Nhà báo có chán nghề không?
Phải làm thế nào để có thể hành nghề một cách ngay ngắn đàng hoàng mà vẫn… khoẻ? Sẽ có một bộ phận nhà báo trả lời được câu hỏi này, và sẽ có một bộ phận khác hoang mang, bất lực trước câu hỏi này. Và từ hoang mang, bất lực đến chán nản là một con đường rất ngắn.
Nhà báo có lúc nào chán nghề báo không? Có chứ! Đến yêu một ai đó phát điên phát cuồng còn có lúc chán, nói gì đến chuyện làm nghề. Hôm qua, 21/6, một người đồng nghiệp đàn anh vào comment facebook: Bây giờ, nếu không làm báo, chúng ta làm gì?
Dòng comment gợi nhiều suy nghĩ và những sự chọn lựa ngày nào. Hồi ấy thi vào trường báo, học nghề báo nhưng thực sự chẳng hiểu gì về nghề báo cả. Hỏi 100 sinh viên ngồi ở giảng đường báo chí về sự chọn lựa của mình chắc phải đến 80-90% sẽ trả lời đơn giản là thích viết lách – vậy thôi!
Làm nghề, va vấp, trải nghiệm rồi mới nhận ra, thích viết lách là chưa đủ! Nhà báo cần phải có những phẩm chất khác, những năng lực khác, mang tính quyết định hơn: Sự dấn thân, khả năng chịu áp lực, khả năng nhìn nhận vấn đề duy lý. Và ở một chừng mực nào đó còn là khả năng đối diện với rất nhiều rủi ro.
Nếu không làm báo, anh em ta làm gì? Sau dòng comment ấy, anh đồng nghiệp thổ lộ: “Như ở tuổi của anh, bây giờ tự thấy không đủ kĩ năng để bắt đầu lại. Không làm báo nữa, thực sự cũng chẳng biết phải làm gì”. Nghe có phũ phàng không? Phũ phàng, nhưng rất thực! Nghe có gì đó như là một thoáng chán nản với nghề nghiệp không? Có! Sự thực là có.
Chán vì sống với nghề này, và sống một cách chân phương, thuần tuý, nhà báo phải rất nhọc nhằn mới kiểm đủ tiền nuôi nấng gia đình, vợ con. Có thể đâu đó người ta sẽ gặp những nhà báo rất giàu có, đi trên những chiếc xe ô tô rất sang trọng, ở trong những biệt thự rất nguy nga, đấy chắc chắn chỉ là một số rất ít những người làm báo chứ không đại diện cho số đông hàng vạn nhà báo hiện nay.
Còn với số đông những nhà báo ăn lương toà soạn, sống bằng nhuận bút nghề báo bây giờ càng ngày càng khó sống. Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là facebook, báo chí chính thống thường đi sau. Mà đã đi sau thì luôn phải đau đầu giải quyết bài toán sinh tồn. Vì thế chăng mà một bộ phận nhà báo hiện tại chỉ còn “gá” tên mình trên báo, còn thực tế, lãnh địa hoạt động – thu nhập chính của họ là… trên facebook.
Chán vì nhiều lúc thấy ngòi bút mình bất lực. Có cảm trăm vạn lý do bất lực và trăm vạn kiểu bất lực khác nhau. Bất lực trong việc nhìn ra một bản chất thật sự giữa những mê hồn trận của một vấn đề. Bất lực trong việc không thể làm mới chính mình, nên không thể thoát khỏi chính cái bóng của mình. Bất lực trong việc không thể bắt đúng mạch của độc giả, và nói đến cùng những thứ mà độc giả thực sự đang mong muốn. Bất lực trong việc muốn sống thì phải chạy theo view, mà nhiều lúc chạy theo view thì lại vi phạm những tín điều thiêng liêng nào đó trong lòng mình.
Phải làm thế nào để có thể hành nghề một cách ngay ngắn đàng hoàng mà vẫn… khoẻ? Sẽ có một bộ phận nhà báo trả lời được câu hỏi này, và sẽ có một bộ phận khác hoang mang, bất lực trước câu hỏi này. Và từ hoang mang, bất lực đến chán nản là một con đường rất ngắn.
Có những người chán nghề sẵn sàng bỏ nghề, vì nhìn thấy một cánh cửa khác. Có những người chán nghề nhưng không thể bỏ nghề, vì không thấy bất cứ cánh cửa nào mở ra. Có những người vừa cố làm nghề vừa kinh doanh buôn bán, kể cả buôn bán đất đai theo kiểu đại gia lẫn buôn bán mấy thứ hàng vặt trên facebook. Ở một toà soạn nọ đã và đang diễn ra cảnh gần như tất cả các nhà báo nữ, trong đó có cả những cây bút lẫm liệt một thời giờ vừa cố bám nghề, vừa dồn thời gian, tâm huyết bán đồ ăn trên mạng. Nên buồn hay vui?
Ở một thời đại mà báo chí chính thống rất khó cạnh tranh vai trò “đi trước” với mạng xã hội, trong một bối cảnh mà những người viết báo chân chính càng lúc càng khó sống thì ở đâu đó, tâm lý chán nản là dễ hiểu. Chán ở đây không phải là cái chán cá biệt, mà là cái chán mang tính hội chứng, phản ánh một đặc thù tâm lý của một bộ phận người làm báo đương thời.
Video đang HOT
Vậy thì những lúc chán, nhà báo nghĩ gì?
Một bạn đồng nghiệp kể rằng, những lúc ấy mình nghĩ đến những tấm gương lớn trong nghề. Những tấm gương có thật, ngay ở thời đại của mình, chứ không phải là những tấm gương bước ra từ một thời làm báo khói lửa chiến tranh. Những tấm gương như thế đôi khi vẫn xuất hiện, và được anh em trong nghề suýt xoa.
Nhà báo Nguyễn Thu Trang.
Như câu chuyện về hai nữ nhà báo Thu Trang (báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) và Liên Liên (Đài truyền hình Việt Nam) chẳng hạn, là phận nữ nhưng hai chị đã lặn lội nhiều đêm ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), đối diện với rất nhiều những lời đe doạ của những “thế lực ngầm” để thực hiện một loạt bài điều tra, vạch mặt cả một hệ thống bảo kê ngang ngược.
Chị Thu Trang tâm sự rằng, trong quá trình điều tra đã hơn một lần chị và gia đình chị bị dọa giết. Lần ấy, cảm giác đầu tiên của chị là muốn chạy ngay đến trường học để được tận mắt nhìn thấy đứa con mình vẫn đang chơi đùa lành lặn. Và chị bảo áp lực kinh khủng đến mức đã có lúc chị muốn dừng lại. Nhưng rồi nghĩ đến những tiểu thương thấp cổ bé họng, những người bị băng nhóm bảo kê chèn ép đến “tức thở”, chị không cho phép mình dừng lại nữa. Nhờ những nhà báo như chị Thu Trang, chị Liên Liên mà cuối cùng công lý được lấy lại, và quyền lợi của những con người thấp cổ bé họng được thực thi.
Hình ảnh nhà báo Liên Liên tác nghiệp tại chợ Long Biên.
Một bạn đồng nghiệp tâm sự: “Chỉ cần nghĩ đến sự dấn thân của những người như Thu Trang và Liên Liên là tự mình lại nói với mình: trong cái nghề này, mình chưa đủ tư cách để mà kêu ca, chán nản. Và khi tự mình nói với mình như thế thì lại có thể tiếp tục vượt mọi khó khăn để làm nghề”.
Năm 2017, nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư của TTXVN về Yên Bái ghi hình một trận lũ quyét. Anh đội mưa, đứng giữa cầu, hướng camera xuống dòng nước lũ. Bất ngờ cầu sập, anh bị dòng nước cuốn đi, mãi mãi không về. Năm 2013, nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen của Đài truyền thanh Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng mãi mãi ra đi, không về khi thực hiện nhiệm vụ đưa tin về siêu bão Haiyan. Lúc ra đi, cả Đinh Hữu Dư và Nguyễn Thị Hồng Sen đều còn rất trẻ. Sự ra đi của họ nói rằng ngay trong thời hiện đại này, nghề báo vẫn đầy rủi ro. Vì trách nhiệm với một tấm ảnh, một thước phim, một con chữ mà nhà báo đã phải đổ mồ hôi, đổ máu, và thậm chí hy sinh cả tính mạng mình.
Nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư – PV TTXVN thường trú tại Yên Bái.
Sự thiêng liêng cao quý của nghề báo được gìn giữ bởi những con người đầy trách nhiệm và dấn thân như thế! Và nhìn vào những sự thiêng liêng, cao quý ấy mà mỗi lúc chán nản, người làm báo lại có nhiều động lực để vượt qua.
Đúng là làm nghề ngày một khó, và ngày một nghèo. Đúng là nếu tìm được một cánh cửa nghề nghiệp nào khả dĩ hơn thì có thể cũng đã bỏ nghề rồi. Nhưng một ngày còn làm nghề là một ngày còn tự nhắc nhở: Dẫu sao mình vẫn đang được sống bằng chữ nghĩa, mua sữa cho con bằng chữ nghĩa, nuôi nấng gia đình bằng chữ nghĩa. Chữ nghĩa có thể khiến người ta nghèo khó và đầy dằn vặt, nhưng bản chất sâu xa của chữ nghĩa thì mãi mãi thiêng liêng!
Đấy chính là điều lớn nhất mà nghề nghiệp đã cho mình!
Theo Danviet
Nhà báo 90 tuổi : Trái tim còn đập, tôi còn viết
Dù đã 90 tuổi, nhưng nhà báo cách mạng Nguyễn Thế Viên (ảnh), trú ở xóm Đông Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn rất còn minh mẫn, hoạt bát.
Với chặng đường dài làm báo của mình, ông đã đúc kết một điều rằng, luôn lắng nghe để thấu hiểu, nhạy bén để nắm bắt thời đại... và phải có một cái tâm trong sáng.
Nghề báo không có chuyện nghỉ hưu
Những ngày đầu tháng 6/2019, trong một chuyến công tác tình cờ tại huyện Yên Thành, PV Báo NTNN đã được nghe kể câu chuyện về một nhà báo lão thành, một nhà báo cách mạng dù đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn còn minh mẫn, vẫn viết báo, đọc sách vẫn theo dõi tình hình thời sự trong nước và quốc tế diễn ra hàng ngày.
Nhà báo cách mạng Nguyễn Thế Viên với bút danh Trường Sơn đang tranh thủ cho đàn gà của gia đình ăn.
Ảnh: C.T
Trong ngôi nhà tình nghĩa "Điện Biên Phủ" được Nhà nước trao tặng, ông bắt đầu kể về những câu chuyện của cuộc đời làm báo mình.
Nhà báo Nguyễn Thế Viên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng ở xóm Đông Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông Viên tâm sự: "Ở cái tuổi "thập cổ lai hy" này rồi, đôi mắt cũng mờ dần, tóc bạc, răng rụng... nhưng còn sống thì còn cống hiến vì nghề báo không có chuyện nghỉ hưu. Nếu muốn nghỉ hưu thì anh em đừng bao giờ nghĩ đến làm báo...".
Ông Viên tâm sự, ông là anh cả trong gia đình đông anh chị em, gia đình thời điểm đó rất nghèo, không đủ ăn. Năm chưa đầy 20 tuổi, ông Nguyễn Thế Viên tình nguyện đi thanh niên xung phong và sau đó đi lính và tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ.
"Học xong THPT (lúc bấy giờ là lớp 7) ông nhập ngũ, nhưng nhờ sự tìm tòi học hỏi, lại có năng khiếu viết báo bẩm sinh nên, ông đơn vị đã cử đi tham gia khóa học nghiệp vụ báo chí ở Trường Đại học tổng hợp Hà Nội, sau đó về đầu quân làm phóng viên ở Báo Quân đội Nhân dân với bút danh Trường Sơn".
Cũng từ đó, nghề báo đã đến với ông như một sợi chỉ xuyên suốt cả cuộc đời, hoàn cảnh bấy giờ rất khốc liệt giữa chốn đạn bom nên anh, em báo chí cũng là những chiến sĩ hàng đầu.
Nhớ lại kỷ niệm xưa, ông Viên bồi hồi: "Điện Biên Phủ lúc bấy giờ anh thồ, chị vác, máu trộn bùn non, ngày ba bữa cháo bẹ măng tre... những hy sinh thầm lặng nhưng họ đã làm nên lịch sử..., và lịch sử cần được ghi nhận trong trên từng trang báo và từng cuốn sách...".
Trái tim còn đập, tôi còn viết...
Hoàn cảnh đó chính là một cái duyên đưa ông đến với con đường báo chí, mà Bác Hồ từng nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ...". Lời dạy của Bác đã thấm nhuần trong tôi từ thuở ấy, ông Viên nói.
Cũng từ đấy những tác phẩm của ông đã ra đời như: "Những người mở lối" (1954), "Gió đại phong" (1961) hay "Tây Nguyên trong lòng Tổ quốc"... là những tác phẩm ghi lại hai cuộc chiến tranh ác liệt của tổ quốc. "Mặt trận là nhà, bom đạn là sự kiện. Chỉ có máu và nước mắt là hai thứ đau khổ nhất phải chảy, mà chỉ có ngòi bút mới nói lên được tất cả..."- ông Viên tâm sự.
Trở lại với cuộc sống hòa bình, trở về chốn quê thanh bình từ thời trai trẻ, nhà báo Trường Sơn có cuộc sống điền viên bên con cháu và gia đình. Với ông thời gian là vàng, lao động nghệ thuật, là một niềm vui lớn lao. Hình ảnh cụ già với mái tóc bạc, râu dài hàng ngày vẫn rong ruổi khắp chốn làng quê ấy đã trở nên quen thuộc với những người dân quê lúa Yên Thành.
Hàng ngày ông vẫn trên chiếc xe đạp điện đi qua từng ngõ nhỏ, xóm làng hăng say hoạt động làm thơ, làm báo... Với ông đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời. Ông đã né tránh cuộc sống hào quang ở chốn thành thị cùng vợ con để về với vùng quê yên bình, nuôi gà và chơi với những đứa trẻ.
Hiện nay, dù ông đã 90 tuổi, nhưng ông vẫn đảm trách công việc Chủ tịch hội thơ Đường của huyện Yên Thành. Với ông, dù tuổi đã thành "lão" rồi, nhưng sẽ còn làm báo khi trái tim còn đập, chân còn đi được, tay còn viết được...
Năm 2014, ở cái tuổi 85, tác phẩm "Âm vang Điện Biên" đã đem lại cho ông giải Ba Giải báo chí quốc gia. "Đây là tác phẩm bao nhiêu năm ấp ủ, và nhớ lại thời khắc chiến tranh sinh tử tại trận chiến khốc liệt Điện Biên Phủ khiến tôi không khỏi trằn trọc. Sau nhiều ngày ấp ủ, tôi đã viết nên tác phẩm này, và được nhiều bạn đọc đón nhận. Đó là thành quả rất ngọt ngào đối với ông.
Theo Danviet
Nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách "Thời cuộc và văn hóa" Trong bài viết "Hồ Quang Lợi - một cây bút chính luận xuất sắc", TS Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: "Tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt...