Nhà máy bị nghi sản xuất nhiên liệu ‘nọc độc của quỷ’ cho tên lửa Triều Tiên
Nhà máy sợi tổng hợp ở thành phố Hamhung hẻo lánh của Triều Tiên có thể đang bí mật sản xuất nhiên liệu cho tên lửa.
Triều Tiên hồi tháng 7 tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: KCNA.
Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí của Đại học Middlebury cho rằng Triều Tiên đã làm chủ được việc sản xuất nhiên liệu cho tên lửa là dimethyl hydrazine bất đối xứng ( UDMH) tại một nhà máy ở Hamhung, khiến quốc tế càng khó khăn trong việc hạn chế chương trình vũ khí hiện đại của nước này.
UDMH hiện được sản xuất chủ yếu bởi Trung Quốc, một vài quốc gia châu Âu và Nga, nước gọi nó là “nọc độc của quỷ” vì tính chất nguy hiểm của nó. UDMH từng gây ra thảm họa tồi tệ nhất trong thời đại không gian vào năm 1960, khi nhiều công nhân Liên Xô và người dự khán chết trong cuộc thử nghiệm một trong những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Moscow. Tình báo Mỹ cũng tin rằng Triều Tiên có khả năng sản xuất được UDMH trong nước chứ không dựa vào nguồn cung từ nước khác.
Jeffrey Lewis, người điều hành chương trình Đông Á của trung tâm Middlebury, ban đầu gặp khó khăn khi tìm kiếm dấu hiệu về việc sản xuất UDMH của Triều Tiên, theo NYTimes.
“Không có dấu hiệu rõ ràng vì UDMH có thể được tạo ra bằng các hóa chất thông thường như chlorine và ammonia bằng cách sử dụng một biến thể của quá trình được phát triển vào năm 1906. Ấn Độ, nước lặng lẽ phát triển chương trình tên lửa vào những năm 1970, đã sản xuất UDMH trong một nhà máy đường cũ”, ông cho biết.
Việc tìm kiếm đạt được đột phá khi nhóm của ông tìm thấy và dịch một loạt bài viết kỹ thuật trong tạp chí khoa học chính thức của Triều Tiên liên quan đến UDMH.
Các bài viết từ năm 2013 đến năm 2016 đã thảo luận các vấn đề như xử lý nước thải độc hại – vấn đề chính trong sản xuất UDMH. Một bài viết thì nói về các phương pháp cải thiện độ tinh khiết hóa chất, điều quan trọng cho chương trình tên lửa tiên tiến.
Không giống các bài viết khác trên tạp chí, những bài viết này không đề thông tin liên hệ hoặc tiểu sử của các tác giả, cho thấy công việc của họ nhạy cảm hơn so với bề ngoài.
Nhóm của ông Lewis đã tìm kiếm tên của những tác giả đó trong tất cả nghiên cứu hóa học Triều Tiên mà họ có thể tiếp cận, cho đến khi họ phát hiện một điều kỳ quặc. Một trong số các tác giả, Cha Seok Bong, đã công bố ba bài luận từ một nơi gọi là nhà máy Vinylon 8/2, chuyên sản xuất sợi tổng hợp, tại Hamhung.
Video đang HOT
Vị trí của thành phố Hamhung. Đồ họa: BBC.
Đó là một vị trí kỳ lạ cho một chuyên gia về nhiên liệu tên lửa được đào tạo chuyên sâu. Vì vậy, ông Lewis cho rằng nhà máy thực chất là nơi sản xuất UDMH.
Thành phố hẻo lánh Hamhung không phải là địa điểm lý tưởng để đặt cơ sở quân sự nhạy cảm. Nằm ở bờ biển phía đông của đất nước, nó có thể bị tấn công bằng không kích. Các phi vụ ném bom của Mỹ từng tàn phá vùng này trong chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Nhưng Ko Chong-song, một quan chức Triều Tiên đào tẩu vào đầu những năm 1990, chỉ ra trong một cuốn sách năm 2001 rằng nó là trung tâm điều chế hóa học quân sự bí mật. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng nghi ngờ về điều đó ít nhất là từ năm 1969, khi họ công bố một đánh giá về sản xuất hoá học ở Hamhung.
Sau khi xem xét hình ảnh vệ tinh nhà máy ở Hamhung, nhóm của ông Lewis nhận thấy hai bể chứa nước thải lớn bất thường, phù hợp với phương pháp sản xuất UDMH tiêu chuẩn. Họ cũng phát hiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nhiều lần đến thăm nhà máy, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó.
Ảnh vệ tinh nhà máy Vinylon 8/2 của Triều Tiên. Ảnh: NYTimes.
Triều Tiên nhiều khả năng đã có một kho dự trữ UDMH lớn, ông Lewis nhận xét.
Khi được hỏi làm sao Triều Tiên có thể phát triển loại nhiên liệu này mà nước ngoài không hay biết, ông Lewis cho rằng các nhà phân tích thường xem nhẹ Triều Tiên, nghĩ rằng họ lạc hậu.
“Nếu bạn quan sát các bức ảnh vệ tinh và đọc các ấn bản về kỹ thuật của họ, họ giống như một quốc gia hoàn toàn khác”, ông nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Triều Tiên có thể đủ sức bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ
Tên lửa phòng không và tiêm kích Triều Tiên đủ khả năng hạ oanh tạc cơ Mỹ không được hộ tống, nhưng khả năng này ít xảy ra.
Tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 25/9 đe dọa nước này sẽ bắn hạ oanh tạc cơ chiến lược Mỹ ngay cả khi chúng không hoạt động trong không phận Triều Tiên. Giới chuyên gia đánh giá Bình Nhưỡng đủ khả năng bắn hạ máy bay ném bom của Washington, nhưng sẽ không tiến hành biện pháp cực đoan này, theo National Interest.
Theo chuyên gia Dave Majumdar, mục tiêu mà Triều Tiên nhắm đến trong tuyên bố cứng rắn này là các oanh tạc cơ B-1B Lancer Mỹ thường xuyên tuần tra gần không phận nước này. Một oanh tạc cơ B-1B hôm 23/9 đã bay trên không phận quốc tế dọc bờ biển Triều Tiên, thực hiện chuyến bay xa nhất về phía bắc khu vực phi quân sự (DMZ) trong thế kỷ 21.
Giới quân sự cho rằng để tiêu diệt được oanh tạc cơ Mỹ, Triều Tiên có thể sử dụng các hệ thống phòng không của mình hoặc điều tiêm kích để đánh chặn.
Không quân Triều Tiên có tương đối ít tiêm kích hiện đại, với mũi nhọn gồm tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29 và MiG-23 có thể đe dọa đến oanh tạc cơ Mỹ. Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng nhiều chiếc MiG-29, loại tiêm kích hiện đại nhất của Triều Tiên, không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng thay thế và bảo dưỡng.
Ngay cả trong trạng thái tốt nhất, các phi đội MiG-29 khó có thể vượt qua đội hình chiến đấu cơ hộ tống Mỹ để áp sát oanh tạc cơ B-1B, B-52 và B-2 và tung đòn tấn công. Cơ hội duy nhất để không quân Triều Tiên tấn công oanh tạc cơ Mỹ là khi chúng không có tiêm kích hộ tống, điều gần như không thể xảy ra trong tình hình hiện nay.
Cách tốt hơn để bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ là sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung. Hầu hết mạng lưới phòng không Triều Tiên bao gồm khí tài lạc hậu từ thời Liên Xô, ngoại trừ một số vũ khí tự phát triển có uy lực mạnh như tên lửa tầm xa KN-06.
Mạng lưới tên lửa phòng không Triều Tiên trước khi biên chế mẫu KN-06. Đồ họa: Blogspot.
"Triều Tiên có một số tên lửa phòng không Liên Xô như S-75 Dvina, S-125 Pechora, S-200 vẫn hoạt động tốt. Họ cũng tự sản xuất và nâng cấp dòng S-75, bên cạnh hệ thống KN-06 hiện đại mới được biên chế đầu thập niên 2010", học giả Vasily Kashin thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và châu Âu của Trường kinh tế Cao cấp Moscow, cho biết.
Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng đã sản xuất được bao nhiêu tổ hợp tên lửa phòng không KN-06, nhưng nó được đánh giá là vũ khí có uy lực ngang ngửa hệ thống phòng không tầm xa S-300 của Nga. KN-06 (Pongae-5) được Triều Tiền phát triển và phóng thử nghiệm thành công lần đầu vào tháng 6/2011, có thể ứng dụng nhiều công nghệ từ dự án chế tạo bản nhái tên lửa S-300 của Iran.
Không có nhiều thông tin được công khai về tổ hợp này. Hình ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy tên lửa của KN-06 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và ứng dụng phương pháp phóng lạnh. Tổ hợp này được trang bị radar mảng pha quét điện tử và hệ thống dẫn đường qua tên lửa (TVM). Quả đạn có tầm bắn tối đa trên 150 km, được lắp đầu đạn nổ mạnh nặng 120-500 kg.
Một tổ hợp KN-06 được cho là gồm xe chỉ huy, đài radar điều khiển hỏa lực và 6-12 xe phóng đạn. Cơ cấu này tương đồng với tổ hợp HQ-9/FD-2000 do Trung Quốc phát triển. Tuy nhiên, tầm chiến đấu của KN-06 có phần vượt trội, gần tương đương với hệ thống S-300PMU-1 của Nga. Với tầm bắn và uy lực đó, KN-06 hoàn toàn có thể hạ được oanh tạc cơ Mỹ hoạt động gần Triều Tiên.
Tên lửa KN-06 phóng thử hồi năm 2016. Ảnh: KCNA.
Tuy nhiên giới chuyên gia quân sự cho rằng khả năng cảnh giới, quan sát tầm xa của Triều Tiên hiện nay rất hạn chế, khiến họ khó có thể kịp thời phát hiện để tung đòn tấn công oanh tạc cơ Mỹ hoạt động gần không phận.
Theo chuyên gia Kyle Mizokami, lời đe dọa mới nhất của Triều Tiên không thể ngăn oanh tạc cơ Mỹ áp sát không phận của nước này trong tương lai, nhưng Washington sẽ buộc phải triển khai thêm tiêm kích hộ tống và máy bay cảnh báo sớm cho mỗi nhiệm vụ.
Triều Tiên có đủ sức bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ, nhưng hành động này sẽ dẫn tới leo thang quân sự giữa hai nước. Khi đó, Washington và Bình Nhưỡng sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ, thay vì chỉ khẩu chiến như hiện nay, Mizokami nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Sở hữu vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể làm suy yếu vị thế Mỹ Mỹ đối mặt nguy cơ suy giảm vị thế ở châu Á khi Triều Tiên có khả năng đáp trả và răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị hạt nhân. Ảnh: Reuters. Việc Triều Tiên đạt được hàng loạt tiến bộ trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên...