Nhà đất công ở Đà Nẵng liên quan đến Vũ “nhôm” bây giờ ra sao?
Dưới thời 4 cựu giám đốc, tổng giám đốc các công ty tại Đà Nẵng đã mua bán đất, nhà công sản không qua đấu giá sau đó chuyển cho cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ hoặc doanh nghiệp có liên quan đến bị can này.
Liên quan đến vụ án của Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) và đồng phạm, ngày 9/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đồng thời, CQĐT cũng tống đạt quyết định khởi tố, cho tại ngoại bốn bị can gồm: Nguyễn Công Lang (SN 1954, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng; Phan Ngọc Thạch (SN 1961, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Đà Nẵng; Trần Phi (SN 1955, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng và Huỳnh Tấn Lộc (SN 1952, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) -Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dưới thời 4 cựu giám đốc, tổng giám đốc các công ty tại Đà Nẵng đã mua bán đất, nhà công sản không qua đấu giá sau đó chuyển cho cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ hoặc doanh nghiệp có liên quan đến bị can này.
Cụ thể, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng thời ông Trần Phi làm Chủ tịch HĐQT tham gia việc mua bán các nhà công sản 106 Trần Phú, 34 Hoàng Văn Thụ và nhà 89 Hùng Vương.
Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng thời ông Huỳnh Tấn Lộc làm Chủ tịch HĐQT tham gia việc mua bán các nhà công sản: 37 Pasteur, 57 Lê Duẩn và 121 Phan Châu Trinh.
Công ty CP du lịch Đà Nẵng thời ông Phan Ngọc Thạch làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tham gia việc mua bán nhà 100 Bạch Đằng.
Một hợp đồng mua bán nhà đất công sản giữa bên mua là Cty CP Công nghệ Phẩm Đà Nẵng do ông Huỳnh Tấn Lộc làm giám đốc và Cty quản lý nhà Đà Nẵng do ông Nguyễn Công Lang làm giám đốc. Ảnh: N.T
Các nhà, đất công sản nằm ở vị trí đắc địa thuộc quận Hải Châu, được mua bán chuyển nhượng bởi các Công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty CP du lịch Đà Nẵng, Công ty công nghệ phẩm Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ năm 2004 – 2012 đều có trách nhiệm trực tiếp của Công ty Quản lý nhà thời kỳ ông Nguyễn Công Lang làm giám đốc.
Các nhà đất công sản này đều nằm trong danh sách 31 nhà, đất công sản được cơ quan điều tra (Bộ Công an) điều tra làm rõ các sai phạm trong việc thực hiện mua, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại Đà Nẵng theo kết luận của UBKT Trung ương.
Dưới đây là hình ảnh một số nhà, đất công sản nằm trong danh sách 31 nhà đất, công sản ở Đà Nẵng liên quan đến Vũ “nhôm” và các đồng phạm.
Video đang HOT
Nhà đất tại số 100 Bạch Đằng do Công ty CP du lịch Đà Nẵng thời kỳ ông Phan Ngọc Thạch làm Tổng giám đốc chuyển nhượng cho Phan Văn Anh Vũ với giá chỉ bằng 1/10 giá trị thị trường. Ảnh Nguyễn Thành
Số 57 Lê Duẩn hiện nay một phần đang được cho thuê buôn bán thời trang, phần còn lại đang xây dựng khách sạn cao tầng.
Số 82 Trần Quốc Toản là nhà riêng của Vũ “nhôm” có nguồn gốc từ nhà, đất công sản. Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản gồm kê biên đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 78-80-82-84 Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, Đà Nẵng) của vợ chồng ông Vũ “nhôm. Bộ Công an đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo phong tỏa, không cho mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, ủy quyền tài sản nêu trên dưới mọi hình thức.
Dự án nhà hàng và bến du thuyền của Vũ “nhôm” đã hoàn thành việc xây dựng nhưng đang ngưng hoạt đồng. Thành phố Đà Nẵng tính toán nghiên cứu để lấy lại khu này, nhằm mục đích phục vụ công cộng.
Số nhà 89 Hùng Vương hiện nay là một quán coffee.
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước liên quan đến Phan Văn Anh Vũ đang trong quá trình thanh tra toàn diện. Hiện dự án này đang ngừng thi công.
Theo NGUYỄN THÀNH (Tiền Phong)
Vũ "nhôm" xin khắc phục hậu quả trong đại án DongABank
Vũ "nhôm" có 4 lần gửi đơn đến Viện KSND tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản đảm bảo khắc phục hậu quả, đồng thời xin gặp gia đình để thống nhất việc khắc phục hậu quả 203 tỉ đồng gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần DongABank.
Gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng
Ngày 6/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 26 bị can trong đại án xảy ra tại DongABank gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 7/2018, Viện KSND tối cao đã ban hành quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, trong đó có nội dung liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vũ "nhôm" (bên trái) cùng Trần Phương Bình tiếp tuc bị đề nghị truy tố.Trong số 22 bị can có nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Vân và các nguyên giám đốc sở giao dịch của DongABank bị đề nghị truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước...
Riêng bị can Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 - viết tắt Công ty Bắc Nam 79) bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong kết luận điều tra bổ sung lần này có thêm 2 bị can mới là Nguyễn Vinh Sơn và Phan Thị Tố Loan (đều là thành viên chuyên trách ban kiểm soát DongABank), cùng bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cả hai bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 23/8/2018.
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỉ đồng, bao gồm 1.160 tỉ đồng trong việc ông Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank; 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...
Cơ quan điều tra xác định, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng.
Bà Xuyến đã sử dụng Công ty TNHH TMTP Sao VN, Công ty TNHH Ninh Thịnh và 5 cá nhân lập hồ sơ rút 467 tỉ đồng của DongABank để ông Trần Phương Bình mua cổ phần của DongABank. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi hơn 475 tỉ đồng để tất toán các khoản vay này, xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Xuyến còn chiếm đoạt của DongABank 40 tỉ đồng trong việc DongABank cho Cao Ngọc Huy vay 270 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định bà Xuyến là đồng phạm với ông Bình chiếm đoạt 467 tỉ đồng của DongABank.
Bà Xuyến cũng xuất khẩu và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DongABank hơn 1.000 tỉ đồng; phải chịu trách nhiệm về số tiền 40 tỉ đồng và 1.574 tỉ đồng.
Cựu trung tá Công an bất ngờ nhận tội
Theo kết luận điều tra bổ sung bổ sung, Vũ "nhôm" có 4 lần (ngày 20/6/2018, ngày 25/6/2018, ngày 10/7/2018 và ngày 16/7/2018) gửi đơn đến Viện KSND tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản đảm bảo khắc phục hậu quả, đồng thời xin gặp gia đình để thống nhất việc khắc phục hậu quả 203 tỉ đồng gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần DongABank.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã làm việc với Vũ để làm rõ phương án khắc phục hậu quả này. Ngày 16/8/2018, cơ quan công an cho Vũ gặp người thân để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa nộp.
Tài sản của Vũ "nhôm" đang bị kê biên.
Quá trình điều tra, công an xác định 5 bất động sản ở Đà Nẵng, cùng 2 bất động sản ở TPHCM, trong đó có bất động sản tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) là vật chứng của vụ án, đã được kê biên, phong tỏa trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý điều tra.
Theo cơ quan điều tra, ở giai đoạn 2 của vụ án, Bộ Công an tiếp tục làm rõ việc ông Bình chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ.
Đáng chú ý trong kết luận điều tra bổ sung lần này cũng nêu Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TPHCM), bị đề nghị truy tố trong vụ án này vì liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank, đã bất ngờ thừa nhận hành vi của mình. Vợ của bị can Ánh cũng đã nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả cho bị can. Kết luận điều tra trước đó xác định trong việc tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng đã khiến DongABank thiệt hại hơn 53 tỉ đồng và ông Ánh phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.
Xuân Duy
Theo Dantri
Vụ án Trần Phương Bình: Dùng tiền ngân hàng mua cổ phần cho mình Bằng thủ đoạn chỉ đạo nhân viên lập chứng từ thu khống, sau đó ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á) dùng "số tiền ảo" trên giấy tờ đó để mua cổ phần của chính ngân hàng Đông Á cho mình và cho người thân trong nhà. Ngày 4/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã...