Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu – Người quyết liệt với công cuộc chỉnh đốn Đảng
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 7-8, đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (khóa VIII, IX), đã chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân đồng chí trong thời gian tiếp xúc, làm việc cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Đồng chí Vũ Quốc Hùng cho biết: “Cuối năm 1997, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư. Khi đó tôi khá bất ngờ vì vốn dĩ đồng chí Lê Khả Phiêu là một người gần như cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp; 61 tuổi mới vào Ban Chấp hành Trung ương và sau đó vào Bộ Chính trị”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đồng chí Vũ Quốc Hùng, khi đó, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu rất chịu khó lắng nghe, cầu thị để tiếp cận những vấn đề mới. Có rất nhiều vấn đề đặt ra cho Đảng và đất nước nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu đã tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. “Một đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình. Tôi ấn tượng về điều này khi thấy Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu ra và quyết liệt làm. Từ đó đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới gắn với các vấn đề như tiền, hàng hóa, cơ chế thị trường…”, ông Vũ Quốc Hùng cho biết.
Vào thời điểm đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trương đổi mới trong sinh hoạt Đảng. Từ cơ sở Đảng, việc sinh hoạt cũng phải đổi mới cho ra sinh hoạt chứ không hình thức. Phải họp và tiến hành phê bình, tự phê bình, phải bàn những nội dung về lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở. Từng đảng viên đều thường xuyên xem xét, soi rọi mình, tự phê bình, tự báo cáo những vấn đề ưu, khuyết điểm và những vướng mắc. Với tinh thần này, Bộ Chính trị khi đó tiến hành kiểm điểm mất 10 ngày và thường kết thúc mỗi ngày rất muộn. Trong các buổi họp kiểm điểm, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì và mỗi Ủy viên Bộ Chính trị phải làm kiểm điểm, tự trình bày kiểm điểm của mình để các đồng chí khác góp ý thẳng thắn, góp ý mọi vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm cả kiểm điểm về lối sống, có quan liêu, lãng phí, xa dân hay không. Còn với các Ủy viên Trung ương Đảng, bản thân phải tự nguyện, tự giác kiểm điểm và có kèm bản mẫu để trả lời từng câu hỏi mà Trung ương đưa ra. “Kiểm điểm, phê bình nhưng không hề là cuộc đấu đá nhau; kiểm điểm trên tinh thần đồng chí giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, xây dựng tổ chức Đảng mạnh lên. Không khí khi đó rất hồ hởi, thẳng thẳn và xây dựng”, đồng chí Vũ Quốc Hùng bày tỏ.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi người dân trên đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM), tháng 1-2014. Ảnh: VIỆT DŨNG
Vẫn theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Vũ Quốc Hùng, nói đến xây dựng tổ chức Đảng, chấn chỉnh Đảng là phải nói đến Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2-2-1999 của Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là “linh hồn” của nghị quyết. Đồng chí Vũ Quốc Hùng cho rằng, lúc bấy giờ, việc này diễn ra khi tình hình kinh tế xã hội thay đổi, mối quan hệ quốc tế thay đổi, nếu Đảng không thay đổi kịp thì sao? Nhờ nghị quyết nói trên đã giảm bớt đi những chuyện này, chuyện khác; mặt khác tạo nền móng để sau này tiếp tục xây dựng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII.
Chính việc trải qua chinh chiến, tướng quân đội nhưng vẫn tham gia cấp ủy địa phương ở miền Nam, luôn gắn bó với công tác tư tưởng chính trị, không chỉ giỏi trận mạc, nên nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất gắn bó với dân, với tổ chức đảng và công tác chính trị, tư tưởng, con người. Mặc dù có rất nhiều khó khăn khi đương nhiệm, nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người bản lĩnh, luôn cầu thị, gần gũi mọi người, luôn lắng nghe, tiếp thu; trước lời phê bình của đồng chí, dư luận, luôn bình tĩnh, không bao giờ bực bội.
Khi đã nghỉ hưu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đồng chí luôn có ý kiến một cách thẳng thắn xây dựng, có tổ chức.
Video đang HOT
Chân dung nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Sáng 7/8, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
VietnamFinance xin điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Sáng 7/8, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931; quê quán tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông vào Đảng ngày 19/6/1949.
Về binh nghiệp, ngày 1/5/1950, ông gia nhập quân đội. Ông bắt đầu trưởng thành từ một binh nhì, thăng tiến dần đến chức vụ chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 66 Đại đoàn 304.
Từ tháng 9/1954 đến năm 1958, ông lần lượt giữ các chức vụ phó chính trị viên, chính trị viên tiểu đoàn rồi chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66.
Từ tháng 6/1961 đến năm 1966, ông lần lượt giữ chức vụ phó trưởng ban, trưởng Ban cán bộ tổ chức Sư đoàn 304, sau đó là phó chính ủy, rồi chính ủy kiêm trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304.
Năm 1967, ông được điều động cùng Trung đoàn 9 vào chiến trường Trị Thiên, làm chính ủy Trung đoàn. Năm 1968, ông làm trưởng Phòng tổ chức quân khu Trị Thiên. Đến năm 1970, ông là phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên.
Tháng 5/1974, khi Quân đoàn 2 được thành lập, ông được cử giữ chức chủ nhiệm Cục chính trị Quân đoàn, hàm thượng tá.
Năm 1978, ông là phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị, rồi phó tư lệnh về chính trị Quân khu 9, hàm đại tá, đồng thời kiêm nhiệm một chức vụ dân sự là phó bí thư Khu ủy Khu IX.
Tháng 4/1984, ông được thăng hàm thiếu tướng, giữ chức vụ chủ nhiệm chính trị rồi phó tư lệnh về chính trị kiêm chủ nhiệm chính trị, phó bí thư Ban cán sự Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Tháng 8/1988, sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, ông được thăng hàm trung tướng và được điều về làm phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 9/1991, ông Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân. Năm 1992, ông được phong quân hàm thượng tướng.
Về sự nghiệp chính trị, tháng 6/1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ông Lê Khả Phiêu được bầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về phía quân đội, ông giữ chức ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Tháng 6/1992 tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13 của Đảng, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 1/1994, tại hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 4/1996, ông được phân công làm thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thay ông Nguyễn Hà Phan bị kỷ luật.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc khoá VIII vào tháng 6/1996, ông Lê Khả Phiêu được bầu làm ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, thường trực Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Ngày 26/12/1997 tại hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, ông được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương. Ngoài ra, ông cũng là đại biểu Quốc hội khoá IX, X.
Trong suốt sự nghiệp, ông Lê Khả Phiêu cũng đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Sao Vàng, kỷ niệm chương vì sự nghiệp quốc tế, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng trao ngày 30/9/2014 và huy hiệu 70 năm tuổi Đảng trao ngày 25/8/2019.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội. Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời...