Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người đặt nền móng cho cải cách kinh tế
Với luật sư Nguyễn Văn Hậu, một luật gia từng trải qua quá trình “hành xác” khi luật Doanh nghiệp chưa ra đời, thì những quyết sách mang tính đột phá của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt nền móng cho cải cách nền kinh tế hiện nay.
Thủ tướng Phan Văn Khải khi thăm Hoa Kỳ
Trao đổi cùng PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết ông đặc biệt ấn tượng đối với những quyết sách mang tính bước ngoặc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ban hành luật Doanh nghiệp 1999.
Bởi trước khi luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, luật quy định người dân được quyền kinh doanh những gì nhà nước “cho phép”, doanh nghiệp vướng khá nhiều rào cản khi phải xin quá nhiều giấy phép con.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Hậu kể: “Có những giấy phép nó rất kỳ cục như: giấy phép nhặt giấy vụn, giấy phép vẽ truyền thần, giấy phép photocopy…”.
Và kể cả khi luật Doanh nghiệp ra đời, người dân muốn kinh doanh vẫn bị “hành xác” vì luật gặp trở lực rất lớn khi đưa vào cuộc sống.
Ông Hậu nhớ lại: “Tôi nhớ thời điểm luật ban hành, một số các bộ ngành, UBND một số tỉnh thi hành rất chậm trễ, cũng có ý là không thực hiện bởi vì theo luật mới, một số quyền lực của các đơn vị này bị hạn chế, cắt bỏ”.
Video đang HOT
Năm 1999, khi luật Doanh nghiệp vừa ra đời, ông Hậu là thành viên trong đoàn tuyên truyền luật Doanh nghiệp 1999 cũng vấp phải 1 loạt thủ tục “hành xác” khi đi xin giấy phép photocopy để in tài liệu. Để có được quyền photocopy, ông đã mất 1 tháng trời chạy khắp nơi để xin được 3 tờ giấy phép photocopy của UBND quận Bình Thạnh, Công an quận Bình Thạnh và Sở Văn hóa – Thông tin TPHCM.
Để đặt chiếc máy photocopy, ông phải xin giấy phép ở ba cơ quan công quyền trong khoảng 1 tháng
Giấy phép của sở VH-TT cấp cho việc kinh doanh photocopy
Giấy phép photocopy của công an quận Bình Thạnh cấp
Giấy phép kinh doanh do UBND quận Bình Thạnh cấp
Nhưng với tinh thần quyết liệt đưa luật vào áp dụng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập một tổ rà soát, bãi bỏ được 286 giấy phép con, giảm phiền hà cho người dân rất nhiều trong quá trình kinh doanh. Ông nói: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra và xác lập cơ chế là người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.
Với tinh thần trên, luật Doanh nghiệp đã dần đi vào cuộc sống, loại bỏ hàng loạt giấy phép con và sự can thiệp không cần thiết của nhà nước vào hoạt động kinh doanh của người dân.
Bản thân ông Hậu cũng từng tham gia hỗ trợ 1 doanh nghiệp địa phương dám đứng ra kiện UBND cấp quận vì gây khó khăn trong việc cấp phép kinh doanh, đòi hỏi giấy phép “con”. Nhờ có luật Doanh nghiệp, ông đã giúp cho doanh nghiệp này thắng kiện, được thực hiện quyền kinh doanh “những gì pháp luật không cấm” của mình.
Bản thân ông Hậu từng rất nhiều lần trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khi đi xin giấy phép “con”
Theo ông Hậu, những hành động của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, từ Cương lĩnh 1991 cho đến luật Doanh nghiệp 1999, đã xác lập định chế cho người dân được tự do kinh doanh, đặt nền móng cho cải cách kinh tế, hình thành nền kinh tế thị trường sau này.
Ông Hậu nói: “Điều tôi ấn tượng nhất với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 9 năm ông điều hành Chính phủ, từ năm 1997 – 2006, là tinh thần đổi mới. Những cải cách của ông đã giúp xác định cơ chế doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp tham gia làm kinh tế và tạo điều kiện cho họ mở rộng kinh doanh. Chính ông đã đặt nền móng cho những thế hệ tiếp theo sau này phát triển ý tưởng đó”.
TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) cũng chia sẻ về vị lãnh đạo mà ông từng nhiều năm hỗ trợ tư vấn chiến lược: “Ông đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Các quan điểm và di sản này đã để lại cho thế hệ lãnh đạo sau này”.
“Có thể nói, lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông Khải như một người Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933; quê quán huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - Phát triển đất nước, Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Trong gần hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, những luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.
Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh dấu bằng việc ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con"; trải qua nhiều vòng đàm phán gay go trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO...
Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (năm 2014) để ghi nhận những cống hiến của ông trong sự nghiệp cách mạng.
TTXVN
Theo Dantri
Kỷ niệm khó quên của các nhà ngoại giao với cố Thủ tướng Phan Văn Khải Là người chèo lái Chính phủ trong giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập mạnh mẽ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời kỳ đối ngoại đầy sôi động của đất nước. Với 15 năm tham gia điều hành Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải được tín nhiệm bầu giữ...