Nhà cổ thành phế tích
Cụm nhà cổ Thanh Phú Long (Long An) đang trong tình trạng chờ sập, còn ngôi nhà cổ nhất đã trở thành… chuồng gà. Ở Tiền Giang, di tích Dinh tỉnh trưởng từng bị cho thuê để nuôi chim yến.
Chăng lưới ngăn ngói rơi
Bốn ngôi nhà cổ Thanh Phú Long (huyện Châu Thành) được xây dựng bởi 3 anh em Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh và Nguyễn Hữu Hùng. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Hữu, 4 ngôi nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc 3 gian, 2 chái với 4 hàng cột gỗ căm xe, mỗi cột bằng cả vòng tay ôm. Các bức hoành phi, liễn… được chạm trổ thủ công với hình hoa lá, chim thú. Vật liệu dựng cụm nhà này đều là gỗ quý lâu năm, do những nhóm thợ tài hoa ở Huế vào làm ròng rã nhiều năm mới xong.
Bà Trần Thị Ba – vợ ông Nguyễn Hữu Niên (đã mất, là cháu nội ông Hoanh), người duy nhất sống tại ngôi nhà này nay đã gần 80 tuổi và đang ngày đêm phập phồng lo sợ nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Khi chúng tôi đến, cửa chỉ khép hờ, kêu mãi bà Ba không lên tiếng.
Bà Ba trong căn nhà đã trở thành phế tích
Video đang HOT
Khẽ đẩy nhẹ cánh cửa, một bầy gà kêu quang quác vỗ cánh bay nháo nhào trong nhà. Ngay lối ra vào là chuồng gà với máng thức ăn, nước uống, nền đất bừa bộn lông, phân gà. Một lúc sau thì bà Ba về. Mở cửa lùa gà ra ngoài, bà Ba mời khách vào nhà trò chuyện.
“Nhà mối mọt nhiều quá, tôi nuôi gà vừa cải thiện cuộc sống, vừa cho gà ăn mối, níu kéo ngôi nhà được lúc nào hay lúc đó…” – bà phân trần.
Bà Ba dẫn chúng tôi đi thăm khắp căn nhà, luôn miệng dặn dò cẩn thận kẻo… ngói rơi vào đầu. Bà kể, năm 2009, Sở VHTTDL tỉnh Long An chi hơn 200 triệu đồng dựng khung thép trùm lên ngôi nhà bà đang ở rồi lợp tôn để… che mưa cho ngôi nhà. Sợ ngói rơi vỡ đầu người trong nhà, cơ quan chức năng dùng lưới B40 chăng bên dưới để… hứng sẵn.
Ông Nguyễn Hữu Tài – Trưởng phòng Xây dựng cơ bản, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh Long An) cho biết, trong cụm di tích, căn nhà bà Ba đang ở xuống cấp nặng nhất nhưng mấy năm nay chưa có vốn trùng tu. “Chúng tôi đã phối hợp cùng Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung lập dự án trùng tu. Chỉ riêng căn nhà bà Ba đã cần tới 7 tỷ đồng. Hiện vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích đã chi khoảng 3 tỷ đồng và chúng tôi sẽ triển khai làm ngay trong năm nay” – ông Tài nói.
Cho thuê di tích giá bèo
Tại Tiền Giang, ngôi nhà cổ xây dựng theo kiến trúc Pháp hoành tráng nhất tỉnh là Dinh chánh tham biện Gò Công (sau này là Dinh tỉnh trưởng), được xây dựng vào năm 1885. Tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Côn (phường 2, thị xã Gò Công), công trình được xây bằng toàn bộ vật liệu được mang từ Pháp sang. Dinh thự đồ sộ với quy mô một trệt một lầu, diện tích khoảng 1.000m2. Thế nhưng dinh này bị bỏ quên hơn 20 năm, mãi đến năm 2006, chính quyền thị xã Gò Công mới xuất ngân sách gần 800 triệu đồng để chống dột cho toàn bộ công trình.
Theo ông Võ Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Gò Công, Dinh tỉnh trưởng vừa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2012. Công trình này sẽ được trùng tu trong năm 2013 với kinh phí 5 – 10 tỷ đồng.
Đến năm 2007, địa phương cho Công ty Yến Gò Công do ông Trần Bảo Quốc làm giám đốc thuê toàn bộ dinh để nuôi chim yến. Thị xã Gò Công thu của ông Quốc mỗi năm 30 triệu đồng, nhưng “ưu đãi đầu tư” là cho miễn thuế trong 3 năm đầu. Hợp đồng này có thời hạn 15 năm, nếu địa phương muốn hủy hợp đồng phải thông báo trước 2 năm.
Theo ông Quốc, ông đã chi gần 2 tỷ đồng để biến dinh thành nơi nuôi yến. Nhờ đầu tư bài bản và đúng kỹ thuật, chim yến kéo về càng lúc càng đông. Lúc này, người dân thị xã Gò Công mới giật mình khi mỗi ngày hàng ngàn con chim yến bay về dinh, kêu váng cả đầu óc. Cựu chiến binh Lại Văn Dễ – người từng 2 lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ và ông bạn già Mai Văn Nhịn (78 tuổi) đã phản ứng quyết liệt.
“Trong các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhiều lần yêu cầu chính quyền phải chấm dứt ngay việc nuôi yến trong dinh. Chim yến ưa độ ẩm từ 80 – 95% nên phải sử dụng máy tạo độ ẩm, mà càng ẩm thì càng làm cho công trình mau mục nát”- ông Nhịn nói.
Bị dư luận phản ứng, đầu năm 2011, thị xã Gò Công thông báo Công ty Yến Gò Công phải trả lại mặt bằng vào cuối năm 2011. Ông Quốc cho rằng công ty vừa đầu tư, chưa kịp thu lợi nên đề nghị địa phương phải thực hiện đúng hợp đồng (thông báo trước 2 năm). Tháng 1/2012, địa phương đã cho tháo dỡ toàn bộ công trình và thu được 6,8kg tổ yến (trị giá khoảng 200 triệu đồng). Ông Quốc khởi kiện yêu cầu UBND thị xã Gò Công phải bồi thường thiệt hại cho công ty ông gần 10 tỷ đồng. Vụ việc vẫn chưa giải quyết xong.
Theo Dantri
Hiệp sĩ thời nay
Những việc làm lặng thầm của họ đáng để mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ về cách để làm việc thiện.
Trong số những tấm gương quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông được quần chúng ghi nhận có người nay đã vượt xa tuổi... xưa nay hiếm. Cụ ông Nguyễn Thành Long (ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã ở tuổi 84. Từ hàng chục năm trước, ngày nào cụ cũng đi bộ hàng chục cây số để nhặt đinh, chống lại "đinh tặc". Ngoài công việc nhặt đinh, cụ còn thu nhặt phế liệu để bảo vệ môi trường. Số tiền thu được từ bán phế liệu cụ dành để làm từ thiện.
Sinh năm 1927, cụ Nguyễn Văn Bảy được người dân xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thương mến gọi bằng ông Bảy vì rất nhiều năm nay mỗi khi ra đường thấy mặt đường đi ngang qua xã mình bị sụp lở, xuất hiện ổ gà thì ông lại vận động con cháu, họ hàng đóng góp tiền mua vật liệu về dặm vá. Việc ông Bảy làm đơn giản chỉ là vì thương cảnh bà con đi lại khó khăn, nhất là thương các cháu học sinh hàng ngày phải đi qua những đoạn đường xấu, trơn trượt. Anh Trần Minh Trung (SN 1984, ngụ ấp Phước Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) gần năm năm nay đã rong ruổi đi... vá đường. Anh Trung ước mơ thành lập được một tổ từ thiện chuyên đi dặm vá đường, giữ an toàn cho người dân khi lưu thông.
Gần 40 năm cất nhà ở bên dòng sông Hậu, ông Dương Công To cũng trở thành hiệp sĩ trong lòng người dân vì đã góp phần cùng đồng nghiệp cứu trên 300 người bị tai nạn đường thủy và rất nhiều người tự tử. Ngoài việc cứu người, ông Dương Công To đã cùng nhân dân khống chế bắt hàng chục tên cướp đường sông.
Tuy hành nghề bán vé số nhưng anh Đỗ Văn Ái (ở Long An) cũng có sáng kiến làm việc thiện rất lạ lùng bằng cách chế ra một cây gậy trúc khá đặc biệt chuyên dùng để nhặt đinh. Hàng ngày, anh đạp xe đi bán vé số và luôn mang theo cây gậy trúc có gắn nam châm. Mỗi khi thấy đinh là anh lại thò cây gậy ra hút đinh rồi cho vào túi áo. Những ngày nhặt được nhiều đinh, anh tìm chai nhựa bỏ vô rồi đem về cho hàng xóm sử dụng đóng chuồng gà, chuồng vịt. Tương tự, anh Phạm Công Xuân (SN 1976, ngụ Bình Dương) cũng chế ra chiếc xe hút đinh để ngày ngày rong ruổi, hút đinh rơi vãi trên đường. Tại TPHCM, có người phụ nữ tên Nguyễn Thị Giới trở thành cứu tinh cho những vị khách đi đường chẳng may thủng lốp trong đêm khuya vắng vì suốt 35 năm cần mẫn ngồi vá xe ở góc ngã tư Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh bất kể đêm khuya.
Công việc thường ngày của anh Phạm Công Xuân
Khoảng tháng 10-2011, dư luận cả nước biết chuyện chị Nguyễn Thị Nhàn - nữ nhân viên gác chắn tàu ở Quảng Bình - đã bất chấp việc mình đang mang thai đứa con đầu lòng tháng thứ sáu, lao ra cứu cháu bé hai tuổi đang đứng trên đường ray thoát chết trong gang tấc khi đoàn tàu đang lao tới.
Những con người ấy rất xứng đáng nhận sự tôn vinh của xã hội.
Dù mang thai tháng thứ sáu nhưng chị Nguyễn Thị Nhàn vẫn lao ra đường ray để cứu một cháu nhỏ thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc
Theo Dantri
Giá trị thật của ngôi nhà cổ gỗ sưa đỏ ở Bắc Giang Trong chuyến công tác tại Bắc Giang, một người đồng nghiệp của chúng tôi, làm ở ngành công an bật mí: "Ở phường Lê Lợi (TP.Bắc Giang) có một ngôi nhà cổ làm bằng gỗ sưa đỏ. Người dân đồn rằng, căn nhà này trị giá hàng trăm tỷ đồng". Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, chủ nhân ngôi nhà tự "thổi"...