Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng
Nhà lưu niệm chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước lưu giữ nhiều đồ vật cụ dùng lúc sinh thời.
Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng nằm bên đường quốc lộ 40B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35 km, về phía tây.
Đây là ngôi nhà cổ, tọa lạc trong khu vườn rộng 4.000 m2 do thân sinh cụ Huỳnh là Huỳnh Văn Phương xây dựng năm 1869, theo lối kiến trúc thời Nguyễn.
Ngôi nhà rộng khoảng 90 m2, gồm ba gian, hai chái. Nơi đây đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng giữ nguyên kiến trúc xưa. Trong nhà khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo.
Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ, đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời. Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Năm 1904, ông đậu Tiến sĩ; năm 1908, ông đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 13 năm mới được trả tự do.
Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, ông từ chức.
Năm 1927, ông thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền đấu tranh yêu nước. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ. Đến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa một thời gian.
Năm 1947, ông mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý Miền Trung. Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn, nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi.
Với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Sao vàng cho ông.
Video đang HOT
Trong ngôi nhà còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa của cụ Huỳnh cùng những đồ vật. Trong ảnh là chiếc kính, hộp đựng và đồng hồ của cụ sử dụng lúc sinh thời.
Một tờ báo Tiếng Dân được lưu giữ. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo này xuất bản tại Huế, đến 1943 bị chính quyền thời bấy giờ đình bản.
Báo Tiếng Dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Trong 16 năm hoạt động, tờ báo đã xuất bản 1.766 số. Báo Tiếng Dân đã tập hợp được nhiều trí thức có tinh thần dân tộc trở thành tờ báo có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội ở miền Trung và cả nước; thể hiện tiếng nói của xu hướng chính trị không phục tùng đường lối của thực dân Pháp và Nam triều.
Nhà lưu niệm trưng bày đôi guốc của cụ Huỳnh sử dụng trong năm công tác tại Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ. Đôi guốc này được làm từ phiên bản gốc trưng bày tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
Những bức ảnh lúc cụ hoạt động trưng bày. Trong ảnh nhiều vị khách đến tham quan.
Ông Huỳnh Văn Thoàn, cháu của cụ Huỳnh thường ngày chăm sóc, trông giữ khu lưu niệm. Ông cho biết mỗi năm, nơi đây đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương.
Trước nhà và hai bên ngõ được trồng chè tàu. Chúng được cắt tỉa thẳng tắp, xanh ngắt, như nhắc nhớ người đời về tấm lòng của cụ.
Đến Tiên Cảnh ngoài tham quan nhà lưu niệm Cụ Huỳnh, du khách khám phá làng cổ Lộc Yên được hình thành và phát triển vào thế kỷ 15-16 với nhà gỗ, ngõ đá, bờ chè tàu và những vườn cây trái xanh mát.
Ngôi làng có tổng diện tích 279 ha, còn 8 ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít dựa vào lưng núi, phía trước hướng ra cánh đồng lúa rất thông thoáng. Tháng 9/2019, Lộc Yên được xếp hạng Di tích quốc gia và là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam.
Làng cổ Lộc Yên
Làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước lưu giữ 8 ngôi nhà cổ được chạm trỗ tinh xảo có tuổi đời hơn 150 năm.
Làng cổ Lộc Yên cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam khoảng 40 km về phía Tây Nam. Làng được hình thành và phát triển vào thế kỷ 15-16 với nhà gỗ, ngõ đá, bờ chè tàu và những vườn cây trái xanh mát. Đến nay qua 7 đời, làng Lộc Yên có nhiều tộc họ cùng sinh sống thuận hòa.
Ngôi làng có tổng diện tích 279 ha, nhà cửa dựa vào lưng núi, phía trước hướng ra cánh đồng lúa rất thông thoáng. Tháng 9/2019, Lộc Yên được xếp hạng Di tích quốc gia và là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam.
Xung quanh nhà cổ được trồng cây ăn trái tạo không gian xanh mát. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm nên cây cối luân phiên đơm hoa kết trái.
Lộc Yên là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của huyện Tiên Phước. Vào những dịp lễ tết đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Đây điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích cảm giác yên bình, muốn hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình vào không gian làng quê nhà cổ thoáng đãng, cảnh đẹp.
Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít với ba gian, hai chái theo kiểu nhà rường có niên đại từ 80 năm đến 150 năm. Các ngôi nhà cổ được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mỹ thuật.
Bên trong ngôi nhà cổ của ông Đồng Viết Mão, 82 tuổi. Theo chủ nhân, nhà được xây dựng cách đây hơn 150 năm, trước đây mái lợp tranh, năm 1981 thay bằng ngói mới. "Vật dụng trang trí như tủ thờ được khảm ngọc trai; đồ thờ như độc bình, lư hương, ché, hương án, bài vị ... bằng gỗ và đồng, bài vị sơn son, khảm xà cừ mua từ Châu Ổ, Quảng Ngãi", ông Mão nói.
Bộ ấp quả với hình ảnh quả bí ngay tại gian giữa nhà ông Mão với ước nguyện đủ đầy. Các hoa văn chạm trổ điêu luyện trên các cấu kiện gỗ trong nhà được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà, nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh.
Lộc Yên còn có lưu giữ một "bảo vật" là chiếc bàn tự xoay đầy kỳ bí do nghệ nhân làng mộc Văn Hà tạo ra.
Du khách được giới thiệu một mặt bàn có đường kính khoảng 80 cm, nếu khách tham quan cùng đặt úp tay lên mặt bàn và thống nhất tâm niệm nó tự quay theo chiều nào lập tức mặt bàn từ từ chuyển động xoay tròn. Nếu mọi người vẫn giữ nguyên tay và bước chân theo vòng xoay của mặt bàn thì nó sẽ chuyển động nhanh dần theo hướng đó. Khi có ai đó kêu lên "dừng lại" lập tức nó đột ngột dừng... Bàn sẽ xoay theo chiều ngược lại khi mọi người cùng đảo ngửa tay. Tuy nhiên không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công.
Du khách bước xuống các ngôi cổ, hai bên ngõ rêu phong phủ màu xanh.
Nằm ở địa hình đồi nên từ xa xưa người dân dùng đá xếp hai bên ngõ, bờ rào quanh vườn thành bờ kè bằng phẳng. Cách làm này để giữ bờ đất khỏi bị mưa lũ làm xói mòn, rửa trôi, phân chia ranh giới những khu vườn nối liền với nhau.
Hai bên ngõ được trồng chè tàu. Người dân cắt tỉa đẹp mắt, xung quanh có cây ăn trái tạo bóng râm.
Quanh làng sử dụng đá ngăn cách làng với ruộng đồng uốn lượn, đây là con đường du khách đi bộ để tham quan.
Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện đề án "Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng". Chính quyền hỗ trợ người dân làm ngõ bằng đá, trồng hoa để tạo thêm cảnh quan phục vụ du lịch.
Tại ngôi làng này, hầu hết vườn người dân trồng cây bòn bon. Từ tháng 8 âm lịch quả chín du khách đến tham quan và thưởng thức.
Quả mọc ở các nhánh cây thành từng chùm, tương truyền, lúc bị quân Tây Sơn đuổi, Nguyễn Ánh đi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy trốn vào Quảng Nam. Những ngày lẩn trốn ở thượng nguồn sông Vu Gia, đoàn quân của chúa Nguyễn cạn kiệt lương thực, phải vào rừng hái trái cây ăn và gặp loại quả ngon ngọt, ăn vào làm dịu cơn đói khát. Theo một số tài liệu, sau đó dân chúng đưa loại quả tiến Vua mỗi khi đến mùa.
Ngoài ra cây dâu đất được trồng nhiều ở vùng đất này. Loại cây này thuộc thân gỗ, cao 10-20 m. Quả mọc ở thân cây và một số cành to, khi chín có màu đỏ hoặc vàng. Quả dâu đất phần ruột có vị ngọt và chua chứa nhiều polyphenol và anthocyane, hai loại chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể.
Phố Đầm - Dấu xưa, nền phố Phố Đầm thuộc làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) là một khu phố cổ buôn bán sầm uất bậc nhất xứ Thanh vào đầu thế kỷ XX mà người dân còn gìn giữ. Những ngôi nhà cổ phố Đầm vẫn còn gìn giữ Phố Đầm được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX...