Nhà khởi nghiệp trẻ giàu ý chí
Huỳnh Công Thắng giờ đã là nhà khởi nghiệp có tiếng tăm. Nhưng con đường anh đã đi qua đầy chông gai…
Anh Thắng trong một buổi nói chuyện với bạn trẻ năm 2019 – NVCC
Sinh ra ở Trà Vinh, trong gia đình giàu có nhưng thất thế, buộc cha mẹ anh đi làm nông nghiệp, hai anh em Thắng may mắn được dạy rằng dù thiếu ăn thiếu mặc, nhưng nhất định không được từ bỏ việc học.
“Cha mẹ tôi nuôi vịt, nhưng gặp nhiều phen vịt bị dịch, phải rời quê lên Long Hải (Bà Rịa- Vũng Tàu) mưu sinh. Cha tôi làm ngư dân, mẹ đi lao động phổ thông. Rồi sau đó, cuộc sống cũng không ổn, chúng tôi về TP.HCM, cha chạy xe ôm, mẹ tiếp tục công việc cũ. Hai anh em tôi sớm theo mẹ, ban ngày đi học, buổi tối dắt tay nhau đi làm thêm để đỡ đần ba mẹ. Chúng tôi vẫn học rất giỏi và chưa bao giờ phải nộp học phí trễ”, Thắng hồi tưởng.
Một trong những ký ức mà đến giờ Thắng chưa thể quên, đó là một lần hai anh em Thắng gặp người ba của bạn cùng lớp, ông nói nửa thật nửa đùa: “Nhà chúng mày nghèo thế thì nên nghỉ học đi làm đi”. “Bàn tay tôi nắm tay em gái mà run lên. Tôi đã cố gắng để không òa khóc giây phút đó. Nhưng trước mặt ba mẹ thì không thể. Thật bất ngờ, ba mẹ nhẹ nhàng nói, bác đó nói cũng đúng, nếu con không học và không thật sự cố gắng thì sau này con sẽ không thay đổi được tương lai của mình”, Thắng xúc động kể.
Sau đó vào THPT, Thắng vừa học vừa làm thêm ở nhà hàng, gia sư tiếng Anh, vào ĐH, anh tự đi vay tiền đóng học, sau đó kinh doanh và trả nợ. Những năm tháng kiếm tiền ở ngoài đường và đủ nghề làm thêm đã cho anh nhiều kỹ năng và bài học đắt giá trong kinh doanh về sau…
Đến ngày hôm nay, dù khởi nghiệp có những lần thất bại, Thắng hiểu mỗi khó khăn để thử thách lòng kiên trì và ý chí. “Nếu chúng ta dễ dàng với bản thân, cuộc đời sẽ khó khăn với chúng ta. Và ngược lại nếu khó khăn với bản thân, cuộc đời sẽ dễ dàng”, Thắng tâm niệm.
Tốt nghiệp ngành ngoại thương Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Huỳnh Công Thắng ghi dấu ấn với nhiều dự án khởi nghiệp. Anh cũng đang là đồng sáng lập, CEO InnoLab Asia, đối tác triển khai của Open Innovation Vietnam – Sáng kiến từ Bộ Khoa học – Công nghệ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Video đang HOT
Anh chia sẻ hiện tại số lượng công ty của anh là 3. Một trong số đó, Thắng muốn nhắc tới Lead The Change, tổ chức quốc tế nhằm tạo cơ hội cho người trẻ vươn ra thế giới thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và cơ hội việc làm quốc tế. Đồng thời, tạo cơ hội cho bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc và xây dựng mô hình kinh doanh thành công với sự dẫn dắt của mạng lưới cố vấn dày dặn kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp, Thắng cho biết các công ty khởi nghiệp của anh cũng không ngoại lệ, tuy nhiên, anh suy nghĩ khác. “Tôi cho rằng đây là một cơ hội để mình có nhiều thời gian hơn kiện toàn những công ty của mình, chuẩn bị cho nó mạnh mẽ nhất có thể khi hết dịch”, nhà khởi nghiệp bộc bạch.
Không chỉ nổi tiếng trong vai trò nhà khởi nghiệp, Huỳnh Công Thắng còn là một trong những nhà tư vấn cho các tổ chức, công ty khởi nghiệp nước ngoài. Anh là cố vấn tại Start-up Chile, một sáng kiến của chính phủ Chile nhằm thu hút các khởi nghiệp trong giai đoạn khởi động. Anh tư vấn cho Orphan’s Futures Alliance, tổ chức từ thiện của Mỹ giúp đỡ trẻ em Đông Nam Á tiếp cận giáo dục. Hay Step Forward Exchange, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Úc và Vĩnh Long (Việt Nam), gây quỹ, cải thiện nhà ở cho gia đình ở nông thôn Việt Nam, học bổng cho trẻ em…
Anh từng là người đại diện cộng đồng start-up Việt Nam trình bày trước công tước xứ York, hoàng tử Anh quốc Andrew năm 2015. Anh cũng là đại diện nhóm Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á từng gặp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông thăm Việt Nam tháng 5.2016…
Anh nhận giải thưởng Edutech Leadership 2017 và giải thưởng Edutech toàn cầu 2017 tại Mumbai (Ấn Độ) nhờ những đóng góp vào lĩnh vực giáo dục và công nghệ.
Thúy Hằng
Làm gì để vượt qua thời dịch bệnh Covid-19?
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến không ít nhà khởi nghiệp trẻ điêu đứng. Quản lý và nguồn vốn được xem như sức đề kháng của doanh nghiệp, nhưng hai yếu tố này lại là điểm yếu của các nhà khởi nghiệp trẻ...
Trong giai đoạn này, các dự án khởi nghiệp nên tăng doanh thu bằng cách tăng cường bán hàng online - Ảnh: Nữ Vương
3 sai lầm dễ mắc phải khi gặp khủng hoảng
Là chủ nhân của một dự án khởi nghiệp, đã từng trải qua những lần khủng hoảng, anh Quách Đức Anh, sáng lập Akira Education, cho rằng có 3 sai lầm rất dễ mắc phải khi công ty gặp khủng hoảng.
Trước hết là cố gắng cứu vãn những thứ không thể cứu vãn. "Sai lầm mình đã mắc phải đầu tiên là ngay lập tức tiếp tục đầu tư vào mảng đang gặp khủng hoảng, với hy vọng sẽ vượt qua và làm cho mọi thứ khôi phục lại như cũ, tức tư tưởng ngã ở đâu thì đứng lên ở đấy. Nhưng thực tế dồn nguồn lực vào lúc này giống như cố xây lại ngôi nhà cao tầng trên nền móng bị đổ vỡ, càng cố xây thì càng thấy nhà sập tiếp", anh Đức Anh nói. Anh cũng khuyên lúc này (mùa dịch), tốt hơn hết là nên rà soát lại công ty, xem có mảng nào khác triển vọng thì đầu tư vào. Nếu không có thì tốt nhất tạm thu hẹp quy mô để bảo toàn lực lượng.
Kế đến là phản ứng và xử lý nhanh chóng mọi thứ trong khi chưa từng có kinh nghiệm đối mặt với khủng hoảng nào tương tự trước đó.
Vấn đề cuối là tự dằn vặt chính mình và trách móc nhân sự. Khi bất lực với hiện tại, tuyệt vọng với tương lai, ta dễ rơi vào trạng thái như vậy. Sai lầm này sẽ khiến mình hao tổn nhiều tâm sức, đổ vỡ nhiều mối quan hệ, đánh mất năng lượng cần thiết để vượt khủng hoảng.
Nguồn lực không đủ để xử lý rủi ro
Là một người sâu sát các dự án khởi nghiệp tại TP.HCM, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM), cũng nhận định trong tình hình dịch bệnh hiện tại, cả 2 nhóm khởi nghiệp (một là đã đi vào hoạt động doanh nghiệp và một nhóm đang trong quá trình ươm tạo) đều chịu nhiều tác động.
"Các công ty lớn thì có nguồn lực để xử lý rủi ro trong mùa dịch, còn các bạn trẻ khởi nghiệp không có điều kiện, rồi nguồn lực cũng không đủ để nghĩ ra các phương án giảm rủi ro hoặc tìm một hướng đi khác để cân bằng những thiếu hụt, khó khăn ở điều kiện hiện tại... Đấy là những bất lợi lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Tước nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tước, các dự án khởi nghiệp đang trong giai đoạn ươm tạo vẫn bị tác động rất nhiều, như vòng thử thị trường hay kết nối để gặp gỡ nhà đầu tư cũng bị hạn chế do các sự kiện kết nối khởi nghiệp từ đầu năm đến giờ không thể diễn ra. Rồi kết nối khách hàng cũng gặp trở ngại, như muốn cung ứng một ứng dụng vào nền tảng các doanh nghiệp, nhưng trong khi các doanh nghiệp cũng đang gặp lao đao thì không thể quan tâm đến nhu cầu thay đổi cái mới, nên điều đó cũng làm cho sản phẩm khởi nghiệp không có điều kiện để tiếp cận.
Theo anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, làm khởi nghiệp thì vấn đề đầu ra - tức thị trường là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. Nhưng nay, tất cả mọi thứ đều đi xuống, có lĩnh vực còn giảm với tốc độ chóng mặt thì "miếng bánh" trở nên quá nhỏ để đủ nuôi dưỡng tồn tại và phát triển.
"Điểm yếu của khởi nghiệp thường nằm ở 2 điểm là quản lý và nguồn vốn. Doanh nghiệp nào quản lý và nguồn vốn càng kém thì cũng giống sức đề kháng vậy, càng kém thì càng ra đi nhanh hơn", anh Hiếu nhấn mạnh.
Những điều nên làm khi gặp khủng hoảng
Theo anh Quách Đức Anh, có 3 điều cần làm trong giai đoạn này. Thứ nhất là cắt giảm chi phí. "Chẳng ai có thể biết được khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu, vì vậy cần tìm cách cắt giảm chi phí càng nhiều càng tốt. Doanh nghiệp sống thêm được 1 ngày là có thêm 1 tia hy vọng. Đặc biệt, khi cả thị trường gặp khủng hoảng, doanh nghiệp nào trụ lại được sau cùng khi cơn bão qua đi thì doanh nghiệp đó sẽ giành chiến thắng. Tốt nhất, nên tìm cách bảo toàn nguồn lực (vốn, nhân sự, nhiệt huyết, sự ủng hộ...), chờ ngày sóng gió qua đi ta lại giong buồm ra khơi", anh Đức Anh nói.
Thứ hai là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ít nhất là việc chuẩn bị này sẽ giúp tâm lý mình vững vàng hơn, và giúp mình có được quyết định tốt hơn nếu trường hợp tệ nhất xảy ra.
Thứ ba là hãy thẳng thắn với nhân sự. Sẽ có người ủng hộ và có người không ủng hộ, thậm chí sẽ rời bỏ công ty. Nhưng việc trao đổi thẳng thắn và kịp thời sẽ giúp đội ngũ thêm đoàn kết và giải tỏa rất nhiều vấn đề phát sinh. Ví dụ như giảm bớt các lời đồn thổi trong công ty, giảm bớt sự căng thẳng không cần thiết cho tập thể khi đối diện với khủng hoảng.
Ngoài ra, theo anh Cao Trung Hiếu, các bạn trẻ khởi nghiệp nên tăng doanh thu bằng việc tăng cường bán hàng online, tìm thị trường mới... Một yếu tố cũng quan trọng là nên thực hiện các hoạt động quảng bá hướng đến cộng đồng để xây dựng được hình ảnh tử tế trong mắt khách hàng. Điều đặc biệt, anh Hiếu cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để nâng cấp hệ thống: "Xem xét lại hệ thống vận hành để hướng đến tối ưu vì giai đoạn này có luồng công việc giảm xuống và chúng ta có thời gian để "khám và chữa bệnh" cho tổng thể hệ thống, từ đó tạo nền tảng để tăng tốc khi qua giai đoạn khó khăn". (còn tiếp)
Nữ Vương
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Chuẩn bị kỹ khởi nghiệp để không thất bại" Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khởi nghiệp cần khẩn trương nhưng cũng phải thận trọng, tránh tình trạng không chuẩn bị kỹ rồi thất bại, dẫn đến tâm lý chán nản. Sáng nay (5/10), Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh (HS), sinh viên (SV) năm 2019 SV - STARRTUP 2019 tại Đại học...