Nhà khoa học để hàng nghìn con muỗi đốt
Tiến sĩ Perran Stott-Ross ở Đại học Melbourne mất 16 ml máu một ngày cho đàn muỗi nhằm tìm ra cách ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết.
Những con muỗi tiến sĩ Stott-Ross nuôi đều nhiễm Wolbachia, một loại vi khuẩn có thể ngăn bệnh sốt xuất huyết lan rộng. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chia sẻ mỗi ngày bị đốt tới 5.000 lần một ngày. “Đôi khi vết đốt hơi ngứa một chút nếu những con muỗi đốt đúng chỗ, nhưng phần lớn thời gian chỗ đốt chỉ râm ran. Sau đó, tôi cảm thấy cực kỳ ngứa. Ngay khi chìa tay ra, tôi phải chống cự lại thôi thúc muốn gãi”, Stott-Ross nói.
Stott-Ross đã làm việc với những con muỗi suốt nhiều năm trời và thường xuyên chia sẻ ảnh chụp cùng video về quá trình nghiên cứu trên mạng xã hội Twitter. Trong một bài đăng gây sốt hồi tháng 5/2020, anh từng chia sẻ ảnh chụp cánh tay sau một ngày bị muỗi đốt và cho biết bị mất 16 ml máu.
Cánh tay của Perran Stott-Ross sau một ngày bị muỗi đốt. Ảnh: Perran Stott-Ross.
Wolbachia là vi khuẩn truyền nhiễm phân bố rộng rãi, giúp các nhà khoa học chiến đấu với bệnh sốt xuất huyết. Loại vi sinh vật này đóng vai trò lớn trong những nỗ lực gần đây nhằm xóa sổ bệnh sốt xuất huyết ở miền bắc Australia. Dự án bắt đầu vào năm 2011 và hướng tới biến bang Queensland thành khu vực không có ca bệnh sốt xuất huyết lần đầu tiên trong 100 năm, theo bác sĩ Richard Gair, giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Nhiệt đới ở Cairns.
Nghiên cứu về ứng dụng Wolbachia bao gồm nuôi hàng trăm nghìn con muỗi. Công việc của Stott-Ross là làm cho trứng muỗi nhiễm loại vi khuẩn vô hại với con người, sau đó nhân giống muỗi mang Wolbachia trong phòng thí nghiệm. Việc thả muỗi nuôi vào tự nhiên có thể truyền vi khuẩn cho quần thể muỗi hoang dã, ngăn bệnh sốt xuất huyết lây lan.
“Bạn cần phải nuôi hàng trăm nghìn con muỗi trong phòng thí nghiệm và sau đó đi lại xung quanh thả chúng ở khắp mọi nơi”, Stott-Ross chia sẻ. “Những con muỗi đặc biệt này thực sự không thể tự bay xa”.
Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và tiêu tốn nhiều máu, mồ hôi và nước mắt để hàng nghìn con muỗi sống sót. Stott-Ross làm việc với đàn muỗi hàng ngày, cho chúng ăn bằng cách luồn tay qua lưới chống muỗi.
An Khang
Băng trên đảo Greenland tan 500 tỷ tấn/năm
Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, các sông băng trên đảo Greenland (Bắc cực) đang tan nhanh đến mức không thể hồi phục. Theo đó lượng tuyết rơi không thể bù lại khối lượng băng đã mất ngay cả khi tình trạng nóng lên toàn cầu được ngăn chặn ngay bây giờ.
Ảnh chụp vệ tinh về tốc độ tan chảy băng ở Greenland của NASA
Trong một công trình nghiên cứu công bố mới đây, các nhà khoa học tại Đại học bang Ohio của Mỹ chỉ rõ, kết quả phân tích các dữ liệu thu thập trong 40 năm qua cho thấy trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, tổng lượng băng mất đi ở Greenland là khoảng 450 tỷ tấn/năm nhưng được lượng tuyết rơi bù lại. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, lượng băng mất đi lên tới 500 tỷ tấn/năm và không còn khả năng bù lại bằng tuyết rơi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nước biển dâng.
Kết quả một nghiên cứu trước đó của Đại học Lincoln (Anh) cho thấy lượng băng tan ở Greenland sẽ làm mực nước biển dâng thêm 10-12cm từ nay đến năm 2100. Trong khi đó, trong báo cáo công bố năm 2013, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 60cm vào cuối thế kỷ 21.
Đảo Greenland có diện tích 2 triệu km2, gấp gần 4 lần diện tích nước Pháp, với 85% bề mặt bao phủ là băng. Lớp băng ở Greenland hiện chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm 6m và đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay.
Biến châu chấu thành thức ăn gia súc Nhằm ngăn chặn nạn châu chấu tàn phá mùa màng, các nhà khoa học ở Đông Phi đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng châu chấu trong khu vực bằng cách biến chúng thành thức ăn gia súc, cũng như phát triển thuốc trừ sâu sinh học để tiêu diệt châu chấu mà không gây hại cho các loài sinh vật khác....