Nhà báo Lê Bình sẽ cung cấp bằng chứng về 3 lần thoát chết ở Syria
Nhà báo Lê Bình vừa cho biết trên Facebook của nhà báo Võ Trung Dung: Toàn bộ những chuyện hậu trường của việc thực hiện ký sự này sẽ được lên sóng vào ngày 13.8 tới.
Nhà báo Võ Trung Dung hiện đang làm việc như một nhà báo tự do tại Pháp, anh là một cây bút từng đến nhiều điểm nóng trên thế giới và đã 4 lần đến Syria. Về “ Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” phát sóng trên chương trình VTV đặc biệt vào ngày 23.7 vừa qua, nhà báo Võ Trung Dung đã một bài phân tích khá cặn kẽ theo quan điểm cá nhân anh.
Dân Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc:
“Đêm qua, bét mắt ra nhờ ly cà phê đen, coi ‘phóng sự’ dài hơn 30 phut đang làm dậy sóng dư luận và làng báo. Mình xin viết vài suy nghĩ đóng góp cho cộng đồng. Nhìn và suy nghĩ từ kinh nghiệm cá nhân. Khiêm tốn. Không ném đá mà đem đá tới góp phần xây dựng kỹ năng báo chí.
Nhà báo Võ Trung Dung.
Một điểm tích cực và nhiều vấn đề.
1. Tích cực: Rất hiếm khi báo đài Việt Nam gởi (gửi) phóng vien ra chiến trường hay những nơi đang xung đột, tranh chấp. VTV24 đi Syria, dù chỉ đi trong vùng kiểm soat của quân đội chính quy. Hình ảnh (tự quay) và dựng phim có chất lượng khá tốt, nhiều kich tính. Thể loại, hình thức này là xu hướng của truyền hình quốc tế. Thich hay không thích. Mình thì không. Nhưng đối với truyền hình Việt Nam, đây là sự đột phá. Đáng được vỗ tay.
Lý do vì sao hiếm phóng viên được phep đi? Tốn kém? Theo mình, các báo đài lớn có thể chi được. Nhưng thôi. Mình để cho cac lãnh đạo toà soạn trả lời câu hỏi này. Vì vậy, chuyện ê kíp của Lê Bình đi Syria hay trước đó làm về người tỵ nạn đổ vô Châu Âu sẽ làm tiền lệ cho các ê kíp/tòa soạn khác. Bởi sự cạnh tranh. Đây là điều tích cực.
2. Hậu trường: Mình chắc chắn 99% đây là phóng sự được tổ chức, dàn dựng từ A tới Z, nhân vật được chọn lọc, có kịch bản, tài trợ (hay mời) bởi Chính phủ Syria để quảng cáo, đưa quan điểm của họ. Đây là chuyện bình thường, không có gì xấu. Doanh nghiệp hay chính phủ ở bất cứ nơi nào đều làm truyền thông có lợi cho họ. Quan trọng là phóng viên, nhà báo phải kiểm chứng, đối chất thông tin để xác định độ tin cậy. Và điều chỉnh nếu cần thiết.
Làm cho báo Âu, mình thường xuyên được nhận thư mời và đã từng nhận lời tham gia các chuyến truyền thông này. Thông thường, đó là cơ hội duy nhất để tiếp cận hiện trường. Đặc biệt là ở Syria, nếu muốn kể tình hình trong vùng lãnh thổ còn dưới kiểm soát của Damascus. Hoặc đi thăm nhà tù của Mỹ ở Guatanamo, v.v…
Tuy nhiên, trong phóng sự, mình ghi/nói rõ về chuyện được mời, chuyến đi được tổ chức bởi ai và những giới hạn (hay không) tiếp cận thông tin, nhân chứng, độ khách quan. Minh bạch với khán giả, độc giả là yếu tố cốt lõi và bắt buộc của nghề báo. Một số báo đài – như Le Monde, France 2 TV – chỉ nhận phần tổ chức và đề nghị tự trả chi phí đi lại ăn ở. Được mời không có nghia là đi làm ‘quảng cáo’.
3. Nội dung: Thể loại ký sự hay phóng sự, nội dung có rất nhiều khuyết điểm lớn.
Video đang HOT
Cảm xúc đơn thuần không đủ. Không bao giờ đủ để kể chuyện. Đặc biệt đối với các chủ đề như chiến tranh xung đột phức tạp như ở Syria. Không ai trắng không ai đen.
Không có thông tin, không có khung và bối cảnh lich sử (ít nhiều) để khán giả không chuyên môn (đại đa số) có thể hiểu – tối thiểu – mình đang coi cái gì? Nhóm phóng viên không nắm được chủ đề và tình hình. Và thiếu kinh nghiệm. Kết quả: ‘Ký sự Syria…’ trở thành 34 phút phim tuyên truyền trơ trẽn của Damascus.
Nhóm làm “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến”.
4 . Bên lề: Mình nghĩ cảm xúc của Lê Bình và các phóng viên có thể thành thật mặc dù phim dựng đã đưa cảm xúc này nhiều hơn cần thiết.
Như đã viết ở trên, do thiếu kinh nhiệm, thiếu kỹ năng cần thiết cho chủ đề này, nhóm phóng viên đã trở thành “nạn nhân” của kịch bản tuyên truyền do Damascus dựng lên như ở một “phim trường”.
Mình khẳng định là thời gian và nơi đoàn phóng viên tác nghiệp không có gì nguy hiểm, không có “ phiến quân”, càng không có tay súng “địch” nào ở 20 mét gần đó. Cách thủ đô Syria chừng 10 cây số, có vài vùng nằm dưới kiểm soát của lực lượng đối lập. Nơi đây, có khoản 100m tới 500m vùng đệm “biên giới” giữa quân đội chính quy và “Lực lượng Syria tự do” cùng Al-Nusra (Hồi giáo cực đoan). IS/Daesh thì không có ở đây. Còn Homs thì không còn lực lượng đối lập”.
Trên trang Facebook cá nhân của nhà báo Võ Trung Dung, sau khi anh đăng tải status này, nhà báo Lê Bình – người chịu trách nhiệm sản xuất “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” đã vào bình luận và có rất nhiều trao đổi. Cụ thể, nhà báo Lê Bình cho rằng, êkíp của chị hoàn toàn có đủ bằng chứng để chứng minh chuyện “3 lần suýt chết” ở Syria là thực.
Toàn bộ những chuyện hậu trường của việc thực hiện ký sự này sẽ được lên sóng vào ngày 13.8 tới.
Theo Danviet
Lê Bình giải thích việc nhờ Lãnh sự ở Li-băng để vào Syria
Những câu trả lời của nhà báo Lê Bình và cộng sự về "Ký sự Syria" đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, trong đó có cả Đại sứ Việt Nam tại Iran.
Xung quanh những ồn ào về Ký sự Syria: Góc nhìn từ bên trong cuộc chiến phần 1 phát sóng tối 24/7, nhà báo Lê Bình và các cộng sự ngày 26/7 đã có buổi gặp gỡ và trả lời các câu hỏi của báo chí. Tuy nhiên, những câu trả lời của Lê Bình tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Các đại sứ phản biện trước câu trả lời của Lê Bình
Nhiều ý kiến chỉ ra những mâu thuẫn trong câu trả lời của nhà báo Lê Bình, bao gồm thông tin chị liên hệ với Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Li-băng (Việt Nam không có Lãnh sự quán tại Li-băng) để được phỏng vấn với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chi tiết này bị nghi ngờ là vô lý.
Lãnh sự danh dự tại Việt Nam là một doanh nhân, ông Chady Joseph Issa. Nhiều cư dân mạng đặt vấn đề ông không thể có chức năng giúp nhà báo Lê Bình liên hệ phỏng vấn Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong khi, phía Việt Nam có Đại sứ quán đặt tại Iran kiêm nhiệm luôn những vấn đề liên quan đến Syria lại không hề biết VTV có cuộc phỏng vấn này. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Có hay không việc Lê Bình và cộng sự đã liên hệ phỏng vấn được với Tổng thống al-Assad?
Tại sao Lê Bình không liên hệ với đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm các vấn đề Syria) mà phải thông qua Lãnh sự danh dự Li-băng? Mục đích thực sự sang Syria của Lê Bình và cộng sự là gì? Họ đi thực hiện một cuộc phỏng vấn hay là dàn dựng một ký sự để PR hình ảnh?
Hình ảnh nhà báo Lê Bình trong ký sự. Ảnh: chụp màn hình
Trả lời Zing.vn, Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch xác nhận những nghi ngờ ông đặt ra trên mạng xã hội. Ông viết: "Lê Bình là phóng viên làm tin về Syria mà còn không biết thông tin ai là đại diện cho Việt Nam ở Syria thì tin thế nào được cô ấy? Sơ đẳng của sơ đẳng mà không biết. Lại còn đi giới thiệu địa chỉ lạ hoắc!".
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch khẳng định: "Cô ấy không biết là nếu viết thư hỏi chuyện Syria thì phải viết hỏi... tôi. Vì tôi được Chủ tịch nước trao quyết định đại diện cho Việt Nam tại Syria chứ không phải ông lãnh sự danh dự Việt Nam tại Li-băng".
Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị cũng chia sẻ quan điểm, "Ta có lãnh sự danh dự tại Li-băng với nhiệm vụ giúp thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa và khoa học kỹ thuật giữa hai nước. Khó có việc Lãnh sự danh dự ở Li-băng lại có thể thu xếp được phỏng vấn với nguyên thủ nước ngoài (nhất là với tổng thống Syria), trong khi Đại sứ quán ta tại Iran kiêm nhiệm Syria không hề biết việc này".
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, đến những vùng chiến sự như Syria, phóng viên nước ngoài thường tham khảo trước và giữ liên hệ với Đại sứ quán để có thêm thông tin cũng như được bảo hộ khi cần thiết.
"Vì họ đã giúp tôi thực hiện Hành trình sự sống và cái chết"
Trước những phản hồi từ dư luận, Lê Bình cho biết: "Tại sao chúng tôi lại liên hệ với Lãnh sự danh dự của Việt Nam ở Li-băng ư? Năm 2015 khi thực hiện phóng sự Hành trình sự sống và cái chết ở các khu trại tị nạn của người Syria, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của cả Chady Joseph Issa".
Lê Bình chụp ảnh cùng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Li - băng Chady Joseph Issa khi làm phóng sự Hành trình sự sống và cái chết năm 2015.
Theo Lê Bình, ông Chady Joseph Issa là một người có rất nhiều mối quan hệ. Chị khẳng định chính ông Chady đã giúp Lê Bình và cộng sự gặp và phỏng vấn Tổng thống cuối cùng của Li-băng là ông Michel Sleiman (hiện tại Li-băng không có tổng thống).
"Sau ký sự về Syria, chúng tôi tiếp tục thực hiện một phóng sự về Li-băng, tôi làm điều này vì những người tôi gặp ở Li-băng quá tốt, trong đó có vợ chồng Chady. Họ yêu Việt Nam vô cùng và họ giúp bằng tất cả những gì có thể", Lê Bình nói.
"Chính họ đã cho tôi thấy, lòng tốt hiện diện ở khắp mọi nơi. Nếu các bạn vẫn thắc mắc vì sao Chady có thể liên hệ được cuộc phỏng vấn với Tổng thống Adssad, nếu các bạn không tin tôi, có lẽ chỉ còn cách các bạn nên hỏi trực tiếp Chady", Lê Bình nhấn mạnh.
Liên quan đến Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, Lê Bình giải thích: "Vì nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của vợ chồng Chady, chính ông ấy và trợ lý đã thiết kế, tổ chức và giúp đỡ chúng tôi khi làm Hành trình sự sống và cái chết nên tôi tiếp tục nhờ ông ấy thiết kế cuộc phỏng vấn với Tổng thống al-Assad.
Chị cho biết VTV cũng đã gửi công văn đến tổng thống và văn phòng tổng thống Syria, Bộ thông tin Syria đề nghị được phỏng vấn Tổng thống al-Assad. Và VTV được thông báo là được chấp nhận nhập cảnh vào Syria để thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Lê Bình và các cộng sự chụp ảnh cùng Chady và Tổng thống cuối cùng của Li-băng khi sau khi rời Syria đầu tháng 7/2016.
"Hay, ở phân tích của đại sứ Lương Thanh Nghị, chúng tôi không từ chối cuộc phỏng vấn. Tôi đã trả lời rất rõ với các báo ngày 26/7, chúng tôi bị yêu cầu phải đợi thêm, trong khi chờ đợi, chúng tôi gặp nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, chúng tôi đã quyết định từ bỏ và ra về", Lê Bình giải thích.
Lê Bình cho rằng Ký sự Syria trong khuôn khổ một tác phẩm báo chí đã có những điều làm được và chưa làm được, nhưng sự việc đang bị thổi phồng và đẩy đi quá xa so với những gì chị và ê-kíp có thể lường được.
Chị tái khẳng định dù cảm nhận được sức ép, nhưng sẵn sàng đứng ra trả lời tất cả mọi câu hỏi liên quan và cung cấp những bằng chứng có thể để khẳng định sự thật xung quanh ký sự đã thực hiện ở Syria cùng các cộng sự.
Theo Zing
Nhà báo Lê Bình: 'Tôi không diễn kịch ở Syria' "Ký sự Syria" của nhà báo Lê Bình và cộng sự đài truyền hình VTV ngay khi phát sóng đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng Lê Bình đã diễn kịch ở Syria. Trưa 26/7, nhà báo Lê Bình có cuộc tiếp chuyện phóng viên Zing.vn ngay tại nơi làm việc của VTV24, thẳng thắn trả...