Nhà máy ‘3 tại chỗ’ được hỗ trợ mua lương thực
Các nhà máy ở khu công nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” được hỗ trợ mua hàng thiết yếu hai lần một tuần với giá ưu đãi trong thời gian TP HCM siết giãn cách.
Chiều 24/8, ông Phạm Thanh Trực, Phó ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết danh sách các mặt hàng như gạo, trứng, sữa, thịt cá, rau củ… kèm bảng giá chi tiết được nhà cung cấp gửi cho các nhà máy. Trong ngày đầu tiên, hơn 40 nhà máy đăng ký Hepza và Sở Công thương “đi chợ hộ”, đơn hàng cao nhất gần 20 triệu đồng.
Doanh nghiệp có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm đăng ký trước 10h thứ 3, thứ 7 hàng tuần về văn phòng Hepza. Các đơn hàng sẽ được bộ phận phụ trách tổng hợp gửi lên Sở Công thương điều phối, hàng hóa được đưa về doanh nghiệp vào sáng hôm sau.
Công ty cổ phần cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: An Phương
Bên cạnh đó, một số nhà máy cũng chủ động dự trữ lương thực khi nhận thông tin thành phố siết chặt đi lại để chống dịch. Bà Trịnh Thị Thu Hiền, phụ trách hậu cần cho nhà máy Công ty cổ phần cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh cho hay, doanh nghiệp đã mua 400 ký gà trống, 5 tạ thịt heo, bao trọn gói một ao cá, tìm đầu mối cung cấp rau ở Đăk Lăk, 11.500 quả trứng, gần 12.000 gói mì, 2.000 cây xúc xích, gần 3,5 tấn gạo… phục vụ gần 1.000 lao động ăn ở, làm việc tại nhà máy.
Bà Hiền cho biết thêm, ngoài Hepza, chính quyền xã Phạm Văn Hai, nơi doanh nghiệp trú đóng cũng gửi thông báo giúp đỡ nhà máy mua thực phẩm nếu có nhu cầu. Phía sở Công thương tạo điều kiện cho các nhà cung cấp hàng thiết yếu cho bếp ăn doanh nghiệp được đi lại, đảm bảo hoạt động của nhà máy không bị gián đoạn vì thiếu lương thực, thực phẩm.
Trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao hiện có hơn 720 nhà máy trong với hơn 60.000 lao động áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, hoặc “một cung đường – 2 điểm đến” (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở). Từ sau ngày 23/8, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, song không được phép thay đổi nhân sự, trừ trường hợp cấp cứu. Các phương án thay thế cho mô hình “3 tại chỗ” như “4 xanh” không áp dụng.
Học online gần hai tuần vẫn chưa có sách giáo khoa
Dịch Covid-19 khiến nhiều phụ huynh ở Hà Nội chưa thể nhận được sách dù con đã vào năm học mới.
Nhiều người đề xuất sách giáo khoa vào danh mục hàng thiết yếu.
Con chị Mỹ Hạnh (Thanh Trì, Hà Nội) tựu trường online từ đầu tháng 8. Gia đình cố xoay xở nhưng vẫn không kiếm ra chỗ mua sách cho con.
"Con học theo bộ Cùng học để phát triển năng lực . Từ tuần trước, con đã học chương trình mới trong khi chưa hề cầm cuốn sách trên tay", chị Hạnh chia sẻ.
Video đang HOT
Học sinh nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã vào năm học mới dù chưa có sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Duy Anh.
Chưa nhận được sách vì dịch Covid-19
Chị Mỹ Hạnh (Thanh Trì) cho biết trước khi vào năm học, chị đặt mua sách giáo khoa theo trường. Trường thông báo đã nhận được sách Toán và Tiếng Việt nhưng do dịch Covid-19 căng thẳng, việc vận chuyển chưa tiến hành được.
Vì thế, bắt đầu năm học mới, một số học sinh đã có sách hai môn này trong khi số khác phải chờ đến khi thành phố hết giãn cách. Riêng sách Tiếng Anh, cũng do dịch, chưa kịp được chuyển đến trường.
Thậm chí, việc chuẩn bị vở viết, bút chì cho con cũng không dễ dàng. Các cửa hàng đóng cửa, chị Mỹ Hạnh không mua ở đâu. Cuối cùng, chị chỉ còn cách mua trên trang thương mại điện tử, chậm mấy ngày nhưng ít nhất con có bút vở để học.
Tương tự chị Hạnh, chị Minh Tâm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh đau đầu khi con vào năm học mới được 2 tuần nhưng chưa có sách để học. Cả hai con của chị đều học chương trình mới. Một bạn lên lớp 6 và bạn còn lại lên lớp 2. Do đó, phương án xin sách từ người quen không khả thi.
"Bạn lớn học hệ Cambridge, trường đã gửi sách Tiếng Anh (trường dùng sách riêng), các môn khác vẫn chưa có. Bạn bé được giáo viên gửi phiếu, học trên đó, rất bất tiện", chị Tâm cho hay.
Bà mẹ hai con nói thêm vốn dĩ, cuối tháng 7, phụ huynh có thể lên trường lấy sách. Song vì thành phố thực hiện giãn cách, việc này chưa thực hiện được.
Trong khi đó, con học online từ 2/8. Không có sách giáo khoa ảnh hưởng đến việc tiếp thu của các con, đặc biệt bạn học lớp 2. Trong giờ học, con nhớ bài nhưng đến tối, lúc ôn lại, không có sách, con lại quên mất kiến thức đã học.
Chị P.Q., một phụ huynh có con cho học trường tư thục ở Hà Nội, chia sẻ gia đình đăng ký mua sách cho con tại trường. Đến nay, con vẫn chưa có sách nhưng do trường đang cho ôn tập, nên sách chưa quá cần thiết.
Chị chỉ lo khi vào chương trình năm học mới thực sự, tình hình dịch vẫn chưa ổn, con lại tiếp tục học online trong tình trạng không có sách giáo khoa.
"Việc thiếu sách là một phần, nhưng phần tôi lo hơn là học online không hiệu quả, nội dung học lại quá nhiều", chị Q. nói.
Con chị Mỹ Hạnh đang dùng bản điện tử nhưng rất bất tiện. Ảnh chụp màn hình.
Dùng bản điện tử bất tiện
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh, nhiều người cũng đang tìm kênh để mua sách cho con. Bản điện tử của các cuốn sách theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 được chia sẻ như giải pháp tình thế cho những học sinh đã vào năm học mới mà chưa có sách.
Đây cũng là lựa chọn của chị Mỹ Hạnh khi không thể xoay xở kiếm sách cho con. Dù vậy, giải pháp này rất bất tiện. Con không quen nhìn nên thường xuyên phải phóng to lên, vừa mất thêm thao tác vừa gây hại mắt.
Vì thế, hàng ngày, ngoài việc dành thời gian để kèm cặp con học online, chị Hạnh còn phải đau đầu nghĩ cách in bài học ra cho con. Việc chuẩn bị tài liệu học rất bất tiện trong lục thành phố đang thực hiện giãn cách. Phiếu bài tập được gửi theo ngày nên chị không thể tranh thủ in một lúc nhiều phiếu.
Trong khi đó, chị Minh Tâm chưa được cập nhật thông tin sách giáo khoa chương trình mới có bản điện tử. Tuy nhiên, chị cho rằng đây cũng không phải giải pháp tốt.
Con đã phải học trực tuyến, tiếp xúc nhiều với màn hình quá nhiều, nay lại phải học qua sách bản online, gia tăng gánh nặng lên mắt. Thêm vào đó, từ thực tế việc học của hai con, chị đánh giá việc học online không hiệu quả bằng trực tiếp.
Vì thế, nữ phụ huynh mong muốn con có sách bản cứng để có thể cầm và đọc trên tay. Nếu tình trạng học online và không có sách tiếp diễn, chị lo ngại việc học của con không hiệu quả.
Mong sách giáo khoa vào danh mục hàng thiết yếu
Thực tế, tại Hà Nội, một số phụ huynh vẫn nhận được sách do trường chuyển đến. Chị Nguyễn Hồng Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết con chị bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học từ ngày 16/8.
Đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được sách giáo khoa. Nhưng trường đã thông báo trong tuần đầu, con ôn tập chương trình cũ. Từ tuần thứ 2, tức từ 23/8, học sinh sẽ học chương trình mới. Văn phòng nhà trường sẽ gửi thông báo hướng dẫn nhận sách giáo khoa tới phụ huynh.
Chị Hoàng An (Hà Đông, Hà Nội) cũng vừa nhận được sách giáo khoa lớp 1 cho con trai học vào chiều 15/8, ngay trước khi con vào năm học mới.
Bà Hà Mai Thanh, Hiệu trưởng trường TH, THCS & THPT Archimedes Đông Anh, cho hay trường đang cố gắng gửi sách giáo khoa tới các gia đình, nhiều nhà đã nhận được.
Bà nói thêm dù thành phố thực hiện giãn cách, các đơn vị nhận vận chuyển vẫn làm việc để đưa sách tới học sinh.
Trong khi đó, tại TP.HCM, việc tiếp cận sách giáo khoa năm học mới khó khăn hơn. Nhiều phụ huynh đau đầu vì không thể mua sách.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6 (TP.HCM), cho hay SGK không thiếu. Hiện tại, các trường đã nhận sách và gửi đến các gia đình đăng ký mua sớm.
Những gia đình đăng ký mua sau chưa nhận được do thành phố thực hiện giãn cách và sách không phải mặt hàng thiết yếu.
Ông nói thêm trong trường hợp học sinh phải học online trước, các trường sẽ tìm biện pháp để gửi sách cho phụ huynh, có thể qua đường bưu điện.
Ông Lưu Hồng Uyên mong các gia đình yên tâm, con sẽ có sách để học đầy đủ, đặc biệt với lớp 1, 2 và 6.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hóa, Phó tổng giám đốc Công ty Fahasa, cho hay khách hàng đang gặp khó trong việc mua sách vở, giáo trình hay đồ dùng học tập trực tuyến vì sách không là mặt hàng thiết yếu.
Bà Phạm Thị Hóa cũng nhận định nếu phải học online, ngoài sách giáo khoa, học sinh cũng cần thêm các loại giáo trình tham khảo để nắm rõ hơn kiến thức đã học. Nhiều bậc phụ huynh muốn mua sách vở từ sớm để con em có sự chuẩn bị, tránh tình trạng quên kiến thức sau thời gian dài nghỉ học.
Tuy nhiên theo thông tin bà Phạm Thị Hóa chia sẻ, hiện sách cải cách do công ty sách thiết bị phân phối trực tiếp cho trường, sau đó mới đến tay học sinh. Việc này khiến các em khó nắm bắt nội dung mới trong hè.
Bà mong muốn sách giáo khoa sẽ được đưa vào mặt hàng thiết yếu, được phép mua bán, vận chuyển kể cả khi thành phố thực hiện giãn cách để học sinh có sách.
"Từ giờ đến lúc khai giảng đã rất gần, để học sinh được tiếp cận với sách giáo khoa, thành phố cần có giải pháp cụ thể, nhất là việc đưa sách trở thành hàng hóa thiết rất cần được ưu tiên áp dụng", bà Hóa nêu quan điểm.
Nhận giao hàng ở khu phong tỏa, khách xui: "Em gỡ cọng dây, vào nhà lấy hàng", shipper có cách xử lý ai cũng nể Người phụ nữ này đã hồn nhiên bảo anh Vũ làm hành động nguy hiểm là gỡ dây phong tỏa, vi phạm quy tắc phòng dịch. Trong thời điểm dịch Covid-19 khiến một số vùng tại TP. HCM trở thành "điểm nóng", mọi quy định phòng, chống dịch cần được thắt chặt. Với dịch vụ giao nhận hàng thiết yếu, các shipper đến...