Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và câu chuyện lạm phát ba con số
Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên TBT Đỗ Mười đã áp dụng nhiều chính sách mới, đưa lạm phát từ ba con số về một con số (dưới 10%).
Lạm phát ba con số và giá cả tăng liên tục
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trước khi đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988-1991). Nhớ về ông là nhớ về một thời kỳ đầy khó khăn, thiếu thốn của đất nước. Cũng chính ở thời điểm đó, dấu ấn của người lãnh đạo càng in đậm nét. Mỗi quyết sách đưa ra, có thể làm cho đất nước khó khăn thêm nhưng cũng có thể ngược lại, nếu thật sự gần dân và hiểu dân cần gì. Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, vượt lên những trăn trở, day dứt.
Vào thời điểm ông Đỗ Mười làm Chủ tịch HĐBT, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược là Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, được phân công làm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu chống lạm phát của Ủy ban Khoa học xã hội. Trong trí nhớ của ông, nguyên TBT Đỗ Mười là người rất lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và khi đã sử dụng họ thì rất quyết liệt. Thời đó, không có Tổ tư vấn nên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã dùng quan hệ cá nhân với các học giả, lắng nghe, sàng lọc để đưa ra quyết sách. Nếu bắt gặp ý tưởng đúng, ý tưởng hay thì cho triển khai ngay.
Bối cảnh đất nước những năm 80 của thế kỷ trước, theo mô tả của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, đó là thời kỳ đầy khó khăn. Lạm phát lên tới ba con số. Giá cả tăng liên tục, kinh tế đình đốn, hàng hóa khan hiếm. Nếu không cương quyết kiểm soát lạm phát chắc sẽ rất khó tiếp tục công cuộc đổi mới. Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười phải vào cuộc đương đầu với cơn sốt lạm phát.
Mặc dù Đại hội VI của Đảng (1986) đưa ra quyết định xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp nhưng quan điểm kinh tế của Đảng lúc bấy giờ vẫn xem thuộc tính thứ nhất của kinh tế là kế hoạch, thuộc tính thứ hai mới là hàng hóa. Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho biết: Từ năm 1986 đến năm 1989, chúng ta thực hiện cơ chế đổi mới trong thực tiễn chưa được bao nhiêu bởi vì lúc đó, lạm phát rất cao và các quan hệ kinh tế kế hoạch, bao cấp vẫn còn chi phối. Phải đến năm 1989, khi ông Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì công cuộc chống lạm phát mới thật sự đạt kết quả, được dư luận thế giới đánh giá cao. Chính năm đó, chúng ta đã chấm dứt được lạm phát.
Đồng chí Đỗ Mười thăm HTX Cơ khí Đồng Tâm, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh năm 1989
Chấm dứt lạm phát ngay sau khi triển khai vào năm 1989
Video đang HOT
Tại thời điểm đó, hơn 40 đề án chống lạm phát đã được đặt lên bàn Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười, trong đó có cả đề án của đoàn chuyên gia kinh tế Liên Xô. Mặc dù Đề án của ông Võ Đại Lược không được đánh giá cao nhưng Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười lại quyết định chọn bởi lẽ, các đề án kia đưa ra giải pháp chống lạm phát trên cơ sở kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Còn đề án của ông Võ Đại Lược lại dựa trên quan hệ thị trường.
Tuy đề án chống lạm phát của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược không được nhiều vị lãnh đạo ủng hộ vì nó mang nhiều yếu tố mới nhưng Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười vẫn quyết định triển khai thí điểm ở Hải Phòng với 2 giải pháp chính là: lãi suất dương và tự do hóa kinh tế.
Sau 1 tháng triển khai, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười xuống kiểm tra thực tiễn thì thấy rằng, tình hình quá tốt. Nếu như trước đó, tất cả hàng hóa đều phân phối như vải vóc, xăm xe… nhà nào không dùng đến thì cho vào kho. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng tồn tại những kho hàng dự trữ kiểu đó. Nhưng khi lãi suất tăng lên 12% thì họ thấy rằng, không cần giữ cái kho hàng ấy nữa. Tất cả đều mang hàng hóa ra ngoài chợ để bán vì họ được tự do buôn bán. Họ bán lấy tiền để gửi tiết kiệm. Chỉ trong mấy ngày mà hàng hóa tràn ra thị trường. Giá cả tự nhiên tụt xuống. Lạm phát đang từ 9%/tháng thì nay tụt xuống còn 1-2%/tháng.
“Sau khi kiểm tra kết quả bước đầu ở Hải Phòng, ông Đỗ Mười có gọi tôi lên và nói rằng, sẽ cho áp dụng ở Hà Nội và sau đó, áp dụng trong cả nước. Và thực tế, khi chính sách này được triển khai trên cả nước thì tình thế thay đổi hoàn toàn. Giá cả giảm, hàng hóa dồi dào, lưu thông tốt hơn”, ông Võ Đại Lược nhớ lại.
“Khi chúng ta chống lạm phát thì các tổ chức quốc tế như IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) khuyến cáo Việt Nam phải dự trữ ngoại tệ khoảng 1 tỷ USD trong khi chúng ta chỉ có khoảng 20 triệu USD. Điều kỳ lạ ở chỗ, chưa cần đợi đến hết năm mà chỉ cần giữa năm 1989, lần đầu tiên, chúng ta có dự trữ ngoại tệ trên 100 triệu USD bởi lẽ, xuất khẩu gia tăng”.
Ông Võ Đại Lược nhắc lại chuyện này và cho biết: “Khi lạm phát giảm từ 100% xuống dưới 10%, ông Đỗ Mười đã yêu cầu nhóm của chúng tôi làm một bản báo cáo để ông trình bày trước Bộ Chính trị. Sau cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười cho gọi nhóm chuyên gia lên và đề nghị sửa lại quan điểm, kinh tế quốc doanh chỉ còn dưới 15% GDP, không chiếm 80-90% GDP như trước nữa bằng cách: cho phá sản, bán, khoán, cho thuê và cổ phần hóa. Như vậy, chính sách cổ phần hóa có từ thời ông Đỗ Mười, tức là từ năm 1989.
Từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo
Nút thắt lạm phát và thiếu thốn hàng hóa được giải quyết, dấu ấn tiếp theo của Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười là giải quyết bài toán lương thực, thực phẩm.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nhà máy ximăng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho biết: Khi đó, mỗi năm Chính phủ bỏ ra vài trăm tỷ để mua gạo của nông dân với giá cao. Sau đó bán lại cho các tỉnh, thành phố, bán lại cho công nhân viên chức với giá thấp. Như vậy, mỗi năm ngân hàng phải in ra 300 tỷ để mua gạo với giá cao. Và đó cũng là nguyên nhân khiến lạm phát tăng. Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười cho rằng, đã đến lúc, Nhà nước không cần phải in tiền để lo lương thực, thực phẩm cho dân chúng nữa. Giải pháp quan trọng nhất là cho dân được tự do buôn bán. Nông dân có gạo, có cá, có tôm… thì mang ra thành phố bán.
“Tôi còn nhớ, trước Tết âm lịch năm 1989, chính sách này bắt đầu được triển khai tại Hà Nội. Sau Tết thì ông Đỗ Mười có gọi tôi lên và bảo: Tình hình quá tốt. Nông dân được tự do mang gạo, mang gà, mang cá, mang tôm vào thành phố bán khiến cho hàng hóa ở thủ đô thêm phong phú và các cô mậu dịch viên ế ẩm. Đương nhiên, hàng của mậu dịch thì chất lượng không bằng, giá cũng không rẻ hơn bao nhiêu. Vì vậy, dân không nhất thiết phải mua hàng của mậu dịch nữa, nghĩa là chế độ tem phiếu không còn ý nghĩa gì nữa.
Sau Hà Nội thì chính sách này được triển khai rộng rãi trên toàn quốc”, ông Võ Đại Lược kể lại đầy phấn chấn.
Nếu như đầu năm 1989, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười còn yêu cầu đưa vào kế hoạch nhập khẩu 200.000 tấn lương thực thì đến khoảng tháng 6, tháng 7, Việt Nam không những không phải nhập lương thực mà còn thừa lương thực. Sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn lương thực. Nền kinh tế kế hoạch là một nền kinh tế bao giờ cũng thiếu vì các chỉ tiêu đặt ra không sát. Còn khi đã thực hiện kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường thì không bao giờ thiếu hàng hóa. Đó là điều dễ hiểu bởi nó cân đối cung-cầu và khuyến khích sản xuất khiến cho hàng hóa dư thừa.
Theo ông Võ Đại Lược, sau này, sở dĩ không ai cản được chính sách về kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa, thực hiện tự do hóa kinh tế bởi cứ làm đến đâu là thắng lợi đến đó. Sức mạnh của nó là sức mạnh thực tế.
Sau Đại hội VII (1991), Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư và ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Đây cũng là thời kỳ kinh tế Việt Nam phát triển tốt nhất với tăng trưởng kinh tế từ 8-9%” (1991-1997).
Gần 30 năm quen biết và gần gũi với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận định: “Có thể nói rằng, ông ấy là một con người hết lòng vì nước, vì dân. Khi quyết định bất kỳ một giải pháp gì, ông ấy cũng tính đến việc này có lợi gì cho sự phát triển của đất nước, có lợi gì cho cuộc sống của người dân. Việc lắng nghe và trân trọng các ý kiến của học giả cũng là một điều hết sức đáng quý ở ông Đỗ Mười. Và đặc biệt, ông ấy là một con người rất gần gũi quần chúng, bình dị”.
Sau khi rời chức vụ Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười làm Cố vấn một thời gian rồi nghỉ hẳn. Tuy nhiên, ông rất quan tâm đến tình hình đất nước. Khi ông còn khỏe, còn tỉnh táo, vài tháng, ông lại gọi chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đến nhà. Theo quan sát của ông Võ Đại Lược: “Khi thấy vấn đề gì chưa đúng, còn trăn trở thì ông Đỗ Mười lại nhấc điện thoại lên và gọi cho các vị lãnh đạo, có những cuộc điện thoại rất gay gắt. Nếu không đau đáu với sự phát triển của đất nước thì không phải bận tâm suy nghĩ như vậy”./.
Theo Hương Giang/VOV.VN
Dấu ấn nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lòng người dân
Trong tâm trí người dân, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười là người rất quyết đoán, sống rất giản dị và gần gũi với mọi người.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư đã từ trần hồi 23h12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Với nhiều người, xen lẫn trong niềm tiếc thương là hình ảnh về vị Tổng Bí thư gần gũi, giản dị hiện về.
T ổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. Nguồn ảnh: TTXVN
Trong ngôi nhà số 468, đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, tại vị trí trang trọng nhất ở phòng khách, bà Y Xuôi, 69 tuổi, dân tộc Sê Đăng treo tấm ảnh bà chụp với Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi tham dự Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX.
Bà Y Xuôi cho biết, là đại biểu Quốc hội từ khóa VII đến khóa IX, rồi trên các cương vị công tác khác nhau của tỉnh Kon Tum, bà đã nhiều lần trò chuyện, làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười.
"17 năm trong Quốc hội từ khóa VII cho đến khóa IX tôi rất gần gũi với Bác và thấy rằng Bác là một người rất giản dị, rất quần chúng, rất sâu sắc. Trên vị trí Tổng Bí thư, Bác đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, là một đồng chí sâu sát cơ sở. Đó là điều mà tôi thấy rất cảm động"- bà Y Xuôi chia sẻ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ lãnh đạo một tỉnh, một khu hay một bộ, ngành, một lĩnh vực rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cả khi đã nghỉ hưu, đồng chí Đỗ Mười đều để lại dấu ấn rất quan trọng, những tình cảm trong sáng với đồng bào, đồng chí.
Là người từng 2 lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong các cuộc làm việc trực tiếp về các doanh nghiệp, trong ký ức ông Hồ Thăng Trừng, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí Thư Đỗ Mười là người rất quyết đoán, sống giản dị và gần gũi với mọi người.
"Đồng chí Đỗ Mười là một cán bộ cách mạng trải qua nhiều gian truân trong cuộc kháng chiến. Đồng chí là người rất kiên quyết, kiên trung, kiên định, đóng góp một thời kỳ dài cho đất nước, cho Đảng. Đồng chí ra đi khiến chúng tôi thấy vô cùng thương tiếc!"- ông Hồ Thăng Trừng bày tỏ.
Nhớ lại kỷ niệm một lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong cửa hàng mậu dịch, ông Nguyễn Hữu Thường, cựu chiến binh ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ấn tượng phong cách của một vị lãnh đạo gần dân.
"Tôi rất xúc động khi nghe tin đồng chí Đỗ Mười từ trần, một người cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Đồng chí sâu sát, quan tâm đến đời sống của nhân dân" - ông Thường chia sẻ và kể một lần đồng chí Đỗ Mười vào kiểm tra cửa hàng mậu dịch, giả người dân vào ăn phở, mua hàng cung cấp để chỉnh đốn nhân viên của thời kỳ đó.
Còn với người dân thành phố Hải Phòng, nơi đồng chí Đỗ Mười từng giữ cương vị Bí thư Thành ủy, giai đoạn những năm 1955 - 1956, thì sự ra đi của ông đã để lại sự tiếc thương cho nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân thành phố hoa phượng đỏ.
"Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười có một phong thái hết sức điềm đạm, chân thành, thẳng thắn. Khi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - giai đoạn đất nước hết sức khó khăn, ông Đỗ Mười đã lãnh đạo, chỉ đạo vực dậy nền kinh tế. Đó là một thành tích hết sức lớn lao" - ông Nguyễn Văn Vẻ, cán bộ Quân đội đã nghỉ hưu, hiện sống tại phường Văn Đẩu, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, nói./.
Theo Nhóm PV/VOV
Ảnh: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và các nguyên thủ thế giới Những bức ảnh ghi lại những chuyến công du, hội đàm của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng các nguyên thủ, lãnh đạo thế giới trong thời gian đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo khác nhau trong Đảng và chính quyền. Theo thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Đỗ...