Nhà hàng được boa 1.000 USD
Nhân viên tại một nhà hàng ở New Jersey đang gặp khó khăn vì Covid-19 vô cùng xúc động khi được một khách quen boa 1.000 USD.
Arnold Teixeira, chủ sở hữu của một nhà hàng ở Ocean Grove, bang New Jersey, hôm 11/7 cho biết một khách hàng quen của quán từ năm 2001 đã boa các nhân viên 1.000 USD khi đến dùng bữa tuần trước.
“Vị khách và gia đình anh ấy tới dùng bữa và rời đi không nói lời nào”, Teixeira kể lại. “Khi nhân viên phục vụ bàn nhìn thấy tiền boa, cô ấy đã bật khóc. Một nhân viên khác nhìn thấy tiền boa cũng bật khóc theo. Và tới lượt tôi cũng không thể kìm được nước mắt. Điều đó quá đỗi cảm động vì đây là khoảng thời gian khó khăn với chúng tôi”.
“Cảm ơn các bạn rất nhiều vì vẫn vận hành trong khoảng thời gian khó khăn này. Chúng tôi rất biết ơn vì những món ăn ngon, nụ cười ấm áp và không khí tuyệt vời. Hãy biết rằng chúng tôi trân trọng tất cả các bạn”, người khách để lại mẩu giấy nhắn cho nhà hàng.
Khách hàng để lại tiền boa 1.000 USD cho nhân viên nhà hàng ở Ocean Grove, New Jersey, Mỹ. Ảnh: CNN.
Teixeira đã chia đều số tiền trên cho 7 nhân viên trong nhà hàng như lời đề nghị của người khách trên, không bao gồm anh. Teixeira cho biết trước đó anh thậm chí không chắc mình có thể mở cửa trở lại sau khi buộc phải đóng cửa nhà hàng từ tháng 3 do đại dịch hay không.
Tuy nhiên, anh cho biết số tiền boa trên đã khiến anh lấy lại hy vọng và cảm thấy tự tin hơn về những gì mình đang làm. “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều bước để bảo vệ khách của mình và có lúc gần như cạn kiệt, song giờ đây chúng tôi biết nỗ lực của mình đã được ghi nhận”, Teixeira chia sẻ.
Là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 3,3 triệu ca nhiễm và hơn 137.000 ca tử vong do nCoV, Mỹ đã áp nhiều biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa nhà hàng, quán rượu và bar để ngăn Covid-19.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 12,8 triệu người nhiễm, hơn 567.000 người chết và hơn 7,4 triệu người hồi phục.
Ẩu đả vì khẩu trang
Nhiều nhân viên siêu thị, nhà hàng tại những bang như California, Texas và Florida giờ đây thêm nhiệm vụ mới: giải quyết xung đột vì khẩu trang.
Video đang HOT
Tại bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ hiện nay cũng sẽ có người tỉnh dậy, rời khỏi nhà và tranh cãi với người lạ về việc đeo khẩu trang. Quản lý các cửa hàng, siêu thị đang huấn luyện nhân viên cách xử lý những khách hàng này.
Nhiều vụ ẩu đả do cãi nhau vì khẩu trang đã xảy ra tại các cửa hàng tiện lợi. Vài nhà hàng cho biết họ thà đóng cửa còn hơn phải đối mặt với cơn thịnh nộ của khách hàng, những người tin rằng khẩu trang, thứ giúp ngăn ngừa Covid-19 lây lan, đang ảnh hưởng tới tự do của họ.
Joe Rogers, 47 tuổi, một người dân ở Dallas, cho biết tuần trước anh vừa đánh nhau vì khẩu trang. Khi xếp hàng tại Mini-Mart, Rogers phát hiện khách hàng đằng sau không đeo khẩu trang và lắc đầu. Người này hỏi Rogers tại sao lại nhìn anh ta và Rogers một lần nữa lại lắc đầu.
"Khi đó tôi đeo mặt nạ phòng độc, thứ mặt nạ trùm kín cả mặt mà người ta thường đeo khi phun thuốc trừ sâu", Rogers kể. "Anh ta với tay lên mặt tôi, cố lột nó ra". Theo bản năng, Rogers giơ tay lên đấm ngã người kia xuống sàn.
Ở Dallas, bắt đầu từ 19/6, các cơ sở kinh doanh được lệnh phải đảm bảo khách hàng và nhân viên đều đeo khẩu trang. Rogers cho biết đã không đánh người suốt 10 năm nay, nhưng đây không phải lần đầu anh cãi nhau vì khẩu trang.
"Tôi từng tranh cãi ở vài nơi khác", Rogers nói. "Tôi từng hét lên với nhiều người ở tiệm thuốc. Người ta không hiểu tầm quan trọng của khẩu trang. Nếu ai cũng đeo khẩu trang, đại dịch sẽ chóng qua".
Jason Rogers, anh trai của Rogers, ứng viên đảng Dân chủ đang tranh cử vào hạ viện Texas, cho hay ông hiểu và ủng hộ em trai. "Đây là Texas", ông nói. "Hãy trụ vững".
Khẩu trang đã trở thành một vấn đề chính trị, và những phát ngôn trái chiều về tính hữu dụng của nó suốt nhiều tháng qua tại Mỹ đã góp phần tạo ra tình trạng hỗn loạn này. Bây giờ, khẩu trang còn là chủ đề gây sốt trên mạng xã hội.
Số ca nhiễm nCoV tăng vọt ở các bang như California, Texas và Florida khiến chính quyền ban hành hướng dẫn mới về khẩu trang. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa virus lây nhiễm ở những người thoạt nhìn sức khỏe bình thường.
Hồi dịch mới bùng phát, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhiều lần tuyên bố những người không có triệu chứng không cần đeo khẩu trang. Hôm 3/4, cơ quan này thay đổi quan điểm, cho hay nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi công bố hướng dẫn mới, lại nói: "Có đôi khi tôi không đeo" và tiếp tục xuất hiện nơi công cộng mà không đeo khẩu trang. Hôm 28/6, sau nhiều tháng quyết không đeo khẩu trang, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence lại kêu gọi người Mỹ nên đeo.
Thống đốc California Gavin Newsom đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng từ 18/6. Hơn một tuần sau, Hugo's Tacos, nhà hàng bán món bánh kẹp Mexico có hai chi nhánh ở Los Angeles, tuyên bố ngừng kinh doanh vì nhân viên "quá mệt mỏi khi phải giải quyết xung đột với những khách hàng từ chối đeo khẩu trang".
Bill Kohne, giám đốc điều hành của Hugo's, cho biết vài tuần qua, khách hàng trở nên vô cùng khó tính. Nhân viên của anh phải đối mặt với những lời lẽ phân biệt chủng tộc và Kohne lo ngại họ sẽ gặp nguy hiểm. Gần đây, một trong số các quản lý của Kohne, người chịu trách nhiệm giám sát một cửa hàng, đã chứng kiến 5 cuộc cãi vã về khẩu trang chỉ trong một giờ.
"Vụ khiến chúng tôi sốc nhất là khách hàng, người mua đồ uống qua cửa sổ và được yêu cầu đeo khẩu trang, đã ném thẳng cốc nước vào nhân viên", Kohne nói.
Khách hàng thậm chí còn gửi email phàn nàn về việc phải đeo khẩu trang. "Tại sao một quầy hàng bánh kẹo lại có trách nhiệm ra lệnh cho khách hàng, người có quyền tự do lựa chọn đeo hay không đeo khẩu trang?", email viết. "Đi mà đóng cửa đi, vĩnh viễn ấy, làm ơn".
Đối đầu thậm chí diễn ra ở những bang có thái độ kiên quyết hơn với khẩu trang. Massachusetts yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi mua sắm bắt đầu từ đầu tháng 5. Vậy mà đến giờ, Alli Milliken, 20 tuổi, vừa mới quay lại làm việc trong siêu thị vài tuần trước, đã chứng kiến một cuộc cãi vã.
"Người không đeo khẩu trang nhún vai kiểu khinh thường, tỏ thái độ 'Đây là một đất nước tự do. Virus không có thật. Tôi có thể làm những gì mình muốn'", Milliken nói. "Người đeo khẩu trang nói 'Tôi làm trong bệnh viện. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau thôi, anh bạn'".
Milliken cho hay không được đào tạo hay hướng dẫn cách giải quyết xung đột giữa khách hàng. "Tôi không biết nên tiến lên yêu cầu 'Anh chị nên đeo khẩu trang' thế nào", cô nói. "Tôi cũng không biết mình ở vị trí nào".
Xung đột vì khẩu trang càng khó giải quyết hơn với những người làm việc trong các ngành nghề thiết yếu. Họ phải làm việc theo ca dài, đối phó với những khách hàng đã mệt mỏi và quẫn trí suốt đại dịch.
Londyn Robinson, 26 tuổi, sinh viên trường y ở Minnesota, cho biết mẹ cô, quản lý một đại siêu thị ở Nam Florida, đang phải hướng dẫn nhân viên cách xử lý những tình huống căng thẳng, cũng như giữ sức khỏe suốt ca làm việc kéo dài nhiều tiếng và vệ sinh cửa hàng.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng làm việc trong một siêu thị lại được coi là nghề có nguy cơ cao", cô nói. "Mỗi lần nghĩ đến mẹ, tôi lại vô cùng đau lòng".
Mẹ của Robinson cho hay 2-3 tuần qua, siêu thị liên tục xảy ra các vụ tranh cãi vì khẩu trang. Chẳng ai thấy lạ khi cảnh sát được gọi tới giải quyết 3-4 vụ một ngày nữa. "Hết khách này đến khách khác. Họ chen lấn, đẩy xe vào người nhau, giẫm lên chân, lên mắt cá nhau", bà nói.
Nhiều nhân viên trong siêu thị làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày và liên tục như thế từ tháng 3. Bản thân bà từng bị khách hàng đánh vào gáy vì siêu thị hết giấy vệ sinh. Ngay cả việc cung cấp khẩu trang cho khách hàng cũng không có tác dụng. Họ sẽ từ chối hoặc nói siêu thị không có quyền bắt họ làm thế.
Cuộc chiến giữa các khách hàng còn tạo ra căng thẳng kéo dài dù tranh cãi đã qua. Bà không còn thoải mái mỗi khi đi bộ một mình tới chỗ lấy xe sau giờ làm, luôn lo lắng có thể một khách hàng quá khích nào đó đang đợi mình.
"Bây giờ chúng tôi luôn đi từng tốp 2-3 người với nhau", bà nói.
Tại Florida, nơi số ca nhiễm mới tăng chóng mặt, chính quyền không công bố bất kỳ hướng dẫn nào về khẩu trang mà để các quận, địa phương và doanh nghiệp nhỏ tự quyết định. Sở y tế bang chỉ khuyến cáo đeo khẩu trang hôm 20/6.
Chris McArthur điều hành quán cà phê Black and Brew tại Lakeland, Florida. Hôm đầu tuần, anh quyết định bắt buộc khách hàng đeo khẩu trang tại hai cơ sở kinh doanh của mình.
"Chúng tôi ra quyết định sau vài tuần suy nghĩ", McArthur nói. "Chúng tôi hy vọng ủy ban thành phố sẽ thông qua quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Chúng tôi từng lo ngại sẽ bị khách hàng tẩy chay nếu đưa ra quy định này".
Nhưng cuối cùng, McArthur vẫn đưa ra quyết định. "Chúng tôi cảm thấy nếu mình làm trước, những cơ sở kinh doanh khác sẽ đi theo, khách hàng có thể đánh giá cao những biện pháp phòng ngừa mà chúng tôi đang thực hiện", anh nói.
McArthur từng hy vọng không phát sinh xung đột với khách hàng, nhưng nay lại trông đợi nó, vì đã huấn luyện nhân viên cách phản ứng.
"Nếu khách hàng trở nên hung hăng, chúng tôi sẽ phải gọi cảnh sát và hy vọng họ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi", anh nói.
Cuộc sống ở Ai Cập dần trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19 Các nhà hàng, quán ca phê được mở cửa trở lại với công suất không quá 25% nhưng phải đảm bảo giãn cách xã hội và khử trùng. Ngày 27/6, nhiều hoạt động của người dân Ai Cập bắt đầu trở lại bình thường khi chính phủ nước này quyết định nới lỏng giãn cách xã hội do khủng hoảng Covid-19. Các khửa...