Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Trần Trọng Tân qua đời
Ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM qua đời lúc 7 giờ 30 ngày 4/8/2014 tại TP.HCM vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.
Ông Trần Trọng Tân tại một buổi góp ý Hiến pháp.
Tên thật của ông là Trần Trọng Hoãn, sinh ngày 15/10/1926 tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ lúc còn là học sinh. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946, ông từng là Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị (1950), Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam (1961-1967), Ủy viên Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia (1980-1986).
Trong kháng chiến chống Mỹ, có thời kỳ ông Trần Trọng Tân hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, giam nhiều năm ở Chuồng Cọp cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và VII đã bầu ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương. Ngày 19/8/1991, ông thôi giữ chức Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, đến năm 1996. Ông cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ 7-8 (từ 1998 đến 2009), trước khi nghỉ hưu.
Video đang HOT
Suốt cuộc đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của Đảng, ông Trần Trọng Tân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Nhất của Campuchia, Huân chương vì sự nghiệp Tư tưởng Văn hóa.
Lễ viếng ông Trần Trọng Tân được tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3), bắt đầu từ 11 giờ ngày 5/8. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 7/8, an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố, quận Thủ Đức.
Đánh giá về ông, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM Nguyễn Trọng Xuất cho rằng ông Trần Trọng Tân là người rất tâm huyết với vấn đề xây dựng Đảng. Trong một lần nói về “Khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống”, ông Trần Trọng Tân từng nói, các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là bị suy thoái từ gốc. Để không bị suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một toà án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người.
Theo Tá Lâm
Pháp Luật TPHCM
"Kẻ ăn trái" nên rộng lòng với "người trồng cây" (P1): Mẹ đã thanh thản ra đi
Bây giờ, khi rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, không thấy nơi nào quy định cho người mẹ có chồng là liệt sĩ và 1 con là liệt sĩ, nhưng đã tái giá được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Việc "vận dụng" chủ yếu là theo cảm tính.
Nhưng tiếc thay, cảm tính của những người làm chính sách ngày hôm nay đã vô hình trung làm đau lòng những bà mẹ đã hy sinh chồng, con và những người thân của họ cho ngày độc lập, thống nhất của tổ quốc.
Bà ráng sống thêm 1 năm nữa!
Vào giữa năm rồi, khi Nhà nước có quy định mới về tiêu chuẩn xét phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, theo đó, người mẹ có chồng liệt sĩ và 1 con liệt sĩ là được phong danh hiệu Mẹ VNAH (trước đó phải có chồng liệt sĩ và 2 con là liệt sĩ), cũng là lúc bà Trần Thị B (SN 1914, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bị trượt chân té ngã, rạn nứt xương chậu, sức khoẻ suy sụp. Quây quần bên giường bệnh, mấy đứa cháu của bà động viên: "Bà ơi, bà ráng sống thêm 1 năm nữa để được tròn 100 tuổi, để bà được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH". Không biết có phải nhờ con cháu động viên hay không mà mẹ B đã vượt qua bệnh tật, khoẻ mạnh trở lại, tuy chưa thể tự đi lại được.
Mẹ B trong ngày mừng thọ 100 tuổi.
Chồng mẹ B (ông Chung Văn R) tham gia chiến đấu và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để lại cho mẹ 6 người con nhỏ. Sau đó mẹ tái giá, sinh thêm 2 người con. 4 người con của mẹ đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 2 người là thương binh, bị bắt tù đày, bản thân mẹ cũng từng bị chính quyền Sài Gòn bắt vì mẹ ủng hộ kháng chiến. Sau ngày miền Nam giải phóng, người con trai của mẹ (anh Võ Công T - kỹ sư nông nghiệp) đã hy sinh thân mình để cứu bạn đồng nghiệp trong một vụ tai nạn lao động tại cảng Sài Gòn, được công nhận liệt sĩ.
Các con đừng buồn...
Đầu năm 2014, mẹ B bước sang tuổi 100. Theo những người lớn tuổi ở xóm Nhà Dài (nơi mẹ cư trú), mẹ B là người đầu tiên của xóm từ xưa tới nay sống đến tuổi 100. Trong ngày mừng thọ mẹ B, mấy đứa cháu ước, phải chi mẹ kịp được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH thì ngày vui càng thêm ý nghĩa. Hôm ấy mẹ B rất vui, rất khoẻ, ngồi được hàng giờ, tự tay trao lộc cho con, cháu, chắt, chít...
Vậy mà, chỉ mấy ngày sau, một đứa cháu của mẹ buồn bã về báo cho mẹ biết là cơ quan có trách nhiệm trả lời rằng, trường hợp của mẹ không được xét phong danh hiệu Mẹ VNAH, vì mẹ đã tái giá. Mẹ cho gọi con cháu tới, nhỏ nhẹ nói: "Mẹ không buồn, các con cũng đừng buồn! Chồng con của mẹ ngã xuống là vì tổ quốc, chứ không phải vì danh hiệu dành cho mẹ. Các con, các cháu phải sống thật xứng đáng với cha ông mình".
Một thời gian sau, sức khoẻ mẹ B suy sụp đột ngột. Khi con cháu về đông đủ, mẹ nhẹ nhàng ra đi, nét mặt rất thanh thản. Có thể rồi đây các cơ quan có trách nhiệm sẽ xem xét lại yếu tố "tái giá" khi xét phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Khi ấy, những trường hợp như mẹ B có khả năng được công nhận Mẹ VNAH. Lúc đó, trước bàn thờ của mẹ B, không biết con cháu của mẹ sẽ vui mừng, hay ngậm ngùi vì thương tiếc!
Theo bà Trần Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lân - trong xã có 2 trường hợp như mẹ B (có chồng liệt sĩ và 1 con liệt sĩ). Bà Phượng cho biết, theo hướng dẫn của trên, một khi người mẹ (có chồng liệt sĩ) đã tái giá thì không được hưởng chính sách vợ liệt sĩ, vì vậy mà không thể phong danh hiệu Mẹ VNAH.
Còn ông Đặng Ngọc Tảo - Trưởng phòng Người có công thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Long An - cho biết, không có cơ sở pháp lý nào quy định không xét tặng danh hiệu Mẹ VNAH cho những mẹ tái giá. Ngày 3.1.2014, Sở LĐTBXH tỉnh Long An đã có văn bản gửi Bộ LĐTBXH kiến nghị xem xét lại chuyện này. Ông Phạm Văn Rạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ngày 31.7.2014 cũng cho biết, UBND tỉnh Long An sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ LĐTBXH và Bộ Nội vụ có hướng dẫn xét phong danh hiệu Mẹ VNAH cho những trường hợp như trên.
Theo Kỳ Quan
Lao Động
Cồn Cỏ - Hồi ức những ngày giữ đảo 50 năm trước Có những ngày địch bắn phá hơn 30 lần hòng cướp đảo, biến nơi đây thành căn cứ quân sự làm bàn đạp mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Giữa bom đạn, thiếu thốn đủ bề, những người lính vẫn kiên trì giữ đảo - giữ một Tổ quốc thu nhỏ giữa trùng khơi. Đại tá Nguyễn Văn Tuân, nguyên đảo phó...