Nhà có con gái lỡ thì
Nhà có ba chị em, em gái, em trai đều đã yên bề gia thất, chỉ có con tình duyên lận đận nên hơn 30 tuổi rồi vẫn đi về lẻ bóng.
Anh minh hoa
Không phải con chưa từng yêu ai, cũng không phải không còn ai để ý. Nhưng có lẽ cái duyên cái số, những cuộc tình cứ đến rồi đi, có những mối đã tính đến chuyện cưới xin rồi, chẳng hiểu sao vẫn hai người hai ngả.
Những đứa bạn cùng tuổi đã theo nhau lấy chồng, con bồng con bế. Mẹ không biết vô tình hay cố ý, thỉnh thoảng lại nhắc: Cô bạn thân kia có hai đứa con càng lớn càng xinh như mộng; cô bé cạnh nhà, hai mươi tuổi đầu đã làm mẹ… Thỉnh thoảng mấy bà hàng xóm sang chơi, quan tâm kiểu tò mò: “thế cái Trang đã có đám nào chưa?”.”Đấy, chị xem, nó học hành đàng hoàng, công việc ổn định, nhìn cũng đến nỗi nào đâu, ngoan hiền ai cũng biết, chẳng hiểu tại làm sao?”. Nói rồi mẹ thở dài:”chắc tôi phải lên chùa cắt tiền duyên cho nó”.
Có những đm, một mình trong căn phòng nhỏ, con bỗng thấy cô đơn khủng khiếp. Lòng nhớ đến những ngày thơ ấu, tối tối ba chị em quây quần, trêu chọc, giận dỗi. Giờ em gái đã làm mẹ, em trai đã làm cha. Chúng bận bịu đến nỗi có khi tháng chỉ đôi lần tạt qua nhà hỏi thăm cha mẹ, tiện thể gặp chị lại vô tâm đùa: “Bà chị ơi, kén vừa thôi, băm mấy nhát rồi đấy ạ”. Rồi lại nhớ những cuộc tình đã xa, những người đã lướt qua cuộc đời mình, để tự hỏi nguyên nhân vì sao. Nào có ai muốn thế đâu, nhưng chuyện yêu đương đôi khi không phải mình muốn mà được.
Có đôi lần mẹ thì thầm với cha, bảo nhờ người này người nọ dắt mối, cha gắt ầm lên: “Bà có thôi đi không, làm sao bà cứ phải sốt sắng thế nhỉ?”. Mỗi tối ba người bên mâm cơm, cha cứ cố khơi chuyện cho cả nhà vui, trong khi mẹ thi thoảng lại lắc đầu chẳng rõ vì sao. Có lần không kìm được mẹ còn buột miệng: “hồi bằng tuổi cái Trang, tôi đã xong tuổi đẻ lâu rồi”. Dần dà, con ngại những bữa cơm chung, ngại những lời thăm hỏi của bà con, làng xóm, ngại cười nói vô tư như ngày nhỏ dại.
Một sáng chủ nhật, ngồi ngắm trời mưa, nghĩ ngợi mông lung. Cha đến ngồi cạnh lúc nào không hay. Từng làn khói thuốc bay khiến con giật mình quay sang bên cạnh. Nhìn kỹ mới nhận ra cha đã già thật rồi, tóc đã bạc gần hết, da đã lốm đốm đồi mồi, vậy mà vẫn chưa hết những buồn lo. Cha quàng tay qua vai con, kéo con vào ngực cha như ngày còn thơ bé. Giọng cha nhỏ lẫn trong tiếng mưa rơi: “Làm cha mẹ, mong muốn lớn nhất là thấy con cái trưởng thành, yên ổn. Mẹ con suốt ngày nói chuyện chồng con cũng chỉ là vì lo lắng hạnh phúc cho con, con đừng để ý. Cha chăm con từ ngày còn đỏ hỏn, chứng kiến mỗi ngày con lớn lên, thấy hết mọi niềm vui nỗi buồn con từng trải. Cha tin là mình hiểu con. Nếu con không gặp được người đàn ông nào tử tế, đủ tin cậy cho con gửi gắm cuộc đời, thì vẫn còn người đàn ông này, vòng tay này che chở cho con. Và bờ vai này vẫn còn đủ vững vàng cho con dựa. Không phải nghĩ ngợi gì cả, cũng đừng để ý người ta nói gì. Chẳng ai sống thay được cho mình đâu con ạ, vậy nên hãy vui lên”.
Nước mắt con cứ thế chực trào rơi, những tiếng nấc cứ bật ra không kìm lại được.
Rồi một ngày, con báo sẽ đưa bạn trai về nhà để người ta có lời xin đi lại. Mẹ vừa nghe dứt câu đã không giấu nổi mừng vui. Cha ngược lại, trầm ngâm hơn thường ngày: “Con đã tìm hiểu kỹ chưa, nói cha nghe..”. Mẹ cắt ngang: ” Chưa tìm hiểu kỹ thì ai đưa về nhà, ông chỉ được cái khéo lo”.
Ngày con lên xe hoa, mẹ đi ra đi vào quệt nước mắt. Cha thì cười vui: Ơ cái bà này, tôi tưởng cái Trang đi lấy chồng bà phải cười mấy ngày không khép mồm lại được chứ? Mẹ quay mặt, khóc to hơn. Phút giao dâu, cha ghé tai con nói nhỏ: “Cha tin tưởng vào sự lựa chọn của con. Nhưng hãy nhớ, đây mãi là nhà của con, hãy về bất cứ lúc nào con muốn.”
Cha lúc nào cũng thế, vững vàng khi con yếu đuối, và luôn mở sẵn một lối cho con đi dù trong hoàn cảnh nào.
Dù muộn mằn, con cũng đã lấy chồng, và giờ con đã làm mẹ. Cuộc sống gia đình khi ấm êm, khi trúc trắc. Nhưng con nhớ lời cha, hôn nhân là một con thuyền, và chúng ta phải biết lựa dòng, luôn luôn vững tâm, luôn luôn vững tay chèo để vượt qua sóng gió. Con sẽ cố gắng sống thật tốt, vì con biết rằng: cha mẹ sinh con ra, nuôi nấng và yêu thương không mong được đáp đền. Chỉ cần con sống tốt, sống hạnh phúc là cách báo hiếu tốt nhất rồi, phải không cha?
Theo Phunuvagiadinh