Nhà hàng bán thịt động vật ở chùa Hương bị rút giấy phép
UBND TP Hà Nội yêu cầu, nhà hàng nào còn treo móc động vật, quảng cáo bán thịt thú rừng ở khu vực chùa Hương thì thu hồi ngay giấy phép kinh doanh.
Trước tình trạng các nhà hàng tại khu vực chùa Hương bày bán, treo móc động vật, quảng cáo bán thịt động vật hoang dã…, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Chủ tịch huyện Mỹ Đức tăng cường lực lượng kiểm tra, không để tình trạng này tiếp diễn. Ông Sửu yêu cầu UBND huyện có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân vi phạm.
Cảnh động vật bị xẻ thịt, treo móc dọc lối tham quan của du khách tại khu vực chùa Hương. Ảnh chụp vào ngày khai hội mùng 6 tháng giêng năm nay: Hoàng Hà.
Nếu cửa hàng, hộ kinh doanh nào còn treo móc động vật thì thu hồi ngay giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh và không cho phép bán hàng tại khu vực chùa Hương. Để phối hợp với địa phương, UBND thành phố cũng giao Công an thành phố và các sở ngành chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý.
Theo ghi nhận, từ nhiều năm qua, cứ đến mùa lễ hội, nhiều cửa hàng ăn uống lại xẻ thịt, treo móc động vật, quảng cáo động vật hoang dã dọc từ bến đò lên lối chùa Thiên Trù, gây phản cảm đối với du khách tới thăm chùa Hương. UBND Hà Nội và trước đó là UBND tỉnh Hà Tây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nhiều lần chỉ đạo xử lý, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Theo vietbao
Chướng tai, gai mắt nơi cửa Phật
Đầu mùa lễ hội nên lượng du khách trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khá đông. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc lập lại an ninh trật tự tại khu vực này song "những điều trông thấy" ở lễ hội khiến không ít người kém vui.
Không hiếm đò chở khách quá tải
Rải tiền vô tội vạ
Mặc dù năm nay, Ban quản lý di tích đưa ra giải pháp là dùng tráp hay mâm to để du khách đặt tiền vào đó song vẫn có người cố đút tiền vào tay tượng, dưới chân bệ tượng, ném tiền ngay trước lư hương, thậm chí nhét tiền vào mồm hai con sư tử tại khu vực đền Trình, chùa Thiên Trù bất chấp lời nhắc nhở của nhân viên ban tổ chức lễ hội.
Mặc dù nhiều năm nay, các nhà quản lý văn hóa đã lên tiếng nhiều về việc người dân rải tiền thiếu ý thức, gây phản cảm tại trạm cáp treo Giải Oan, suối Yến, nhưng khi chúng tôi tới ga Giải Oan, tiền lẻ vẫn được rải đầy trên mặt sàn, trên tán lá cây, lẫn trong đất và rác thải, dù ban tổ chức đã treo biển thông báo rất lớn với nội dung: "Đây là ga kỹ thuật, yêu cầu quý khách không được ném tiền xuống ga". Anh Amstrong Stewart, một du khách người Anh không khỏi sửng sốt và tò mò khi nhìn thấy hình ảnh này. Anh cho hay, dù đã từng đặt chân đến nhiều nước châu Á có cùng tín ngưỡng theo đạo Phật giống Việt Nam nhưng chưa bao giờ anh nhìn thấy người dân "vứt" tiền một cách lãng phí và vô văn hoá như ở chùa Hương. Theo anh Amstrong, việc vứt tiền một cách bừa bãi như một cách để người dân bày tỏ sự tôn kính của mình đối với đức Phật và hy vọng việc làm này sẽ đem lại cho họ sự may mắn thì đó chỉ là tưởng tượng mà thôi. Bởi hành động này không chỉ thể hiện thiếu tôn trọng bản thân mà còn hạ thấp giá trị đồng tiền của nhà nước mình.
Bên cạnh việc vứt tiền vung vãi nhiều nơi thì tình trạng một số chủ đò chở quá tải, tranh thủ nhồi nhét khách, gây mất an toàn giao thông đường thủy cũng diễn ra. Ông N.V.T - một chủ đò cho hay, vào mùa lễ hội, du khách đến tham quan, thưởng ngoạn tăng đột biến nên việc các chủ đò chở quá tải là chuyện bình thường.
Tiền lẻ rải ở ga Giải Oan dù đã có thông báo cấm
Cáp treo quá tải
Mặc dù hệ thống cáp treo nối từ sau chùa Thiên Trù lên động Hương Tích có trên 30 cabin với công suất chuyên chở 1.500 hành khách/giờ song vào thời điểm này luôn ở trong tình trạng quá tải. Có mặt tại đây trưa
2-3 chúng tôi thấy, dù đã có không ít người bỏ 120.000 đồng mua vé khứ hồi song khi nhìn thấy dòng người xếp hàng dài dằng dặc đã quyết định... đi bộ cho nhanh. Lấy tay lau mồ hôi, bà Nguyễn Thị Trúc, ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm nói giọng ngắt quãng: "Tôi đi chùa Hương cách đây 7 năm. Trước đây tôi toàn leo bộ lên động Hương Tích nhưng giờ tuổi cao, sức yếu nên các con tôi đã mua vé đi cáp treo. Sau hơn 1 tiếng chờ đợi, cáp treo đâu chẳng thấy, tôi chỉ thấy hoa mắt chóng mặt, chân đau ê ẩm. Chắc tôi phải bỏ cuộc thôi...".
Trên suốt đoạn đường rẽ vào khu bán vé cáp treo đến sân chờ, hành khách chen nhau đứng chật cứng. Do thời gian chờ đợi quá lâu nên nhiều người đã trèo hẳn lên trên hàng rào để ngồi, số khác thì ngồi thụp xuống sàn nhà ngập ngụa rác. Anh Lê Đình Hậu, ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên tâm sự, do cậu con trai của anh là "con cầu tự" nên hàng năm anh phải đưa con lên chùa lễ tạ. Thời gian chờ đợi quá lâu cộng với không khí ngột ngạt ở nơi xếp hàng đã khiến cậu con trai của anh khá mệt mỏi và lên cơn sốt. "Thay vì ngừng bán vé để giải quyết hết lượng khách tồn đọng thì nhà ga lại liên tục dồn khách vào xếp hàng chờ mua vé" - anh Hậu phàn nàn.
Thuốc bán rong, chớ dại...
Trên đoạn đường từ bến thuyền lên động Thiên Trù tới ga cáp treo, hàng trăm loại thuốc nam không rõ nguồn gốc được quảng cáo chữa bách bệnh, từ trĩ, đái dầm, hôi nách đến... yếu sinh lý được bày bán tràn lan. Hầu hết các loại thuốc này đều được tán thành bột nhỏ, đựng trong túi nilon hoặc chai, hộp nhựa với vài dòng chữ ghi tên thuốc, triệu chứng, có ghi cách dùng nhưng không hạn sử dụng, không có dấu của cơ quan kiểm định chất lượng. Tại một quầy hàng bán thuốc, khi chúng tôi hỏi mua thuốc chữa "yếu sinh lý", chủ quầy hàng lập tức đưa ra 3 loại thuốc rồi thao thao bất tuyệt: "Công hiệu tức thì, an toàn tuyệt đối, hiệu quả dài lâu. Đây không phải là thuốc thường mà là thuốc tiên, thuốc của Phật, có bảo hành đàng hoàng" ?!
Lợi dụng tâm lý cả tin, ham rẻ của khách, một số "thầy lang rởm" đã bày bán nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc với lời quảng cáo "trên trời". Để danh thắng chùa Hương luôn đẹp và linh thiêng, bên cạnh nỗ lực của Ban tổ chức, mỗi du khách cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài sản và cảnh quan chung, cảnh giác trước những lời mời gọi thiếu căn cứ, kẻo vừa mất tiền, vừa chuốc bực vào người.
Xử lý 20 chủ đò chở quá tải
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ khi khai hội chùa Hương đến nay, thanh tra Sở đã lập biên bản xử lý hơn 20 trường hợp chủ đò chở quá tải. Cụ thể, đối với đò loại 6 chỗ nhưng chủ đò chở tới 12 người, đò 12 chỗ chủ đò chở 20 người. Đa phần trường hợp bị xử phạt đều tái phạm nhiều lần. Các chủ đò vi phạm đều bị xử phạt hành chính. Riêng các tuyến đò mẫu được đưa vào sử dụng trong mùa lễ hội năm nay phục vụ khá tốt, không có tình trạng chở quá người quy định. Từ nay đến khi kết thúc lễ hội, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo mùa lễ hội an toàn.
Theo ANTD
Chùa Hương Những hình ảnh phản cảm Mặc dù nhiều năm nay, các nhà quản lý văn hóa đã lên tiếng nhiều về văn hoá đi lễ hội của du khách đến trẩy hội tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức), song những hình ảnh phản cảm vẫn diễn ra... Năm nay, Ban quản lý di tích đưa ra giải pháp là dùng tráp hay mâm to để du khách đặt...