của sông Hậu chịu ảnh hưởng của thuỷ triều nên khi nhiễm hoá chất, vào mùa mưa sẽ bị đẩy ra biển, tác động đến thuỷ sản biển vùng cửa sông Trần Đề và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL. Còn trong mùa khô sẽ bị đẩy lên tận PhnomPenh (Campuchia)" - thạc sĩ Thiện phân tích.
Dự án "Nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm" của Công ty TNHH Nhà máy Bột giấy Lee&Man Việt Nam và nhà máy giấy được triển khai xây dựng tại Cụm công nghiệp tập trung tỉnh Hậu Giang. Theo giấy chứng nhận đầu tư, đến tháng 12.2015, dự án nhà máy bột giấy hoàn thành, đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới thực hiện giải phóng mặt bằng, đóng cọc và nhập thiết bị. Hiện phía công ty lại xin gia hạn đến tháng 5.2017 mới tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động vào tháng 8.2018.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Ngành thủy sản ở ĐBSCL được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thời gian qua, ngành này đã đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu, góp phần to lớn vào lĩnh vực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là vấn đề môi trường.
"Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện nay phát triển cao gấp nhiều lần so với lúc Hậu Giang lựa chọn dự án. Ngành thủy sản ĐBSCL đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các nước nhập khẩu, khi đó ở các vùng nuôi, bà con nông dân phải đối mặt với những tác động xấu của môi trường. Vậy, việc triển khai dự án nhà máy giấy - ngành được xem là có nguy cơ xả thải, gây ô nhiễm rất cao - phải được kiểm tra, giám sát hết sức cẩn thận" - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP nói.
Vùng cây ăn trái lo lắng
PGS - TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, dư luận lo ngại dự án nhà máy giấy ảnh hưởng xấu đến môi trường là điều rất dễ hiểu, bởi sản xuất giấy là ngành thải ra rất nhiều chất độc (sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, kể cả xút - NaOH để tẩy trắng giấy - PV), có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Ông Tuấn phân tích: "Vị trí nhà máy giấy nằm ở Hậu Giang và cặp sông Hậu, tức khu vực có dòng chảy rất yếu, khả năng trao đổi nước kém. Nơi đây cũng là nơi để lấy nước nuôi trồng thủy sản nên bà con rất lo ngại việc xả thải, đặc biệt là nhà máy có quy mô lớn như nhà máy giấy".
Một số nhà khoa học khác cũng cho rằng, khu vực đặt Nhà máy Giấy Lee&Man là vùng trũng nhất ở ĐSBCL nên rất khó rửa trôi các chất độc nếu bị xả ra môi trường. Trong khi đó, khu vực này thực chất là vùng cây ăn trái trù phú với những đặc sản nổi tiếng như cam, bưởi, chôm chôm, mận, ổi... Bên cạnh đó, khu vực này cũng được nhiều hộ dân đầu tư nuôi thủy sản như cá da trơn, điêu hồng, các loại cá đồng.
Khi phóng viên đặt vấn đề, phía công ty có nói sử dụng công nghệ tiên tiến trong công đoạn sản xuất và cam kết xả thải đạt chuẩn loại A thì có thật sự yên tâm không, ông Tuấn nhấn mạnh: Công nghệ tiên tiến cũng chưa chắc đảm bảo, chẳng hạn Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), xây dựng bằng công nghệ mới của Thụy Điển - quốc gia bảo vệ môi trường rất tốt. Thế nhưng, quanh khu vực nhà máy này môi trường cũng bị ô nhiễm rất nhiều.
"Chủ đầu tư bao giờ cũng nói họ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, bao giờ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề xử lý chất thải. Thế nhưng, qua báo chí, tôi được biết có nhiều lĩnh vực, công đoạn vẫn chưa được công khai minh bạch. Ngoài ra, nếu nói công nghệ, giám sát của dự án tốt hết nhưng qua tháng năm, chỉ cần có sơ xuất (?!) thôi, cái khả năng khắc phục môi trường rất là khó" - ông Tuấn nói.
Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang:
Bộ TNMT "quyết" chứ không phải tỉnh?
Xung quanh lo ngại dự án Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam xả thải sẽ gây ô nhiễm môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình cấp phép đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường... tất cả đều đúng quy trình, quy định. Báo cáo tác động môi trường của Nhà máy Giấy Lee & Man làm năm 2008 đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) xem xét thẩm định kỹ và đồng ý. Sau đó chủ tịch UBND tỉnh mới ký quyết định phê duyệt, chứ tỉnh không làm bừa, làm ẩu. Hiện Bộ TNMT đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát tổng thể dự án này, vì vậy việc có dừng dự án này hay không là do Bộ TNMT quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang.
Theo Dân Việt
Vụ nhà máy giấy tỷ đô ở ĐBSCL: Sẽ gây hậu quả khôn lường Theo các nhà khoa học vùng ĐBSCL, dự án nhà máy giấy tỷ đô của nhà đầu tư Trung Quốc sắp đi vào hoạt động có thể sẽ gây ra hậu quả khó lường. Thời gian qua, việc người dân hoang mang, lo sợ là hết sức chính đáng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh hằng ngày của...