Nhà khoa học Australia tuyên bố biết vị trí MH370 rơi
Các nhà khoa học thuộc một trường đại học ở Australia tin họ biết địa điểm MH370 rơi trên biển và tin rằng khoang máy bay chìm nguyên khối.
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines chở 239 người mất tích khỏi radar từ ngày 8/3, sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur. Nó được cho là đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương, dù giới chức chưa thu hồi được bất cứ mảnh vỡ nào. Ảnh: Auckland Photo News
Nghiên cứu của Đại học Tây Australia xác định điểm va chạm và chuyển động của mảnh vỡ máy bay dựa trên dữ liệu về khí tượng học và dòng hải lưu cùng phân tích về những tín hiệu “ping” của công ty Inmarsat.
Giáo sư Charitha Pattiaratchi, đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết các mảnh vỡ bị dồn vào những xoáy nước và sẽ tập trung vào một khu vực. “Họ có thể tìm thấy chúng, đó có thể là những mảnh cánh”, Daily Telegraph dẫn lời ông nói.
“Những phát hiện hoàn toàn trùng khớp. Mảnh vỡ bị kẹt trong khu vực đó, cách điểm có thể rơi khoảng 400 km. Tùy vào thời tiết, chúng tôi biết mảnh vỡ sẽ đi tới đâu cho tới cuối tháng này”, vị giáo sư thuộc viện hải dương của trường đại học nói thêm.
Ông cũng cho biết việc không tìm thấy những vật thể nổi từ bên trong máy bay nghĩa là cabin có thể vẫn còn nguyên khi chìm xuống biển. Điều này sẽ làm tăng khả năng hộp đen vẫn tồn tại mà không bị phá hủy nghiêm trọng.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ rằng theo cách máy bay rơi, rất nhiều thứ sẽ không bị ảnh hưởng trong máy bay”, giáo sư Pattiaratchi cho biết. “Nếu máy bay vỡ tan, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều mảnh trôi nổi. Chúng ta có thể sẽ nhìn thấy những vật thể nhỏ hơn như áo phao, ghế ngồi, những thứ thường sẽ nổi”.
Những hình ảnh vệ tinh mới của Thái Lan cho thấy 300 vật thể trôi nổi dài từ 2-15 m, cách thành phố Perth, Australia khoảng 2.700 km ở phía nam Ấn Độ Dương, và trước đó, các vệ tinh Pháp và Trung Quốc cũng từng phát hiện nhiều mảnh vỡ.
Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm của các tàu và máy bay tại hiện trường vẫn chưa tiếp cận hoặc thu vớt được bất cứ mảnh vỡ máy bay Boeing 777 nào. Điều này khiến một số thành viên gia đình của 239 hành khách và tổ bay vẫn bám víu vào hy vọng họ còn sống.
Cuộc tìm kiếm của 11 máy bay hôm qua bị cắt ngắn do giông bão và gió mạnh, nhưng 7 con tàu vẫn tiếp tục lùng sục trong khu vực. Điều kiện thời tiết xấu có thể còn cản trở hoạt động tìm kiếm trong thời gian tới.
Theo VNE
Tìm kiếm MH370 là chiến dịch đắt nhất lịch sử hàng không
Các chuyên gia ước tính số tiền chi cho hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia vào khoảng 400 triệu USD và sẽ là chiến dịch đắt đỏ nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.
Tàu Xue Long của Trung Quốc tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370. Ảnh: Xinhua.
Zhao Chaofang, nhà hải dương học thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc, ước tính chi phí cho hoạt động tìm kiếm MH370 ít nhất cũng phải gấp 10 lần so với việc tìm kiếm chiếc Air France 447 rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009. Ông cho rằng phải tốn 200 triệu USD mỗi năm mới có thể duy trì hoạt động tìm kiếm MH370.
"Nếu hoạt động tìm kiếm hiện giờ chuyển sang dài hạn, kéo dài nhiều năm thì phải cần 200 triệu USD mới đủ duy trì nỗ lực của các bên", ông Zhao nói. Ông còn cho biết thêm rằng, giới khoa học trong nước tin Trung Quốc đã chi hàng chục triệu USD trong vòng 21 ngày tìm kiếm MH370 vừa qua.
Các báo cáo trước đó cho thấy Pháp và Brazil tiêu tốn hơn 40 triệu USD trong hai năm tìm kiếm và trục vớt hộp đen của Air France 447. Các nhà chức trách khi đó sử dụng robot dưới nước để tìm kiếm dưới đáy biển. Họ dừng lại sau khi phát hiện 50 thi thể trong tổng số 228 người trên chuyến bay.
Một nhà nghiên cứu cấp cao giấu tên tại Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc còn cho rằng chi phí sẽ "vượt qua, vượt xa" so với cuộc tìm kiếm Air France. Các chuyên gia chưa rõ quốc gia nào sẽ gánh chịu chi phí liên quan sự việc lần này.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein trước đó từng nhắc đến vấn đề chi phí và nhấn mạnh rằng Malaysia chưa thảo luận với các quốc gia khác.
"Chưa có ai, chính phủ Malaysia hay đối tác của chúng tôi, thảo luận về vấn đề tiền bạc", ông Hussein nói. "Tất cả đều cố gắng tìm chiếc máy bay mất tích. Ý nghĩ về chi phí còn chưa xuất hiện trong tâm trí chúng tôi".
Phi công thuộc Không lực Hoàng gia Australia tìm kiếm MH370 ở khu vực nam Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters.
Malaysia cho biết hiện có 27 quốc gia đã huy động các nguồn lực, đóng góp vào quá trình tìm kiếm MH370. Trong số này có 10 tàu Trung Quốc, 5 tàu Australia, 6 tàu Malaysia và một tàu Anh. Mỗi tàu tiêu tốn ít nhất 160 USD tiền nhiên liệu trong mỗi giờ.
Ngoài ra, chi phí cho việc sử dụng vệ tinh cũng sẽ tăng theo nếu hoạt động tìm kiếm kéo dài. Theo Zhao, Trung Quốc hiện đã sử dụng hơn 20 vệ tinh để tìm kiếm dấu hiệu của MH370. Mỗi vệ tinh tiêu tốn hơn 60 triệu USD nhưng chỉ có tuổi thọ 4 năm. Ước tính chỉ riêng sử dụng vệ tinh, Trung Quốc đã tốn khoảng 160 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghị định thư quốc tế nào quy định hoặc phân chia chi phí cho quá trình điều tra và tìm kiếm.
Oi Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore và là cựu thư ký của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đưa ra một giả thiết rằng quốc gia dẫn đầu hoạt động điều tra nên gánh chịu chi phí. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các quốc gia tham gia cũng thường hỗ trợ một phần để bày tỏ thiện chí.
Quá trình tìm kiếm dấu vết MH370 đang được coi là dài nhất trong lịch sử hàng không dân dụng hiện đại. Kỷ lục trước đó là 10 ngày, trong cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 737-400 thuộc hãng hàng không PT Adam Skyconnection Airlines của Indonesia. Phi cơ này biến mất vào ngày 1/1/2007 ở khu vực ngoài khơi quần đảo Sulawesi, Indonesia. Trong vụ tai nạn của Air France, các nhà chức trách phát hiện các dấu hiệu liên quan đến chiếc phi cơ trong vòng một tuần kể từ khi nó rơi xuống biển.
Theo VNE
Máy bay tìm MH370 thấy các vật thể nhiều màu trôi nổi 5 trong số 10 phi cơ đang săn lùng chiếc máy bay Boeing vừa phát hiện những vật thể có màu sắc khác nhau, tại khu vực tìm kiếm mới ở Ấn Độ Dương. 5 trong số 10 phi cơ tìm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines phát hiện những vật thể nhiều màu, cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) hôm...