Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng được cải tạo
Nhà chức trách địa phương đang phá dỡ một phần nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, để cải tạo nơi này thành điểm dừng chân ngắm cảnh.
Chiều 18/7, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nói việc phá dỡ, cải tạo nhà hàng Panorama bắt đầu từ ngày 7/7 và chưa kết thúc.
“Chúng tôi sẽ cải tạo công trình theo kiến trúc truyền thống của người H’Mông, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường và chỉ là điểm dừng chân, ngắm cảnh cho du khách, không kinh doanh dịch vụ lưu trú”, ông Quý nói.
Nhà chức trách không phá dỡ toàn bộ công trình mà chỉ sẽ dỡ bỏ một phần các mái nhô ra phía sông Nho Quế của nhà hàng Panorama, các góc che khuất tầm nhìn của người đi đường. Chính quyền địa phương cũng thống nhất không bồi thường thiệt hại cho bà Vũ Thị Ánh là chủ đầu tư, quản lý công trình.
Ông Quý cho biết, phương án trên đã được Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), Uỷ ban UNESCO Việt Nam, Hội kiến trúc sư và các chuyên gia thống nhất.
Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng trước khi được cải tạo, cuối năm 2019. Ảnh: Giang Huy
“Dự kiến trong quý 3/2020, việc cải tạo nhà hàng Panorama sẽ hoàn thành. Sau khi cải tạo, công trình sẽ trở thành điểm nhấn trên đèo Mã Pì Lèng”, ông Quý kỳ vọng và cho biết, bà Vũ Thị Ánh vẫn là chủ đầu tư, quản lý công trình này.
Hồi giữa tháng 3/2020, tỉnh Hà Giang đã hội thảo với các chuyên gia kiến trúc, di sản và thống nhất chủ trương cải tạo nhà hàng Panorama thành điểm dừng chân, ngắm cảnh cho du khách, thay vì phá dỡ toàn bộ.
Trước đó, ngày 10/3, bà Vũ Thị Ngọc Ánh, gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách.
Video đang HOT
Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.
Tòa nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe… ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.
Công trường cải tạo đường băng sân bay Nội Bài
Đơn vị thi công đang xây mới đường lăn S7B để có thể sửa chữa đường băng 1B từ cuối tháng 7.
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài bao gồm cải tạo, nâng cấp cả hai đường băng 11L/29R (1A, nằm phía ngoài) và đường băng 11R/29L (1B, nằm gần sân đỗ) và xây mới 3 đường lăn thoát nhanh, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước.
Do vừa khai thác vừa thi công nên dự án phải chia thành nhiều giai đoạn. Từ 1/7 đến 26/7, sân bay đóng đường băng 1A và đường lăn S7, toàn bộ máy bay hoạt động trên đường băng 1B. Thời gian này, đơn vị thi công xây dựng mới đường lăn S7B cạnh đường lăn S7. Từ 26/7, đường băng 1A được mở và đóng đường băng 1B để sửa chữa đến cuối năm.
Sau khi đường băng 1B hoàn thành sửa chữa vào cuối năm nay, đơn vị thi công tiếp tục sửa chữa đường băng 1A đến cuối 2021.
Trên đường băng 1A đang phải đóng, đơn vị khai thác bay đã đặt chữ X trên đường có phản quang và đèn hiệu để phi công có thể nhận biết từ cách xa 3 dặm bay. Đây là quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO).
Theo thiết kế, đường lăn S7B rộng 23 m, nhà thầu đang thi công cấp phối đá dăm, sau đó làm lớp bê tông xi măng, rồi 2 lớp bê tông nhựa dày 14 cm.
Với đường băng 1B, đơn vị thi công sẽ cào bóc lớp bê tông cũ và tăng cường bằng một lớp bê tông xi măng cốt thép dày tối thiểu 38 cm trên lớp mặt đường hiện hữu.
Tại công trường đường lăn S7B ngày 13/7, các công nhân thuộc nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không chia 3 ca làm việc, duy trì khoảng 30 công nhân mỗi ca làm liên tục cùng nhiều máy móc thiết bị.
Đơn vị thi công đang lắp đặt thiết bị điện như cáp điện quang, dây điện.
Ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ hiện trường thuộc Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), cho biết Ban quản lý dự án đã bố trí người phối hợp tư vấn giám sát 24/24h. Mỗi ngày, các đơn vị cùng họp một lần để đánh giá tiến độ. Hiện dự án đảm bảo theo kế hoạch.
Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời trên công trường khu bay lên 50-60 độ C song các công nhân vẫn duy trì làm việc cả ngày.
Công nhân thi công hệ thống cống ngầm. Ông Đinh Hoàng Lâm, Giám đốc Khai thác khu bay (Sân bay Nội Bài) cho biết, các đơn vị thi công và phía sân bay đang phối hợp tốt để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay và tiến độ thi công của dự án.
Bên cạnh công trường, các máy bay vẫn cất hạ cánh liên tục. Việc thi công sửa chữa khiến tần suất máy bay khai thác tại Nội Bài giảm từ 32 xuống còn 27 chuyến mỗi giờ. Tất cả máy bay cất và hạ cánh trên một đường băng thay vì trên hai đường băng như trước.
Tại một vài thời điểm, có 5-6 máy bay ùn ứ trên đường lăn để chờ cất cánh tại đường băng 1B.
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư là 2.030 tỷ đồng, được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu trong 6 tháng để khai thác đường băng 1B vào dịp Tết Nguyên đán 2021; sau đó sẽ tiếp tục triển khai để hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
Thời gian qua, đường băng 1B đã bị hư hỏng nặng sau 16 năm khai thác. Đường 1A có chất lượng tốt hơn do được nâng cấp cách đây 6 năm. Năm nay, cả hai đường băng đều được sửa chữa, nâng cấp tổng thể.
Bé 11 tuổi đi lao động chui và bài học từ chính người thân Nghe em trai 'dụ', đi làm may ở Sài Gòn, lương 5 triệu đồng/tháng, bà Tống đã ký vào giấy thỏa thuận để con trai 11 tuổi đi làm. Giấy thỏa thuận đưa trẻ đi thành phố làm việc Thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk là nơi ở của cộng đồng người H'Mông. Đường đi vào quanh co,...