Nhà đông người
Các cụ nhà ta quan niệm gia đình nào có nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cháu chung sống quây quần trong một nhà thì được coi là nhà có phúc. Gia đình càng đông, phúc càng lớn. Nhưng ở thời hiện đại, nhà càng đông thì càng dễ sinh chuyện.
Hai ông bà sống chung với vợ chồng cậu con trai và hai đứa cháu nội, thêm hai cô con gái kế và út. Cả thảy 8 người sống chung trong một ngôi nhà ngăn nhỏ ra 3 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh, kể ra cũng chưa phải là quá bức bối, bí bách đến nỗi nghẹt thở không chịu đựng nổi! Ấy thế mà vẫn có chuyện.
Chào buổi sáng
Bắt đầu một ngày mới đã xảy ra chuyện. Vì 8 người chung 1 cái nhà vệ sinh nên phải phân bổ “thời gian biểu”: Hai ông bà tuổi cao, khó ngủ, quen dậy sớm, vào năm rưỡi sáng. Nhà vệ sinh “vận hành” từ lúc đó cho đến sáu giờ. Giờ đó cô con gái út phải dậy để chuẩn bị đến giảng đường. Thế là toilet lại “có chủ” cho đến sáu giờ hai mươi. Bấy giờ mới đến lượt vợ chồng con cái nhà cậu cả “tiếp quản”, lục đục người lớn, trẻ con một hồi trong đó đến bảy giờ mười. Lúc đó mới đến lượt cô hai sử dụng để kịp đến công sở. Ngót hai tiếng đồng hồ nhà vệ sinh lúc nào cũng bận rộn, người ra người vào nhịp nhàng như được “lập trình” sẵn.
Bởi được “cài đặt” chính xác như máy tính nên chỉ cần hôm nào trục trặc ở một khâu nào đó là “chương trình” đảo lộn nháo nhào lên. Cô con dâu phải đi công tác sớm chẳng hạn, liền chen ngang vào toilet trong “khung giờ” của cô em út. Thế là cô út sợ muộn giờ học, làu nhà làu nhàu, cô chị dâu cũng nén bực trong bụng. Nào đã hết, cô út lại chiếm chỗ của ông anh trai, ông anh cũng sợ muộn giờ làm, lại phải loay hoay với hai đứa con cho kịp giờ đến lớp mẫu giáo. Thế là trong mấy mét vuông ở góc nhà cứ lanh tanh bành cả lên, tiếng nước chảy, tiếng quát, tiếng trẻ con ỉ eo… làm cho không gian nhà đã chật chội, không khí càng thêm ngột ngạt.
Video đang HOT
Đến buổi tối
Đến tối cả nhà quần tụ, rồi cơm nước, rồi tắm rửa, rồi giặt giũ… mới sinh ra lắm chuyện. Người đi ra, người đi vào va đập nhau, người này gọi, người kia nói, trẻ con chạy chỗ nọ, nghịch chỗ kia, tiếng nồi niêu, xoong chảo, bát đũa va chạm lanh canh, xủng xoẻng… loạn cào cào châu chấu.
Tám người nếu ăn chung một mâm cùng một giờ còn có lúc eo sèo: Chị nấu canh mặn quá! Con không chấm nước mắm có ớt! Hôm nay lại thịt luộc, cả tuần nay không được ăn trứng! Con khua khoắng vừa thôi, cơm vãi đầy nhà rồi! Anh gắp gì mà rau lòng thòng ra cả bát cà muối thế!…
Hôm nào không đầy đủ cả nhà ăn cùng bữa cơm thì một mâm cơm có khi dọn ra 4 đợt: Ông bà ở nhà nấu trước ăn trước. Cô con gái lớn đi làm về muộn ăn đợt hai. Cả nhà cậu cả đi chơi về dọn mâm đợt ba. Cô con út đi học thêm về lại dọn ra lần nữa. Một con cá chép cắt ra khúc đầu, khúc đuôi và hai khúc giữa, chia ra 4 “mâm”, người này được phần khúc giữa thì người khác phải dùng khúc đuôi. Đĩa đậu xốt cà chua “chia năm sẻ bảy” nguội ngắt. Bát canh chua cá rắc hành, thì là đun đi đun lại cho khỏi tanh, đến “mâm” cuối cùng thì nước canh cạn ráo. Người ăn thấy mất ngon, người phục vụ vừa bực bội vì dọn mâm ra lại dọn mâm vào suốt cả buổi tối, vừa áy náy vì người ăn không được ngon miệng… Thế là cũng khó chịu, cằn nhằn.
Bỏ qua “điệp khúc” sử dụng toilet để tắm rửa buổi tối còn phức tạp hơn “chương trình rửa mặt buổi sáng”, ngay cả tiết mục giải trí là xem ti vi cũng lắm nhiêu khê: Ba phòng ngủ ba tivi, thêm cái ngoài phòng khách là bốn. Thế mà vẫn còn ít! Ông đang xem thời sự thì bà đòi xem phim truyền hình dài tập Hàn Quốc! Ông bỏ ra phòng khách ngồi chưa ấm chỗ thì thằng cháu từ phòng của nhà nó chạy ra, ỉ ôi: “Ông yêu quý mở kênh hoạt hình cho cháu xem Mèo Oggy đi, bố cháu đang xem đá bóng mất rồi!”. Ông dỗ cháu: “Vào phòng các cô mà xem” thì cô con gái út xuất hiện: “Bố xem thời sự xong chưa cho con mượn ti vi xem thời trang xuân hè, chị đang xem dở phim nhiều tập Thái Lan rồi!”…
Sơ sơ mấy “hoạt động định kỳ” trong ngày thôi chứ chưa nói đến các sinh hoạt lặt vặt khác, rồi lối sống, cách nghĩ các thế hệ “vênh” nhau, các “thành phần xã hội” khác nhau… khiến cho cuộc sống chung “tam đại đồng đường” trở nên khó dung hòa! Ngôi nhà chung sao mà chật chội, bức bối!
Chợt nghĩ, cho dù “nhà chật người đông”, mỗi sớm mai thức dậy đón một ngày mới, nhìn thấy cha mẹ và những người thân vẫn hiện diện quanh ta, thấy cuộc sống thật là hạnh phúc – không một ngôi nhà to đẹp nào có thể so sánh, đánh đổi được hạnh phúc giản dị mà cũng vô cùng quý giá ấy.
Theo VNE
Tham vọng
Hắn chỉ kịp đạp phanh cái két, gạt chân chống cho cô gái thử việc tóc vàng hoe chui tọt vào toilet của quán đoạn thả phịch cái thân hình béo múp ngoài sáu mươi cân xuống ghế, vẻ mặt xanh như đít nhái dù đã cố gắng làm ra vẻ bình thản.
Từ bên ngoài một người đàn bà rất khó đoán tuổi xồng xộc xông vào, nhìn bản mặt đằng đằng sát khí này thì cô ta có thể xé xác tình địch thành trăm mảnh nếu tóm được.
Một chút chưng hửng khi thấy tôi đang ngồi cùng hắn, nhưng giọng cô ta vẫn rin rít qua kẽ răng "Khốn nạn! Tao mà tóm được thì...". Cô ta liếc xéo - ném vào mặt tôi cái nhìn khinh khỉnh.
" Cô vừa phải thôi! Về ngay đi không, quán xá người ta làm ăn!". Mặt hắn giãn ra đôi chút khi cô ta và thằng đệ tử đi khuất.
Không biết kiếp trước có nợ nần gì hắn không mà giờ phải khổ thế này? Ngày đi học đã thế giờ vẫn thế, cái tật máu gái của hắn thì không thể nào bỏ được. Hắn khá đẹp trai và học giỏi, có lẽ trong mắt các em thế là đủ. Công nhận cách "sống thử" của hắn cũng có cái hay, trong khi chúng tôi mì gói không có gặm thì hắn vẫn ung dung cơm ngày ba bữa, kè kè một em xinh tươi tình nguyện phục dịch đầy trách nhiệm, đêm đến đảm đương công việc của người vợ, vui thật...
Hồi còn học phổ thông hắn đã có một mối tình đầu lâm ly, cứ ngỡ tình yêu cảm tính học trò cho vui không ngờ nàng say như điếu đổ. Rồi mùa Hạ - mùa chia ly đến, trong khi hắn bù óc bù tai với một đống bài vở thì nàng nước mắt ngắn nước mắt dài, ỉ ôi thề hẹn, hắn chỉ muốn rũ quách cho xong nhưng nghe nàng dọa tự tử hắn đâm hoảng đành ậm ừ "hẹn gặp em dưới cổng trường Đại học". Khốn nỗi xinh gái, con nhà khá giả nhưng con đường học vấn của nàng lao đao lận đận, thi mãi vẫn không đỗ. Hắn gọi điện về báo tin làm ra vẻ tâm trạng nhưng như đang mở cờ trong bụng, vô phúc hai nàng gặp nhau thì có mà chết dẫm... Hắn tống biệt mối tình đầu bẵng bữa nhậu thịt cầy thơm phức, dĩ nhiên cô ô sin miễn phí không mảy may hay biết...
Tốt nghiệp, hắn về tỉnh, bản hợp đồng "sống thử" chấm dứt. Ba hắn xin cho vào công ty lương thực cho ổn định nhưng được vài bữa hắn xin thôi. Hắn về làm cho một công ty tư nhân trong khu Thương mại, môi trường kinh doanh hiện đại khiến hắn choáng ngợp, sẵn trong lòng chứa đựng nhiều tham vọng, mưu mô xảo trá cùng cái miệng dẻo hắn thích ứng rất nhanh... Có được hắn lão giám đốc như hổ mọc thêm cánh, nhờ cách lươn lẹo khác người của hắn mà các khoản thuế, phí giảm đi đáng kể. Ngân sách ngày một dày thêm, lão cười nhung nhúc hai khối thịt bên gò má... "Công ty thiếu chân giám đốc bộ phận, cậu mày còn trẻ, cửa sáng nhất đấy, có điều...", gã bỏ lửng câu càng làm hắn sốt ruột - có gì xổ toẹt ra đi, cứ ấm ớ... A! Có điều là con rể của lão thì dễ hơn. Cô con gái rượu gần bốn mươi xuân không ai rước, toan thành bà cô. Sau nhiều đêm đắn đo cuối cùng con quỷ tham lam trong hắn đã thắng, hình ảnh ngôi nhà ba tầng thiết kế độc đáo gần khu Thương mại và vị trí giám đốc bộ phận cứ hiện lên như mời mọc khiến hắn mụ đầu óc đành chặc lưỡi "tắt đèn nhà ngói giống nhà tranh", một triết lý cổ xưa như biện bạch an ủi hắn.
Tưởng thế đã yên nhưng bản tính máu gái trong hắn không dễ gì bỏ được, mỗi lần có em sinh viên thực tập hay cô nhân viên mới nóng bỏng nào là trong người hắn cứ rậm rịch như kiến bò, khổ không chịu được. Hắn tâm niệm với lòng là phải thờ chữ nhẫn, khi đã ổn định đã rồi tung hê tất cả nhưng hình như lão cáo già cũng nhận ra những ý nghĩ trong đầu hắn nên cứ lần lữa chưa quyết mà các em hơ hớ cứ bày ra trước mắt, chao ôi! Vợ hắn hình như đã đánh hơi thấy nên ngoài thì giờ nướng tiền vào spa, tắm trắng là theo dõi. Ả kiểm soát ngặt nghèo từ điện thoại đến giờ giấc vậy mà hắn vẫn lách được. Nhiều lần hắn bị truy đuổi tôi thành kẻ tòng phạm bất đắc dĩ, cản đường cho hắn và tình nhân chạy trốn, đến khổ.
Mấy hôm nay đọc báo có nghe nói công ty hắn bị công an kinh tế sờ gáy nhưng tôi không ngờ hắn lại xuống mã nhanh đến thế. Lần gặp này mắt hắn trũng sâu, râu ria lởm chởm... Hắn nâng cốc bia tu một ngụm đánh ực: "Tao với ông già bị đình chỉ để điều tra, đời khốn nạn". Lần đầu tiên tôi thấy trong cặp mắt ma mãnh của hắn có những tia sợ hãi, có lẽ hắn đang mường tượng cảnh phòng giam với ô cửa tò vò, không biết có chân dài nào đến thăm hắn không?
Theo TTVN
Kiểm soát chồng sẽ giết chết hôn nhân Bạn cho rằng chồng kém cỏi, không bằng bạn, bạn không tin tưởng anh ấy. Tất cả những điều đó tạo ra sự kiểm soát - điều làm cho hôn nhân "nghẹt thở". Một mối quan hệ sẽ trở nên không tốt đẹp khi một bạn tự tạo cho mình vị trí cao hơn người bạn đời của mình. Trong cuộc sống của...