Nhà báo Hùng Võ và hành trình “lật mặt” tội ác dưới tán rừng xanh
Từ những tiếng khóc xé lòng giữa rừng xanh đại ngàn, đến những trận lũ lịch sử gây thiệt hại lớn về người và của, về lâm sản, “ vàng đen”… đã thôi thúc nhà báo trẻ Võ Mạnh Hùng thực hiện nhiều loạt bài điều tra về đề tài môi trường và liên tiếp 6 năm liền giành nhiều giải thưởng báo chí…
Nhà báo Hùng Võ giữa lòng hồ thuỷ điện, nơi được mệnh danh là “nghĩa địa rừng xanh tố cáo kẻ sát nhân”. Ảnh: NVCC
Hành trình xuyên rừng ám ảnh
Nhà báo Võ Mạnh Hùng (nhà báo Hùng Võ) đang công tác tại Báo điện tử VietNamPlus, trực thuộc TTXVN. Anh đau đáu về thực trạng phá rừng suốt nhiều năm qua. Tôi hẹn gặp anh trong một ngày hè oi ả, trước thềm kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sau khi mở đầu bằng những niềm vui vừa “mang về” từ huyện đảo Trường Sa với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà báo Hùng Võ nhấp ngụm cà phê đặc sánh, kể: “Điểm đầu tiên trong hành trình xuyên rừng đi tìm “tội ác” dưới những tán rừng xanh của tôi là Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam. Hôm đó, đoàn chúng tôi có 2 người. Trước chuyến đi, tôi đã liên hệ với một đồng chí công an huyện, người này hứa sẽ cung cấp thông tin và dẫn chúng tôi đi đến điểm nóng phá rừng. Thế nhưng, khi đến nơi, người này đã thẳng thừng từ chối với lý do “tôi xin lỗi, tôi không cung cấp được gì hơn vì nếu lộ ra, sẽ bị trả thù”.
Nguồn tin ban đầu bị cắt đứt, tôi và một người anh đồng hành chỉ biết nhìn nhau thở dài. Tôi chợt nghĩ đến lực lượng bảo vệ tuyến đầu còn “lo bị trả thù”, thì những nhà báo trẻ “đất khách quê người” như chúng tôi sẽ như thế nào đây (?). Liên hệ với các đơn vị liên quan và người dân, tôi nhận được cái lắc đầu, đều vì sợ bị trả thù. Khi tinh thần đang có phần giảm sút thì may mắn, tôi gặp được một “lâm tặc” nay đã hoàn lương. Sau khi nghe về mục đích của chuyến đi cùng những khó khăn tôi đang gặp phải, anh đã đồng ý giúp chúng tôi. Anh tận tình hướng dẫn cho chúng tôi cách đối phó khi bị “lâm tặc” phát hiện là đóng giả người dân tộc đi tìm nấm lim xanh, mật ong rừng để bán”.
Những quần âu, áo sơ mi, quần jean được xếp lại, thay bằng những bộ quần áo cũ kỹ mặc đi rừng của người dân tộc, cùng mái tóc được xoa thêm đất và nhựa cây để hoá trang. Biết rằng chuyến đi này sẽ rất nguy hiểm, nhưng nhìn bộ dạng đoàn đi lúc này, ai cũng… phì cười để xốc tinh thần chiến đấu.
Sau 2 giờ đồng hồ di chuyển trên sông Bung và vượt qua 3 quả núi cao, muỗi, ruồi vàng, vắt đốt, gai cào đến chảy máu, đoàn cũng đến được điểm nóng đầu tiên. Hình ảnh hiện ra trước mắt nhà báo Hùng Võ là những cây đại thụ lim xanh, sến táu… nằm la liệt giữa đại ngàn. Nhựa cây vẫn còn chảy, vết chặt vẫn còn mới, lán trại dựng lên vẫn còn tro bếp, họ nhìn nhau lắc đầu, xót xa.
Video đang HOT
Hình ảnh phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) và đất trống đồi trọc vì nạn phá rừng ồ ạt. Ảnh: NVCC
“Các anh chụp ảnh hay ghi hình thì nhanh lên không nhỡ bọn chúng quay lại là làm mồi cho thú đấy”, lời người dẫn đường vang lên khiến ai nấy đều sực tỉnh. Đang mải miết ghi lại hình ảnh, nhà báo Hùng Võ giật mình bởi một tiếng “rầm” làm rung chuyển mặt đất, ngước lên phía bên kia bìa rừng, một khoảng cây rừng đã bị hạ xuống. “Lại một cụ lim nào đó ngã xuống rồi”, người dẫn đường thở dài.
“Mình trước đây cũng ăn ở trong rừng suốt, cả năm chẳng về nhà. Mỗi khi có khách đặt là các chủ cai sẽ đứng ra nhận, gỗ sẽ được xẻ thành từng thanh theo kích thước đặt hàng. Ngày xưa, khu này gỗ quý nhiều lắm, nhưng giờ hết rồi, phải đi sâu vào trong mới có… Nghề này bạc lắm, hút máu rừng xanh mà. Ráo mồ hôi là hết tiền”, người dẫn đường xót xa.
Ký ức về chuyến đi đang được kể lại như một dòng chảy, nhà báo Hùng Võ trở nên trầm lắng khi nhớ lại quãng thời gian 9 ngày nằm viện tưởng chừng như vô vọng. Bởi chỉ trong 9 ngày đó, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai không thể tìm ra được bệnh tình của anh. Trong khi, 24/24 giờ, thân nhiệt anh giữ ngưỡng 39,5 – 39,8 độ C cùng thông báo anh bị nhiễm khuẩn máu vào ngày thứ 10 nằm viện, chính là kết quả sau hơn nửa tháng xuyên rừng, dầm mưa rừng, ăn – nằm với muỗi, vắt.
Qua những ngày “thập tử nhất sinh”, anh tiếp tục hành trình lật mặt tội ác dưới những tán rừng xanh, tại vùng đất Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, khi những trận lũ quét lịch sử, cùng những nỗi đau chồng chất chưa nguôi.
Tội ác dưới những tán rừng xanh…
Được phân công theo dõi mảng tài nguyên môi trường, nông nghiệp từ năm 2012, nhà báo Hùng Võ đã có nhiều tác phẩm phản ánh, điều tra như: Tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, tuồn bán than lậu, quy hoạch thuỷ điện ồ ạt… được thể hiện dưới dạng Mega Story, với các biểu đồ, bản đồ tương tác từ những biểu bảng phức tạp, nhưng lại rất dễ hiểu với bạn đọc. Những tác phẩm dài kỳ này đã giúp anh liên tục giành các giải thưởng báo chí về môi trường.
Bén duyên với loạt đề tài về môi trường, chính là hành trình anh đi tìm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi “vì sao lại thường xuyên có lũ quét, vì sao nước ta vẫn đề xuất nhập khẩu khoáng sản, trong khi chúng ta không những có “rừng vàng, biển bạc”, mà còn có trữ lượng khoáng sản đứng thứ 5 ở Đông Nam Á”. Đó chính là nạn phá rừng.
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã có “lệnh đóng cửa rừng”. Để bảo vệ rừng, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã bố trí nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng để chi trả cho dịch vụ môi trường, bảo vệ rừng. Vậy nhưng nhiều cánh rừng vẫn lén lút bị tàn phá.
Trong 11 bài viết điều tra về tình trạng phá rừng của nhà báo Hùng Võ đã khiến độc giả hiểu rằng, nguyên nhân của những “tiếng khóc” từ đại ngàn, ngoài những đối tượng lâm tặc thì không ai khác, chính một số người ăn lương nhà nước được giao trọng trách, bảo vệ rừng đã không làm tròn trách nhiệm.
Nhấp vội ngụm cà phê để xua tan những ám ảnh về những khoảng rừng đã bị “xoá sổ” Võ Mạnh Hùng bảo, hy vọng sau này, những khoảng rừng trắng đó sẽ được thay thế bằng màu xanh, do chính con người tạo nên…
Từ năm 2013 đến nay, với những nỗ lực của bản thân, nhà báo Hùng Võ đã giành được gần 20 giải thưởng, bằng khen vinh danh. Điển hình như năm 2018, anh giành Giải Báo chí với phát triển bền vững 2018. Năm 2019, anh được Giải phóng sự xuất sắc về đề tài môi trường – Hội Báo toàn quốc.
Bảo Loan
Theo giadinh.net
Vụ khai thác trái phép ở Nam Giang : Đề nghị truy tố giám đốc Cty Xuân Chí cùng Kiểm lâm viên địa bàn
Lợi dụng giấy phép được cấp cùng việc thiếu kiểm tra, giám sát của lực lượng Kiểm lâm, Nguyễn Minh Chí - Giám đốc Cty TNHH SXTM & DV Xuân Chí tổ chức phá rừng một cách công khai, diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.
Dù kín kẽ đến đâu nhưng cũng bị bại lộ, với sai phạm đó vừa qua cơ quan điều tra CAH Nam Giang (Quảng Nam) đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố Nguyễn Minh Chí về tội danh "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".
Hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép tại H. Nam Giang.
Theo hồ sơ vụ án: Trong khoảng thời gian từ tháng 3-2018 đến 9-2018 Nguyễn Minh Chí (1972, trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là Giám đốc Cty TNHH MTV SXTM và DV Xuân Chí, trụ sở tại thôn Vinh, Tà Pơơ, H. Nam Giang (Quảng Nam) lập hợp đồng mua bán gỗ vườn nhà trên đất rừng đã được UBND H. Nam Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của các hộ dân, gồm: ông Pơ Loong Phin (1975), Bờ Nước Ngăm (1969); Ka Phu Mếch (1974); Hiêng Ngờ (1958); Bhling Bheh (1958), cùng trú tại thôn Tà Un, Chà Vàl, H. Nam Giang. Ký hợp đồng xong, Nguyễn Minh Chí lập giấy đề nghị cấp phép khai thác gỗ. Trong giấy, nêu rõ số lượng cây, khối lượng, loại gỗ được khai thác như: Gáo, Xoài, Sung, Gạo, Mít, Trẫu, Dầu lai... và được ông Nguyễn Nhị- cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl ký xác nhận để ông Tơ Đên Sơn- Chủ tịch UBND xã Chà Vàl ký cho phép khai thác.
Được sự cho phép của UBND xã Chà Vàl, Nguyễn Minh Chí tổ chức thuê người khai thác gỗ tại vườn rừng của các hộ ông Bhling Bheh, Hiêng Ngờ, Ka Phu Mếch, Bờ Nước Ngăm, Pơ Loong Phin vận chuyển về xưởng chế biến để bóc tách làm ván ép. Ngày 5-9-2018, khi Nguyễn Minh Chí đang tổ chức khai thác gỗ tại khu vực vườn rừng hộ ông Pơ Loong Phin đã bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện khai thác gỗ ngoài khu vực cho phép với số lượng lớn nên tiến hành khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Qua điều tra, Nguyễn Minh Chí khai nhận: Lợi dụng giấy phép, tổ chức khai thác ngoài phạm vi diện tích đã được cấp cho các hộ và khai thác chủng loại gỗ ngoài danh mục theo giấy đề nghị được UBND xã Chà Vàl cho phép. Cụ thể, tại khu vực khai thác gỗ của hộ ông Pơ Loong Phin, Nguyễn Minh Chí đã thuê ALăng Thuận (1993), Bơ Long Hót (1992), ZơRâm Thạch (1998), Blúp Lía (1983), BNướch Minh (1980), Nguyễn Ngọc Hận (1979), Nguyễn Văn Công (1977), Tơ Ngôl Tuấn (2002) sử dụng máy cưa và xe công nông khai thác 91cây gỗ gồm các loại Trám hồng Gội đỏ, Hoàng linh, Dầu rái... thuộc nhóm 3 đến nhóm 8, với khối lượng 51,754m3 thuộc khu vực rừng phòng hộ sông Thanh. Tương tự, tại khu vực khai thác gỗ theo giấy đề nghị cấp phép khai thác của hộ Ka Phu Mếch, Bờ Nước Ngăm, Chí thuê A Rất Nguyên (1992), Tơ Đên Đô (1998), Đinh Văn Tí (1945), Phạm Văn Xênh(1985), BNướch Minh (1980) khai thác 15 cây gỗ thuộc nhóm 6,8 có khối lượng 11m3. Khu vực được cấp phép khai thác cho hộ ông Hiêng Ngờ, Nguyễn Minh Chí đã thuê BNướch Minh (1980), Nguyễn Ngọc Hận (1979), Đinh Văn Tí (1945), Phạm Văn Xênh (1985), Blúp Lía (1983) khai thác 13 cây gỗ...
Theo Kết luận định giá tài sản số 72 ngày 9-1-2019 của Hội đồng định giá tài sản tỉnh Quảng Nam: Tổng số gỗ thuộc rừng phòng hộ, rừng sản xuất tự nhiên và rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng đã bị Nguyễn Minh Chí khai thác trái phép là hơn 87m3, với tổng giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường rừng là 331.992.500 đồng. Cũng trong quá trình điều tra, CA tỉnh Quảng Nam đã xác định Nguyễn Nhị- cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl buông lỏng công tác quản ý, bảo vệ rừng để cho Nguyễn Minh Chí và một số đối tượng khác thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép. Theo đó, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl từ tháng 1-2017 đến ngày bị bắt Nguyễn Nhị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã Chà Vàl cấp phép khai thác gỗ vườn của 5 hộ dân trên địa bàn xã Chà Vàl nhưng không kiểm tra chặt chẽ dẫn đến việc Nguyễn Minh Chí lợi dụng khai thác trái phép gỗ gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Trước đó, trong khoảng thời gian từ tháng 12-2017 đến ngày 7-3-2018 với nhiệm vụ Kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl nhưng Nguyễn Nhị không kiểm tra, không phát hiện ra các vụ việc khai thác gỗ trái phép tại địa bàn mình quản lý, không kịp thời tham mưu cho Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung để có biện pháp ngăn chặn kịp thời dẫn đến việc khai thác 34 cây gỗ lim xanh tại khoảnh 1 và khoảnh 3, tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, H. Nam Giang gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền 9.658.842.000 đồng. Với hành vi này, Nguyễn Nhị bị đề nghị truy tố về tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Mặc dù hai hành vi khác nhau nhưng có chung một hệ quả là lâm sản và môi trường rừng bị xâm hại, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, vì vậy, một kẻ tổ chức khai thác rừng trái phép và một người không thực hiện tốt chức trách được giao... đã bị CAH Nam Giang đề nghị truy tố.
M.T
Theo cadn.com.vn
Vụ giám đốc bất lực, mặc rừng tan nát: Có hay không việc bảo kê? Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc làm rõ các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng...