Nguyên thiếu tá công an hầu tòa vì lừa “chạy” trường, “chạy” việc
Với mác cán bộ công an, Nguyễn Đại Hiền nhận tiền chạy việc, chạy trường cho một số người vào ngành. Không thực hiện được cam kết ban đầu, không trả lại được số tiền đã nhận, Hiền bị truy tố ra trước tòa án về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Nguyễn Đại Hiền (SN 1977, trú tại TP.Vinh, Nghệ An). Nguyễn Đại Hiền nguyên là Thiếu tá công an, đã từng công tác tại Trại giam số 6 – Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương, Nghệ An) rồi chuyển về Phòng công tác chính trị Công an tỉnh Nghệ An trước khi ra quân.
Nguyễn Đại Hiền tại phiên tòa
Theo cáo buộc của Viện KSND tỉnh Nghệ An, từ năm 2014 đến tháng 4/2016, để có tiền tiêu xài cũng như trả nợ, biết mình không có khả năng xin việc nhưng để tạo lòng tin cho người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản, Hiền khoe có mối quan hệ rộng, có khả năng xin việc vào các đơn vị hoặc đi học tại các trường thuộc ngành công an.
Cơ quan điều tra làm rõ, Nguyễn Đại Hiền đã nhận của ông Nguyễn Thái Đ. (trú huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) 597 triệu đồng để chạy cho con gái ông Đ. vào Trường Trung cấp CSND I; nhận 600 triệu đồng của anh Bùi Tuấn P. (trú Hà Tĩnh) 600 triệu chạy vào ĐH PCCC; nhận của bà Nguyễn Thị V. (huyện Thanh Chương, Nghệ An) 600 triệu đồng để xin việc cho con trai chị này vào làm kế toán tại Trại giam số 6.
Tiếp đó, Nguyễn Đại Hiền nhận của bà Nguyễn Thị T. (trú huyện Thanh Chương) 450 triệu chạy việc cho con trai vào làm lái xe tại Trại giam số 6; nhận 500 triệu đồng của bà Cù Thị T.H (trú TP.Vinh) để chạy cho con trai bà H. vào Trung đoàn cảnh sát cơ động; nhận của chị Võ Thị L. (trú TP.Vinh) 500 triệu đồng để chạy việc cho con trai chị này vào PCCC tỉnh Nghệ An; nhận của anh Lê Ngọc H. (huyện Yên Thành) 200 triệu để chạy cho con trai anh H. vào biên chế ngành công an.
Các bị hại trong vụ án này là những người đã nộp một khoản tiền lớn cho Hiền để chạy trường, chạy việc vào đơn vị công an
Sau nhiều lần gia hạn, hứa hẹn, Nguyễn Đại Hiền đã đưa cho các bị hại một số giấy tờ (photo) giả của lãnh đạo công an các cấp về việc tuyển dụng vào trường và các đơn vị công an.
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Đại Hiền khai nhận toàn bộ tiền, hồ sơ của các bị hại được chuyển cho Trần Thị Phương Chi (SN 1979, trú tại TP.Vinh) và một số người khác để thực hiện việc chạy trường, chạy việc. Sau khi sự việc bị phát giác, Trần Thị Phương Chi đã thay Hiền khắc phục một phần cho các bị hại. Cơ quan điều tra xác định Chi và những người này không có ý thức chiếm đoạt, sau khi không xin được đã hoàn trả lại tiền đầy đủ nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Video đang HOT
Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Nguyễn Đại Hiền ra trước tòa án để xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền mà Hiền đã chiếm đoạt của các bị hại 3 tỷ 217 triệu đồng.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Đại Hiền còn có hành vi sử dụng giấy khám sức khỏe giả để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Bản cam kết hoàn tiền được cho là của Trần Thị Phương Chi lập sau khi nhận tiền từ Hiền để chạy trường cho bị hại
Tại phiên tòa, Nguyễn Đại Hiền thừa nhận mình không có khả năng “chạy việc”, “chạy trường” cho những người có nhu cầu. Hiền khẳng định toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, tiền đã nhận từ các bị hại đã được chuyển đầy đủ cho Trần Thị Phương Chi, tổng cộng 30 đợt là hơn 7,8 tỷ đồng.
“Chi giới thiệu là giáo viên, có chuỗi cửa hàng thuốc tân dược, có bố mẹ là công an nghỉ hưu, bác đang công tác tại Bộ Công an, quan hệ rộng nên khi Chi hứa sẽ xin được 1 số chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành công an, bị cáo tin tưởng nên gom tiền, hồ sơ của những người có nhu cầu xin việc đưa cho Chi. Khi sự việc bị bể, Chi nói bị cáo nhận hết tội, Chi sẽ trả lại tiền cho các bị hại nhưng bị cáo đòi nhiều lần, Chi chỉ trả được hơn 1 tỷ”, Hiền khai trước tòa.
Bị cáo cũng khẳng định toàn bộ giấy tờ photo của lãnh đạo công an các đơn vị cũng như giấy khám sức khỏe của Bệnh viện công an tỉnh Nghệ An mà Hiền đưa cho bị hại là do Trần Thị Phương Chi đưa cho Hiền. Hiền không biết đây là giấy tờ giả mạo.
Giấy nhận tiền của bà Chi lập thể hiện nhận từ Nguyễn Đại Hiền 1 tỷ đồng “chạy” hai người vào PCCC
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Đại Hiền đã cung cấp 1 cuốn sổ ghi số lần chuyển tiền cho bà Chi kèm theo các tờ biên nhận của bà Chi hoặc người được bà Chi nhờ nhận tiền của Hiền. Tuy nhiên, trong các tài liệu này không thể hiện rõ là bà Chi nhận tiền của Hiền để chạy trường, chạy việc vào ngành công an cho các bị hại.
Tại phiên tòa, thông qua luật sư bào chữa, Nguyễn Đại Hiền cung cấp 3 bản giấy viết tay có bút tích của bà Trần Thị Phương Chi. Trong đó có nội dung bà Chi bảo Hiền yên tâm đi tù, mỗi tháng sẽ gửi cho con của Hiền 5 triệu đồng.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo thì những tài liệu này chứng minh bà Trần Thị Phương Chi có liên quan đến việc nhận tiền chạy việc từ Hiền. Do cần phải làm rõ bút tích này có phải của bà Chi hay không, HĐXX tuyên hoãn xét xử để có thời gian thẩm tra tài liệu cũng như triệu tập bà Chi tới tham dự phiên tòa để làm rõ các nội dung liên quan.
Hoàng Lam
Theo Dantri
14 năm tù cho người phụ nữ cầm đầu đường dây lừa "chạy chế độ" thương binh
Tạ Thị Vân cho rằng mình không lừa đảo mà chỉ "giúp đỡ" các cựu chiến binh làm chế độ trợ cấp hàng tháng. Trong khi số tiền mà mà Vân có được từ sự "giúp đỡ" này, để rồi chiếm đoạt của 95 cựu chiến binh lên tới gần 3,7 tỷ đồng.
Ngày 5/2, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Tạ Thị Vân (SN 1962, trú tại TP Vinh, Nghệ An) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Là bộ đội phục viên, có chồng công tác trong quân đội (hiện tại đã li hôn), Vân "nổ" có mối quan hệ rộng từ địa phương tới Trung ương, có thể "chạy" chế độ thương binh, nâng hạng thương binh, bệnh binh, chất độc hóa học cho các cựu chiến binh bị mất hồ sơ, giấy tờ. Mỗi trường hợp, tùy vào nguyện vọng làm chế độ gì, Vân ra giá từ 12 đến gần 30 triệu đồng.
Tạ Thị Vân tại phiên tòa
Tin tưởng vào lời giới thiệu của Vân, 5 người ở Nghệ An, Hà Tĩnh (được xác định là bị hại trong vụ án) đã đứng ra làm trung gian, thu hồ sơ, giấy tờ và tiền của nhiều cựu chiến binh. Trong đó, ông Phạm Văn M. (SN 1955, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) nhận 65 bộ hồ sơ với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; ông Trần Văn P. (SN 1948, trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhận 34 bộ hồ sơ, 626 triệu đồng;
Ông Nguyễn Nam K. (SN 1950, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nhận 34 bộ hồ sơ, 680 triệu đồng; ông Thái Văn P. (SN 1963, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nhận 31 bộ hồ sơ, 310 triệu đồng; ông Nguyễn Văn N. (SN 1958, trú thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận 36 bộ hồ sơ, 936 triệu đồng đưa cho Tạ Thị Vân hoặc Hồ Thanh Tùng (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) để "chạy chế độ".
Sau khi nhận giấy tờ hồ sơ và tiền của những người trên, Tạ Thị Vân hứa trong vòng 6 tháng đến 1 năm sẽ có quyết định về việc hưởng chế độ. Tuy nhiên, trên thực tế, Vân và Tùng chỉ đưa những người này đến bệnh viện "khám thực thể" rồi thôi. Một số cựu chiến binh cho biết, "khám thực thể" như Vân nói thực chất chỉ là đến lấy máu rồi... đi về.
Tin tưởng vào "khả năng" của Tạ Thị Vân, ông Phạm Văn M. đã thu hồ sơ, tiền của 65 bộ hồ sơ với số tiền 1,6 tỷ đồng đưa cho Vân và Tùng để làm chế độ. Ông M. đã phải bán nhà để hoàn trả tiền cho các cựu chiến binh nhưng vẫn chưa trả hết
Cơ quan điều tra kết luận, với thủ đoạn này, Tạ Thị Vân chiếm đoạt của 95 cựu chiến binh thông qua những người trên gần 3,7 tỷ đồng. Hiện Tạ Thị Vân và gia đình đã hoàn trả được một phần số tiền chiếm đoạt cho các bị hại để trả cho các cựu chiến binh.
Ngoài ra trong quá trình điều tra cho thấy Tạ Thị Vân thông qua Hồ Thanh Tùng nhận 471 bộ hồ sơ "chạy chế độ" cho các cựu chiến binh với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, Hồ Thanh Tùng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã, đồng thời tách thành một vụ án khác, khi nào bắt được Tùng sẽ xử lý sau.
Tại phiên tòa, Tạ Thị Vân thừa nhận mình không phải là người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ thu nhận hồ sơ giấy tờ của các cựu chiến binh để giải quyết chế độ chính sách cho họ. Tuy nhiên, nữ bị cáo này cho rằng, việc làm của mình là nhằm "giúp đỡ" các cựu chiến binh chứ không vì mục đích chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, Tạ Thị Vân chiếm đoạt gần 3,7 tỷ đồng của 95 cựu chiến binh thông qua 5 "chân rết". Ngoài ra, Vân thông qua Hồ Thanh Tùng chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của 417 cựu chiến binh khác
Quán trình xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định, Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Tạ Thị Vân tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất lòng tin và trật tự trị an xã hội...
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Tạ Thị Vân 14 năm tù, buộc bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 5 bị hại để họ hoàn trả cho 95 cựu chiến binh nói trên.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Bị vây bắt, trùm ma túy người Lào bắn trọng thương công an Thò Nỏ Tủa cùng đàn em đang giao dịch 20 bánh heroin với giá 2,8 tỷ đồng với mối buôn Việt Nam thì bị lực lượng chức năng tại Nghệ An ập vào bắt giữ. Tủa nã súng khiến 1 chiến sỹ công an bị thương rồi chạy trốn vào rừng. Thò Nỏ Tủa phải lĩnh 30 năm tù cho 3 tội danh...