Nguyên TGĐ GPbank bị bắt: Hành trình thăng tiến trong thương vụ hơn 5.500 tỷ đồng
Quá trình điều tra mở rộng vụ án gây thiệt hại 5.500 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành bắt giữ cựu Tổng giám đốc để phục vụ điều tra.
Cựu Tổng giám đốc ngân hàng bị bắt
Theo nguồn tin của PV, C46 bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Quyết Thắng (43 tuổi, nguyên Tổng giám đốc GPbank) để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị khởi tố cùng tội danh với ông Thắng có ông Nguyễn Anh Dung (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng GPbank), Nguyễn Ngọc Nam (giám đốc Công ty TNHH&CN Sao Bắc), Hoàng Công Hợp ( chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Thành Trung).
Gần một năm trước, khi vụ án được khởi tố, nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch của GPbank là Tạ Bá Long, Đoàn Văn An đã bị bắt đầu tiên.
Theo điều tra của cơ quan công an, để có tiền trả nợ trái phiếu cho công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVN FC), giữa năm 2011, ông Long, An đã bàn bạc về việc để Long đại diện GPbank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower với ông Hợp và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPbank với Nguyễn Ngọc Nam.
Đối tượng Long, An chỉ đạo Thắng và một thuộc cấp ký chứng từ, làm thủ tục rút 3.900 tỷ đồng của GPbank để chuyển vào tài khoản cho công ty Thành Trung và Sao Bắc, sau đó tiền được dùng để trả nợ trái phiếu.
Hiện số tiền không có khả năng thu hồi. Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi của các đối tượng đã vi phạm khoản 3 Điều 7 Luật Kế toán năm 2003, Điều 140, Luật các tổ chức tín dụng và Quy định của GPbank trong đầu tư bất động sản.
Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Video đang HOT
Ông Phạm Quyết Thắng (43 tuổi, nguyên Tổng giám đốc GPbank) bị khởi tố để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Cơ quan điều tra cũng xác định các đối tượng trên đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó, tiền gốc là 3.900 tỷ, lãi 1.600 tỷ. Đối tượng Long, An là chủ mưu, những người còn lại là đồng phạm giúp sức.
Đầy “bí kíp” nhưng vẫn ngã ngựa
Theo thông tin PV nắm được, với bằng thạc sĩ kinh doanh cộng với kinh nghiệm 20 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, Phạm Quyết Thắng từng được nhiều ngân hàng lớn “săn đón” để chèo lái doanh nghiệp của mình. Ông Thắng đã từng giữ nhiều vị trí cốt cán tại VPbank và GPbank.
Trước khi giữ chiếc ghế cao nhất trong ban điều hành của GPbank, ông Thắng từng có thời gian dài làm việc tại VPbank. Năm 2009, ông giữ chức Giám đốc chi nhánh VPbank Đông Đô.
Ông Thắng bắt đầu sự nghiệp tại GPbank vào tháng 5/2009 với chức danh Phó tổng giám đốc. Thời điểm này, GPbank đang rúng động với sự kiện 2 nguyên Phó tổng giám đốc Vũ Ngọc Toàn, Đỗ Như Phụng bị bắt để điều tra vụ án tiếp tay cho đối tác lợi dụng việc kinh doanh bất động sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi đó, ông Nguyễn Hữu Thủy, vốn là Phó tổng Giám đốc ngân hàng Vietinbank được điều về làm Tổng giám đốc GPbank. Sau đó, ông Thủy được điều chuyển công tác và ông Thắng trở thành người thay thế cho ông Thủy, chính thức tiếp quản chiếc ghế Tổng giám đốc GPbank.
Khi đó, ông Thủy chuyển về Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Giám sát Tập đoàn Tài chính, trước khi trở thành lãnh đạo của VAMC.
Trong thời gian làm việc tại GPbank, ông Thắng cùng ngân hàng này đã có nhiều thành tích đáng nể như đạt giải thưởng Thương hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2010. Tháng 12/2010, ngân hàng này cũng tăng vốn điều lệ lên trên 3.000 tỷ đồng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên cũng trong thời điểm này, ông Long, An và các đối tượng nêu trên đã có hành vi vi phạm pháp luật. Vào thời điểm đó hành vi vi phạm chưa bị lộ vì được các đối tượng thực hiện rất tinh vi.
Khi thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vào cuộc năm 2012 đã phát hiện ngân hàng này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả…
Thời điểm năm 2014, xu hướng mua bán và sát nhập các ngân hàng diễn ra “ nóng” . Một tập đoàn tài chính của Singapore đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tiếp cận GPbank để mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên thương vụ thất bại do phía GPbank không đồng ý mức giá mà đơn vị của Singapore đưa ra.
Sự việc kéo dài đến cuối năm 2014, khi GPbank có báo cáo tài chính xấu khi âm vốn chủ sở hữu hơn 9.000 tỉ đồng (trong khi vốn điều lệ chỉ 3.000 tỉ đồng), nợ xấu tới 45%. Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, GPbank bị mua lại với giá 0 đồng.
Một lãnh đạo ngân hàng Công Thương Việt Nam được điều chuyển sang thay thế ông Thắng từ tháng 7/2015.
Chân dung người chủ mưu Theo điều tra, ông Tạ Bá Long (SN 1955, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPbank) được xác định có vai trò chủ mưu trong vụ án trên. Trước đó, ngày 26/5/2015, Ngân hàng Nhà nước có thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với cả ông Tạ Bá Long và ông Đoàn Văn An ở GPbank. Ngoài hai ông này, còn có bà Tạ Thu Thủy, thành viên HĐQT cũng bị đình chỉ quyền và nghĩa vụ. Được biết, ông Tạ Bá Long là Tiến sĩ khoa học, từng là Chủ tịch của GPbank từ 2002 đến tháng 6/2015 – khi bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ quyền và nghĩa vụ tại GPbank. Theo bản cáo bạch phát hành năm 2010 thì ông Tạ Bá Long sở hữu 4,9% vốn của GPbank tại thời điểm năm 2010 với 9,8 triệu cổ phần. Ngoài ra trong thời điểm trên, ông Tạ Bá Long còn là thành viên HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI). Theo giới thiệu của công ty này thì với bề dày kinh nghiệm và thâm niên trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và tài chính ngân hàng, ông Long đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công ty. Theo tài liệu, PVFI là đơn vị duy nhất đại diện cho CBNV của tập đoàn Dầu khí (PVN) thực hiện đầu tư vào các dự án, các công ty cổ phần; đại diện quản lý phần vốn góp của Cán bộ CBNV tập đoàn tại các công ty cổ phần/dự án; đồng thời thực hiện đầu tư tài chính, cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và phát triển kinh doanh. Song song với đó, doanh nhân Tạ Bá Long còn là chủ tịch HĐQT của công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Thủ Đô – đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower số 109 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
N.P.V
Theo_Người Đưa Tin
Bóc vụ liên doanh Lifepro lừa Agribank 2.700 tỷ đồng
Agribank đã bị một số đối tượng nước ngoài lừa đảo, gây thiệt hại lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Nhưng chính các cựu cán bộ cấp cao của ngân hàng này đã giúp hành vi phạm tội được thực hiện trót lọt.
Trong số 18 bị can của vụ án, có 13 bị can nguyên là cán bộ của Agribank
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, có 18 bị can, trong đó 13 bị can nguyên là cán bộ của Agribank, bị truy tố về các tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Khoản thiệt hại nghìn tỷ nói trên có liên quan đến một nhóm các pháp nhân, trong đó hạt nhân là Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam. Tiền thân của Lifepro Việt Nam là CTCP Enzo Việt (thành lập năm 2007), do một nhóm cổ đông người nước ngoài sáng lập, gồm Yang Hong (quốc tịch Trung Quốc) là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật; Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada), cổ đông; Boubker El Fehdi (quốc tịch Canada) Tổng giám đốc; Driss Bou Chama (quốc tịch Canada), Giám đốc Công nghiệp và Manuela Polga (quốc tịch Italia). Công ty Enzo Việt có dự án xây dựng Nhà máy Dệt nhuộm may công nghiệp tại Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư hơn 32 triệu USD, sản xuất vải dệt và quần áo.
Quá trình thực hiện dự án, Enzo Việt đã nhiều lần vay vốn tại Agribank và đã trả nợ gốc và lãi. Năm 2011, Công ty Enzo Việt được chuyển đổi thành Công ty Liên doanh Lifepro và dự án Nhà máy Dệt nhuộm may được đổi tên thành Dự án Luxfashion, Yang Hong là Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật Công ty. Liên doanh Lifepro tiếp tục đề nghị vay vốn tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và thực tế đã được giải ngân nhiều lần với tổng số tiền quy đổi lên tới hơn 2.177 tỷ đồng.
Khi vay vốn, các đối tượng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc tạo lập hồ sơ giả vay vốn để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang. Các đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm tiền vay của một số đối tác Việt Nam. Riêng đối với việc chuyển nhượng thương hiệu, Agribank đã giải ngân 50 triệu USD cho Lifepro nhưng kết quả điều tra xác định, những thương hiệu này không có thật hoặc không thuộc sở hữu của bên chuyển nhượng, số tiền bị chủ đầu tư chuyển ra nước ngoài để chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng thiệt hại của Agribank thông qua việc cho vay đối với nhóm các công ty liên quan đến Lifepro là 2.755 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi vụ án bị phát hiện. Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang thực hiện lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng trên.
Để xảy ra vụ án gây hậu quả nghiêm trọng này, cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân nguyên là cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp và hải quan đã có các hành vi phạm tội. Cụ thể, từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2012, Phạm Thị Bích Lương, cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, đã ký các đề nghị HĐQT Agribank nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay các khoản mà Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với các đơn vị: Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, CTCP Vietmade, CTCP Lifepro Việt Nam.
Tuy nhiên, trong việc nâng quyền phán quyết, Lương lập hồ sơ cho vay hoàn toàn không có căn cứ, không thẩm định thực tế, mà chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp cung cấp, cố tình bỏ qua các điều kiện về giải ngân của Agribank như tài sản đảm bảo, giá trị tiền cho vay..., từ đó dẫn đến việc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội bị thiệt hại hơn 2.755 tỷ đồng.
Theo các nghị quyết HĐQT Agribank, nguồn vốn cho vay đối với dự án của Công ty Liên doanh Lifepro là do Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thu xếp từ nguồn vốn vay tài trợ thương mại hoặc từ nguồn vốn huy động. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, bị can Phạm Thanh Tân, cựu Tổng giám đốc Agribank, đã ký cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ Hội sở, trái với Nghị quyết của HĐQT Agribank. Trong quá trình giải quyết cho vay này, Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền (cựu Phó giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) khai đã nhận từ đối tác nước ngoài số tiền 898.000 USD để chi phí, trong đó, bị can Phạm Thanh Tân nhận 310.000 USD (bị can Tân thừa nhận khoản tiền này).
Các bị can từng là lãnh đạo Agribank như: Phạm Thanh Tân, Hoàng Tuấn Anh, cựu Ủy viên HĐQT; Đỗ Quang Vinh, cựu Trưởng ban tín dụng doanh nghiệp; Kiều Trọng Tuyển, cựu Phó tổng giám đốc... còn bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng khi đã ký duyệt nâng quyền phán quyết cho vay tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thiếu căn cứ, không kiểm tra kỹ các hồ sơ thẩm định do cấp dưới trình, không chỉ đạo kiểm tra giám sát trong quá trình vay vốn...
Được biết, cơ quan điều tra xác định, tổng cộng tài sản đảm bảo, thu hồi và có cơ sở xác định được giá trị là 621 tỷ đồng. Các bị can và người liên quan trong vụ án đã nộp lại số tiền được hưởng lợi là hơn 7,8 tỷ đồng.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
"Cố ý làm trái" là tội danh rất chung chung, khó luận tội" "Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS" Tại Điều 165, Bộ Luật Hình sự hiện hành về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả...