Nhà khoa học vaccine Covid-19 muốn tạo vaccine ung thư
Ozlem Tureci, đồng sáng lập BioNTech, đang tìm cách sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để giải quyết ung thư sau khi điều chế vaccine Covid-19.
Nhà khoa học nữ Ozlem Tureci cùng chồng là Ugur Sahin, CEO của hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech, ngày 19/3 cho biết sẽ áp dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA) để điều chế vaccine ung thư.
Công nghệ này được sử dụng để sản xuất vaccine Covid-19 trên nguyên lý đưa mARN vào cơ thể người để kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công một loại virus cụ thể. Tureci và Sahin nhận định có thể áp dụng nguyên tắc tương tự để kích thích hệ thống miễn dịch tấn công các khối u.
“Chúng tôi có một số loại vaccine ung thư khác nhau dựa trên công nghệ mRNA. Hy vọng trong vòng vài năm nữa chúng ta sẽ có vaccine chống ung thư để cung cấp cho mọi người”, Tureci, giám đốc y khoa của BioNTech, cho biết
Video đang HOT
Ozlem Tureci trong lễ trao Giải thưởng Axel Springer được phát trực tuyến ngày 18/3. Ảnh: AP .
BioNTech và hãng dược phẩm Mỹ Pfizer sử dụng công nghệ mRNA để điều chế Corminaty, loại vacicne Covid-19 đầu tiên được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Vaccine của BioNTech-Pfizer được cấp phép sử dụng ở Anh hồi đầu tháng 11/2020 và ở Mỹ sau đó một tuần. Hàng chục triệu người đã được tiêm vaccine BioNTech-Pfizer từ tháng 12/2020.
Tureci cho biết BioNTech đang cố gắng đảm bảo vaccine Covid-19 được chuyển tới các nước theo đơn đặt hàng và sản phẩm này đối phó hiệu quả với bất cứ chủng nCoV đột biến nào.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 19/3 trao Huân chương Danh dự cho Tureci và Sahin. Thủ tướng Đức Angela Merkel, một nhà khoa học, tham dự buổi lễ. “Các bạn bắt đầu với một loại thuốc để điều trị ung thư cho mỗi người. Ngày nay chúng ta có một loại vaccine cho toàn nhân loại”, Tổng thống Steinmeier nói.
Tureci nói nhận huân chương “là một vinh dự”, song khẳng định chương trình phát triển vaccine Covid-19 là “nỗ lực của rất nhiều người”. “Đó là nỗ lực từ đội ngũ của chúng tôi tại BioNTech và các đối tác liên quan, các chính phủ, cơ quan quản lý. Họ làm việc cùng nhau với tinh thần khẩn trương. Chúng tôi nhìn nhận sự kiện này công nhận nỗ lực trên và ca ngợi khoa học”, Tureci nói.
BioNTech bắt đầu phát triển vaccine Covid-19 vào tháng 1/2020, sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố giải trình tự gen nCoV. Pfizer sau đó hợp tác với BioNTech trong khuôn khổ Chiến dịch Thần tốc của chính phủ Mỹ được công bố hồi tháng 5/2020.
Philippines phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik V
Philippines cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga trước tình hình số ca nhiễm mới ngày càng tăng.
Sputnik V trở thành vaccine Covid-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Philippines, sau Pfizer-BioNTech (Mỹ), Oxford-AstraZeneca (Anh) và Sinovac (Trung Quốc). Tuyên bố được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Philippines đưa ra hôm 19/3.
"Những lợi ích đã biết và tiềm năng của Sputnik V do Viện Gamaleya sản xuất nhiều hơn rủi ro", Rolando Enrique Domingo, người đứng đầu FDA Philippines, phát biểu tại cuộc họp báo. "Dữ liệu tạm thời cho thấy hai liều Sputnik V đạt hiệu quả 91,6% ở người trên 18 tuổi".
Philippines hiện là quốc gia có số ca Covid-19 cao thứ hai Đông Nam Á. Nước này đang đứng trước làn sóng lây nhiễm mới, với gần 20.000 ca nhiễm được báo cáo trong bốn ngày qua.
Thị trưởng vùng đô thị Manila hôm 8/3 ra lệnh tái phong tỏa và giờ giới nghiêm vào ban đêm trong hai tuần. Thành phố Quezon cũng bổ sung các lệnh cấm uống rượu, đóng cửa phòng gym, spa, tiệm Internet.
Một lọ vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: Reuters
Chính quyền Philippines đặt mục tiêu triển khai 140,5 triệu liều vaccine tới tháng 12, chủng ngừa 70 triệu người trưởng thành, hướng tới miễn dịch cộng đồng và tái mở cửa nền kinh tế. Chương trình tiêm chủng bắt đầu hôm 1/3 với 600.000 liều vaccine Sinovac ưu tiên cho nhân viên y tế tuyến đầu. Tới nay, nước này đã nhận hơn 1,1 triệu liều vaccine Sinovac và AstraZeneca.
Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V dựa trên công nghệ vector, sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Hai liều tiêm cách nhau 21 ngày, bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Nga hồi tháng 8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vaccine Covid-19. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Sputnik V tạo hệ miễn dịch bền vững, dù chưa hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn ba. Hai tháng sau, nước này tiếp tục cấp phép vaccine Covid-19 thứ hai có tên EpiVac Coronado do Viện virus học Vector phát triển.
Giới chức Anh khẳng định vaccine ngừa COVID-19 không gây phản ứng đông máu Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm y tế (MHRA) của Anh ngày 18/3 thông báo các chuyên gia nước này không tìm thấy bất cứ mối liên quan trực tiếp nào giữa việc tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với triệu chứng đông máu ở người được tiêm. Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine...