Nhà máy ‘3 tại chỗ’ đuối sức
Thời gian thực hiện kéo dài, nhiều nhà máy “3 tại chỗ” gặp khó khăn, chi phí tăng gấp đôi nhưng công suất giảm một nửa, xuất hiện ca nhiễm, công nhân muốn về nhà.
Nhà máy Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) có 4.400 lao động. Từ ngày 17/7, theo yêu cầu của chính quyền thành phố, doanh nghiệp tổ chức cho 2.200 công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ, giảm quy mô sản xuất còn 50%. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty nói nhà máy dự đoán lao động ở lâu sẽ mệt mỏi, tù túng nên cố gắng chăm sóc tốt nhất từ ăn uống, ngủ nghỉ. Thế nhưng sau 25 ngày hoạt động, số công nhân “rơi rụng dần”, hiện còn khoảng 1.800 người bám trụ.
Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” – Ảnh: An Phương.
“Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ không có lời, kinh phí tăng cao nhưng năng suất chỉ đạt một nửa”, ông Tuấn nói và cho biết riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc mầm bệnh tiêu tốn của nhà máy hơn 2 tỷ đồng. Trong 10 ngày đầu, công ty 3 lần xét nghiệm cho công nhân, chi phí mỗi mẫu test là 300.000 đồng, sau đó thực hiện định kỳ hàng tuần. Ngoài lương, lao động được trả thêm 80.000 đồng mỗi ngày. Công ty đầu tư hơn một tỷ đồng mua chăn màn, chiếu gối, lắp các khu tắm giặt dã chiến, nhà vệ sinh, sân phơi đảm bảo sinh hoạt cho công nhân.
Ông Tuấn cho hay 95% đơn hàng của dệt may Thành Công đem đi xuất khẩu. Trong điều khoản hợp đồng, đối tác loại trừ lý do giao hàng chậm, trễ vì dịch bệnh, nên doanh nghiệp phải sản xuất đảm bảo tiến độ để không bị phạt số tiền rất lớn, chưa kể mất khách hàng. Hiện nhà máy tìm mọi cách động viên công nhân nhưng “cố lắm cũng chỉ đến được ngày 15/9 là buông”.
Không gắng gượng được như dệt may Thành Công, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) đã xin dừng “3 tại chỗ” sau 2 tuần hoạt động dù trước đó phương án được Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM và ngành y tế đánh giá rất tốt. Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 600 triệu đồng cho công nhân ăn, ở và làm việc tại phân xưởng.
Ông Trần Minh Tú, Giám đốc điều hành công ty cho hay nhà máy quy mô hơn 1.500 lao động. Tuy nhiên khi tổ chức phương án, chỉ 194 người tự nguyện đăng ký, công suất chưa đến 13%. Sau một tuần thực hiện, hơn 200 công nhân tiếp tục đăng ký, nâng năng lực sản xuất của nhà máy lên 30%, vừa đủ đảm bảo một số đơn hàng. Doanh nghiệp làm phương án xin tăng lao động gửi lên cơ quan quản lý nhưng không được chấp thuận.
Video đang HOT
“Có thể các đơn vị đánh giá lo ngại người mới sẽ mang dịch vào nhà máy”, ông Tú nói và cho biết thêm lao động đã ít, một số còn muốn về nhà nên công ty quyết định dừng, thương lượng với đối tác lùi thời gian giao hàng. Doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm Covid-19, đảm bảo tất cả công nhân âm tính mới cho về.
Xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho công nhân nhà máy Dệt may Thành Công. Ảnh: An Phương.
Dệt may Thành Công, Kềm Nghĩa là 2 trong số gần 700 doanh nghiệp thuộc 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và công nghệ cao đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường – 2 điểm đến” (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở). Trước đó chính quyền thành phố yêu cầu từ 0h ngày 15/7, doanh nghiệp không đảm bảo phòng dịch phải dừng hoạt động.
Khó khăn do thời gian tổ chức “3 tại chỗ” kéo dài cũng được doanh nghiệp nêu ra khi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cuối tuần qua. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, doanh nghiệp nghĩ mô hình này áp dụng chừng một tháng còn dài hơn khó làm nổi. Từ đó bà kiến nghị thành phố có cách làm phù hợp, để doanh nghiệp tự chủ, kết hợp bộ quy tắc trong phòng, chống Covid-19 mà TP HCM ban hành.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) Nguyễn Văn Bé, đến thời điểm này chỉ có gần 600 nhà máy ở thành phố hoạt động nhưng hầu hết gặp khó khăn về tài chính, không đủ cơ sở vật chất, tâm lý công nhân bất ổn muốn “bỏ trận địa”.
Lãnh đạo HBA cho rằng thời gian qua một số nhà máy phát hiện ca nhiễm nhưng không được đưa đi kịp thời. Do đó thành phố nên sớm lập bệnh viện dã chiến trong các khu công nghiệp để kịp thời tách F0 ra khỏi nhà máy giúp sản xuất không bị gián đoạn. Ngành y tế cần hỗ trợ về kỹ thuật, nghiệp vụ giúp doanh nghiệp chủ động mua các bộ kit xét nghiệm nhanh cho lao động.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chính sách công, Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, trong bối cảnh dịch chưa được kiểm soát, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, cả chính quyền và nhà máy cần có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai.
Công ty cổ phần cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: An Phương.
Theo ông Tuấn chi phí thực hiện mô hình này rất lớn, doanh nghiệp đang phải gánh lỗ để duy trì. Tài chính hạn hẹp, cơ sở vật chất không đảm bảo khiến các nhà máy phát sinh lỗ hổng làm dịch xâm nhập, lây lan. Nhà máy cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ chính quyền để làm tốt hơn. Thứ tự hỗ trợ nên ưu tiên doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, sau đó đến xuất khẩu và các nhóm ngành khác.
“Tùy vào ngân sách, chính quyền có thể hỗ trợ một phần trong khoản chi phí tăng thêm khi nhà máy cho lao động ăn ở, làm việc tại chỗ. Sự giúp đỡ này nên bằng tiền mặt, hạn chế điều kiện khiến doanh nghiệp khó tiếp cận”, ông Tuấn nói và đề xuất thêm cần đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động.
Theo ông Tuấn, khi đại đa số công nhân được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, các phương án thực hiện “3 tại chỗ” sẽ dần được nới lỏng. Nhà máy cho phép công nhân được đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, có sự giám sát bằng ứng dụng định vị hoặc các chốt kiểm soát.
Đại diện Công ty Kềm Nghĩa, ông Trần Minh Tú cho rằng thời gian giãn cách xã hội ở thành phố dài hơn dự kiến. Cho nên một số doanh nghiệp không đăng ký “3 tại chỗ” từ đầu giờ muốn quay lại sản xuất hoặc tăng thêm lao động cần được tạo điều kiện thực hiện. “Chúng tôi sẵn sàng lập khu lưu trú trung gian, lao động sau khi được xét nghiệm kết quả âm tính tiếp tục cách ly ở đây 3-7 ngày, qua test nhanh hoặc PCR mới vào nhà máy”, ông Tú nói.
TP HCM có khoảng 1,2 triệu công nhân làm việc ở các nhà máy. Riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 lao động làm việc ở gần 1.600 doanh nghiệp. Thời điểm giữa tháng 7, một loạt nhà máy lớn, đông công nhân không đảm bảo được phương án mà chính quyền thành phố đưa ra phải tạm đóng cửa.
Không chỉ TP HCM, vừa qua nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… cũng gặp khó khăn khi tổ chức lao động ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy. Vướng mắc lớn nhất là thời gian thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài – điều mà trước đây các công ty chưa tiên liệu hết nhằm có giải pháp phù hợp.
Trước đó, ngày 6/8 Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Y tế, nêu mô hình “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến” bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế, nhất là tại TP HCM và các địa phương phía Nam giãn cách xã hội dài ngày. Thời gian tới hai cơ quan này sẽ đưa ra tiêu chí, mô hình sản xuất mới thay thế.
Nhà máy 800 công nhân ở Sài Gòn được gỡ phong toả
Chính quyền Tân Phú gỡ phong toả cho Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina ở Khu công nghiệp Tân Bình sau 15 ngày bị cách ly, chiều 11/6.
Đây là nhà máy đầu tiên đóng tại các khu công nghiệp ở TP HCM ghi nhận ca bệnh là nhân viên tham gia điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp. Ngày 28/5, toàn bộ công ty bị phong toả. Những người tiếp xúc gần ca nhiễm được đưa đi cách ly tập trung. Số lao động còn lại cách ly, ăn ngủ, sinh hoạt và làm việc tại nhà máy.
Công nhân thu dọn tư trang rời nhà máy sau 15 ngày ở tại nhà máy, chiều 11/6. Ảnh: Thanh Phổ.
"Chúng tôi đã trải qua những ngày khó khăn nhưng cuối cùng mọi thứ đều ổn", ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina nói và cho biết chiều nay nhà máy vẫn nấu bữa tối cho công nhân. Sau khi ăn xong, mọi người thu dọn đồ đạc để về nhà. Công nhân được nghỉ hai ngày cuối tuần, đầu tuần tới nhà máy làm việc bình thường.
Ngoài Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina, hiện một số nhà máy ở các khu công nghiệp tại TP HCM phải tạm ngừng sản xuất do lao động nhiễm nCoV. Trong đó, đáng chú ý là Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), quận Bình Tân và Công ty TNHH Việt Nam Samho (10.000 lao động) ở huyện Củ Chi, bị phong toả một phần. Tính đến chiều nay, các nhà máy ở thành phố ghi nhận 9 ca nhiễm.
Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 1.500 doanh nghiệp, với hơn 320.000 lao động. Môi trường làm việc khép kín, đông người... dịch khi xuất hiện ở khu công nghiệp dễ bùng phát, khó kiểm soát.
TP Hồ Chí Minh hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho hơn 770 công nhân đang bị cách ly Các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh đang thực hiện hỗ trợ công nhân trong khu cách ly, công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm, tiền mặt, khẩu trang... Các mặt hàng thực phẩm được mang tới công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình để hỗ...