Nguyễn Thị Lệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Vụ việc bắt cóc cháu bé sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 3-11 vừa qua có một kết thúc có hậu. Để xác định trách nhiệm của đối tượng bắt cóc cháu bé, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Đối tượng Nguyễn Thị Lệ
- PV: Dưới góc độ luật sư, hành vi của đối tượng Nguyễn Thị Lệ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh nào trong Bộ Luật Hình sự, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Tại khoản 1, Điều 120 BLHS đã nêu: “Người nào mua bán, đánh tráo, hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”… Rõ ràng sự việc xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy người phạm tội đã thực hiện hành vi chiếm đoạt đứa trẻ đó. Với những dấu hiệu này đủ để cơ quan CSĐT và cơ quan tố tụng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng phạm tội theo Điều 120 BLHS.
Video đang HOT
- PV: Giả định, đối tượng bắt cóc cháu bé sơ sinh rồi đem bán ra nước ngoài thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Việc bắt cóc trẻ em dù nhằm bất kỳ mục đích nào cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi nó không chỉ gây tổn thất cho người mẹ sinh ra đứa trẻ mà còn gây ảnh hưởng đến vấn đề ANTT trong xã hội. Ngay tại khoản 2, Điều 120 BLHS cũng đã quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Vì động cơ đê hèn; Đối với nhiều trẻ em; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Để đưa ra nước ngoài; Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; Để sử dụng vào mục đích mại dâm; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều này có nghĩa, trong trường hợp CQĐT xác định được động cơ phạm tội thực sự của người phạm tội rơi vào một trong những trường hợp kể trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội CQĐT, cơ quan tố tụng sẽ đưa ra những hình phạt tương xứng. Khung hình phạt cao nhất đối với tội bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em là tù chung thân. Ngoài ra, hình phạt bổ sung được quy định cho tội này là phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
- PV: Trong trường hợp CQĐT có kết luận hành vi bắt cóc cháu bé của đối tượng Nguyễn Thị Lệ chỉ đơn thuần nhằm mục đích để nuôi dưỡng, được bố mẹ cháu bé có đơn đề nghị CQĐT xem xét để giảm nhẹ tội danh cho đối tượng thì có được coi là tình tiết giảm nhẹ?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Về căn bản tội phạm đã hoàn thành kể từ khi người phạm tội bắt cóc đứa trẻ nên vẫn sẽ bị truy cứu theo Điều 120 BLHS. Tuy vậy, nếu CQĐT xác định được người phạm tội do chịu áp lực từ gia đình muốn nuôi dưỡng đứa trẻ để giải quyết vấn đề tâm lý, mặt khác gia đình cháu bé bị bắt cóc có đơn bãi nại gửi CQĐT xem xét đến hoàn cảnh của đối tượng Nguyễn Thị Lệ, thì đây sẽ được coi là một trong những căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét theo quy định tại Điều 46 BLHS. Trong đó, các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;… Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, động cơ, mục đích của đối tượng phạm tội để tòa án, viện kiểm sát xem xét đây có được coi là tình tiết giảm nhẹ hay không.
- PV: Trường hợp đối tượng phạm tội thực hiện hành vi bắt cóc cùng với những người khác có liên quan thì sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Trong trường hợp có sự tiếp tay, có sự phân công, giao nhiệm vụ nhiều của nhiều đối tượng khác nhau, thì sẽ được coi là phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp. Đối với những người có liên quan thì có thể chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm hoặc tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm theo quy định của BLHS. Tùy theo hành vi phạm tội thực tế của đối tượng phạm tội sẽ xác định tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này theo luật định.
Theo ANTD
BV Phụ sản lắp camera chống bắt cóc trẻ em
Sau khi công an giải cứu thành công cháu Phạm Xuân Trường trao trả cho gia đình, chiều 10/11, ông Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bằng mọi giá sẽ cho lắp ngay hệ thống camera theo dõi ở tất cả các ngõ, ngách, khoa phòng của bệnh viện, phòng khi nhỡ có xảy ra sự cố thì công an cũng có dấu hiệu để điều tra.
Ông Tiến cũng cho biết, đã yêu cầu lực lượng bảo vệ tăng cường kiểm tra, kiểm soát sát sao việc bế hộ con, cháu. Thời gian tới, ngay cả người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế muốn bế hộ cháu sau sự việc vừa qua, tới đây cũng rất khoát không cho.
Trước lo lắng bệnh viện hiện có hàng trăm nhân viên, y, bác sỹ, làm thế nào để phân biệt thật, giả, ông Tiến cho biết, bệnh viện sẽ thường xuyên phổ biến cho người nhà, sản phụ để họ nhận biết được trong thời gian điều trị còn ngoài thời gian đó không nên đưa con cho bất kỳ ai.
Cháu Trường lại ngủ an toàn trong chiếc nôi bệnh viện. Ảnh: Xuân Tùng
Trong một diễn biến khác, sau vụ giải cứu cháu nhỏ thành công, đưa cháu về đoàn tụ với gia đình, chiều 10/11, bệnh viện Phụ sản TW đã tổ chức buổi lễ tuyên dương các lực lượng công an làm nhiệm vụ vì đã có công trong việc giải cứu cháu Trường.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc bệnh viện cho biết, theo kết quả xét nghiệm ADN, cháu bé vừa được cơ quan công an giải cứu trao trả cho gia đình, đúng là con của vợ chồng anh Triều, chị Thơm.
"Việc xét nghiệm ADN đến thời điểm này là thừa nhưng cần phải làm đúng thủ tục pháp luật. Hiện sức khỏe của cháu bé khá tốt, cháu bú nhiều", ông Giám đốc bệnh viện cho biết.
Có mặt tại buổi lễ tuyên dương, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Công an Hà Nội cũng đã kể lại quá trình phá án "nghẹt thở" của các lực lượng công an thành phố.
Ông Phó giám đốc Công an thành phố cho biết, ông nhận được tin báo về vụ mất tích trẻ sơ sinh vào chiều 3/11 khi ông đang họp. Ngay lập tức ông đã báo cáo sự việc với Giám đốc Công an thành phố để triển khai lực lượng truy tìm cháu bé bị bắt cóc.
Ông Chung cho biết, qua phân tích tình hình, cơ quan công an nhận định có 3 khả năng gây án đó là: cháu bé bị đường dây buôn bán trẻ nhỏ bắt trộm (đã từng xảy ra 2 trường hợp trên địa bàn thành phố), những phụ nữ hiếm muộn không có con thuê bắt và trường hợp thứ 3 những đối tượng cần con cái để nuôi đi bắt trộm về. "Trường hợp thứ 4 cũng được đặt ra, đó là những nghi vấn về gia đình cháu nhỏ", ông Phó giám đốc Công an thành phố nói.
Theo ông Phó giám đốc Công an Hà Nội, sở dĩ phải đặt ra nghi vấn trên vì ngay từ khi tiếp xúc lúc ban đầu, tinh thần thái độ của bố, mẹ cháu bé có cái gì đó hơi thờ ơ. Từ nghi vấn trên, ông đã cử cán bộ về quê điều tra về những khúc mắc quanh chuyện gia đình, trong quan hệ của gia đình của bố mẹ cháu nhỏ.
Đối tượng Lệ bị bắt sau 5 ngày gây án.
Ông Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, trong quá trình điều tra, tất cả các mũi đều được yêu cầu làm âm thầm, không được ồn ào. Vì làm ồn ào là đánh động, khi tìm thấy cháu bé nếu thủ phạm biết thì cũng hoàn toàn vô nghĩa. "Thủ phạm hoàn toàn có thể giết chết cháu nhỏ", ông nói.
Theo ông Phó giám đốc Công an Hà Nội, trong quá trình điều tra, tất cả các trường hợp mất quần, áo của các bác sỹ đều được dựng lên, các khoa, phòng đều được yêu cầu thống kê. Thậm chí, những trường hợp đã đẻ con nhưng mất ở bệnh viện cũng đều được thống kê, rà soát, để tìm ra manh mối.
Tuy nhiên, có một khó khăn là riêng hôm mùng 3 có hai trường hợp xuất viện với con nhỏ nhưng không cháu nào có nhận dạng, trong khi đó, không ai tả được đặc điểm của đối tượng như thế nào. Đối tượng đeo khẩu trang, đội mũ lại mặc áo blue trắng. Công an tìm một vụ án mà không có một nhân chứng nào.
Sau 3 ngày vào cuộc, cơ quan công an đã khoanh vùng dần lại. Ngoài việc tìm tất cả các bệnh viện Phụ sản và tất cả các khoa sản của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, công an cũng yêu cầu tất cả các tổ dân phố trong 10 quận của Hà Nội, những trường hợp có con xuất viện ngày mùng 3 thì đều phải báo cáo...
"Sau nhiều ngày nỗ lực, nhờ sự giúp đỡ của nhân viên lái xe taxi, cuối cùng cơ quan công an đã giải cứu thành công cháu bé vào lúc 2h chiều", Đại tá Nguyễn Đức Chúng, Phó giám đốc Công an thành phố cho biết.
Trước đó, sáng 3/11, đối tượng tên Lệ vào sân bệnh viện Phụ sản lấy trộm chiếc áo blouse trắng đang phơi mặc vào người, rồi đến bên giường mẹ cháu Trường, lấy cớ đưa cháu đi xét nghiệm nhóm máu để bắt cóc bé trai mới 2 ngày tuổi.
Ngay sau đó, Lệ lên taxi chạy một mạch về quê ngoại ở tỉnh Bắc Giang, rồi tiếp tục đưa cháu Trường quay về nhà chồng ở huyện Đông Anh và nói đây là con trai do Lệ mang nặng đẻ đau mà có... Sau 5 ngày tích cực điều tra, phá án, Công an Hà Nội đã giải cứu thành công cháu Trường trao trả cho gia đình.
Để tuyên dương chiến công của lực lượng công an đã giải cứu cháu Trường thành công, chiều 10/11, Bệnh viện Phụ sản TW đã tổ chức lễ tuyên dương và trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 3 tập thể: Phòng CSHS Công an Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm và Công an phường Trần Hưng Đạo... vì có thành tích suất xắc trong việc giải cứu bé Trường. Hàng trăm bệnh nhân, y, bác sỹ bệnh viện đã đến dự, trong niềm vui hân hoan cùng với gia đình.
Theo VNMedia
"Rất vui nếu được nhận cháu Trường làm con nuôi" "Niềm vui hạnh phúc trong sự đoàn tụ của gia đình mẹ con chị Thơm đó chính là món quà quý giá nhất mà trong cuộc đời lái xe taxi tôi có được"- Anh Nguyễn Xuân Việt-nhân viên lái xe taxi là người phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến vụ chiếm đoạt trẻ em, giúp Cơ quan CSĐT- CATP Hà...