Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lòng đồng chí, đồng đội
Trong lòng những quân nhân, luôn đầy ắp tình cảm với người đồng đội, với vị chỉ huy tài đức – Thượng tướng Lê Khả Phiêu.
Trước khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu là một người lính, trưởng thành từ công tác chiến đấu ở các chiến trường từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam và ở chiến trường Campuchia. Sau đó lại đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nên trong lòng những quân nhân, luôn đầy ắp tình cảm với người đồng đội, với vị chỉ huy tài đức, sáng suốt, giản dị, chân thành mà sâu sát.
Xúc động nhớ lại lần cùng Ban Liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên vào thăm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Bệnh viện 108 mới đây, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (nguyên Chính ủy Tổng cục kỹ thuật, nguyên Cục trưởng cục chính sách, Tổng cục chính trị) cho biết: lúc đó nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã rất yếu, chỉ có thể nhìn và nắm được tay. Vậy nhưng biết tin ông ra đi, vẫn không tránh khỏi nghẹn ngào.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm các chiến sĩ đảo Đá Lát năm 1993.
Từng được trực tiếp làm việc với ông Lê Khả Phiêu từ khi ở chiến trường Trị Thiên, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu ấn tượng về tài chỉ huy chiến đấu của ông, khi đó là trung đoàn trưởng, kiêm chính ủy quân đoàn 9 đã chỉ huy chiến đấu lập chiến công xuất sắc ở thành phố Huế. Trong lòng anh cán bộ cấp phân đội khi ấy vẫn ấn tượng về tình cảm thân thương, chân thành và những bài học quý báu mà chính ủy truyền dạy. Sau này, khi Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu là Cục trưởng cục chính sách, ông Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng ông vẫn giữ nguyên tác phong giản dị, chân thành và đức độ, ông luôn sâu sát chỉ đạo giải quyết chính sách cho đồng đội.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết: “Ông Lê Khả Phiêu luôn luôn quan tâm đến chính sách với quân đội và hậu phương quân đội. Yêu cầu tập trung giải quyết nhanh, gọn, chu đáo những vấn đề tồn đọng về chính sách sau chiến tranh như vấn đề thương binh, liệt sỹ, vấn đề mất tin, mất tích, vấn đề mộ liệt sỹ, vấn đề khen thưởng… mà sau mấy chục năm chiến tranh để lại với một khối lượng lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp.”
Video đang HOT
Ngay cả khi thôi cương vị Tổng Bí thư, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn không thôi ấp ủ giải quyết các hậu quả nặng nề sau chiến tranh. Đại tá Phan Sỹ Thao, trưởng ban Tuyên truyền Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt Sỹ Việt Nam cho biết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chính là người đỡ đầu, xúc tiến cho sự ra đời của Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sỹ Việt Nam. Dù ở cương vị nào,Thượng tướng Lê Khả Phiêu cũng luôn quan tâm đến các gia đình liệt sỹ, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Đại tá Phan Sỹ Thao cho biết, gần đây, nguyên Tổng Bí thư còn đề nghị Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tiếp tục làm tích cực để tìm được mộ liệt sỹ, để thể hiện được đạo lý, đền ơn đáp nghĩa với những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
Đại tá Phan Sỹ Thao cho biết: “Bác Phiêu rất trăn trở với những gia đình liệt sỹ, thương binh, những gia đình có công với cách mạng, cuộc sống của họ ra sao, nhất là các liệt sỹ chưa tìm được mộ… Và bác đặt vấn đề với hội phải tìm mọi cách khai thác nguồn thông tin về liệt sỹ từ các cựu chiến binh, từ các gia đình liệt sỹ, từ các địa phương nơi chiến trường trước kia để có thông tin chính xác, cung cấp cho các gia đình liệt sỹ, người thân của họ đi tìm.”
Trung tướng Đặng Quân Thụy
Dù không được sát cánh cùng Thượng tướng Lê Khả Phiêu nơi chiến trường, nhưng Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, luôn cảm nhận về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn sắc bén, thực tiễn và quyết đoán. Với sự trưởng thành trong thực tế chiến đấu, Thượng tướng Lê Khả Phiêu đã kinh qua hầu hết các chiến trường, từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam và cả chiến trường Campuchia, sau này đảm nhiệm lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Trung tướng Đặng Quân Thụy, nhờ vậy trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đã có những đóng góp quý báu cho công tác xây dựng Đảng.
Mỗi người một cảm nhận, nhưng trong lòng những người đồng chí, đồng đội, Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thật gần gũi, thẳng thắn, chân thành và là người lãnh đạo tài đức, quyết đoán.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hóa - Bài 6: Trong trái tim thế hệ trẻ xứ Thanh
Đối với thế hệ trẻ xứ Thanh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tấm gương sáng ngời về khát vọng, nỗ lực vươn lên; tinh thần, ý chí, đạo đức cách mạng vững vàng; đức tính giản dị, khiêm nhường, tận tụy và trung liệt cả trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Anh Trịnh Xuân Phúc, Phó Giám đốc công ty cổ phần xây dựng LHD, nguyên Trưởng BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội (nhiệm kỳ 2013 - 2015) chụp ảnh lưu niệm cùng bác Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam
"Phong thái đĩnh đạc, tác phong nhanh gọn nhưng vẫn toát lên cảm giác thân thiện, gần gũi" - Đó là cảm nhận của anh Trịnh Xuân Phúc, Phó Giám đốc công ty cổ phần xây dựng LHD, nguyên Trưởng Ban liên lạc Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội (nhiệm kỳ 2013 - 2015) qua những dịp may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với bác Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Lúc bấy giờ, với vai trò là Trưởng BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội, được tham gia vào các hoạt động chung của Ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa, Phúc có cơ duyên được gặp gỡ, trò chuyện cùng bác Lê Khả Phiêu. Phúc tâm sự: "Trước khi gặp trực tiếp, mình đã được biết nhiều điều về bác thông qua tin tức, bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là nghe qua các cô, các bác trong Ban liên lạc đồng Hương Thanh Hóa tại Hà Nội kể chuyện. Tâm trí mình cứ đọng lại mãi hình ảnh bác Phiêu khoác trên mình bộ quân phục với dáng vóc nhỏ nhắn nhưng phong thái vô cùng đĩnh đạc, khí chất điềm đạm mà sâu sắc".
Giờ đây, khi nhìn lại quãng thời gian sôi nổi, nhiệt thành, cống hiến hết mình ấy, anh Phúc vẫn mãi không thể quên khoảnh khắc được gặp gỡ, trò chuyện với bác Lê Khả Phiêu tại buổi lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 2014 do BLL đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội với lực lượng nòng cốt là Hội doanh nhân Thanh Hóa tổ chức.
Anh kể: Chương trình hôm ấy diễn ra vào buổi chiều. Phúc và một nhóm các bạn thành viên trong BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội được phân công nhiệm vụ hỗ trợ Ban tổ chức tiếp đón đại biểu. Theo kế hoạch, chương trình sẽ bắt đầu vào lúc 14h30 phút. Bác Phiêu đến rất đúng giờ. Nhân lúc đại biểu chưa đến hết, chương trình chưa bắt đầu, bác Lê Huy Ngọ, trưởng Ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội dắt tay mình ra giới thiệu với bác Phiêu: "Đây là cháu Phúc - cháu là Trưởng BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội, đội quân nòng cốt của hội đồng hương đấy bác ạ". Bác ân cần nhìn mình, cười và bảo: "Các cháu giỏi lắm, từ quê ra ngoài này mà kết nối đồng hương như thế này là tốt, học hỏi mọi người để phấn đấu vươn lên, thành đạt trong cuộc sống".
Tuy chỉ là một thoáng gặp gỡ, trò chuyện nhưng lời dặn dò của bác đã trở thành nguồn động viên lớn lao để anh Phúc và "đại gia đình" BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội không ngừng nỗ lực phấn đấu, cố gắng học tập, rèn luyện để không phụ lòng yêu mến, tin tưởng mà bác dành cho. Anh Phúc cho biết thêm: Sau buổi lễ hôm đó, anh có mạnh dạn xin chụp với bác 1 tấm hình để kỷ niệm. Nghe anh nói vậy, bác vui vẻ đồng ý. Bác còn bảo: "Bác đứng lên sân khấu, cháu nào chụp thì ra đây chụp với bác". "Như chỉ chờ có vậy, nhiều bạn trẻ có mặt ở buổi lễ hôm đó xúm xít vây xin được chụp ảnh cùng, vui vẻ nói cười bên bác" - anh Phúc hào hứng nhớ lại.
"Nếu có ai đó nói rằng, việc có cơ hội trực tiếp gặp gỡ với người mà mình vẫn luôn yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ là cả một niềm mơ ước thì có lẽ, nhiều người sẽ phải ghen tỵ với sự may mắn của chị đấy" - Nhiều người vẫn thường "nửa đùa nửa thật" nói với chị Đỗ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội như vậy vì biết chị có nhiều cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với bác Lê Khả Phiêu. Chị chia sẻ: "Với người trẻ, bác Phiêu là một "tượng đài", tấm gương sáng để học tập, noi theo. Tuy nhiên, không vì thế mà bác khiến chúng ta có cảm giác e dè, xa cách. Ngược lại, bác rất gần gũi, cởi mở, quan tâm". Chị Thanh mãi khắc sâu trong lòng hình ảnh vị nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nở nụ cười hiền, ân cần hỏi han chị những câu hỏi rất bình dị, đời thường: "Cháu học trường nào?", "Ra trường đã có định hướng công việc gì chưa?", "Cuộc sống sinh viên có khó khăn gì không?". Hỏi rồi bác chú tâm lắng nghe chị trả lời, sau đó ân cần dặn dò: "Thế hệ trẻ cần biết phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương, đất nước".
Chị Đỗ Thị Thanh, nguyên Phó BLL Sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng bác Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Những câu hỏi tưởng như rất dung dị, đời thường ấy thôi nhưng phần nào nói lên sự sâu sắc, tinh tế, đồng hành, thấu hiểu cùng nỗi niềm trăn trở khôn nguôi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả phiêu về vai trò, vị trí, sứ mệnh của thế hệ trẻ đối với đất nước. Quan điểm của bác về vấn đề này đã được thể hiện rất rõ trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Sinh viên Việt Nam (tháng 4-2007, Phóng viên Lê Ngọc Sơn thực hiện). Bác nhận định: Hiện nay, chúng ta đang có một đội ngũ những người trẻ rất hùng mạnh [...] Do vậy, trách nhiệm của giới trẻ đối với tương lai của đất nước là hết sức nặng nề. Theo tôi, muốn đề cao được trách nhiệm thì trước hết phải yêu Tổ quốc mình, hiểu Tổ quốc mình. Dân tộc ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh, bao nhiêu khó khăn, lập nên nhiều kỳ tích... mới có được một Việt Nam như ngày hôm nay. Nước ta không phải là một nước nhỏ (về cả dân số lẫn địa lý). Xét về sự phát triển thì đất nước ta càng không phải là một nước yếu đâu. Lớp trẻ phải thấy điều đó để tự hào; rồi từ niềm tự hào ấy mà ý thức được rằng chính bản thân mình cũng cần phải làm gì đó cho Tổ quốc. Làm gì đó cho Tổ quốc có nghĩa là góp trí tuệ và sức lực của mình, vốn sống của mình - đóng góp một cách cao nhất, giá trị nhất - cho Tổ quốc. Nhìn nhận, đánh giá về thế hệ trẻ của đất nước, bác luôn dành sự tin tưởng, trân trọng: "Làm việc ở trong nước hay ở nước ngoài, bao giờ mình cũng phải tự hào về dân tộc và đặt vấn đề phụng sự dân tộc lên hàng đầu. Và tôi tin rằng, lớp trẻ Việt Nam đủ hiểu biết để làm được những điều đó. Tôi tin chắc rằng rất nhiều bạn sinh viên sẽ làm nên được những kỳ tích lớn và để lại những dấu ấn in đậm trong lịch sử dân tộc, cũng như đối với quốc tế. Họ chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Cho đến ngày hôm nay, khi đã đạt được những thành công nhất định trên con đường lập thân, lập nghiệp, anh Phúc, chị Thanh và lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn cảm thấy tự hào về hai tiếng quê hương - mảnh đất xứ Thanh "địa linh nhân kiệt", nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng và cống hiến cho đất nước nhiều bậc hiền tài. Cuộc đời và sự nghiệp của bác Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là một minh chứng sống động, dấu ấn tiêu biểu. Đối với thế hệ trẻ xứ Thanh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tấm gương sáng ngời về khát vọng, nỗ lực vươn lên; tinh thần, ý chí, đạo đức cách mạng vững vàng; đức tính giản dị, khiêm nhường, tận tụy và trung liệt cả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chính bởi những đức tính ấy nên dẫu chỉ là một thoáng gặp gỡ, một cơ duyên được trò chuyện, lắng nghe đôi điều hỏi han, dặn dò của nguyên Tổng Bí thư cũng đủ hằn sâu trong ký ức ấn tượng sâu sắc, kỷ niệm khó phai mờ. Những kỷ niệm ấy đã trở thành hành trang đặc biệt, nguồn cỗ vũ, động viên to lớn cho thế hệ trẻ xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung hăng hái xung kích, nỗ lực phấn đấu trên con đường lập thân lập nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Đối thoại chính khách" (2007), Nhà xuất bản Tri thức của tác giả Lê Ngọc Sơn
Kỷ niệm của vị Trung tướng với nguyên Tổng bí thư không quan cách Trong cảm nhận của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, ông Lê Khả Phiêu là người sâu sát, không bao giờ quan cách, sống chân thành, được mọi người kính quý. Ngày 28/5, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên vào thăm ông Lê Khả Phiêu đang điều trị...