Nguyễn Thị Loan buôn 3 tấn dưa hấu ủng hộ nông dân
Người đẹp thuộc Top 25 Hoa hậu Thế giới 2014 kể, khi mua 3 tấn dưa ủng hộ nông dân, vì thiếu người nên cô cũng nhảy vào khuân vác.
Nguyễn Thị Loan (ảnh trái) mặc giản dị đi mua dưa, còn Hoa hậu Kỳ Duyên lại bị tố “làm màu” khiến cô phải lên facebook thanh minh.
Từ mua dưa thành… buôn dưa
Những ngày vừa qua, hoạt động cộng đồng được quan tâm nhất là việc mua bán dưa hấu ủng hộ người dân Quảng Nam. Nguyễn Thị Loan cũng tham gia, cô tạo được ấn tượng tốt vì hình ảnh giản dị và thân thiện, trong khi Hoa hậu Việt Nam 2015 Nguyễn Cao Kỳ Duyên lại vấp phải phản ứng dư luận, bị cho là “làm màu” khi chụp ảnh khuân dưa, khiến cô phải thanh minh.
Video đang HOT
Trước câu hỏi của Thể Thao Văn Hóa: “Chị nghĩ sao khi người nổi tiếng khi làm tình nguyện thường vấp phải định kiến đánh bóng tên tuổi?”, Nguyễn Thị Loan bày tỏ quan điểm: “Nếu bạn thực sự làm tình nguyện từ trái tim, thì nếu bị hiểu nhầm, bạn vẫn không có lý do gì phải xấu hổ. Bạn vẫn có thể ngẩng cao đầu. Dù sao, hiệu quả của chương trình đối với xã hội mới là thứ cần hướng tới”.
Về chuyện “buôn dưa”, người đẹp kể, ban đầu, mục đích của cô là mua dưa ủng hộ các tình nguyện viên với số lượng 3 tấn. Nhưng khi đến nơi, nhóm tình nguyện viên thiếu người khuân vác, nên cô cũng đứng ra khuân vác dưa từ trên xe xuống.
Nguyễn Thị Loan gây ấn tượng bởi cách nói chuyện mạch lạc.
Ban đầu, Nguyễn Thị Loan chỉ định mua ủng hộ, nhưng sau đó lại tham gia cùng các tình nguyện viên trẻ tuổi. Trò chuyện với họ, cô thấy mình như trẻ lại. Trong quá trình đó, cô cũng nhận ra rằng việc xếp hàn dài khuân vác những quả dưa 10kg tốn rất nhiều thời gian công sức. Cô nói: “Nếu là sinh viên ngành kỹ thuật, chắc tôi sẽ nghĩ ra một dạng băng chuyền để vận chuyển dưa nhanh và đỡ tốn sức hơn”.
“Không tán đồng đi tình nguyện chỉ để khoe trên facebook”
Tình nguyện là từ trái tim, nhưng theo Nguyễn Thị Loan, tiếp thị và truyền thông cũng là những yếu tố rất quan trọng. “Với các chương trình tình nguyện nhỏ, chúng ta có thể làm theo khả năng của mình. Nhưng với các chương trình lớn, truyền thông và tiếp thị rất có lợi cho hiệu quả đường dài. Một chương trình được truyền thông tốt thì luôn có những nhà tài trợ có khả năng tài chính tốt, khiến hiệu quả của chương trình sâu rộng hơn”.
Là người có kinh nghiệm tổ chức tình nguyện, Nguyễn Thị Loan cũng đưa ra cách phân biệt đâu là truyền thông tốt và quá lố: “Nếu các bạn đi tình nguyện mà chỉ chụp ảnh để đăng facebook rồi đi về, có thể bạn bè trên facebook tưởng rằng bạn làm việc ý nghĩa, nhưng những người đi cùng bạn đều biết sự thật. Điều đó tôi không hề tán đồng”.
“Còn nếu các bạn thực sự đã làm việc ý nghĩa, rồi chụp ảnh để kỷ niệm và khiến mọi người hiểu được ý nghĩa đó, thì lại là cách truyền thông tốt. Thậm chí, từ bức ảnh mà thu hút được nhiều người biết đến và tham gia, giúp tăng hiệu quả của chương trình”.
Trần Hùng John kể kinh nghiệm hoạt động tình nguyện ở Việt Nam.
Còn Trần Hùng John, người từng đi xuyên Việt trong năm 2013 để quyên tiền từ thiện, cho rằng: “Tôi thấy ở Việt Nam không chỉ người nổi tiếng mà người bình thường cũng có dạng đi tình nguyện để khoe trên facebook”. Anh dẫn ví dụ trong cuốn sách John đi tìm Hùng, khi anh viết về một làng SOS, nơi những người quản lý “không thực sự muốn giúp những người khó khăn mà muốn khoe khoang và xin tiền tài trợ”.
“Tình nguyện không nhất thiết phải là một công việc to tát, không cần chụp ảnh khoe với ai hay đưa lên báo” – Hùng John nói. Không nhất thiết bạn phải tìm đến các tổ chức lớn hay đến tận Hạ Long để nhặt rác. Chúng ta làm những việc nhỏ có ích, đó cũng là tình nguyện”.
Còn anh Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, góp ý kiến: “Giữ ảnh kỷ niệm đẹp khi đi tình nguyện là nhu cầu chính đáng của mỗi người, tuy nhiên hoạt động tình nguyện cần chuyên nghiệp. Không thể ai cũng chỉ lo chụp ảnh, mỗi đoàn cần cử ra một hoặc hai người chuyên chụp ảnh, còn lại tập trung cho công việc”.
Theo Mi Ly/ Thể Thao Văn Hóa