Nhà hàng, khách sạn ở Trung Quốc đón Tết trong không khí ảm đạm
Dịch COVID-19 tác động mạnh tới ngành du lịch, khiến các khách sạn và nhà hàng tại Trung Quốc đang phải đối mặt với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán ảm đạm, do chính phủ ban hành các quy định hạn chế đi lại và khuyến cáo người dân ở nhà, cũng như tránh tụ tập đông người.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ ngày 12/2 tới, vốn khởi động cho một trong những mùa mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong năm 2019, người dân nước này đã chi tới hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (155 tỷ USD) cho việc mua sắm Tết. Tuy nhiên, Công ty môi giới CITIC Securities cho biết dịch COVID-19 có thể khiến các hộ gia đình giảm tới 23 tỷ USD cho việc mua sắm.
Số ca nhiễm tại Trung Quốc đã giảm kể từ giữa tháng 1 vừa qua, khi số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong cộng đồng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 tháng. Người dân đã phải hủy các chuyến bay hoặc kế hoạch trở về quê ăn Tết, sau khi giới chức địa phương siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có yêu cầu xét nghiệm COVID-19.
Tình trạng hủy chuyến khiến nguồn thu từ các chuyến bay đến bãi biển du lịch Sanya tại đảo Hải Nam – vốn là địa điểm mua sắm các mặt hàng xa xỉ thu hút rất đông khách du lịch, kể từ khi đại dịch khiến người dân Trung Quốc hạn chế ra nước ngoài, giảm hơn 50%. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính số lượng chuyến đi trong 40 ngày của mùa du lịch Xuân 2021 sẽ giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm hàng triệu người lao động nhập cư thường di chuyển từ các thành phố về quê tại vùng nông thôn.
Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2,3% trong năm 2020. Đây cũng là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy giảm kinh tế trong năm qua, trong bối cảnh nhiều nước phải tăng cường kiểm soát đi lại, vốn cũng tác động không nhỏ tới các lễ hội mừng Tết âm lịch tại Trung Quốc.
Các cảnh báo của Chính phủ Trung Quốc đối với việc tụ tập đông người, chẳng hạn như các lễ cưới hoặc bữa tiệc thường niên tại công ty, cũng khiến các chuyến đi bị hủy nhiều hơn. Do nhiều người lựa chọn ở lại thành phố nơi mình làm việc, một số doanh nghiệp đang đầu tư cho các hoạt động chi tiêu trong nội thành nhằm kiếm thêm lợi nhuận, song vẫn đứng trước áp lực giới hạn số lượng khách hàng.
Đức cảnh báo chưa thể sớm kiểm soát đại dịch
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5/2 cảnh báo nước này vẫn chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 do sự nguy hiểm từ những biến thể mới. Trong khi đó, số ca tử vong từ đầu dịch đến nay đã vượt quá 60.000 người.
Một điểm điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đang có những tranh luận về khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế từ giữa tháng này khi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm dần.
Chủ tịch RKI Lothar Wieler nhấn mạnh sự xuất hiện của các biến thể mới có tốc độ lây nhiễm cao đang là mối nguy thực sự cho công tác khống chế đại dịch của Đức và nước này chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch do chưa khống chế được virus, nhất là trong bối cảnh xuất hiện thêm các biến thể khác từ Anh và Nam Phi.
Mặc dù hiện tại các biến thể này chưa bùng phát mạnh ở Đức, chỉ chiếm chưa đầy 6% số ca nhiễm, nhưng biến thể Anh đã xuất hiện tại 13/16 bang của nước này. Ông Wieler cảnh báo khả năng số ca nhiễm mới sẽ tăng lên khi các biến thể mới được phát hiện ngày càng nhiều hơn.
Đức đã phải thực hiện phong tỏa từng phần từ tháng 11/2020 với việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar, các cơ sở thể thao và văn hóa. Sau đó một tháng, quy định này được áp dụng thêm với các trường học và các cửa hàng bán đồ không thiết yếu. Ngoài ra, Đức cũng thắt chặt quy định đeo khẩu trang và tăng cường làm việc tại nhà do lo ngại về các biến thể mới. Sau một thời gian áp dụng, các biện pháp này đã dần phát huy hiệu quả khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm trong 3 tuần trở lại đây. Tuy nhiên số ca tử vong thì vẫn ở mức cao với trung bình 800-900 ca/ngày.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 10/2 tới để thảo luận về các hạn chế chống dịch do có nhiều ý kiến lo ngại nới lỏng quá sớm các biện pháp phong tỏa sẽ gây ra mối nguy thực sự. Một số nguồn tin chưa chắc chắn cho biết có khả năng Đức sẽ tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần, bắt đầu từ giữa tháng này.
Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, kể từ ngày 27/12 đến nay Đức đã tiêm được 2,98 triệu liều, trong đó 2,1 triệu người được tiêm mũi thứ nhất (chiếm 2,6% dân số) và hơn 800.000 người được tiêm đủ 2 mũi (chiếm 1% dân số).
Trong 24 giờ tính đến tối 5/2, nước Đức ghi nhận thêm gần 11.600 ca nhiễm mới và gần 780 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ đầu dịch đến nay lên 60.888 người. Số ca mắc vẫn đang phải điều trị là trên 192.500 người.
Giá bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 dành cho nước nghèo có thể giảm một nửa Các nước có thu nhập trung bình và thấp sẽ có thể tiếp cận hàng trăm triệu bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh hơn sau khi Tổ chức Sức khỏe toàn cầu (Unitaid) và Quỹ Chẩn đoán sáng tạo mới (FIND) cùng một hãng dược phẩm Ấn Độ đạt thỏa thuận đẩy nhanh tốc độ sản xuất cũng như giảm tới 50% giá thành...