Nhà bản quyền Toyo chứng nhận thành tích sáng tạo của Phân Bón Cà Mau
Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) đã thành công trong việc sửa chữa, cải tạo hệ thống tạo hạt xưởng Ure vận hành tối đa công suất, được Nhà bản quyền Toyo (Nhật Bản) trao chứng nhận thành tích vào ngày 31/03/2022 vừa qua.
Thành lập vào năm 2011, Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất thiết kế từ 800.000 tấn mỗi năm. Trong quá trình vận hành hơn 10 năm liên tục không tránh khỏi hao mòn máy móc hoặc sự cố ngoài ý muốn. Tuy nhiên, với năng lực quản trị rủi ro cao, sự cẩn trọng tối đa, tập thể PVCFC đã nhanh chóng khắc phục các sự cố bất ngờ, duy trì nhà máy hoạt động xuyên suốt và an toàn trong suốt những năm qua.
Biến khó khăn thành bệ phóng
Một trong những thách thức lớn với đội ngũ PVCFC là khắc phục tính phức tạp để tiến đến làm chủ công nghệ Toyo tạo hạt tầng sôi thuộc hệ thống tạo hạt xưởng Ure. Từ những bỡ ngỡ và thất bại ban đầu, PVCFC đã lập kỷ lục đưa thiết bị vào vận hành ổn định công suất 2.650 tấn/ngày ở tải cao 112%. Không những vậy, thành tích này kéo dài liên tục trong chu kỳ từ ngày 07/02 đến 23/03/2022 đã tạo lợi ích rất lớn cho PVCFC, cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trở thành niềm tự hào mạnh mẽ của tập thể người lao động.
PVCFC đã lập kỷ lục đưa thiết bị vào vận hành ổn định công suất 2.650 tấn/ngày ở tải cao 112%.
Công nghệ này ra đời cuối thập niên 1970 từ Nhà bản quyền Toyo hàng đầu Nhật Bản. Tiếp nhận vận hành từ năm 2012, đội ngũ PVCFC bước đầu vướng phải một số bất cập do đặc trưng khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thành phẩm. Hạt ure chưa đạt yêu cầu như thiết kế và hệ thống sinh ra bụi nhiều. Đặc biệt chu kỳ vận hành liên tục của cụm tạo hạt rất ngắn, chỉ từ 07 – 10 ngày (thấp rất nhiều so với mục tiêu 30 ngày thiết kế).
Thời gian dừng hệ thống tạo hạt để tiến hành thực hiện rửa thiết bị mất từ 06 đến 08 giờ. Việc này gây bất lợi đến sản lượng cũng như phải tiêu hao nguồn năng lượng rất lớn. Kể cả vừa khởi động đã phải lập tức dừng lại để vệ sinh đòi hỏi huy động rất nhiều nhân sự và tiêu tốn thời gian. Áp lực liên tiếp và cao trào khiến đội ngũ kỹ sư PVCFC không khỏi đôi lần mệt mỏi và thất vọng. Thế nhưng, như bao lần trước khó khăn, tinh thần Người dầu khí càng phát huy mạnh mẽ, là kim chỉ nam cho từng cá nhân ra sức nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Chu kỳ vệ sinh tạo hạt xưởng Ure được cải thiện liên tục trong 10 năm qua.
Sự cầu tiến, lòng yêu nghề và tư duy tích cực, cùng sự đồng hành khích lệ của Ban lãnh đạo, những “người hùng” PVCFC đã làm nên thắng lợi vẻ vang.
Tại PVCFC đã có đến hàng chục phát kiến lớn nhỏ liên tục từ năm 2012 đến 2020, trong đó có 03 sáng kiến cấp Tập đoàn, tập trung khắc phục tình trạng của các điểm nghẽn và chất lượng hạt Ure. Cụ thể, giải pháp cải tạo đường hút chân không của thiết bị S06104 giúp duy trì hệ thống chân không vận hành ổn định hơn, dịch Ure sau khi cô đặc được đưa về đúng với giá trị thiết kế.
Thành công nối tiếp thành công, giải pháp thay kích thước lưới sàng rung từ 4,75mm xuống 4,5mm và 3,0mm lên 3,3mm giúp tăng lượng mầm quay về, đồng thời giúp tăng sự đồng đều của hạt sản phẩm. Một “chiến tích” nổi bật khác phải nhắc đến nữa chính là cải tạo 03 vòi phun số 2, 3 và 9 từ dạng chữ U thành chữ I. Thành quả này được khen thưởng cấp Tập đoàn năm 2015 khi mang lại sự linh động trong công tác tăng hoặc giảm tải cụm hạt theo yêu cầu thực tế.
Video đang HOT
Kỷ lục cho nỗ lực và đam mê
Đối với chu kỳ vệ sinh tạo hạt xưởng Ure, đội ngũ PVCFC đã ngày đêm nghiên cứu, không ngại thất bại qua hàng trăm lần điều chỉnh, đã được cải thiện liên tục trong 10 năm qua. Cuối cùng, chông gai cho quả ngọt, tất cả các thông số kỹ thuật – thời gian vận hành đều đạt điều chỉnh như đội ngũ mong muốn.
Từ khởi điểm năm 2012 duy trì vận hành 07 – 14 ngày, thời gian đã dần tối ưu hơn như năm 2015 là 14 – 21 ngày, đến 2020 tăng 18 – 35 ngày. Thời gian vệ sinh từ 08 giờ (tải 100%) cũng giảm còn 06 giờ (tải 111%). Đặc biệt tháng 3 vừa qua, cột mốc 45 ngày vận hành liên tục đã tạo ấn tượng, chinh phục sự hài lòng của các chuyên gia Nhật Bản. Phân Bón Cà Mau mang về chứng nhận kỷ lục trong số các nhà máy khu vực nhiệt đới sử dụng công nghệ tạo hạt tầng sôi của Toyo.
Cùng với nhiều đơn vị uy tín khác, việc Nhà bản quyền Toyo Engineering Corp. (TEC) hàng đầu Nhật Bản trao chứng nhận một lần nữa khẳng định năng lực, trình độ của đội ngũ kỹ sư PVCFC ngày càng lớn mạnh theo thời gian.
Hơn một thập kỷ vượt gian khó để trưởng thành hơn, Phân Bón Cà Mau hôm nay đã khẳng định được vị thế của một thương hiệu chất lượng cũng như bản sắc văn hóa sáng tạo, đổi mới. Giải thưởng là niềm vui lớn nhưng trên hết PVCFC càng tự hào về truyền thống “luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn hành động, luôn luôn cải tiến” đã theo tập thể trong suốt hơn 11 năm qua, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho Công ty, làm lợi cho Tập đoàn và góp phần vào xây dựng phát triển đất nước./.
Nông dân choáng váng vì giá phân bón tăng mạnh, các doanh nghiệp cũng... "bất lực"
Nông dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4.
Ở phía Bắc, nông dân đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần. Vì vậy, áp lực tăng giá phân bón khiến nông dân khắp cả nước như "ngồi trên lửa".
Giá phân bón được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Quốc Hải
Việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón trong giai đoạn này đóng vai trò rất quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước.
Năng lực sản xuất phân bón của Việt Nam ra sao?
Thực tế, hiện tại các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: Urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK... cùng nhiều loại phân bón hữu cơ khác.
Cụ thể, trong năm 2021, sản xuất trong nước bao gồm các loại urea của 4 nhà máy, DAP của 2 nhà máy, phân bón chứa lân (bao gồm lân nung chảy, supe lân), các loại phân bón NPK,... của hàng trăm nhà máy khác. Sản lượng phân bón đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2020.
Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại từ urea, đến DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK,..
Trong khi hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn (bao gồm urea, NPK, phân bón hữu cơ...).
Tuy nhiên, riêng với phân SA và kali thì Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Do đó, giá phân bón được dự báo thời gian tới sẽ tăng cao khi xung đột Nga- Ukraine không ngừng leo thang.
Cụ thể, theo Rabobank (một ngân hàng hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm) dự đoán giá phân bón trên thế giới sẽ tăng 20% đến 40%, tùy theo từng kịch bản của cuộc xung đột Nga - Ukraina, cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mỗi năm Nga và Belarus đang chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, Vinacam dự báo giá kali sẽ sớm cán mức 15 - 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.
Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 - 1.200 USD/tấn thì kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 - 25 triệu đồng/tấn.
Một số loại urea sản xuất trong nước cũng đang có xu hướng tăng giá hoặc nguồn cung ra thị trường bị hạn chế.
Trong khi đó, cùng với sự tắc nghẽn của thị trường nhập khẩu, nhiều khả năng ngay trong quý 2 sẽ diễn ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP 64% nhập khẩu và khả năng giá trong nước sẽ tăng lên 25 triệu đồng/tấn.
Các DN phân bón trong nước cũng đang rất áp lực trước đà tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào. Ảnh: Quốc Hải
Trước đà tăng của giá phân bón, nhiều nông dân ở ĐBSCL cho biết đang cân nhắc xuống giống vụ tới.
Ông Nguyễn Minh Điền (huyện An Lục Long, Long An), cho hay, gia đình ông đang phân vân không biết có nên xuống giống vụ hè thu hay không.
"Giá phân bón tăng mạnh như bây giờ, nếu tính toán không kỹ là xác định chết chắc", ông nói.
Theo kế hoạch, gia đình ông Điền sẽ gieo sạ vào khoảng 20-25/3. Nhưng có thể chuyển vào giữa tháng 4 để... "nghe ngóng thêm tình hình".
Doanh nghiệp cũng "bất lực" trước áp lực tăng giá
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho hay, với các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón có đầu vào là khí thì đương nhiên khi giá dầu tăng thì giá đầu vào phải tăng theo.
"Không chỉ là giá dầu tăng khiến DN bị ảnh hưởng, do chúng tôi nhập DAP từ Nga để sản xuất NPK nên cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung sản phẩm này càng thêm khó khăn", bà Hiền nói.
Nếu theo lý thuyết sản xuất NPK công suất 300.000 tấn của nhà máy, thì một năm Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau phải nhập từ 50.000 - 100.000 tấn DAP.
"Nguồn chính của DAP trên thế giới là từ Nga và Trung Quốc. Mà Trung Quốc hiện tại thì đã cấm xuất khẩu rồi, còn lại là nguồn từ Maroc nhưng nước này cũng nhập ammoniac từ Nga để sản xuất DAP nhưng hiện nay cũng gặp khó. Do đó, nguồn cung DAP hiện tại là cực kỳ khó khăn", bà Hiền chia sẻ thêm.
Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiền, công ty cũng đang nghe ngóng tình hình và có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Bởi, nếu cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng thì sẽ khó khăn, ngược lại nếu hạ nhiệt thì tình hình sẽ bớt ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, dù sao thì tình hình giao thương cũng bị ảnh hưởng ít nhất trong 6 tháng chứ không thể ổn định ngay được", bà Hiền nhận định.
Lãnh đạo một DN phân bón ở TP.HCM thì nhận định, giá phân bón thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới. Do đó, các cơ quan chức năng nên có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó.
Theo vị này, trước mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp cần có diễn đàn về tình hình thị trường, dự báo nhu cầu và nguồn cung vật tư đầu vào theo giai đoạn. Từ đó đưa ra chiến lược sản xuất phù hợp, đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào.
"Trong bối cảnh giá phân vô cơ tăng cao và có khả năng leo thang thời gian tới, các địa phương cũng nên khuyến nghị nông dân tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có cho cây trồng để nâng cao hiệu quả, năng suất và cũng đồng thời giảm chi phí đầu tư", ông này chia sẻ.
Đắk Nông: Trồng thứ cây gì mà trái lưa thưa, lác đác, nông dân hái mỏi tay, ngẩng mỏi cổ mà giá bán lại giảm Không khí vào vụ thu hoạch điều lộn hột (điều) năm nay ở Đắk Nông trở nên trầm lắng, vì năng suất giảm mạnh, giá xuống thấp. Nhiều bà con trồng điều cũng vì thế mà thất thu. Gia đình bà Đặng Thị Luyện, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), có 1 ha điều trồng xen với cà phê....