Nhà cổ gỗ lim chứa toàn “báu vật” độc nhất của dòng họ nức tiếng Hà Thành
Được xây dựng cách đây hàng trăm năm, cho đến nay nhà thờ dòng họ Nguyễn Viết, làng Sơn Đồng, Hoài Đức (Hà Nội) vẫn được con cháu giữ gìn gần như nguyên vẹn.
“Biệt phủ” rộng 3.000 m2 của dòng họ khoa bảng nức tiếng Hà Thành
Làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức là một trong số ít làng nghề ở Hà Nội cho đến nay vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, dân giã của vùng quê Bắc Bộ. Trong làng hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ. Đây cũng được gọi là làng khoa bảng, với 8 tiến sĩ và hàng trăm cử nhân đỗ đạt trong các triều đại phong kiến.
Nổi tiếng nhất phải kể đến cụ Nguyễn Viết Thứ đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi, sau đó, được triều đình đề cử vào nhiều vị trí quan trọng. Năm 1691, cụ giữ chức Tham tụng, tức Tể tướng. Dân làng vẫn gọi cụ với cái tên thân mật : Cụ Thượng Sơn Đồng.
Ngày nay, trong làng Sơn Đồng, dòng họ Nguyễn Viết vẫn còn giữ được ngôi nhà cổ, rộng tới 3.000 m2. Bên trong là ngôi từ đường làm bằng gỗ lim nguyên khối, cùng hệ thống cột, kèo được sơn son thếp vàng đẹp mắt.
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Viết làng Sơn Đồng được xây dựng trên nền đất của tổ tiên để lại từ hàng trăm năm trước.
Các hạng mục bên trong công trình bao gồm, từ đường và khu nhà ở được xây dựng cách đây 300 năm, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (đời thứ 8).
Cổng tam quan để vào từ đường của dòng họ Nguyễn Viết được dựng cách đây 300 năm vẫn còn nguyên vẹn. Theo quy tắc trong họ, cổng ở giữa luôn được mở, nhưng chỉ dành cho bậc lão niên, có chức sắc trong họ đi qua. Mọi thành viên khác sẽ phải đi 2 cổng bên cạnh.
Ở hai bên hông là nhà tả vu và hữu vu được sử dụng làm nơi chuẩn bị đồ lễ, đồ cúng.
Nằm ở trung tâm là căn từ đường năm gian hai chái, được làm hoàn toàn từ gỗ lim cổ thụ, có cột cao tới 2,5 m. Hệ thống cột, kèo, xà, đấu củng đều được chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng, rất giống với kiểu trang trí đình, đền truyền thống của người Việt.
Phần mái được lợp ngói âm dương. Trên đỉnh được chạm khắc hình lưỡng long chầu nguyệt và gắn các mảnh gốm vô cùng tinh xảo.
Đặc biệt, phần mặt tiền từ đường có đôi câu đối bằng chữ Nôm do Giáo sư Vũ Khiêu tặng trong một lần đến thăm từ đường dòng họ Nguyễn Viết.
Theo ông Nguyễn Viết Thắng, người trông coi nhà thờ họ Nguyễn Viết, hiện nay, bên trong từ đường vẫn còn giữ được nhiều cổ vật, có niên đại từ thời Lê Trung Hưng.
Trong đó, có hàng chục đạo sắc phong qua các triều đại, cuốn gia phả có từ 600 năm trước và nhiều câu đối, hoành phi có niên đại từ 100 – 300 năm trước.
Một bản sắc phong (bản sao) được trưng bày trong từ đường.
Quý giá nhất theo ông Thanh là đôi hươu bằng gỗ 300 tuổi. Theo ghi chép đây là quà của vua nhà Thanh tặng Thượng thư Nguyễn Viết Thứ trong một lần đi sứ.
Sau 300 năm tồn tại, toàn bộ hạng mục trong nhà đều gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Theo lời kể của ông Thắng, trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử thậm chí, đã có lúc làng Sơn Đồng bị giặc dã thiêu trụi, song ngôi nhà gần như không bị ảnh hưởng.
Trong suốt những năm tháng qua, những thế hệ con cháu trong dòng họ thay phiên nhau giữ gìn, coi sóc công trình cổ.
Các hạng mục kiến trúc đồ đạc bên trong được giữ gìn cẩn thận.
“Tất cả con cháu, thế hệ sau phải tuân theo quy định của dòng họ, là giữ gìn từ đường nguyên vẹn nhất. Chúng tôi thống nhất việc sửa sang, cơi nơi công trình đều phải được sự đồng ý của dòng tộc”, ông Nguyễn Viết Thắng nói.
Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn Viết đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Toàn bộ công trình rộng 3.000 m2 nhìn từ trên cao.
Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may "đệ nhất" Hà Thành xưa
Ngôi nhà gỗ 5 gian của cô Chu Thị Thảo (58 tuổi), tại làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được làm bằng gỗ lim nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo bởi những người thợ nức tiếng.
Ngôi làng toàn biệt thự Pháp cổ của những thợ may "đệ nhất Hà Thành" xưa
Trải qua nhiều thăng trầm biến động của lịch sử, đến nay làng Cựu vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều ngôi nhà cổ với tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Hầu hết các công trình này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp, hoặc nhà truyền thống Bắc Bộ.
Nổi bật trong số này phải kể đến ngôi nhà gỗ 5 gian 100 tuổi của gia đình cô Chu Thị Thảo (58 tuổi). Ngôi nhà nằm giữa khuôn viên rộng 400 m2, bên phải là bếp và bên trái là mảnh vườn nhỏ trồng bưởi.
Chia sẻ với Dân trí, cô Thảo cho hay, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1930, bởi cụ Lê Minh Thảo, một người thợ may comple nức tiếng của làng Cựu.
Cổng nhà được xây dựng theo phong cách biệt thự Pháp.
Bên trong là khuôn viên rộng 400 m2 với khu vườn xanh mát cây cối.
Phía bên phải ngôi nhà là bếp nấu ăn, đến nay đã được cơi nới, xây dựng lại một phần.
Điểm độc đáo của ngôi nhà là toàn bộ hệ thống khung gỗ bao gồm kèo, xà, cột, đấu củng đều được làm từ gỗ lim nguyên khối và chạm khắc tinh xảo bởi những người thợ có tiếng. Phần mái nhà được lợp mái mũi hài.
Do được xây dựng đã lâu nên nhiều hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp, phần mái xảy ra hiện tượng thấm dột mỗi khi trời mưa to.
"Tại làng Cựu, phải đến 90% nhà ở đều xây theo kiểu Pháp và rất ít nhà dựng theo lối kẻ truyền. Theo như lời kể lại của thế hệ đi trước, ông nội tôi là người có suy nghĩ cấp tiến, vừa muốn xây nhà theo kiểu Tây, nhưng vẫn phải mang dấu ấn truyền thống người Việt. Vì vậy, công trình mới có kiến trúc giao thoa độc đáo như vậy", cô Thảo kể.
Phần mái đã hư hỏng nặng và bị dột mỗi khi trời mưa.
Các họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp hiếm có
Cô Thảo chia sẻ, trong nhiều năm qua có khá nhiều người đến hỏi mua bộ khung nhà. Nhiều người trong số này trả giá cao lên tới cả bạc tỷ song gia đình không đồng ý bán.
"Có người yêu thích căn nhà đến nỗi họ đi đi về về thuyết phục gia đình tôi cả tháng. Mỗi lần tới đặt vấn đề sang nhượng họ lại nâng giá cao hơn lần trước. Tuy nhiên đây là nhà ông cha để lại, nên gia đình vẫn quyết giữ gìn để cho thế hệ sau hiểu hơn về văn hóa truyền thống", cô Thảo khẳng định.
Hiện tại, làng Cựu vẫn còn lưu giữ khoảng hơn 40 nhà cổ có kiến trúc độc đáo
Nằm ven theo sông Châu Giang, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, làng Cựu xưa kia vốn là một vùng quê thuần nông, với nghề chính trồng lúa.
Vào đầu thế 20, làng Cựu đã phải chứng kiến một trận đại hỏa hoạn, thiêu rụi tới một nửa làng. Người làng Cựu phải bươn chải ra các đô thị lớn để kiếm sống. Từ đây, với bàn tay tài hoa, người làng Cựu đã trở thành những thợ may "đệ nhất Hà thành".
Hầu hết các công trình này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp, hoặc nhà truyền thống Bắc Bộ.
Ông Nguyễn Quang Huy, vị trưởng thôn trẻ nhất trong lịch sử làng Cựu tự hào: "Trong những năm 1920 - 1940, nhờ giỏi may vá và học hỏi từ Pháp, người dân làng Cựu đã trở nên nổi tiếng khắp miền Bắc nhờ nghề may comple cho đàn ông và may đầm cho phụ nữ". Trong đó, có những nhà may vang tiếng như Đức Lợi, Phúc Mỹ, Phúc Hưng...
Vào thời điểm này, kiến trúc Pháp rất thịnh hành tại Hà Nội, nên khi về quê xây dựng nhà cửa, dân làng Cựu lựa chọn dựng nhà theo kiến trúc Pháp, kết hợp với các yếu tố truyền thống của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều căn nhà cổ trong số này luôn trong tình trạng khóa cửa, bỏ không hàng chục năm nay.
Trưởng thôn làng Cựu cho biết, một số nhà giàu có thì bỏ tiền thuê kiến trúc sư người Pháp, còn gia đình có tiềm lực tài chính yếu hơn thì học tập nhà khác để xây dựng theo.
Cho đến nay, ngoài nhà cổ của gia đình cô Chu Thị Thảo, làng Cựu vẫn còn giữ được khoảng 40 nóc nhà cổ, rêu phong, cổ kính được xây dựng từ 70 - 80 năm trước.
Tuy nhiên, nhiều căn nhà cổ trong số này luôn trong tình trạng khóa cửa, bỏ không hàng chục năm nay, do con cháu đã di cư lên Hà Nội sống và làm việc.
Nhà gỗ cổ "độc nhất" Bắc Bộ, bao quanh sân là vườn sen thơm ngát Xung quanh khuôn viên căn nhà cổ, ông Tạ Hồng Điệp tự tay nhân giống trồng các chậu sen Cung đình, vào mùa hoa nở, cả khoảng sân bừng nở rực rỡ, tỏa hương thơm ngát, vô cùng ấn tượng. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, nhà vườn theo lối truyền thống Bắc Bộ của gia đình ông Tạ Hồng Điệp...