Nhà máy đóng tàu vỏ thép ‘lừa’ ngư dân?
Hàng loạt tàu đánh cá vỏ thép ở các tỉnh miền Trung bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến đánh bắt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là không có tư vấn giám sát quá trình thi công con tàu.
Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định) đóng chiếc tàu sắt hơn 14 tỉ đồng chỉ ra khơi được một lần rồi nằm bờ gần hai năm qua – Ảnh: Trường Đăng
Chiếc tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ông Nguyễn Văn Mạnh (ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (ở Nam Định) đóng hiện đã gỉ sét phần vỏ và hư hỏng ở boong, thiết bị, không an toàn để đi biển.
“Gia đình tôi thiếu sót khi không thuê đơn vị tư vấn giám sát thi công độc lập, dẫn đến bị nhà máy làm ẩu mà mình không biết, hoặc biết mà nói họ không nghe” – anh Nguyễn Văn Khỏe, con trai ông Mạnh, nói.
Dân tự làm giám sát
Anh Khỏe nói không cơ quan chức năng nào hướng dẫn, cảnh báo về việc tư vấn giám sát thi công cho gia đình anh cũng như những ngư dân đóng tàu vỏ thép khác, nên bà con không chú trọng lắm đến việc này.
“Chúng tôi cũng không ngờ rằng nhà máy lại dùng thép Trung Quốc thay cho thép Hàn Quốc như trong hợp đồng. Tôi ra nhà máy của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, thấy họ đóng tàu cho nhà tôi bằng thép ghi “made in China”, tôi thắc mắc, yêu cầu làm cho đúng còn bị họ phản ứng” – anh Khỏe nói.
Theo ông Phan Trọng Hổ – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hầu như toàn bộ các tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này qua kiểm tra đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công.
“Không có giám sát độc lập, trong khi ngư dân mình chưa biết gì về tàu vỏ thép, để nhà máy làm sao thì biết vậy, họ có theo dõi đi nữa cũng khó phát hiện nhà máy có làm đúng thiết kế, hợp đồng hay không. Sở đã cảnh báo rồi nhưng ngư dân không nghe, họ nghĩ việc phải thuê tư vấn giám sát là tốn thêm tiền, trong khi ngân hàng cho vay cũng không có trách nhiệm lắm đến việc này” – ông Hổ cho biết.
Ông Võ Thiên Lăng – phó chủ tịch Hội Nghề cá VN – phân tích: “Nếu đóng tàu vỏ gỗ, nhà máy không lừa được ngư dân vì họ quá hiểu loại tàu này. Nhưng với tàu vỏ thép thì ngư dân không biết gì. Họ không đủ trình độ xem bản vẽ thiết kế để biết được nhà máy có đóng đúng như bản vẽ đã ký kết trong hợp đồng không, rồi loại thép được đóng chất lượng ra sao, máy móc, trang thiết bị xuất xứ thế nào… Họ chỉ so sánh giá nhà máy A với nhà máy B, chỗ nào rẻ hơn mà làm được mẫu tàu phù hợp là họ chọn.
Video đang HOT
Tự giám sát mà không biết gì, nên mới xảy ra việc hợp đồng là thép Hàn Quốc nhưng nhà máy lại đóng bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng khiến vỏ tàu nhanh chóng gỉ sét, xuống cấp. Rồi máy móc lắp ráp thiếu đồng bộ, khi vận hành thì hư hỏng, sửa đi sửa lại cũng không xong”.
Tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng hay hỏng hóc làm ngư dân điêu đứng được neo ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định – Ảnh: Trường Đăng
Phải bắt buộc có tư vấn giám sát
Trước tình hình nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng ở Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Nam Triệu bị hư hỏng, ông Trần Châu – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – nói các nhà máy đóng tàu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân rồi làm thiếu trung thực, cho ra đời những con tàu mà ra khơi xa chỉ cần bị đâm va là mất an toàn, có khi tính mạng ngư dân không đảm bảo là làm hỏng cả một chương trình lớn của quốc gia.
Ông Phan Trọng Hổ nói vấn đề thiếu tư vấn giám sát thi công là “lỗ hổng” lớn nhất trong thực hiện nghị định 67.
Đến nay, ngoài Bình Định còn có một số tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên cũng bị hư hỏng và nhanh chóng xuống cấp. “Tôi nghĩ nên có quy định bắt buộc về tư vấn giám sát đóng tàu chứ không để cho ngư dân tự quyết, nhà máy làm gì thì làm” – ông Hổ nói.
Trong khi đó, theo ông Vũ Thái Hệ – phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản, quá trình kiểm định tàu cá không có quy định về kiểm tra tư vấn giám sát bởi đây là hoạt động độc lập trong quá trình thi công.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là nội dung quan trọng cần có khi ngư dân chúng ta không đủ trình độ để giám sát thi công. Các cơ quan quản lý nhà nước như sở NN&PTNT, chi cục thủy sản… ở các địa phương cần hướng dẫn, giới thiệu để ngư dân thuê tư vấn giám sát thi công con tàu, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc như vừa qua” – ông Hệ nói.
Không chỉ “vá lỗi” tư vấn giám sát, ông Võ Thiên Lăng cho rằng cần thành lập đoàn thanh tra các nhà máy đóng tàu vỏ thép cho ngư dân có vấn đề. Nếu nhà máy nào vi phạm nặng phải loại khỏi danh sách những nhà máy được giới thiệu đóng tàu theo nghị định 67.
Bên cạnh đó, “cơ quan thiết kế tàu vỏ thép cũng phải gặp ngư dân để tìm hiểu nhằm thiết kế những con tàu đa nghề, kiêm nghề bởi lẽ nếu tàu chỉ chuyên một nghề thì ngư dân khó đánh bắt thời gian dài trong năm, khi mà từng loại nghề đều có thời gian khai thác nhất định” – ông Lăng đề xuất.
Đề nghị xem xét chế độ tín dụng tàu cá theo nghị định 67
Ông Nguyễn Trà Dương – phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định – cho biết vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Bình Định kiến nghị xem xét một số chính sách cho tàu cá trong chương trình nghị định 67.
Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại điều chỉnh thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi cho toàn bộ các chủ tàu tham gia chương trình lên 16 năm, vì một số chủ tàu tham gia giai đoạn đầu chỉ được cho thời hạn 11 năm.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả vì các lý do: tàu được giao kém chất lượng phải sửa chữa dài ngày; do diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, ngư trường…
Cho phép ngư dân được đề nghị ngân hàng điều chỉnh lịch trả nợ như tăng và giảm số tiền trả nợ ở một số kỳ trong năm phù hợp với thực tế…
(Theo Tuổi Trẻ)
Tàu vỏ thép 67 hư hỏng: Đề nghị công an vào cuộc
Trước những tranh cãi "nảy lửa" mà nhiều vấn đề vẫn không thông, nhiều ngư dân, lãnh đạo địa phương ở Bình Định đã kiến nghị công an vào cuộc điều tra, làm rõ việc hàng chục tàu vỏ thép 67 mới ra khơi đã hư hỏng...
Tại cuộc họp (ngày 10.5), do UBND tỉnh Bình Định tổ chức với các bên liên quan, để tìm cách sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ-67/CP gặp sự cố, hư hỏng, đơn vị đóng tàu đã nhận thiếu sót và cam kết tự lo kinh phí để thực hiện việc sửa chữa tàu vỏ thép để ngư dân sớm trở lại ngư trường. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngư dân và chính quyền địa phương vẫn mong muốn công an vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề để ngư dân an tâm vươn khơi.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương đưa vào sử dụng vào tháng 8.2016, xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Dũ Tuấn
Ngư dân Đinh Công Khánh (trú thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) - Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho hay: "Hiện tại, máy móc của tàu bị hư hỏng không thể hoạt động được, sơn tàu thì bị bong tróc. Trong hợp đồng, máy và hộp số đồng bộ với nhau nhưng thực tế không phải vậy, tàu chạy không nổi. Tôi đi 2 chuyến biển, lỗ đến 600 triệu đồng, giờ bạn thuyền muốn bỏ đi. Thực sự chúng tôi rất muốn kiện công ty ra tòa, nhưng vẫn chờ công ty xem khắc phục thế nào".
Trong khi đó, ngư dân Lê Văn Thãi - Chủ tàu BĐ 99016 TS (tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu), mong muốn công an vào cuộc điều tra để làm rõ ai đúng, ai sai? Nếu sai thì phải khắc phục triệt để cho ngư dân ra khơi, chứ tàu nằm bờ thì không có tiền trả nợ ngân hàng.
"Hiện tại, công ty đã cử người xuống khắc phục máy chính của tàu. Tuy nhiên, ngư dân chúng tôi yêu cầu thay bộ số để phù hợp với máy, giống trong hợp đồng nhưng đến nay công ty chưa thực hiện. Tôi đề nghị, thay bộ số mới để máy hoạt động ổn định, chứ sửa chữa sau này hư thì ai chịu trách nhiệm. Nếu không được, tôi đành trả lại tàu "67" cho cơ quan chức năng vì tiền sửa chữa không có thì tiền đâu mà kiện ra tòa? Giờ nợ ngân hàng chồng chất, ai lo cho nổi?"- ngư dân Thãi buồn bã nói.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị rỉ sét khắp nơi, nằm bờ chờ sửa chữa. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo ông Hà Ngọc Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), ngư dân huyện Phù Mỹ hạ thủy 9 tàu vỏ thép theo NĐ- 67/CP, trong đó: 8/9 tàu làm ăn thua lỗ, 4/9 tàu bị hư hỏng (trong đó: 3 tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 1 tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu). Nếu ngư dân muốn kiện các công ty đóng tàu ra tòa, chính quyền địa phương sẽ trợ giúp hướng dẫn tư vấn pháp lý, cách khiếu kiện phù hợp.
"Trường hợp này đã gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hướng đến ý nghĩa của chương trình đóng tàu theo NĐ-67/CP nên công an sẽ vào cuộc. Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra và đưa ra tòa án để làm rõ. Nếu tòa không có yêu cầu, chính quyền yêu cầu thì công an vẫn vào cuộc. Tôi sẽ tổ chức làm việc với ngư dân, để làm rõ lại việc này. Trước mắt, phải làm theo đúng hợp đồng, nếu không thực hiện thì ngư dân sẽ kiện ra tòa án"- ông Tân khẳng định.
Ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng phải thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết : "7 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu, ngư dân sử dụng thì có 1 chiếc chìm, 6 chiếc bị trục trặc, máy thì ngư dân nói máy cũ, không phải máy mới... làm mất niềm tin ngư dân. UBND tỉnh phải thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Cơ quan công an cùng vào cuộc điều tra thì càng tốt, ai đúng ai sai sẽ rõ ngay. Nếu sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhà nước".
Trước đó, Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về tình trạng tàu vỏ thép 67 ở Bình Định bị hư hỏng hàng loạt. Theo Sở NN&PTNT Bình Định, qua kiểm tra 3 tàu vỏ tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng...
Qua kiểm tra 4 tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu thì thân, vỏ tàu bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han rỉ, đứt gãy. Ngư dân phản ánh rằng trong hợp đồng: hộp số trang bị cho tàu đồng bộ với máy thủy chính, nhưng thực tế công ty trang bị hộp số không đồng bộ dẫn đến hư hỏng, đề nghị công ty thay hộp số khác cho đồng bộ.
Theo Danviet
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra làm rõ đường dây bán lao động đi biển Liên quan đến việc báo chí phản ánh về đường dây bán lao động đi biển, ngày 13/4, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình có công văn yêu cầu Bộ Công an điều tra làm rõ. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ đường dây buôn bán lao động đi biển bị đối...