Nguyệt Hằng: Sinh con không kiêng cữ, quần quật lồng tiếng phim
Không chỉ là gương mặt đình đám của màn ảnh miền Bắc, gần 30 năm gắn bó với phòng thu, Nguyệt Hằng trải qua vô số những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái ố cùng nhân vật.
Tôi vào nghề lồng tiếng phim từ năm 1992, đó cũng là cái duyên trong đời. Thời điểm đó, tôi đóng phim “Những người sống quanh tôi”, cũng rất may mắn khi lần đầu tiên thử sức, tôi được lồng tiếng cho chính vai diễn của mình. Hơn nữa, đó là một vai diễn dài sức nên giúp ích khá nhiều cho tôi về kỹ thuật lồng tiếng. Để rồi, cái nghiệp duyên ấy gắn bó với tôi đến tận bây giờ.
Khó khăn, áp lực của nghệ sĩ lồng tiếng khi bước vào phòng thu?
Muốn lồng tiếng tốt, diễn viên phải hiểu được, nhân vật đó có hợp với chất giọng và tính cách của mình hay không. Cái khó ở đây, nghệ sĩ chỉ dùng tiếng, nhưng vẫn phải đảm bảo “ăn mặt” diễn viên, phù hợp với tính cách của nhân vật, khớp khẩu hình miệng. Không ít trường hợp lồng tiếng bị lệch và không phù hợp với vai diễn.
Thế nên, cũng khó tránh khỏi những áp lực, khó khăn khi bước vào phòng thu. Nếu người lồng chưa “ăn mặt” diễn viên, thì một vài phút đầu có thể bỡ ngỡ, thậm chí bị lệch tông. Nhưng, khi đã tìm được chìa khóa, hiểu được tình cảm của nhân vật, khớp với khẩu hình miệng, cách nói nhả ăn nhập với nhau thì việc thể hiện rất thuận lợi. Đó chính là cái cảm giữa diễn viên lồng tiếng và nhân vật.
Diễn viên Nguyệt Hằng gắn bó với nghiệp lồng tiếng phim đã gần 30 năm.
Có ý kiến cho rằng, lồng tiếng phim nhàn lắm, chỉ cần cầm kịch bản đứng trong phòng thu, không phải dãi nắng dầm mưa cùng đoàn phim. Là người trong cuộc, Nguyệt Hằng nói gì?
Thật ra, công việc lồng tiếng phim rất khó và vất vả, chứ không đơn giản chỉ đứng sau khớp miệng nhân vật. Thậm chí, khó hơn cả diễn viên quay ở phim trường rất nhiều! Diễn viên quay ở phim trường nói thế nào, thì chất giọng của họ vẫn y nguyên, từ cảm xúc đến cách diễn đạt họ đều thể hiện tốt. Nghệ sĩ lồng tiếng khi diễn lại phải đúng tinh thần của vai diễn vừa khớp miệng, thể hiện đúng tâm trạng, tình cảm của nhân vật, quả thực đó là điều rất khó.
Trong suốt thời gian làm nghề, Nguyệt Hằng đã gặp phải sự cố nào ngoài ý muốn chưa?
Thật ra, nghề lồng tiếng không thiếu những sự cố vui và hài hước. Tôi sinh 3 đứa con, hễ đứa nào đầy tháng là tôi lại đến phòng thu làm việc, có hôm lồng tiếng liên tục 3 giờ/buổi sáng, 3 giờ/buổi chiều, 3 giờ/buổi tối.
Trong hoàn cảnh vừa sinh con xong chưa kịp kiêng cữ, lại phải nói rất nhiều, khiến tôi cũng gặp một vài sự cố. Có những đoạn tôi nói nhịu, lồng đi lồng lại không biết bao lần vẫn bị vướng ở chính đoạn đó. Chúng tôi hay trêu nhau là bị “dớp”. Thậm chí, những hôm lồng 3 ca/ngày, đến tầm khoảng 8-9h tối là cơ hàm cứng lại, cảm giác miệng không cử động được, bắt buộc phải dừng thu vì không thể cố được nữa.
Lồng tiếng cho phim Việt đã khó, vậy lồng tiếng cho phim nước ngoài còn gặp trở ngại và áp lực như thế nào?
Tôi cũng từng lồng khá nhiều phim nước ngoài, phim chưởng, phim Trung Quốc,… Cái dễ của lồng phim nước ngoài là đếm khẩu hình, rồi ướm vào lời tiếng Việt làm sao để khớp với nhân vật. Nhưng khó ở chỗ, phải phụ thuộc vào cái cảm của nghệ sĩ lồng tiếng, vì ngôn ngữ khác nhau, thì khẩu hình cũng khác nhau, câu từ không chính xác hoàn toàn. Đôi khi, chúng tôi phải biên lại từ ngữ để làm sao khớp được khẩu hình miệng.
Được làm nhiều… nhưng không muốn
Không ít khán giả phàn nàn, khó chịu khi thường xuyên phải nghe những giọng nhân vật na ná nhau ở các bộ phim chiếu cùng khung giờ?
Rất nhiều phim truyền hình lồng tiếng, bắt buộc phải chọn những người có kinh nghiệm, màu sắc giọng có thể vào được tất cả các vai. Đôi khi những diễn viên lồng tiếng như tôi bị làm nhiều quá. Nhưng, chúng tôi không hề muốn như vậy. Tất nhiên, việc nhiều thì ai chẳng muốn, có thể kiếm thêm thu nhập, nhưng lương tâm nghề nghiệp mình không hề muốn làm, không tham tới mức như thế.
Nhưng, để tìm được những diễn viên lồng tiếng được, làm vừa nhanh vừa đúng, hiệu quả lại rất hiếm. Ở miền Bắc, dàn diễn viên lồng tiếng vai dài có chất giọng đặc biệt quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có tôi, NSND Hương Bông, Hương Dung,… nên cứ nghe qua khán giả đã biết là ai lồng tiếng rồi. Thế nên, mới có tình trạng phim này giọng này, phim kia vẫn giọng này.
Video đang HOT
Đôi khi mọi người vẫn đùa rằng: “Hôm nay, mình nghe thấy Nguyệt Hằng lồng mấy vai liền trong cùng một phim”, “Có hôm bật VTV1 nghe giọng Nguyệt Hằng, sang VTV3 cũng nghe giọng Nguyệt Hằng”, “Có khi đang nấu nướng, bất chợt nghe giọng Nguyệt Hằng qua tivi, chạy vội ra xem thì không phải”,… Đó cũng kiểu là nửa khen, nửa chê của khán giả.
Nguyệt Hằng đang dồn hết cảm xúc khi lồng tiếng cho vai diễn mình đảm nhận.
Hiện nay, đội ngũ lồng tiếng trẻ cũng khá nhiều đấy chứ, tại sao không để họ thử sức, biết đâu sẽ tạo được sự khác biệt?
Thực ra, cũng có nhiều bạn diễn viên lồng tiếng trẻ rất nhiệt tình, chăm chỉ, nhưng chất giọng của họ lại không hợp với vai diễn. Đôi khi, vì thiếu diễn viên lồng, hay muốn đổi giọng mà sử dụng những chất giọng lạ, nhưng họ chưa có nhiều kinh nghiệm nắn giọng theo đúng vai.
Tất nhiên, với những bạn nghiệp dư chỉ lồng cho vai diễn của mình, nếu ai có năng khiếu thì các bạn rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt ý đồ của đạo diễn và vào vai khá đạt. Tuy nhiên, các bạn trẻ mới chỉ thể hiện theo bản năng, còn bị hạn chế về kỹ thuật nói cho tròn vành rõ chữ, hay nói mềm mại.
Tuy vậy, nếu khán giả hiểu được diễn viên lồng tiếng khổ, và vất vả như thế nào, thì chắc rằng mọi người sẽ thông cảm. Bởi, những người diễn viên lồng tiếng chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”, không thể vừa lòng hết tất cả mọi người.
Chị có thấy chạnh lòng không khi công việc của mình chỉ là “hữu thanh, vô ảnh”?
Thực ra, ngày xưa tôi cũng hơi chạnh lòng. Nhưng giờ đây, khán giả khi xem phim họ không chỉ chú tâm tới dàn diễn viên trong phim mà còn để ý tới cả diễn viên lồng tiếng. Thậm chí, có nhiều khán giả còn quan tâm tới cả những nhóm lồng tiếng trong phim là ai.
Tổ ấm hạnh phúc của diễn viên Nguyệt Hằng.
Đuối lắm… nhưng vẫn theo đuổi tới cùng
Người ta cứ nghĩ, lồng tiếng phim là nghề dễ kiếm tiền, chỉ cần “giấu mặt ăn tiền”. Chị nói sao về điều này?
Thật ra, tiền nhiều hay ít còn phụ thuộc vào sự cống hiến của diễn viên. Chứ làm gì có chuyện diễn viên “giấu mặt ăn tiền”. Khó lắm! Nhiều hôm, nói liên tục hàng tiếng đồng hồ trong một phòng kín, chỉ kịp ăn vội cơm hộp, bánh mỳ rồi lại thu. Quần quật từ 8h sáng đến 11h, nghỉ giải lao tới 1h30 lại làm tiếp, nhiều khi đuối lắm. Nhưng vì đam mê, tôi vẫn theo đuổi tới cùng.
Muốn trở thành một diễn viên lồng tiếng phim tốt, cần hội tụ những yếu tố gì, theo chị?
Đương nhiên đã là diễn viên lồng tiếng, thì yêu cầu đầu tiên phải là chất giọng tốt. Ngoài kinh nghiệm, còn đòi hỏi năng khiếu bắt chước nhanh, phải có sự đồng cảm với nhân vật, nhập vai như diễn viên đang diễn. Nói chung, phải hội tụ nhiều thứ, chỉ không cần ngoại hình giống nhân vật thôi (Cười). Lồng tiếng say mê tới độ khóc, cười, hỉ-nộ-ái-ố cùng nhân vật, điều cốt lõi phải có cảm xúc.
Theo Nguoiduatin
Nỗi khổ phải diễn 10 lần một cảnh quay chỉ vì... tiếng chó sủa
Việc thu âm đồng bộ khiến nhiều cảnh phim Việt phải quay đi quay lại nhiều lần vì yếu tố ngoại cảnh.
Nếu theo dõi nhiều bộ phim truyền hình Việt trong vài năm trở lại đây, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra xu thế mới đó là việc thu âm đồng bộ (trực tiếp) lời thoại của các diễn viên tại hiện trường thay vì phải lồng tiếng như trước đây. Đây có thể nói là sự tiến bộ vượt bậc của nhà sản xuất để đem đến cho người xem cảm giác gần gũi, chân thực nhất.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định trong buổi họp báo phim Người phán xử cách đây không lâu: "Phim Người phán xử thu tiếng đồng bộ, một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu, nhưng với phim truyền hình Việt thì lâu lâu mới có".
Người phán xử là bộ phim thu tiếng đồng bộ 100%.
Vì sao phải thu tiếng đồng bộ?
Suốt nhiều năm liền, phim truyền hình Việt đều áp dụng công nghệ lồng tiếng. Những nghệ sĩ gạo cội, có giọng chuẩn thường được ekip mời lồng tiếng cho nhiều bộ phim. Ấy thế mới xuất hiện tình trạng giọng của NSND Trung Hiếu có thể có thể phát ra từ nhiều nhân vật do các diễn viên nam khác như Danh Tùng, Anh Đức,... thủ vai. Hoặc cố NSƯT Duy Thanh cũng vậy, ông từng lồng tiếng cho rất nhiều nhân vật.
Nguyên nhân của việc một nghệ sĩ lồng tiếng cho nhiều phim là bởi hiện nay có quá ít ekip lồng tiếng phim Việt.
Theo đạo diễn Khải Hưng thì thị trường lồng tiếng phim Việt ở miền Bắc hiện nay chỉ có 5 kíp lồng tiếng với khoảng 40 diễn viên lồng tiếng. Đối với phim truyền hình miền Nam, con số đó cũng không hơn bao nhiêu. Vì quá ít ỏi về số lượng diễn viên lồng tiếng nên không tránh được việc khán giả nhàm chán.
"Vừa mở VTV1 ra thấy NSND Lan Hương lồng tiếng vai Chủ tịch Tỉnh rồi bật VTV3 ra lại tiếp tục nghe tiếng của chị Lan Hương vào vai một bà bán cá. Đôi khi chúng ta lẫn từ phim nọ sang phim kia cũng bởi nhân vật lồng tiếng. Đó là một thiệt thòi lớn đối với những người làm phim", NSND Khải Hưng nói.
Lồng tiếng là nhược điểm cố hữu nhiều năm của phim truyền hình Việt.
Kỹ thuật lồng tiếng rõ ràng có lợi thế nhất định khi giúp ekip sản xuất chủ động được giọng của nhân vật, tránh những yếu tố tác động ngoại cảnh. Tuy nhiên, nhược điểm của nó vô cùng lớn.
Theo một số diễn viên chia sẻ, công nghệ lồng tiếng khiến tiếng thoại trong phim nhiều khi rất kịch bởi người lồng tiếng không trực tiếp tham gia vào tình huống phim, họ không thể có biểu cảm và giọng hợp với tình huống đó.
Theo lời đạo diễn Việt Linh: "Dù điêu luyện đến đâu, hiệu quả lồng tiếng vẫn không thể bằng thu tiếng đồng bộ. Nó thiếu sự tươi tắn, sống động, tinh tế của âm thanh đời sống, người xem vẫn có cảm giác "giả". Do vậy điện ảnh tiên tiến trên thế giới dường như không còn tiếng động tái tạo".
Trong khi đó, NSND Khải Hưng cũng khẳng định công nghệ lồng tiếng giờ đã hết sức lạc hậu trên thế giới: "Chẳng có nước nào trên thế giới này còn làm phim kiểu lồng tiếng nữa cả nhưng chúng ta vẫn phải làm vì chúng ta làm gì có trường quay. Chúng ta chưa có một trường quay giống như trường quay ở Hoành Điếm, ở Thượng Hải, ở Hollywood... để có thể có một môi trường âm thanh tốt mà thu tiếng trực tiếp từ diễn viên khi quay phim.
Cái câu "Chúng ta không có trường quay" là câu tôi nói thường xuyên trong các hội nghị của Đài Truyền hình Việt Nam cách đây 30 năm chứ không phải bây giờ mới nói".
Yêu cầu cao dành cho diễn viên
Vài năm trở lại đây, khi công nghệ lồng tiếng đã trở nên lạc hâu, các phim truyền hình Việt bắt đầu áp dụng công nghệ thu âm trực tiếp tại hiện trường. Theo nhiều người làm chuyên môn thì việc thu hình và tiếng trực tiếp là công nghệ làm phim của nhiều nước phát triển trên thế giới nhiều năm nay.
Với công nghệ này, khán giả cũng có cơ hội được nghe giọng nói thật của tất cả các diễn viên tham gia bộ phim và đương nhiên, nó sẽ chân thực, biểu cảm ơn nhiều so với lồng tiếng
Tuy nhiên, kĩ thuật này đòi hỏi yêu cầu cao dành cho ekip sản xuất, diễn viên. NSND Hoàng Dũng - gương mặt gạo cội của sân khấu kịch và truyền hình Việt Nam nhận định: "Mỗi diễn viên có một cái "e", một đặc điểm riêng trong chất giọng. Khi thoại trực tiếp mà không nắm được cái "e" của nhau thì chắc chắn lời đối thoại không thể thành công và ấn tượng được".
"Gió qua miền tối sáng" là bộ phim thu âm đồng bộ đầu tiên của truyền hình Việt.
Tuy nhiên ông trùm của Người phán xử ủng hộ hoàn toàn công nghệ thu âm trực tiếp: "Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim với các dạng vai khác nhau. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan. Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình. Do vậy, thu âm đồng bộ là một xu thế tốt".
Trong khi đó, NSND Lan Hương cũng cho rằng thu âm đồng bộ là xu thế không thể đảo ngược: "Khi lồng tiếng vai do chính mình đóng, tôi cũng thấy rằng chỉ chuyển tải được 80%. Tuy nhiên, để thu đồng bộ thì cần có trường quay hiện đại, bối cảnh yên tĩnh thì tiếng thu mới hiệu quả.
Công nghệ này thế giới có rất lâu rồi nhưng Việt Nam gần đây mới bắt đầu có. Trong điều kiện chưa thể thu đồng bộ hoàn toàn thì bắt buộc vẫn phải cần đến lồng tiếng".
Tuy nhiên, thu âm trực tiếp đòi hỏi rất cao ở các diễn viên. Có nhiều người diễn xuất rất tốt, ngoại hình lý tưởng nhưng đạo diễn đành ngậm ngùi không giao vai chỉ vì tiếng nói ngọng, không chuẩn. Nếu như phim lồng tiếng thì chắc chắn họ đã được nhận vai.
Trong trailer tập 16 của Người phán xử, nếu như giọng của Phan Hải rất ấn tượng thì hai diễn viên phụ đều chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về giọng thoại
Chính vì thế, để được nhận vai những bộ phim thu âm trực tiếp, yêu cầu cao nhất của các diễn viên là giọng nói và nghệ thuật đài từ. Nếu như người xem theo dõi Người phán xử, có thể thấy những diễn viên chuyên nghiệp như Hồng Đăng, Hoàng Dũng, Thanh Quý,... đều có giọng thoại rất ổn. Tuy nhiên, với những diễn viên phụ, quần chúng, lời thoại của họ đều cần thời gian hướng dẫn.
Bên cạnh giọng nói là một yêu cầu cao, yếu tố ngoại cảnh cũng khiến đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn. Với những cảnh quay ở ngoài trời, yếu tố thời tiết có tác động rất mạnh. Những lúc trời mưa, tiếng mưa rơi tí tách là kẻ thù của cả đoàn phim. Bên cạnh đó, những âm thanh ngoại cảnh như tiếng chó sủa, tiếng cưa máy, sửa nhà,... cũng khiến đoàn phim gặp nhiều trở ngại.
Diễn viên Việt Anh từng chia sẻ, có cảnh quay mọi thứ đang rất ngon ơ thì bỗng có tiếng chó sủa xung quanh đó, thế là cảnh quay lại phải làm lại từ đầu. "Có khi phải đến 10 lần cho một cảnh ấy chứ", anh cười chia sẻ.
Diễn viên Thanh Bi thì chia sẻ, cô và Việt Anh phải đóng đi đóng lại những cảnh nóng với nhau rất nhiều lần. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là do cả hai ngượng ngịu hay đóng không đạt mà bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động. "Mỗi cảnh quay đều có hai đến ba máy quay để bắt các góc khác nhau. Ngoài ra, còn tiếng động hiện trường, ngoại cảnh làm chúng tôi phải quay đi quay lại rất nhiều lần".
Ngoài "Người phán xử" là bộ phim thu âm trực tiếp, cách đây vài năm, VTV có bộ phim Mưa bóng mây. Còn nhiều phim khác như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Tuổi thanh xuân đều lồng tiếng.
Đoàn phim Mùi ngò gai từng chia sẻ kỉ niệm nhớ đời khi quay thác Giang Điền - Đồng Nai. Đoàn phim đã tính là tiếng thác reo ở đây sẽ âm thanh lí tưởng cho đôi tinh nhân tâm sự. Tuy nhiên khi cảnh quay diễn ra thì tiếng ve bắt đầu râm ran... bất tận!" Cả đoàn phải chia nhau ném sỏi lên cây để các chú ve im lặng, khi hiện trường im lặng đoàn phim vừa bấm máy thì các chú ve lại tiếp tục kêu. Cuối cùng, các đạo diễn phải cử các anh bảo vệ hiện trường leo lên cây rung liên tục để ve sợ mà đừng... kêu!
Theo Danviet
Khám phá chủ nhân giọng nói của dàn Transformers hùng mạnh Cộng đồng yêu điện ảnh đã có được một cuộc chiêu đãi về thị giác đầy thỏa mãn, với ngập tràn kỹ xảo hoành tráng cùng những hiệu ứng cháy nổ ngộp trời, khi Transformers: The Last Knight. Không thể phủ nhận rằng sở dĩ phần thứ năm trong loạt thương hiệu Transformers được đón nhận nồng nhiệt là nhờ một phần công...